Skip directly to content

Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 18 (65).

65. NHÀ TU HÀNH CÓ LÀM LỢI ÍCH GÌ CHO XÃ HỘI?

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Có một nhà giáo hỏi: “Các bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, thợ may, thợ mộc, thợ dệt, thợ hồ, v.v... họ đang làm lợi ích cho xã hội, còn các nhà tu hành ở chùa, tụng kinh, gõ mõ, thân thể ngày một mập béo. Vậy họ làm lợi ích gì cho xã hội?” Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

          Đáp: Đừng nhìn ở góc độ hạn hẹp của những tu sĩ Phật giáo phát triển hiện giờ mà đánh giá trị đạo Phật thì rất là oan uổng. Những tu sĩ hiện giờ đang sống trong các chùa là những tu sĩ bị thế tục hóa hoặc bị Bà La Môn hóa, họ dùng những danh từ rất kêu “Phật giáo phát triển” chuyên sống làm nghề cúng bái, tụng niệm thuyết giảng và làm những việc mê tín, kêu gọi phật tử đóng góp xây cất chùa tháp hằng tỷ tỷ bạc và còn kêu gọi phật tử đóng góp tiền của thực phẩm để tạo danh làm việc từ thiện, cứu trợ xã hội, nhưng chính bản thân của những tu sĩ này cũng chưa bỏ ra một xu cứu trợ ai hết, làm từ thiện miệng nhưng họ cũng sống và tiêu phí tiền từ thiện của người khác.

          Nếu theo đúng nghĩa của một tu sĩ Phật giáo thì không nên làm những việc này, vì chính bản thân họ là kẻ đi ăn xin của phật tử thì tiền đâu mà cất chùa to, xây tháp, đúc chuông, tượng Phật lớn và tiền đâu cứu trợ đồng bào bất hạnh. Nếu quý thầy có cơ sở làm kinh tế thì quý thầy cứu trợ là phải, nhưng nếu quý thầy có cơ sở làm kinh tế thì quý thầy không phải là tu sĩ đạo Phật, vì Chánh Nghiệp của đạo Phật là hạnh đi xin ăn để ly dục ly ác pháp, tức là từ bỏ và xa lìa danh lợi và các ác pháp thế gian. Người tu sĩ Phật giáo chân chánh luôn luôn chỉ biết lấy một cuộc sống đạo đức Hiền Thánh làm gương hạnh đạo đức để cho mọi người noi theo, nhờ thế mọi người mới có đạo đức. Nhờ sống có đạo đức họ mới thấy được tâm hồn thanh thản, an vui và mới xứng đáng làm người không làm khổ mình, khổ người.

          Nhờ có noi gương theo Thánh hạnh đạo đức của những bậc chân tu, con người không còn làm khổ cho nhau, họ luôn luôn xây dựng tạo nên một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, có một đời sống tâm hồn cao thượng, biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

          Đạo đức của đạo Phật không phải là một thứ đạo đức miệng, cũng không phải là một thứ đạo đức anh hùng cá nhân gọi là đạo đức quân tử mà từ xưa đến giờ quý vị đã từng gặp những loại đạo đức này trong kinh sách Khổng giáo. Đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người, đó mới thật sự đạo đức của Phật giáo, đạo đức của mọi người, hầu hết quý vị chưa bao giờ biết đến thứ đạo đức này, nhưng quý vị đã từng sống với nó chút ít vì lương tâm của con người. Tại vì quý vị chưa biết rõ nó nên chưa sống trọn vẹn mà thôi.

          Đạo Phật hiện giờ là đạo Phật của Bà La Môn giáo, đạo Phật bị thế tục hóa, chứ không phải là đạo Phật chơn chánh Nguyên Thủy nên nó chuyên làm việc mê tín, cúng bái, tán tụng, ngồi thiền, niệm Phật, niệm chú, yếm bùa, trừ tà ma, tạo thần thông trị bệnh, lừa đảo người bằng nhiều hình thức khác nhau nên thỉnh thoảng Công An phát giác ra được và truy tố tội ác của những vị sư thầy này.

          Họ chỉ biết lừa đảo, gợi lòng tham của người phật tử bằng những danh từ phước báo như: tụng kinh, niệm Phật, trì chú được phước báo thông minh; bố thí cúng dường được phước báo giàu sang, hạnh phúc v.v... Đó là những danh từ lừa đảo lường gạt của giáo pháp này để gợi lòng tham được thông minh, tham muốn bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi và được giàu sang. Do gợi đúng lòng tham này, người phật tử mới cúng dường nhiều tiền của vàng bạc châu báu để xây chùa to Phật lớn, nhờ đó quý thầy mới làm danh, làm giàu với thiên hạ, ai trông thấy cũng phải kính nể.

          Sự thật trong kinh Đức Phật đã dạy: “Người cư sĩ bố thí, cúng dường sẽ được phước báo, nhưng không bằng giữ giới luật phước báo sẽ nhiều hơn.”

Lại có một bài kinh khác Đức Phật dạy: “Cúng dường bố thí, phải đúng chánh pháp, không đúng chánh pháp như đem hạt giống tốt gieo trên đất cằn cỗi khô xấu.”

 Rõ ràng ở đây ý của Đức Phật muốn dạy chúng ta nên giữ gìn đạo đức giới luật sẽ được phước báo nhiều hơn là bố thí cúng dường đúng pháp. Bố thí cúng dường đúng pháp chỉ có phước báo nhỏ, phước báo nhỏ đó là phước báo hữu lậu, tức là trong phước báo vẫn có sự đau khổ, chứ không phải là phước báo lớn đó là phước báo vô lậu.

          Phước báo vô lậu là do biết giữ gìn đạo đức giới luật, tức là không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức nhân bản của con người chung sống trong một xã hội, đem lại cho đời sống của mỗi con người một sự an vui, hạnh phúc, hòa hợp, đoàn kết, không còn người này chà đạp lên người kia, xâu xé nhau vì miếng cơm manh áo. Đó là phước vô lậu như chúng tôi đã nói ở trên, phước vô lậu là phước báo không có sự khổ đau. Người tu sĩ đạo Phật chỉ cần làm gương đạo đức như vậy, tức là thực hiện phước vô lậu, thực hiện phước vô lậu là làm lợi ích cho xã hội rất lớn thì thử hỏi bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, v.v... có làm lợi ích bằng những tu sĩ này hay không?

          Còn cúng dường, bố thí không đúng chánh pháp như: cúng đường xây chùa to, đúc tượng Phật lớn hoặc đúc chuông thì chẳng có phước báo nào cả mà còn phi công đức là khác nữa. Lần lượt chúng tôi sẽ lật ngược lại những trang sử thời Nhà Lý và Nhà Trần ở nước Việt Nam của chúng ta. Thời Nhà Lý và Nhà Trần, Phật giáo rất hưng thịnh, vua quan là tu sĩ Phật giáo nên xây dựng rất nhiều chùa to Phật lớn và đúc chuông đồng vĩ đại làm hao tốn tiền của dân chúng biết bao, thế mà Nhà Lý và Nhà Trần được những phước báo gì? Hay là một sự khổ đau tranh quyền tranh lợi, giết hại lẫn nhau và cuối cùng cũng chỉ làm vua mấy triều đại mà thôi và những dòng họ này cũng bị diệt mất. Vậy mà bảo rằng cúng dường, bố thí xây chùa to Phật lớn, đúc chuông, tạc tượng là được phước báo vô lượng thì đây không phải là sự lừa đảo hay sao?

          Bây giờ chúng ta hãy nhìn xem những trang sử Phật giáo Trung Quốc, trong thời nhà Đường, Phật giáo rất hưng thịnh, Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh Đông Độ, chùa to Phật lớn được nhà vua xây cất rất nhiều và độ biết bao nhiêu Tăng chúng tu hành, nhưng phước báo của nhà Đường đâu không thấy, chỉ thấy Võ Tắc Thiên diệt nhà Đường lập nhà Châu và cuối cùng Đường Minh Hoàng thấy Phật giáo không có lợi ích mà hại dân hại nước, làm ô uế cửa Phật, những người trốn sưu lậu thuế, làm những điều mê tín dị đoan, lừa đảo dân gian bằng đủ mọi hình thức và các thủ đoạn gian ác, nên Đường Minh Hoàng bắt chư Tăng hoàn tục, các chùa to đều xung vào công quỹ làm kho đụn.

          Bởi, người tu sĩ của Phật giáo lấy giới luật đức hạnh không làm khổ mình, khổ người mà làm gương sống cho mọi người soi, muốn giữ gìn đức hạnh được như vậy phải xả bỏ hết vật chất thế gian, chỉ còn ba y một bát, sống không gia đình, không nhà cửa, chứ có đâu như tu sĩ bây giờ lại xây cất chùa to, Phật lớn như cung vàng điện ngọc của vua chúa, của Chánh phủ. Biến chỗ tu hành thành chỗ du lịch tham quan của mọi người. Đó chỉ có những tu sĩ của Bà La Môn sống và làm như vậy, họ luôn làm hại dân hại nước, bằng cách buôn Phật bán Pháp. Nhìn những tu sĩ này, quý vị mới đặt ra những câu hỏi trên: “Một kỹ sư, một nhà bác học, một bác sĩ, một nhà giáo, một bác nông phu, một chị thợ may, một anh thợ hồ v.v...”.

          Với những việc làm của họ đều có lợi ích cho xã hội về vật chất, nhưng cái lợi ích đó không bằng một vị tu sĩ có đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người, luôn luôn làm gương đạo đức cho mọi người thì sự lợi ích rất lớn cho xã hội về tinh thần. Và nhờ đó, con người sẽ không còn chà đạp và dày xéo lên nhau nữa vì miếng cơm manh áo. Họ luôn luôn thể hiện lòng thương yêu, san sẻ và tha thứ cho nhau. Nhờ đó, gia đình có hạnh phúc, xã hội có trật tự, đất nước phồn vinh thịnh trị, thế giới hòa bình không còn chiến tranh, cuộc sống người người no ấm, an vui, thanh thản.

          Quý vị đừng nghĩ rằng kỹ sư, bác sĩ nhà giáo, v.v... đều đang làm lợi ích cho xã hội, sự thật không phải vậy, như quý vị đã nghĩ, phần nhiều họ đang làm vì lợi ích cho cá nhân bản thân và gia đình của họ, nhưng nghề nghiệp của họ có tương quan và tương liên tốt trong cuộc sống chung của xã hội, chứ thực ra họ chẳng có tâm làm lợi ích cho xã hội. Nếu thực ra, một bác sĩ làm lợi ích cho xã hội thì không bao giờ nhận tiền và quà biếu của bệnh nhân, chỉ nhận tiền lương hằng tháng của mình mà thôi, còn nếu bệnh nhân không quà biếu và tiền bạc thì sự chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ đối với họ chẳng ra gì. Cho nên hiện giờ, bệnh nhân rất than phiền về các ông, bà bác sĩ. Người nghèo thật là bất hạnh khi đi bệnh viện. Ngày xưa, người ta gọi bệnh viện là nhà thương, còn bây giờ không gọi nhà thương nữa vì nơi đó người ta thương tiền, thương quà biếu, chứ không thương bệnh nhân nghèo. Đối với lương tâm nghề nghiệp của một bác sĩ không cho phép làm ngơ, mặc kệ trước sự chết sống hoặc đau đớn nhức nhối của bệnh nhân, như vậy mới làm lợi ích cho xã hội. Một nhà giáo cũng vậy, không quà biếu thì học sinh giỏi cũng thành dở; có quà biếu thì học sinh dở cũng thành giỏi.

          Hiện giờ, đất nước chúng ta đang xây dựng kinh tế nên mọi nghề nghiệp đều nhắm vào cá nhân chứ không phải nhắm vào xã hội. Nhìn vào cuộc sống của con người đều phải có sự tương quan, tương liên với nhau để mà sống. Nếu bảo rằng bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, v.v... làm lợi ích cho xã hội thì không đúng. Người làm nghề này, kẻ làm nghề kia để trao đổi cùng nhau trong cuộc sống chứ chẳng ai làm lợi ích cho ai cả. Họ làm ra được những gì là đem đến danh lợi cho họ chứ chẳng đem đến danh lợi cho ai hết. Nhiều khi chúng ta lợi dụng nghề nghiệp bắt chẹt hoặc cắt cổ thiên hạ để làm giàu trên xương máu của người khác.

          Nghề bác sĩ và nghề thầy giáo là hai cái nghề được mọi người trong xã hội xem là cao quý nhất mà họ còn làm như vậy thì thử hỏi các nghề khác họ phải làm còn hơn nữa, nhất là nghề thương mại thì làm sao gọi là các nghề làm ích lợi cho xã hội được? Cho nên các tu sĩ Phật giáo phát triển hiện giờ họ cũng lấy cái nghề làm “tôn giáo” để làm ích lợi cho bản thân cá nhân của họ, cũng như các nghề khác trong xã hội vậy. Chính vì những sự việc này mà chúng ta biết đạo đức trong xã hội đang xuống dốc tận cùng. Bởi vậy, đạo đức là trên hết, nếu có đạo đức thì xã hội mới có ích lợi thật sự, chứ không phải kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, thợ mộc, thợ hồ, v.v... làm lợi ích cho xã hội  được.

          Các tôn giáo cũng vậy, chỉ là một cái nghề làm tôn giáo để sống như mọi nghề khác, nếu người làm tôn giáo không có đạo đức thì cũng chẳng lợi ích gì cho xã hội mà còn thêm tội lừa đảo lường gạt người khác. Người làm tôn giáo có đạo đức là làm gương tốt cho mọi người soi, có đạo đức thì không có lừa đảo, đó là người làm lợi ích cho xã hội, các nghề khác cũng vậy, nếu người hành nghề nào mà có đạo đức là làm lợi ích cho xã hội.

          Nếu nói về nghề nghiệp trong cuộc sống của loài người thì mỗi người đều có một nghề riêng, làm ra vật chất và để trao đổi với nhau để sống, chứ không phải làm lợi ích cho xã hội. Người hiểu các nghề nghiệp sản xuất ra vật chất là làm lợi ích cho xã hội thì không đúng. Cho nên hiện giờ nghề làm tôn giáo cũng chỉ là một nghề như bao nhiêu nghề nghiệp khác mà thôi.

          Người có nghề nghiệp làm ra vật chất là người không ăn bám xã hội, người không ăn bám xã hội mà cho rằng họ làm lợi ích cho xã hội thì cũng không đúng. Chỉ có những người sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người là những người làm lợi ích cho xã hội, còn hoàn toàn ngoài ra mọi người dù có nghề nghiệp lương thiện, họ còn chẳng làm lợi ích cho họ huống là làm lợi ích cho ai.

          Tại sao vậy?

          Tại vì họ còn làm khổ họ và khổ người khác, lời nói của chúng tôi ở đây xin quý vị suy ngẫm, đừng vội tin.

          Trong thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai, đạo đức phong kiến của Nho giáo và đạo đức của các tôn giáo khác đã đem lại sự lợi ích cho con người. Nhưng nó chỉ giải quyết cho những người trong giai cấp thượng lưu như vua (giai cấp sĩ phu), quan và Bà La Môn giáo, còn giai cấp bình dân thì những đạo đức này không phổ cập. Chỉ có thứ đạo đức mê tín của các tà giáo ngoại đạo mà hiện giờ chúng ta vẫn còn thấy những tập tục truyền thống lâu đời trong dân gian. Hiện giờ biết những loại đạo đức này sai, không lợi ích nhưng rất khó bỏ.

          Đạo đức Nho giáo là một thứ đạo đức của giai cấp lãnh đạo, “tề gia, trị nước, bình thiên hạ”; đạo đức Nho giáo còn gọi là đạo đức quân tử (đạo đức anh hùng cá nhân). Trên hành tinh này đã có thật sự một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người, nhưng đã bị dìm mất, cho nên tất cả mọi người đều đứng trong góc độ của các tôn giáo cũng như trong các góc độ nghề nghiệp cuộc sống ở đời, phần nhiều người ta chỉ có hình thức đạo đức miệng, đạo đức danh, đạo đức lợi (vì danh lợi mà làm đạo đức).

          Ai là người làm lợi ích thật sự cho xã hội và ai là người làm lợi ích thật sự cho cá nhân của mình?

          Thưa quý vị, theo chúng tôi hiểu, hiện giờ trên trái đất này chỉ có một ít người làm lợi ích cho xã hội, còn hầu hết chưa có ai và cũng chưa có ai làm lợi ích cho cá nhân của mình. Tại sao vậy? Tại vì mọi người còn đang làm khổ mình, khổ người. Và đã, đang còn làm khổ mình, khổ người thì thử hỏi những việc làm đó có lợi ích gì cho ai, chỉ là đua nhau theo một trò danh lợi hão mà thôi. Chúng tôi nói, quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm kỹ có thật như vậy không, rồi mới tin.

          Một kỹ sư nếu không vì cuộc sống của ông ta thì chắc gì ông đã làm chiếc cầu, ông ta làm không phải vì sự đi lại của mọi người quá khó khăn nhọc nhằn khi qua sông. Khi lãnh làm một chiếc cầu, ông kỹ sư cầu cống vẫn đòi hỏi giá cả sòng phẳng và đôi khi còn đòi hỏi giá cao hơn nữa thì như vậy có phải ông làm lợi ích cho xã hội không?

          Một người nông dân không phải vì cuộc sống của người khác mà ông ta lo cấy cày, gặt hái quanh năm suốt tháng, vất vả chân lấm tay bùn mà chính vì cuộc sống của ông ta.

          Một bác sĩ, khi con bệnh sắp chết đến nơi vì thiếu máu, nhưng nếu không có tiền thì bác sĩ cũng vẫn làm ngơ trước cái chết như chỉ mành treo chuông. Một bệnh nhân trước khi đi mổ mà không biếu cho người làm công đẩy xe năm ngàn, mười ngàn đồng thì chiếc xe không bao giờ được đẩy đi nhẹ nhàng, êm ái và người đẩy xe lại còn làm xe động mạnh hơn. Cho nên, một người bệnh nhân vào nằm trong bệnh viện mà không có tiền bạc, gặp bệnh ngặt nghèo thì chỉ có chờ chết mà thôi. Đó có phải bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, nhà nông, lao công, v.v... làm lợi ích cho xã hội hay lợi ích cho họ? Xin quý vị suy ngẫm. Nếu không có quà cáp cho bác sĩ, lao công thì bệnh nhân phải chịu thiệt thòi nhiều mặt, tức là không được chăm sóc kỹ lưỡng, đó là họ làm lợi ích cho xã hội phải chăng?

          Một nhà giáo, khi một học sinh nghèo học giỏi siêng năng nhưng cũng đành bỏ học, nhà giáo cũng không thể giải quyết được, đó là làm lợi ích xã hội ư? Đừng lấy những danh từ nghề nghiệp cao quý và cao thượng như: bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo mà cho rằng họ làm lợi ích cho xã hội. Thật sự mọi vật, mọi thứ trên đời này chỉ có “tiền” là duy nhất, đó là thứ đạo đức nhất của con người hiện nay, và cũng là thứ phi đạo đức nhất.

          Đứng về mặt Phật giáo, quý thầy làm lợi ích xã hội cũng phải có tiền, nhưng tiền móc túi kẻ khác chứ quý thầy chẳng bỏ ra một đồng xu, một giọt mồ hôi nước mắt nào cả. Chỉ có những kẻ mơ ước phước báo hão huyền của kinh sách phát triển nên bị người khác lừa đảo bằng những danh từ rất kêu: cúng dường bố thí, làm từ thiện v.v...

          Phước báo không phải từ chỗ cầu khẩn, cúng bái, tế lễ, cúng dường xây chùa tháp, đúc chuông, đúc tượng Phật v.v... Phước báo cũng không phải từ chỗ bố thí, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền v.v... Phước báo chỉ đến với con người, khi con người sống đúng giới luật đức hạnh làm người không làm khổ mình, khổ người. Điều này Đức Phật đã xác định trong bài kinh Ước Nguyện rõ ràng cụ thể, phước báo từ đạo đức mà đến với mọi người. Đạo đức thì không tham lam trộm cắp của người, không lường gạt kẻ khác bằng mọi thủ đoạn, không làm giàu sang trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của người khác, không lừa đảo làm tiền bằng sự mê tín bói khoa, xem ngày tốt xấu, cúng sao, giải hạn, xin xăm, cầu siêu, cầu an, v.v... làm tiền bạc một cách phi đạo đức và vô nhân đạo.

          Bố thí là đem lòng thương yêu của mình đến với những người bất hạnh, an ủi và xoa dịu vết thương đau của họ, đó cũng chỉ là một góc độ làm người mà thôi, việc làm bố thí như vậy thì phước báo sẽ đến với mình, mình sẽ được lòng thương của mọi người, gặp lúc nạn tai, mọi người sẽ an ủi và giúp đỡ lại mình chứ không phải bố thí đem tiền bạc cho người là sẽ có phước báo lớn giàu sang, muốn gì được nấy, như vậy thì Minh Phụng không có ở tù và mang án tử hình. Minh Phụng đã làm việc từ thiện bố thí biết bao nhiêu là tiền của cho những kẻ bất hạnh trong xã hội, thế mà phước đâu không thấy, vẫn phải chịu khổ tù tội và còn mất mạng.

          Xả trừ tâm ác và lìa cả sự ăn thịt chúng sanh thì tuổi thọ được kéo dài, đó là đạo đức không làm khổ mình, khổ chúng sanh chứ không phải phóng sanh để được phước báo tuổi thọ lâu dài và ít bịnh tật khổ đau.

          Xả trừ tâm sân hận hoặc sợ hãi và tánh hung dữ chửi mắng người thì ít tai nạn khổ đau chứ không phải ăn chay, niệm Phật, bố thí thuốc thang cho kẻ khác là ít tai nạn hiểm nghèo.

          Con người sống trong xã hội này, dù có tôn giáo hay không tôn giáo, nếu thiếu đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người thì không có ai làm lợi ích cho xã hội cả, còn bảo họ làm lợi ích xã hội đó chỉ là những danh từ suông ngoài đầu môi chót lưỡi mà thôi.

          Làm lợi ích cho xã hội khi nào con người có đạo đức. Đừng đứng ở góc độ nghề nghiệp này chỉ trích góc độ nghề nghiệp khác là sai, tu sĩ của các tôn giáo cũng là làm một nghề sống như các nghề khác. Nói đến nghề thì nghề nào mà xã hội còn cần thì nó còn có người hành nghề đó, chỉ khi nào xã hội không cần nó nữa thì người ta không hành nghề đó.

          Ví dụ: Người ta còn mê tín thì có người hành nghề mê tín, người ta không còn mê tín thì người ta dẹp nghề mê tín; người ta cần xây nhà tốt đẹp thì có người làm nghề thợ mộc, thợ hồ; người ta không cần làm nhà, xây nhà tốt đẹp thì thợ mộc, thợ hồ không có. Tôn giáo cũng vậy, người ta còn cần tôn giáo thì có người làm nghề tôn giáo. Nghề tốt hay xấu đều do con người có đạo đức hay không có đạo đức; nghề làm lợi ích cho xã hội hay không lợi ích cho xã hội cũng đều do con người có đạo đức hay không có đạo đức mà thôi.

          Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một nền đạo đức nhân bản của loài người trên hành tinh này để quân bình vật chất và tinh thần đời sống của con người. Người ta không hiểu nên xây dựng nó trở thành một tôn giáo, nhưng tại sao trên đầu Phật giáo lại không có một đấng Giáo Chủ toàn năng như các tôn giáo khác? Chính Đức Phật ngày xưa khi tu chứng đạo, Ngài quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp chân chánh mà Ngài đã tìm ra được, Ngài tôn xưng nó là Thầy của mình và sau này di chúc lại cho các đệ tử: “Hãy lấy giới luật của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành, giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất.”

          Thưa quý vị! Giới luật là gì? Giới luật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là giải thoát không còn khổ đau nữa. Xét như vậy, chúng ta thấy đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một nền đạo đức của con người. Do không hiểu đạo Phật, nên người ta đã biến nó trở thành một tôn giáo, rồi từ đó biến tôn giáo trở thành nghề nghiệp sống như: nghề tụng niệm, cúng bái, nghề thuyết giảng, nghề viết kinh sách, nghề ảo thuật (thần thông), nghề làm bùa yểm tà ma, trị bệnh, nghề bói khoa, nghề thầy thuốc, nghề dưỡng sinh, nghề ngồi thiền ngừa bệnh và trị bệnh v.v...

          Tại sao chúng tôi dám nói như vậy? Chúng tôi dám nói như vậy là vì chúng tôi đã từng sống trong tôn giáo, cho nên biết tôn giáo cũng chỉ là một cái nghề, tốt hay xấu là do người sử dụng cái nghề đó.

          Ví dụ: Một ông bác sĩ đứng trước các con bệnh, ông đều tận tâm chữa trị dù người nghèo cũng như người giàu thì đó là một ông bác sĩ tốt, biết thương người (lương y như từ mẫu), có đạo đức, đó là người làm lợi ích xã hội. Còn ngược lại, người giàu có quyền thế thì ông chăm sóc tận tụy, còn người nghèo thì ông trị bệnh sơ sài qua loa, sống chết ông chẳng cần thì bác sĩ đó không thể nào gọi là người tốt, có đạo đức, làm lợi ích cho xã hội. Cái nghề của ông ta tốt và cao quý, nhưng việc làm của ông ta không tốt, tức là không lợi ích cho xã hội.

          Một vị tu sĩ Phật giáo cũng vậy, nếu ông ta giữ gìn giới luật nghiêm túc, sống đầy đủ đức hạnh, không làm khổ mình, khổ người, tức là sống đời sống ly dục ly ác pháp. Ông là một vị chân tu thật sự làm gương hạnh đạo đức cho mọi người noi theo, không hề lừa đảo, dối trá, xảo quyệt lường gạt mọi người bằng nhiều hình thức mê tín, dị đoan hay thuyết giảng những điều mình chưa làm được, v.v... Như vậy ông là người tốt, làm lợi ích cho xã hội khiến cho mọi người không vì miếng cơm, manh áo mà chà đạp giày xéo lên nhau và cũng khiến cho mọi người không còn hao tốn tiền bạc, của cải, tài sản vì cái thế giới siêu hình mê tín, lạc hậu và những luận thuyết suông v.v...

          Ngược lại, một vị tu sĩ Phật giáo mà sống không đúng giới luật đức hạnh, không ly dục ly ác pháp, bày đặt vẽ ra thế giới siêu hình, dùng tưởng thức tạo ra nhiều hình thức linh thiêng, huyền bí kỳ lạ khiến trí hữu hạn của con người không thể hiểu và suy luận chứng minh được, nên tin rằng, có thế giới siêu hình thật sự. Lợi dụng lòng tin này, bày ra nhiều thứ mê tín dị đoan để lừa đảo, lường gạt người khác bằng cách dùng bùa chú, nước lã, tàn hương trị bệnh, tụng kinh cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, lên đồng nhập xác, cầu cơ, xem ngày tốt xấu, cúng sao giải hạn, cúng dường xây chùa, đúc tượng, đúc chuông để cầu được phước báo giàu sang phú quý, bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi hoặc tạo ra nhiều phương cách tập luyện gọi là thiền này, định kia, cũng như tưởng tượng ra trạng thái này, trạng thái kia, gọi là Bản Thể Vạn Hữu, Phật Tánh, Chơn Như, Đại Ngã, Tiểu Ngã, Thiên Đàng, Địa Ngục, Cực Lạc Tây phương, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, v.v... khiến cho con người đã điên đảo lại càng điên đảo hơn. Với những hình ảnh trừu tượng siêu hình này và cũng từ đó khiến con người bỏ phí biết bao nhiêu công lực và tiền bạc, nhưng khi hiểu lại, mình chỉ là một người ngu bị lừa đảo mà không biết.

          Chúng tôi nói đến đây, quý vị đừng tin chúng tôi mà hãy suy ngẫm và để ý những người đang theo các tôn giáo tu hành, họ sẽ đạt được những gì và đạo đức của họ có hơn quý vị hay không? Mình chưa có đạo đức thì không nên nói đạo đức với ai cả, vì nói đạo đức, tức là đạo đức miệng, nếu người có đạo đức, dù có kẻ khác chửi mắng mình thì mình đâu có giận hờn, vì có giận hờn như vậy, là người không có đạo đức, không có đạo đức với mình, tức là mình làm khổ mình. Cho nên đức Phật dạy: “làm khổ mình, khổ người là người không có đạo đức.” Đó là chưa nói đến khi chúng ta không ngăn một điều làm ác của mình, như tức giận mắng chửi, nói nặng nhẹ người khác khi mình có quyền thế và tiền của; mắng chửi nói nặng nhẹ người khác là không có đạo đức. Có đạo đức sao lại mắng chửi nói nặng nhẹ người khác được?

          Làm lợi ích cho xã hội, không phải đem tiền của cho họ, mà chính đừng làm khổ mình, khổ người thì mới đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Dù chúng ta có mang đến cho họ sự giàu sang đầy đủ mà cứ làm khổ họ thì sự giàu sang đó cũng chẳng có lợi ích gì cho họ. Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, v.v... làm lợi ích cho xã hội mà la hét, mắng rủa, chửi vợ con, kẻ ăn người ở trong nhà, sân hận với kẻ khác trong xóm làng, tức tối với tâm mình, ăn ngủ không yên, còn có những hành động như vậy thì làm sao gọi là làm lợi ích cho xã hội.

          Người làm những nghề bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo là làm những nghề cao quý nhưng không giận hờn và không làm đau khổ cho ai thì mới thật sự là làm lợi ích cho xã hội, còn ngược lại mà còn giận hờn, tham tiền bạc, làm việc không hết lương tâm, làm đau khổ người khác thì đó không làm lợi ích cho xã hội mà chỉ vì làm lợi ích cho mình, nô lệ cho tiền bạc và vật chất. Cho nên trong tôn giáo cũng vậy, các nhà tu ở chùa tụng kinh, gõ mõ làm điều mê tín lường gạt tín đồ, ngồi mát ăn bát vàng, thân thể ngày càng mập béo, đó là chỉ gạt được những người vô minh tham đắm ảo huyền, cầu phước báo một cách phi đạo đức.