Skip directly to content

Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 12 (45-46)

45. THỌ BÁT QUAN TRAI
LÀ GIEO DUYÊN PHẬT PHÁP

Hỏi: Kính thưa Thầy, chúng con xin hứa khả trước bậc Thầy tôn kính là: “Con xin cố gắng nỗ lực hơn nữa, rèn luyện và khắc kỷ tinh tấn nhiều hơn nữa, để làm tròn những lời dạy bảo răn nhắc của Thầy về đức hạnh làm người cho tròn và ước nguyện con còn muốn đi xa hơn nữa. Đó là theo bước chân của Phật và của Thầy đã đi qua, cô Út Diệu Quang đang đi tới. Con còn phải tu tập xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi và các kiết sử cho rốt ráo hơn nữa, nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là chặng đường con mới đặt chân lên, con tự thấy con còn yếu ớt quá, không hiểu rồi đây, kiếp đời này con có làm được như ý nguyện lớn lao này không?

Tuổi đời cũng đã cao, gia duyên con còn nặng quá! Sức khỏe vô thường không biết nó sẽ chi phối lâu mau như lời dạy của Thầy: “Các con hiện giờ như chiếc xe cũ... lại đổ dốc... ôi! Chắc đôi mắt “thông suốt đường đi lối về của nhân quả” mà Thầy của chúng con nay đã nhìn thấy.... Chúng con đang chơi vơi ở đáy sông đáy biển mà không hay biết gì cả. Chúng con chỉ còn một cách là tự cứu mình như lời dạy của Thầy. Con xin ghi khắc và cố gắng xả tâm diệt ngã để cho mau chóng “tâm như cục đất.”

Kính thưa Thầy, lá thư con dâng lên trình Thầy vào đúng ngày 15-4-2000 âm lịch, là ngày Đản Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng con nguyện ngày hôm nay là ngày thọ tám giới. Chúng con cố gắng sức nỗ lực tinh tấn hơn các ngày khác để lấy công đức tu hành nhỏ bé này dâng lên cúng dàng Phật Tổ và đức Từ Phụ để tỏ lòng biết ơn sâu dầy đến bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đã tìm ra, và dựng lại con đường Chánh Pháp mà bấy lâu nay đã dần tắt ngấm.

Đáp:  Đức Phật đã hiểu rõ hoàn cảnh của người cư sĩ không thể nào xuất gia tu hành ngay liền được, nên Ngài đã chỉ dạy cho cư sĩ trong mỗi tháng nên tu tập một hoặc hai ngày “Thọ Bát Quan Trai,” tức là tập sống đúng như Phật và chúng Thánh Tăng. Trong ngày ấy giữ gìn tám giới thanh tịnh và ôm pháp tu tập, tức là không lìa pháp, nghĩa là ngày ấy lấy pháp ngăn ác diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện pháp.

Vì thế ngày ấy phải sống trầm lặng độc cư không được nói chuyện tào lao, nói chuyện Phật pháp, nghe băng, luận đạo v.v... Ngày ấy được xem là ngày làm Phật, làm Thánh Tăng, làm Thánh Ni, làm bậc Hiền Thánh trong đạo Phật. Ngày ấy được xem như là một ngày quan trọng nhất của đời người, vì ngày ấy là ngày giải thoát sanh tử và chấm dứt luân hồi muôn đời muôn kiếp.

Cho nên các con hãy xem ngày thọ Bát Quan Trai là một ngày cao thượng và cao đẹp nhất của đời sống làm người của các con. Một ngày sống toàn thiện cho chính bản thân các con, cho mọi người và mọi loài chúng sanh. Các con có trân trọng và tôn quý ngày ấy thì các con không vi phạm những lỗi lầm nhỏ nhặt, những lỗi lầm thường xảy ra trong ngày ấy là: nói chuyện, nghe băng pháp, lo ăn uống, hỏi những điều thắc mắc chưa rõ, lý luận, tranh cãi, cho cái này đúng cái kia sai v.v...

Tất cả những sự việc này phải dẹp qua một bên. Ngày ấy các con đến đây để làm Thánh thì phải im lặng như Thánh, phải sống đơn giản như Thánh, phải ăn uống như Thánh, phải ngủ nghỉ như Thánh, phải tôn trọng những người bạn Hiền Thánh của mình, những người đồng một chí hướng với mình.

Nếu các con thực hiện đúng được như vậy và trước giờ xả Bát Quan Trai, các con kiểm điểm lại từ sáng đến chiều các con tu tập có lầm lỗi một điều gì chăng? Có vi phạm một lỗi lầm nào không? Nếu hoàn toàn không có thì ngày ấy chính là ngày các con đã hưởng trọn một ngày thanh thản, an lạc và vô sự. Ngày ấy là ngày giải thoát hoàn toàn không còn ác pháp, ngày ấy là ngày các con đã tập làm chủ nhân quả nghiệp báo, ngày ấy là ngày thanh bình nhất trong tâm hồn của các con.

          Nếu cuộc đời của các con chưa đủ duyên tu hành trong kiếp này thì ngày thọ Bát Quan Trai là ngày mà các con tạo nghiệp Thánh thiện để kiếp sau nối tiếp duyên tu hành cho đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn, chấm dứt luân hồi. Cho nên ngày thọ Bát Quan Trai các con hãy tu tập cho đúng pháp, trong cuộc sống hiện tại của các con, các con sẽ là người có đức hạnh không làm khổ mình khổ người, luôn biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, tạo cảnh sống cho mình cho người một mùa xuân an lạc, một mùa xuân vĩnh cửu. Nếu ngược lại các con còn thấy mình có lầm lỗi thì hãy rút ra những kinh nghiệm của lần tu tập này để kỳ thọ Bát Quan Trai tới sẽ không còn phạm phải nữa.

 

46. XÁ LỢI CÓ PHẢI DO KẾT QUẢ TU THIỀN?

Hỏi: Kính bạch Thầy, sau đây chúng con có một vài thắc mắc, cúi xin Thầy và cô Út từ bi xót thương chỉ dạy cho chúng con dứt những điều nghi và an tâm tu tập: Xá Lợi có nhất thiết là kết quả tất yếu của người tu thiền hay không? Có một cư sĩ là cựu sĩ quan VNCH xuất gia, tu hành được vài năm (chưa hẳn là tu thiền hoàn toàn), tên là thầy Minh Đạt, khi chết thiêu xác thì người ta bảo thầy ấy có xá lợi rất đẹp. Đệ tử của HT Tuyên Hóa chụp nhiều ảnh cho thấy HT có quá nhiều xá lợi, từ những cục to nhỏ, đến các mảnh xương dẹp hình răng cưa thật to.

Chúng con có cảm tưởng là người ta cố tình thiêu chưa hết hoàn toàn nên mới có nhiều mảnh xương như vậy. Chúng con nhớ đã đọc hay nghe các thầy ngày xưa dạy rằng: “xá lợi là kết tinh của người đồng ấu xuất gia. Nó là tinh, là tủy của người tu hành chân chánh.” Xin Thầy từ bi chỉ dạy.  

Đáp: Trong kinh Nguyên Thủy Đức Phật không bao giờ ca ngợi tán thán xá lợi hay là để lại nhục thân, hoặc cho rằng do công đức tu hành thiền như thế này, như thế kia mới có xá lợi hay nhập định để lại nhục thân. Chỉ có dạy ông A Nan: khi Đức Phật tịch lấy những mảnh xương vụn đốt cháy còn sót lại (Xá lợi) xây tháp mà thờ:

“Này A Nan, khi trà tỳ xong, nhặt lấy những mảnh xương vụn dựng tháp treo phan, tại ngã tư đường, để những người đi ngang qua trông thấy tháp Phật mà tưởng nhớ Đức Như Lai đã dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh, ngõ hầu sống được phước lợi, thác được sanh Thiên.”

Lời dạy trên đây là cách thức để chúng ta nhớ ơn Phật, nhớ đến ơn Phật là phải thực hiện những lời Ngài dạy để có lợi ích trong cuộc sống hiện tại, nhưng đến khi chết cũng được sanh vào cõi thiện hưởng được sự an vui.

Xá lợi là một danh từ cung kính tôn trọng nắm xương tàn của Đức Phật chứ không có nghĩa lý gì về sự tu tập thiền định kết tinh lại thành. Các Tổ sau này đã tự vẽ ra lừa đảo lường gạt tín đồ: “Xá lợi là kết tinh của người đồng ấu xuất gia, nó là tinh, là tủy của người tu hành chân chánh, của những người nhập được thiền định.” Lời dạy này rất sai vì Đức Phật đâu phải là đồng ấu xuất gia mà khi trà tỳ xá lợi quá nhiều đem chia cho tám nước. Còn bảo rằng do tu thiền kết tinh lại thành xá lợi thì lại còn sai hơn nữa, có nhiều người không tu thiền, thiêu xác vẫn có xá lợi.

Đức Phật đã chẳng bảo: “Thân người là những chất bất tịnh do bốn đại: đất, nước gió, lửa hòa hợp mà thành” thì có cái gì gọi là kết tinh, kết tủy để thành xá lợi, dù có kết tinh kết tủy như thế nào thì nó cũng chỉ là vật vô thường, bất tịnh có gì cho chúng ta quý trọng. Vậy mà các Tổ dựng lên do “Công phu tu hành kết tinh mà có” theo kiểu tưởng của thiền Tiên đạo luyện tinh, khí, thần. Đạo Phật không có loại thiền lừa đảo đó, vì xá lợi là những vật vô thường bất tịnh đó chẳng có ích lợi gì cho con người trên hành tinh này.

Đạo Phật vốn quý trọng ở chỗ đạo đức không làm khổ mình khổ người (giải thoát) chứ không phải quý trọng chỗ thân trường thọ bất tử hoặc tu luyện như thế nào đến khi chết để lại nhục thân không hoại diệt, như bộ xương khô hoặc để lại xá lợi rất nhiều thì như vậy mới gọi là người đắc thiền, đắc đạo. Đức Phật không có tuyên bố điều này. Thiền đạo này không lợi ích thiết thực cho con người mà chỉ là một trò lừa đảo để làm tiền thiên hạ với những ai quá tin mù quáng.

Người ở đời thấy ai tu hành có thần thông pháp thuật hoặc để lại nhục thân, hoặc để lại nhiều xá lợi là cho chứng đạo, chứng thiền. Thiền đạo đó là những thứ thiền không đúng của đạo Phật. Thiền đạo của đạo Phật là sống không làm khổ mình khổ người, tâm hồn luôn luôn bất động trước các pháp và các cảm thọ nên thường ở trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự mà Đức Phật gọi là nhập Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định là một trạng thái Diệt Đế trong Tứ Diệu Đế tức là Niết Bàn. Đến khi Đức Phật diệt độ, Ngài xuất Tứ Thiền và nhập vào trạng thái bất động tâm này. Đây là một trạng thái khi sống tu hành xong cũng như lúc chết Đức Phật đều an trú trong đó, một trạng thái thực tế và cụ thể không mơ hồ chút nào. Cho nên Tứ Diệu Đế gọi là bốn chân lý của đạo Phật thật là xứng đáng chân lý của loài người, một chân lý mà lúc sống cũng như chết người ta cũng đều tìm được hạnh phúc ở nơi đó và nơi đó là nơi toàn là mùa xuân vĩnh cửu an lạc, yên vui.

Những bộ xương khô và xá lợi dù có để lại hay không có để lại thì nó cũng chỉ là một di tích lịch sử của những ai đã làm lợi ích cho nhân loại. Nhìn thấy những di tích này hay không thấy, con người vẫn mãi mãi biết ơn và luôn luôn tỏ lòng cung kính, tôn trọng. Còn những bộ xương khô và xá lợi của những ai làm hại nhân loại để lại bao nhiêu kinh sách dạy con người những điều mê tín, phi đạo đức, lừa đảo lường gạt từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác thì chúng ta xem như là những thứ bất tịnh, không xứng đáng cho chúng ta cung kính và tôn trọng.

Cho nên người tu theo đạo Phật là tu theo đạo trí tuệ, đạo trí tuệ thì phải luôn luôn sống trong chánh kiến chứ không bao giờ sống trong tà kiến. Như Đức Phật đã xác định: “Trí Tuệ ở đâu là giới luật (đức hạnh) ở đó, đức hạnh ở đâu là trí tuệ ở đó. Đức hạnh làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh đức hạnh.” Còn những bộ xương khô và xá lợi là những điều lừa đảo và lường gạt người bằng cách thêu dệt cho rằng những thứ bất tịnh này là kết tinh của sự chứng thiền, chứng đạo do tu hành chân chánh mới có. Đó là một điều điên đảo lừa gạt mà trong kinh sách Phật không có dạy như trên chúng tôi đã nói.

Có một số người tu theo hạnh Bồ Tát thường cầu chư Phật gia hộ cho thế giới hòa bình và chúng sanh hết khổ. Những hành trì này chúng sanh có hết khổ đâu, và thế giới có hòa bình chưa? Hay chỉ là một trò hà hơi rờ vuốt hết bệnh tức khắc nhưng rồi bệnh thiên hạ vẫn trở lại như thường. Biết bao nhiêu ông thầy thuốc, thầy thuốc Nam, thầy thuốc Bắc, thầy thuốc Tây, thầy rờ, thầy vuốt, thầy nước lạnh, thầy nhịn ăn, thầy gạo lức muối mè, thầy dùng khí công trị bệnh, thầy dùng nhân điện v.v... nhưng có bao giờ thế gian hết người bệnh không?

Bồ Tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn chúng sanh mà hiện giờ chúng sanh có hết khổ nạn bệnh tật hay không? Từ xưa đến giờ cái trò lừa đảo lường gạt người quá nhiều đủ mọi loại mánh khóe gian xảo bằng mọi hình thức tôn giáo, bằng các loại tưởng uẩn của con người. Chỉ vì chúng ta u mê không chịu sống trong đạo đức nhân bản – nhân quả làm người không làm khổ mình khổ người mà Đức Phật đã dạy: “Trí tuệ đâu ở thì đức hạnh ở đó.” Chúng ta không sống trong đức hạnh làm người mà cứ chạy theo và dựa lưng vào những sự mê tín thế giới siêu hình, thần thánh gia hộ, ông thầy này, bà cốt nọ thì có bao giờ hết khổ đâu.

Những điều như trên đã nói là những điều không đức hạnh thì chúng ta không nên tin. Luật nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý luôn luôn áp dụng cho loài người trên hành tinh này. Tai nạn bệnh tật khổ đau của loài người là do con người làm ra thì con người phải chịu lấy quả khổ do chính mình, chứ không có Bồ Tát nào chịu thế cho ai được đâu, và cũng không bao giờ cầu khẩn được cho ai cả. Chỉ có con người sống đừng làm khổ mình khổ người thì bệnh tật tai nạn kia sẽ chấm dứt. Cho nên có những người làm việc mê tín gọi là độ chúng sanh, còn dùng những danh từ rất kêu “cứu thế độ nhân” lừa bịp thiên hạ làm như mình là Thánh Thần quá thương yêu chúng sanh “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh.” Mới nghe thì tưởng là có lòng thương yêu chúng sanh đệ nhất không còn ai hơn, nhưng không ngờ đó là một sự lừa đảo đệ nhất.

Đến khi chết những hàng đệ tử khôn khéo này lại còn dùng những mảnh xương vụn bất tịnh để cướp tiền của thiên hạ giữa ban ngày mà pháp luật không kết tội được. Khi còn sống các thầy Tổ này dạy toàn là những pháp mê tín phi đạo đức, phi Phật giáo, đến khi chết thì học trò tiếp nối lừa đảo người làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ.

Đạo Phật nhìn các sắc pháp của thế gian là vô thường thì có sự kết tinh nào cũng đều là vô thường “Hữu sắc là hữu hoại.” Nên xá lợi đối với đạo Phật không có nghĩa lý gì cả, nó cũng chỉ là những vật bất tịnh tầm thường như những vật khác trong thế gian này. Những mảnh xương bẩn thỉu đó dù có kết tinh thành kim cương, ngọc bích thì đối với người tu theo đạo Phật lại càng tránh xa và cũng không cần tu những loại thiền định có sự kết tinh những vật quý giá như vậy, dù vật quý giá hoặc không quý giá thì đối với đạo Phật nó cũng là pháp vô thường. Những mảnh xương vụn đó chỉ nói lên được lòng cung kính, tôn trọng biết ơn của chúng ta đối với những người quá cố làm lợi ích cho loài người, chứ nó không phải là kết quả tất yếu của người tu thiền định.

Xá lợi là một hiện tượng rất bình thường, vì thân người có những đặc tướng khác nhau; có người trong thân có nhiều chất vôi, khi chết đem thiêu xương cháy không hết nên còn lại rất nhiều, chứ không phải do tu mà có; có người trong thân ít chất vôi khi chết đem thiêu xương thịt cháy hết. Pháp môn của đạo Phật không có luyện tinh khí thần như ngoại đạo, mà chỉ có sống một đời sống ngăn ác diệt ác pháp để cho cuộc sống của mình được giải thoát mà không làm khổ mình khổ người, nhờ thế cuộc sống của mọi người ai ai cũng có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

Còn thiền định của đạo Phật thì không có tu tập rèn luyện cơ thể bằng cách này, bằng cách khác như thiền Yoga mà chỉ có dùng pháp hướng tịnh chỉ các hành trong thân để nhập các định làm chủ sự sống chết.

Mục đích của đạo Phật rất rõ ràng là làm chủ sanh, già, bệnh, chết chứ không có lừa đảo lường gạt người bằng những việc kỳ lạ tưởng tri như các Tổ: “Nào là xá lợi kết tinh do sự tu hành chân chánh; nào là để lại nhục thân do nhập thiền định.” Trong khi các Tổ chưa biết thiền định là như thế nào? Nhập định phải làm sao? Trước khi nhập định phải tu tập cái gì? Chứ đâu phải ngồi khoanh chân kiết già rồi ức chế tâm cho hết vọng tưởng, tức là không còn niệm thiện niệm ác mà cho đó là thiền định thì thật là vô minh, thật là thiếu hiểu biết. Vì tu thiền định như vậy cho nên phải tưởng tri xá lợi và nhục thân khô đét như con khỉ khô là kết tinh của thiền định. Thiền định của các Tổ là một loại thiền định tưởng có nghĩa là các Tổ tưởng ra cho nó là thiền định chứ kỳ thực nó không phải là thiền định.

Bởi vậy thiền định mà không có người tu hành chứng được thì người sau tưởng ra mà tu tập thành ra tu thiền tà, thiền ngoại đạo. May là kinh sách Nguyên Thủy của Đức Phật còn ghi lại rõ ràng chứ nếu không thì biết đâu mà tu. Con người trên hành tinh này làm sao biết thiền, biết định như thế nào. Cho nên những điều lừa đảo lường gạt vô tình hay hữu ý của các Tổ thì làm sao chúng ta biết được. Vì thế chúng ta phải tin theo và rất quý trọng thường có dịp bỏ tiền ra đi chiêm bái xá lợi một cách mù quáng.

Đối với thiền định của đạo Phật như nhập Diệt Thọ Tưởng Định, nhập Diệt Thọ Tưởng Định là tất cả các hành trong thân đều ngưng nghỉ toàn bộ như khẩu hành, thân hành, ý hành. Cho nên thân và tâm bất động toàn bộ vì sức định này diệt các hành uẩn không còn rung động một chút xíu nào cả. Từ trong định lực của thiền định này lưu xuất ra một từ trường để bảo vệ nhục thân không bị ảnh hưởng thời tiết nắng, mưa, gió, bão, nóng, lạnh xâm thực, và còn giữ gìn nhục thân tươi nhuận như người còn sống chứ không phải khô đét như khỉ khô.

Từ trường đó nó còn bảo vệ không cho loài thú vật xâm chiếm và phá hoại nhục thân. Một từ trường bảo vệ nhục thân như vậy mà Đức Phật còn cho là huyễn hóa lừa đảo người, nên khi Đức Phật tịch thì thiêu đốt bỏ. Nhưng vì lòng kính trọng của mọi người đối với Đức Phật nên những mảnh xương vụn ấy được đệ tử của Ngài chia cho tám nước về xây tháp để tưởng nhớ công ơn của Người đã có công giáo hóa đạo đức giải thoát cho loài người. Còn dân chúng trong tám nước này đều xin tro thiêu nhục thân Phật đem về xây tháp để tưởng nhớ công ơn.  

Kinh Du Hành trong Trường A Hàm tập I trang 233: “Bấy giờ ông Hương Tánh lấy một cái bình và dùng bát đá chia đều xá lợi làm tám phần bằng nhau … Lúc đó người trong thôn Tất Bát cũng đến xin mọi người một phần tro còn lại để dựng tháp cúng dường.”

Các Tổ khéo léo dùng thuốc ướp xác trước khi chết bằng cách uống vào người rồi ngồi kiết già, lúc bây giờ thuốc ngấm dần vào cơ thể diệt sự sống của cơ thể và cơ thể nhờ đó không bị hôi thối, từ từ khô dần giống như khỉ khô. Bên Tây Tạng người ta ướp xác bằng cách mổ bỏ ruột gan, còn Việt Nam và Trung Hoa thì ướp xác đặc biệt hơn.

Trong thời Nam - Bắc triều phân ranh, Chúa Trịnh Giang có một người cung nữ chết rồi ướp xác chôn. Gần đây các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật những ngôi mộ cổ và xác nàng cung nữ vẫn còn nguyên vẹn tươi tốt như người ngủ.

Giả thiết Trung Hoa và Việt Nam có một loại thiền tu tập để ướp xác thật sự như bộ xương khô của Lục Tổ Huệ Năng, Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường thì loại thiền này có ích lợi gì cho loài người. Khi pháp môn của các vị này dạy, chúng tôi chẳng thấy có đạo đức gì cả, như vậy có lợi ích gì cho đời sống của loài người đâu. Nếu so sánh pháp môn thiền định của Lục Tổ Huệ Năng và đạo đức của Khổng Phu Tử thì đạo đức của Khổng Phu Tử làm lợi ích cho loài người hơn nhiều.

Đạo đức của đạo Phật dạy cho chúng ta ngăn ác diệt ác pháp để đem lại sự ích lợi cho cuộc sống của mình và của mọi người. Vì thế người tín đồ của đạo Phật phải sống thường áp dụng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng và Chánh Tinh Tấn. Nhờ biết áp dụng đúng cách nên đệ tử của Đức Phật sống không làm khổ mình khổ người đem lại một trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự cho cuộc sống chung nhau trên hành tinh này, biến cuộc sống trở thành Niết Bàn, Cực Lạc. Còn đến khi chết thì cũng giống như bao nhiêu thân xác của người khác, vì thân xác của người nào cũng đều là bất tịnh, cũng do tứ đại hòa hợp tạo thành, còn có cái gì quý giá ở đâu, sống mà không thiện, chết thì còn có cái gì quý? Để lại làm gì những mảnh xương ô nhiễm môi trường, khi chết đem thiêu xác, đem chôn vào lòng đất cho kín để giữ gìn môi trường trong sạch là điều tốt nhất cho những người còn sống.

Chúng ta hãy dẹp cái trò lừa đảo để lại nhục thân và Xá Lợi là tu chứng Thiền chứng Thánh, đó là vọng ngữ, là nói láo. Đạo Phật không chấp nhận những điều mê tín, lừa đảo này.

Tóm lại, chúng ta nên đọc một đoạn kinh Du Hành trong Trường A Hàm tập 1 trang 240 để biết rõ: trong lúc trà tỳ Đức Phật có nhiều xá lợi như vậy là nhờ dập tắt lửa để lấy những mảnh xương vụn cháy chưa hết để chia nhau xây tháp, chứ không phải do kết tinh tu thiền: “Dân chúng Mạt La bảo nhau: Ngọn lửa cháy mạnh quá khó dập tắt e cháy tiêu hết xá lợi! Chúng ta phải lấy nước ở đâu để tưới? Lúc đó có một vị Thần Ta La đang hầu một bên, dùng thần lực làm tắt ngọn lửa.” Đoạn kinh trên xác minh xá lợi của Đức Phật không phải do kết tinh của thiền định.

Đến đây chúng tôi xin nhường lại những ý kiến chân chánh của quý phật tử và quý vị tư duy như thế nào, đừng để kẻ khác lừa đảo chúng ta nữa.