Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 02 (3-6)
Lời Phật dạy:
“Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì
Không sở hữu, không nắm
Ta gọi Bà La Môn”.
Kinh Pháp Cú Phẩm Bà La Môn.
Giảng nghĩa:
Bốn câu kệ trên đây để xác định một vị tu sĩ Phật giáo giữ đúng Thánh hạnh mà ngày xưa Đức Phật thường xem mình như một Bà La Môn nghiêm trì giới luật không hề sai phạm.
Câu kệ thứ nhất dạy: “Ai quá, hiện, vị lai.” Có nghĩa là người tu sĩ nào trong ba thời gian quá khứ, vị lai và hiện tại sống không có của cải tài sản, sống không gia đình, không nhà cửa, đời sống luôn luôn thiểu dục tri túc, chỉ có ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Đó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Người sống đúng Phạm hạnh như vậy mới được gọi là Bà La Môn.
Vì thế câu kệ thứ hai đã xác định điều này: “Không một sở hữu gì.” Cho nên người tu sĩ không có của cải tài sản, không có gia đình, không có nhà cửa thì không có sự ràng buộc, không bị dính mắc. Do không bị tài sản, của cải ràng buộc, dính mắc thì đó là giải thoát các bạn ạ! Giải thoát phần thô về vật chất. Nếu phần vật chất đã lìa xa thì phần nội tâm quét cũng không còn khó khăn. Hai phần này gom lại là tâm đã ly dục ly ác pháp. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Cho nên câu kệ thứ ba dạy: “Không sở hữu, không nắm.” Người tu sĩ tu tập mà đạt được tâm bất động như vậy thì Đức Phật mới gọi là Bà La Môn. Một vị tu sĩ Bà La Môn mà được Đức Phật chấp nhận là phải có những tiêu chuẩn hẳn hoi như trên đã nói. Các bạn có nhận xét điều này không? Bởi vậy trong thời đại này, nhìn các tu sĩ Phật giáo trong các hệ phái khác nhau thì chúng ta biết rõ Phật giáo đã bị chia chẻ tan nát.
Chia chẻ từ hình thức ăn mặc cho đến tinh thần giáo pháp, nhất là Đại Thừa Phật giáo tự vỗ ngực xưng mình có 84 ngàn pháp môn. Có 84 ngàn pháp môn, nếu ai chấp vào pháp môn nào thì có thể chia ra làm nhiều hệ phái khác nữa. Và như vậy Phật giáo còn gì gọi là đoàn kết, giáo lý của Phật chỉ là những pháp môn góp nhặt. Đó là nói lên sự suy yếu rất lớn của Phật giáo.
Phật giáo chỉ có một pháp môn duy nhất, đó là Đạo Đế. Đạo Đế là một chân lý trong bốn chân lý bất di bất dịch của đạo Phật, không ai có thể thay đổi được. Thế mà bây giờ lại có tám mươi bốn ngàn pháp môn thì các bạn nghĩ sao. Có đúng là pháp môn của Phật không?
Ngày xưa tu hành Đức Phật không có tham vọng như các Tổ ngày nay. Ngài tự thấy mình là một Bà La Môn, một Bà La Môn sống có đạo đức, không mê tín, không cúng bái, cầu siêu, cầu an, v.v... không lừa đảo người trước mặt cũng như sau lưng, chỉ tu hành sống đúng Phạm hạnh, nhờ đó Ngài mới tìm thấy có sự giải thoát rõ ràng, cụ thể. Cho nên trong kinh Pháp Cú, Ngài thường nhắc nhở các vị tỳ-kheo nào sống đúng giới luật thì người ấy được gọi là Bà La Môn chân chánh, còn những vị nào sống không đúng giới luật, phá giới, phạm giới thì Đức Phật gọi là Bà La Môn ngoại đạo.
Trong thời gian hoằng hóa độ sanh, Đức Phật cũng tự cảm thấy mình là một Bà La Môn, nhưng một Bà La Môn sống trước mặt cũng như sau lưng mọi người không hề thiếu mười hai Đức Thánh hạnh này. Đó là:
1- Như Lai; 2- A-la-hán; 3- Ứng Cúng; 4- Chánh Biến Tri; 5- Minh Hạnh Túc; 6- Thiện Thệ; 7- Thế Gian Giải; 8- Vô Thượng Sĩ; 9- Điều Ngự Trượng Phu; 10- Thiên Nhân Sư; 11- Phật; 12- Thế Tôn
Chúng tôi xin giải nghĩa của mười hai hiệu Đức Thánh này:
1- Như Lai: Dịch âm tiếng Phạn Tathàgata có nghĩa là vì theo con đường như thật đi tới mà thành Chánh Giác. Như Lai cũng có nghĩa là bậc tu hành đã xong, không còn tái sinh trở lại cuộc đời này nữa tức là đã làm chủ sinh, tử và chấm dứt luân hồi. Như Lai là một “Đức Thánh Không Đến Không Đi.”
2- A-la-hán: Dịch âm tiếng Phạn Arahant. A-la-hán đồng nghĩa với Ứng Cúng có nghĩa là giết giặc phiền não, bất sanh mãi mãi ở trong Niết Bàn, xứng đáng nhận sự cúng dường của Trời, Người. Tóm lại bậc A-la-hán đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả, có đủ sáu pháp huyền diệu, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai. Danh hiệu này Đại Thừa cho là còn thấp kém, chỉ là quả cao nhất của Tiểu Thừa. A-la-hán còn gọi là “Đức Thánh Vô Lậu.” Đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
3- Ứng Cúng: Dịch âm tiếng Phạn Arahant nghĩa là bậc đã xa lìa mọi điều ác, xứng đáng được hưởng thọ sự cúng dường của Người, Trời. Bậc đầy đủ phước báu không ai hơn. Ứng Cúng là đức hạnh xa lìa những điều ác xứng đáng là nơi phước báu vô lượng để chúng sanh Trời Người cúng dường, nên gọi là “Đức Thánh Phước Điền.”
4- Chánh Biến Tri: Dịch âm tiếng Phạn Samya-sambuddha nghĩa là chánh trí biết rõ mọi pháp như thật. Chánh biến tri còn có nghĩa là trí hiểu biết chân chánh không bị tà pháp, tà kiến, tưởng kiến, tà giáo lừa đảo, trí hiểu biết vượt ra khỏi sự hiểu biết trong khuôn khổ nề nếp phong tục, tập quán và các hệ tư tưởng của các tôn giáo trên thế gian này. Chánh Biến Tri còn gọi là “Thánh Hạnh Liễu Tri.”
5- Minh Hạnh Túc: Dịch âm tiếng Phạn: (Vidyàcarana sampana) có nghĩa là bậc có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh.
Trí Tuệ gồm đủ có ba: a) Ý thức tuệ; b) Tưởng thức tuệ; c) Tam minh tuệ.
Tam Minh Tuệ gồm có ba: a) Vô thời gian tuệ; b) Vô không gian tuệ; c) Vô lậu tuệ.
Thánh đức gồm có bốn: Đức Từ, Đức Bi, Đức Hỷ, Đức Xả.
Thánh hạnh gồm có năm hạnh: Thắng hạnh, Chánh hạnh, Trực hạnh, Diệu hạnh, Tịnh hạnh.
6- Thiện Thệ: Dịch từ tiếng Phạn Sugata nghĩa là bậc đã tu tập hoàn thành con đường Bát Chánh Đạo, bậc đã làm xong các hạnh lành, không còn trở lui về ác pháp và cuộc đời này nữa. Thiện Thệ còn gọi là “Thánh hạnh tự tại sinh tử.”
7- Thế Gian Giải: Dịch từ tiếng Phạn Lokavit: có nghĩa là giải thích rõ các pháp trong thế gian, không còn pháp nào mà không giải thích được. Thế gian giải có nghĩa là bậc thông suốt tất cả các pháp thế gian. Bậc có thể hiểu rõ các lý và sự của loài hữu tình và vô tình. Thế Gian Giải còn gọi là “Thánh hạnh giải thông suốt các pháp thế gian.”
8- Vô Thượng Sĩ: Dịch từ tiếng Phạn Anu Hara: có nghĩa là bậc cao hơn hết trong các hàng chúng sanh. Một con người làm chủ tột đỉnh giải thoát, không còn có sự giải thoát nào cao hơn nữa. Vô thượng sĩ còn gọi là “Thánh hạnh giải thoát cao nhất.”
9- Điều Ngự Trượng Phu: Dịch từ tiếng Phạn Purusa-danya-sàrathi: có nghĩa là bậc điều khiển được mình và tất cả chúng sanh tức là bậc đã làm chủ được mình và tất cả các pháp, nói một cách dễ hiểu hơn là bậc tâm đã bất động trước các pháp và các cảm thọ. Điều Ngự Trượng Phu còn gọi là “Thánh hạnh nhiếp phục các pháp và các cảm thọ.”
10- Thiên Nhân Sư: Dịch theo tiếng Phạn Sàtàde-vanà- syànàm: nghĩa là bậc Thầy của Trời, Người. Dạy cho Trời, Người những gì nên làm và những gì không nên làm. Thiên Nhân Sư còn gọi là “Đức Thánh Thầy Trời, Người.”
11- Phật: Dịch âm chữ Buddha có nghĩa là bậc giải thoát hoàn toàn, bậc Giác Ngộ. Phật còn gọi là “Đức Thánh Giác Ngộ.”
12- Thế Tôn: Dịch âm tiếng Phạn Bhagavat có nghĩa là bậc cao hơn hết trong cõi Trời, Người, được tất cả Trời, Người đều tôn kính trọng. Thế Tôn còn gọi là “Đức Thánh tôn kính.”
Mười hai đức hạnh tối cao trên đây nếu người tu sĩ nào làm được thì Đức Phật gọi người ấy là Bà La Môn. Tóm lại bài kệ trên đây đã xác định một người Bà La Môn đúng tiêu chuẩn của Phật giáo là không có một vật sở hữu nào cả suốt trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai thì mới đúng nghĩa:
“Ai quá, hiện, vị lai.
Không một sở hữu gì.
Không sở hữu, không nắm.
Ta gọi Bà La Môn.”
Đúng vậy, lúc nào cũng nhớ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và hạnh tri túc thì mới xứng đáng là Bà La Môn của Phật giáo. Đọc bài kệ này chúng ta mới biết Phật giáo là do người sau lập thành tôn giáo lấy tên là Phật giáo, còn riêng Đức Phật thì không có ý đó.
Tại sao vậy?
Bởi đạo Phật là đạo đức của con người trên hành tinh này, nó là chân lý của loài người nên không thể xây dựng nó thành tôn giáo được, vì tôn giáo sẽ bị hạn cuộc trong một số người rất ít chứ không được phổ cập rộng rãi khắp mọi người, mọi nơi. Và khi thành lập ra tôn giáo là sẽ chia chẻ con người, mà chia chẻ con người thì không còn là đạo đức. Hình thức chia chẻ là vì quyền lợi riêng tư cho cá nhân hay tập thể nhỏ. Cho nên các Tổ không hiểu điều này, vì quyền lợi riêng tư mà các Tổ đã làm một việc rất sai lầm, biến chân lý và đạo đức của loài người thành chân lý và đạo đức riêng tư của tôn giáo. Một bằng chứng rất hùng hồn, từ những tham vọng ấy, các Tổ đã chia nát Phật giáo ra nhiều hệ phái, làm cho Phật giáo suy yếu và mất gốc. Từ Phật giáo của chung của nhân loại đã trở thành của riêng và còn của riêng nhiều vị Tổ nữa. Thật là đau lòng, phải không hỡi các bạn?
Riêng Đức Phật chỉ thấy mình là một Bà La Môn và cố gắng làm tốt hơn cho Bà La Môn giáo chứ không có mục đích thành lập tôn giáo riêng tư, chỉ vì người sau không hiểu ý Phật nên dựa vào mười hai danh hiệu của Ngài mà đặt tên cho tôn giáo. Từ đó mới có tên là Phật giáo.
4. KỆ LÚC THÀNH ĐẠO
Lời Phật dạy:
“Thiên thượng, thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử.”
Giảng nghĩa:
Bốn câu kệ trên để chứng minh và xác định đạo Phật ra đời vốn giải quyết bốn sự đau khổ lớn nhất của loài người: “sanh, già, bệnh, chết.” Vì thế mục đích tu hành của đạo Phật là “tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ,” chứ không phải vì Thiên đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, Phật Tánh, v.v...
Trong tất cả các pháp môn của Đức Phật đều dạy chúng ta tu tập để thực hiện đạo đức làm Người, làm Thánh. Muốn làm người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì duy chỉ có thiện pháp mới giải quyết mọi sự đau khổ của chúng ta, tức là không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh nữa.
Muốn được thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự đều phải sống đúng thiện pháp, hằng ngày thường ngăn và diệt ác pháp; muốn làm chủ sanh tử luân hồi và chấm dứt tái sanh đều phải sống đúng thiện pháp. Nếu không do thiện pháp mà tu tập thì không bao giờ làm chủ và chấm dứt được nó, vì thế đời đời phải chịu trôi lăn trong sáu đường luân hồi khổ đau.
Thiền định có nhập được cũng phải do thiện pháp, ngoài thiện pháp đi tìm thiền định thì không bao giờ có, chỉ có tà thiền của ngoại đạo mà thôi. Do đó chúng ta thấy ai tu thiền định mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì biết ngay họ tu tà thiền, tà định, dù họ có tu muôn đời, muôn kiếp cũng chẳng có kết quả giải thoát gì, chỉ uổng phí một đời tu hành mà thôi.
Đối với đạo Phật thiện pháp có một tầm rất là quan trọng trên bước đường tu hành giải thoát, nếu không tu thiện pháp thì dù có tu tất cả các pháp môn nào khác cũng đều tu hành không đúng pháp môn của đạo Phật. Vì thế, tu theo Phật giáo mà không tu tập thiện pháp tức là không giữ gìn giới luật nghiêm túc thì đừng mong làm chủ sanh, già, bệnh, chết như trong bài kệ Đức Phật đã tự tán thán mình:
“Thiên thượng, thiên hạ,
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian,
Sanh, lão, bệnh, tử.”
Sau khi tu chứng đạo, Đức Phật dùng trí tuệ Tam Minh quan sát thấy rằng khắp trên thế gian này từ vô thủy cho đến ngày nay (ngày Đức Phật tu chứng) không thấy có một người nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết như Ngài, nên Ngài nói lên bài kệ này là để xác định vị trí và thế đứng độc lập của đạo Phật. Cho nên, đạo Phật không vay mượn giáo lý của bất cứ một tôn giáo nào khác. Một bằng chứng hiển nhiên là tất cả các tôn giáo khác trên hành tinh này đều tin tưởng có thế giới siêu hình, còn Phật giáo thì không chấp nhận thế giới siêu hình. Cũng như tất cả các tôn giáo khác đều không có nền tảng đạo đức vững chắc như đạo Phật. Đạo đức tự lực không dựa vào thần quyền.
Vì thế đạo đức của Phật giáo là đạo đức nhân bản – nhân quả, một đạo đức cao thượng sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh; một đạo đức cao quý tuyệt vời làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi; một đạo đức biến cuộc sống loài người trên thế gian này thành cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.
Nói đến đạo đức nhân bản – nhân quả là phải dẹp bỏ tha lực, nếu còn cầu cúng, tế lễ, cầu phước, cầu tự, cầu an, cầu siêu, v.v... là đi ngược lại đạo đức nhân bản – nhân quả của đạo Phật và con người sẽ sống trong ảo tưởng, mê tín và lạc hậu. Đạo Phật là đạo tự lực nên Đức Phật khuyên các đệ tử của mình: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo, không thể đi thay cho các con được.” Vì tự mình phải thắp đuốc lên mà đi, nên Phật giáo phải xây dựng một nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả vững chắc cho ngôi nhà thiền định. Cho nên thiền định của Phật giáo mới được gọi là chánh định, bởi chánh định có một nội lực giúp cho chúng ta làm chủ thân tâm, tự tại trong sự sống chết như bài kệ trên đã nói.
5. BẬC CHIẾN THẮNG
Lời Phật dạy:
“Bậc trâu chúa, thù thắng.
Bậc anh hùng, đại sĩ.
Bậc chiến thắng, không nhiễm.
Bậc tẩy sạch, giác ngộ.
Ta gọi Bà La Môn.”
Kinh Pháp Cú.
Giảng nghĩa:
Người tu hành theo Phật giáo phải như con trâu chúa, lúc nào cũng phải đứng lên trên Trời, Người, nên câu kệ thứ nhất trong bài này Đức Phật dạy: “Bậc trâu chúa, thù thắng.” Đúng vậy, Người tu sĩ Phật giáo phải là người anh hùng, kiên gan, bền chí như đất trời không hề lùi bước trước gian nan khó khăn nào cả. Nên câu thứ hai Đức Phật dạy người tu sĩ theo Phật giáo xem cái chết nhẹ như lông hồng phải chứng tỏ mình: “Bậc anh hùng, đại sĩ.”
Thế mà thời nay nhìn lại tu sĩ Phật giáo phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì còn gì là bậc trâu chúa, bậc thù thắng, bậc anh hùng đại sĩ. Phải không các bạn? Toàn là những bậc ăn bám vào tín đồ giống như loài ký sinh trùng (trùng trong lông sư tử).
Người tu sĩ Phật giáo phải luôn luôn là người chiến thắng giặc ăn, giặc ngủ, giặc hội họp, giặc tham, giặc sân, giặc si... Muốn chiến thắng được như vậy thì giới luật là khuôn phép để chúng ta khép mình sống đúng Thánh hạnh để tôi luyện mình trở thành những thanh thép hữu ích cho mình, cho người, cho đời, cho xã hội, cho quê hương đất nước, cho thế giới, cho cả sự sống trên hành tinh này.
Nếu không tôi luyện mình như vậy thì thân tâm dễ bị ô nhiễm những dục lạc thế gian. Phải không các bạn? Bởi vậy bậc chiến thắng là đệ tử của Đức Phật phải là những người không đắm nhiễm; không đắm nhiễm tất cả mọi dục lạc. Nếu chỉ còn đắm nhiễm một chút xíu dục lạc nhỏ như hạt phù sa sông Hồng (1) thì cũng chưa phải là người chiến thắng giặc sanh tử, cho nên Đức Phật dạy: “Bậc chiến thắng, không nhiễm.” Từ không nhiễm lớn đến không nhiễm nhỏ, hoàn toàn phải sạch bóng sự ô nhiễm thì mới được gọi là bậc Giác Ngộ. Vì thế trong bài kinh Pháp Cú đã dạy: “Bậc tẩy sạch, giác ngộ.”
Nếu không quét sạch giặc tham, sân, si..., ngũ triền cái, thất kiết sử..., thì làm sao có sự thanh bình trong tâm hồn mình. Phải không hỡi các bạn? Qua bài kệ này, muốn được Đức Phật chấp nhận mình là một Bà La Môn đúng nghĩa của Bà La Môn thì phải sống đầy đủ đức hạnh không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh. Dựa vào lời dạy trên đây chúng ta xét thấy trong thời Đức Phật còn tại thế có thể chia ra bốn loại Bà La Môn:
- Bà La Môn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới.
- Bà La Môn cúng bái tế tự, cầu siêu, cầu an, làm những điều mê tín, v.v...
- Bà La Môn xây dựng thế giới tâm linh, sống trong ảo tưởng, mơ mộng hư ảo; lừa đảo, lường gạt người để được ngồi trong mát ăn bát vàng.
- Bà La Môn chuyên tu tập luyện thần thông trừ tà, yểm quỷ, bắt ma trị bệnh bằng phù phép tạo ra một thế giới siêu hình huyền ảo khiến cho con người mất hết sức tự chủ, chỉ còn biết tựa nương vào Thần Thánh, Tiên, Phật hoặc Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
Những hạng Bà La Môn này ngày xưa Đức Phật còn tại thế không bao giờ chấp nhận, chỉ có ngày nay Đại Thừa chấp nhận và vì thế những người tu sĩ Đại Thừa có một nếp sống và những việc làm mơ hồ ảo tưởng, mê tín lạc hậu, bùa chú thần thông pháp thuật cũng giống như những Bà La Môn ngày xưa đã nói ở trên. Còn Đức Phật thì cho những tu sĩ đó là Ma Ba Tuần đang phá và diệt Phật giáo.
Qua bài kệ này chúng ta thấy rõ ràng Đức Phật đã tự cho mình là Bà La Môn “Ta gọi Bà La Môn” theo nghĩa Bà La Môn phải là những bậc:
“Bậc trâu chúa, thù thắng
Bậc anh hùng, đại sĩ.
Bậc chiến thắng, không nhiễm
Bậc tẩy sạch, giác ngộ.”
Nhìn vào tiêu chuẩn bốn bậc Bà La Môn ở trên đây thật khó cho một người không có quyết tâm cao, không có nhiệt tâm nồng cháy trong việc đi tìm đường giải thoát, đi tìm đường liễu sinh thoát tử trở thành những bậc này. Phải không hỡi các bạn?
[(1) Sông Hồng là một dòng sông lớn xuất phát từ bên Trung Quốc chảy ra biển Đông ngang qua nước Việt Nam. Tác giả mượn tên sông Hồng là chỉ cho người Việt Nam cũng làm được một việc vĩ đại như người Ấn Độ có sông Hằng.]
6. BÀ LA MÔN
Lời Phật dạy:
“Ai biết được đời trước
Thấy Thiên giới, đọa xứ
Đạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc Mâu Ni đạo sĩ
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà La Môn.”
Kinh Pháp Cú.
Giảng nghĩa:
Một lần nữa Đức Phật xác định cho chúng ta thấy một tu sĩ Phật giáo được gọi như thế nào là một Bà La Môn chân chánh trong những tiêu chuẩn nào? Đọc bài kệ trên đây trong kinh Pháp Cú chúng ta mới thấy rõ một vị tu sĩ Phật giáo được gọi là Bà La Môn chân chánh thì phải hội đủ những tiêu chuẩn:
1- Biết được đời trước của mình là phải có Tam Minh. Trong Tam Minh có Túc Mạng Minh. Có Túc Mạng Minh mới biết được nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ của mình và của người khác. Một Bà La Môn chân chánh tu tập phải có Túc Mạng Minh biết được nhiều đời của mình thì mới được gọi là một Bà La Môn, bằng không biết thì không được gọi là Bà La Môn. Cho nên câu kệ này dạy: “Ai biết được đời trước.”
Chúng ta hiện giờ nhìn lại tu sĩ Phật giáo có vị nào tu tập biết được nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ của mình chưa? Nếu chưa biết thì chưa được gọi là Thánh Tăng, Thánh Ni, chưa được gọi là Bà La Môn chân chánh. Phải không các bạn?
2- Một người được gọi là Bà La Môn là phải có trí tuệ nhân quả thấy thiện và ác rất rõ ràng. Người thấy thiện ác rõ ràng là người có chánh tri kiến. Người có chánh tri kiến là người ly dục ly ác pháp. Người ly dục ly ác pháp là người tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Người có tâm bất động là người xứng đáng được gọi là Bà La Môn chân chánh.
Hiện giờ nhìn xem những tu sĩ Phật giáo thì chúng ta biết ngay họ chưa ly dục ly ác pháp vì họ còn ăn uống và ngủ nghỉ phi thời, tâm còn ham vui, thích tài sản, của cải, tiền bạc, nhà cửa sang đẹp, như chùa to Phật lớn, v.v... Chính họ không thấy những sự ham muốn đó là dục, là ác pháp. Do như vậy họ chưa xứng đáng làm Thánh Tăng, Thánh Ni; chưa xứng đáng làm Thánh Tăng, Thánh Ni thì làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật được. Họ là những người không thấy nhân quả thiện ác thì làm sao được gọi là Bà La Môn chân chánh. Cho nên câu kệ thứ hai Đức Phật đã xác định: “Thấy Thiên giới, đọa xứ.” Câu này chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Vậy Thiên giới và đọa xứ là gì?
Thiên giới là cõi Trời; đọa xứ là địa ngục. Ở đây không phải là cõi Trời mà là mười thiện, ở đây không phải là địa ngục mà là mười ác. Thấy thiên giới, đọa xứ là thấy mười thiện, mười ác. Thấy mười thiện và mười ác là thấy nhân quả. Thấy được nhân quả thì mới được Đức Phật chấp nhận là Bà La Môn chân chánh. Có hiểu nghĩa như vậy mới hiểu lời Đức Phật dạy. Các bạn có hiểu đúng nghĩa như vậy không?
Nhưng một vị Bà La Môn chân chánh đâu phải tu tập có bấy nhiêu pháp thôi, mà còn phải tu tập nhiều hơn nữa, phải làm chủ sanh tử như câu kệ dưới đây: “Đạt được sanh diệt tận.” Vậy, sanh diệt tận nghĩa là gì?
Sanh là đời sống, sự sống; diệt là chết, sự chết; tận là tận cùng, cuối cùng, chấm dứt. Toàn nghĩa câu này là phải đạt cho được sự tận cùng sống chết của kiếp làm người thì mới được Đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn chân chánh, còn chưa tu tập được như vậy thì chưa xứng đáng là Tăng, là Ni đệ tử của Phật. Làm một đệ tử của Đức Phật đâu phải dễ. Phải không hỡi các bạn?
Phải đầy đủ thắng trí. Vậy thắng trí là gì? Thắng trí là một trí tuệ chiến thắng mọi ác pháp và các cảm thọ, một trí tuệ không bao giờ chịu khuất phục trước mọi trở ngại, gian nan hay mọi việc khó khăn nào, luôn luôn giành phần thắng về mình. Có thắng trí như vậy là có sự chiến thắng vẻ vang trong trận đánh giặc sanh tử luân hồi. Người có thắng trí mới xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, mới xứng đáng là Bà La Môn chân chánh, nên câu kệ dạy: “Thắng trí, tự viên thành.”
Người có thắng trí là người thành tựu đạo giải thoát dễ dàng, đâu cần gì tu tập nữa. Có đúng như vậy không các bạn? Hai câu kệ cuối cùng để tán thán một người tu sĩ Phật giáo thành tựu viên mãn đạo giải thoát:
“Bậc Mâu Ni đạo sĩ.
Viên mãn mọi thành tựu.”
Vậy Mâu Ni và viên mãn nghĩa là gì?
Mâu Ni dịch âm tiếng Phạn là Mouni có nghĩa là năng nhơn, năng từ, năng mãn, năng tịch, v.v... Năng nhơn nghĩa là lòng thương người; năng từ là lòng từ bi; năng mãn là tâm tròn đầy đức hạnh; năng tịch là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Tóm lại nghĩa của toàn câu kệ này là bậc đạo sĩ đầy đủ những năng lực siêu việt không có một người nào hơn được “Bậc Mâu Ni đạo sĩ.”
Viên mãn: là tròn đầy, đầy đủ, không còn thiếu khuyết một chỗ nào cả. Nghĩa của câu này là tất cả những pháp môn tu hành của Phật giáo đều đã tu hành xong: “Viên mãn mọi thành tựu.” Đọc bài kệ trên đây chúng ta thấy được những kết quả vĩ đại của một người tu theo Phật giáo mà đáng được gọi là Bà La Môn đâu phải dễ như toàn bài kệ:
“Ai biết được đời trước
Thấy Thiên giới, đọa xứ
Đạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc Mâu Ni đạo sĩ
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà La Môn.”
Được gọi là Bà La Môn là phải tu tập cho đến nơi đến chốn chứ không phải tu danh, tu lợi theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông. Có đúng như vậy không các bạn?