Skip directly to content

Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 28 (91).

91. HƯỚNG TÂM CÁC HÀNH NGƯNG NGHỈ

          Hỏi: Kính bạch Thầy, khi hơi thở con gần như mất hẳn thì con thấy rõ cái bụng hoạt động (ra vô) càng mạnh, lúc đó tác ý “các hành ngưng nghỉ” con không biết đúng hay sai?

          Đáp: Khi hơi thở gần như mất hoặc mất hẳn, sức tỉnh thức sẽ tập trung vào các hành trong thân, con phải hướng tâm nhắc: “Các hành phải ngưng hoạt động! Ngưng hoàn toàn!” Cách thức hướng tâm như vậy là đúng pháp và đúng lúc, không sai, nhưng có một điều con nên lưu ý: khi một người tu hành mà tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn, hoặc chỉ ly một ít nào đó, hoặc chưa ly chút nào hết, lúc bấy giờ tâm dục và các ác pháp đang ẩn núp trong thân tâm hay nói một cách khác là tâm tham, sân, si đang nằm ngủ hay nói rõ hơn là tâm tham, sân, si đang bị ức chế nên lúc bấy giờ ý thức ngưng hoạt động thay thế tưởng thức hoạt động.

          Do tưởng thức hoạt động con mới có cảm giác hơi thở gần như ngừng hẳn, đôi khi mất hẳn, mà chỉ có cơ bụng hoạt động rất mạnh (phình xẹp) giống như Thiền “Minh Sát Tuệ” do Mahasi dạy. Ngài cũng do tu tập ức chế nên lọt vào tưởng thức, thấy cơ bụng phình xẹp rõ ràng. Từ đó, Ngài rơi vào tưởng pháp nên Ngài thường dạy đồ chúng Minh Sát để khắc phục tham ưu, nhưng khắc phục tham ưu bằng tưởng thì làm sao ly dục ly ác pháp được. 

          Nếu không ly dục ly ác pháp bằng ý thức để khắc phục tham ưu mà bằng tưởng thức thì giống như một loài vật ngu tha một miếng thịt đi ngang qua một chiếc cầu, thấy miếng thịt dưới dòng sông lớn hơn nên vội bỏ miếng thịt thật nhảy xuống đớp ngay cái bóng của miếng thịt thì ôi thôi! Đã mất miếng mồi mà còn thiệt thân.

          Thầy Thiện Thuận do tu sai nên lạc vào định tưởng, dùng pháp hướng tâm để tịnh chỉ hơi thở nên cơ thể rối loạn khiến Thầy rối loạn thần kinh, mất tự chủ mà người đời gọi là “Tẩu hỏa nhập ma.” Nhờ Thầy kịp lúc ở gần mới xả được.

          Cháu Ngọc do tu sai ức chế lòng ham muốn, dồn nén đến tận cùng để đạt được cứu cánh, lúc bấy giờ có người gợi đúng lòng ham muốn của cháu khiến thần kinh hưng phấn quá mạnh mất thăng bằng nên cháu nói lung tung với những điều bị quá nén, tức bực trong tâm, cũng giống như người đang sân họ nói tất cả những sự bực tức. Khi đổ ra hết những sự bực tức thì họ cảm thấy như mình không còn sân, đó là sự tuôn trào của tâm sân, tức là trong lúc sân thì thần kinh hưng phấn nên người sân giống như người điên, nói ào ào dữ dằn như cọp gầm, trâu rống.

          Khi muốn tịnh chỉ các hành trong thân, nhất là hơi thở thì phải thấu rõ tâm mình, phải ly dục ly ác pháp tức là tâm như cục đất hoặc nói khác hơn là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm bất động tức là không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa; tâm không phóng dật là tâm thường quay vô định trên thân. Nếu được vậy tức là tâm nhập Bất động Định, chỉ khi nào tâm nhập Bất động Định thì con mới dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ các hành trong thân thì mới có hiệu quả, còn không khéo bị tưởng thì rất nguy hiểm cho sinh mạng con.

          Minh Tông ức chế tâm không vọng tưởng, dùng pháp hướng tịnh chỉ hơi thở làm đứt mao phế quản khạc ra máu, đó là một kinh nghiệm xấu để bốn chúng lấy đó mà cố tránh, đứng giẫm lại lối sai này con ạ!

          Tu hành phải cẩn thận, những gì Thầy dạy phải làm đúng, đừng làm sai theo sự hiểu biết của mình, đừng làm sai, làm theo kiến giải tưởng giải của mình mà tự giết chết đời mình con ạ! Cho nên tu theo đạo Phật, điều quan trọng nhất là xả tâm, ly tham đoạn diệt lòng ưu não để đạt được tâm bất động chứ không phải chỗ tịnh chỉ hơi thở.

          Hiện giờ lòng ham muốn tu hành của con người để đạt được sự giải thoát thì đã bị lệch lạc quá nhiều, do các Tổ tưởng giải ra pháp môn tu tập ức chế tâm. Người ta cứ nghĩ tưởng rằng có thần thông thì sẽ không còn giận hờn, phiền não, đau khổ nữa và có thể chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự nghĩ tưởng như vậy là sai.

          Người ta cứ nghĩ rằng khi tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết là không còn tham, sân, si, phiền não, đau khổ nữa và chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự nghĩ tưởng như vậy cũng là sai, không đúng. Người ta cứ nghĩ tưởng rằng khi Kiến Tánh là không còn tham, sân, si, phiền não nữa là thành Phật, là chấm dứt tái sanh luân hồi.

          Sự thực là không phải vậy, tất cả những sự nghĩ tưởng trên đây đều là sai cả. Vì những người có thần thông vẫn còn tham, sân, si như thường và còn tham, sân, si nhiều hơn. Đó là những vị giáo chủ có thần thông mà chúng ta đã từng nghe báo chí trên thế giới loan tin. Người ta cũng cho rằng những nhà Yoga tịnh chỉ hơi thở, chôn trong đất, dìm trong nước mà không chết, các ông này có thể không còn tham, sân, si nữa, sự thật là không phải vậy.

          Báo chí thế giới loan tin có các đạo sĩ Yoga ở Ấn Độ đã biểu diễn bên Liên Xô khiến cho mọi người đều kính phục. Tưởng việc làm như vậy của họ là giải thoát, nhưng kỳ thực đó là những điều tu luyện cầu danh, mà còn cầu danh thì tham, sân, si còn đủ. Tham, sân, si còn đủ thì làm sao gọi là giải thoát được. Vì sự biểu diễn của họ, họ còn tâm háo danh.

          Hiện giờ đường lối Thiền Đông Độ đã hướng dẫn con người Kiến Tánh rất đông đảo, từ người trí thức làm việc văn phòng cho đến những người buôn bán và những lao công đều có thể Kiến Tánh dễ dàng, nhưng chứng minh chưa có ai hết tham, sân, si, phiền não cả và cũng không làm chủ bịnh đau và sự chết.

          Vì thế con người trên hành tinh này, chúng ta đang sống trong nỗi khắc khoải của sự đau khổ của kiếp làm người, nhìn chung không có một tôn giáo và giáo phái nào đáp ứng được sự khắc khoải của nhu cầu này.

          Thần thông để mà làm gì? Để lừa bịp thiên hạ ư?

          Yoga luyện tập quá gian khổ để làm gì? Để ngừa bịnh, trị bịnh ư? Để biểu diễn đình chỉ hơi thở cho mọi người kính phục chơi thì có nghĩa lý gì? Còn Kiến Tánh để mà Kiến Tánh thì có nghĩa gì? Khi tham, sân, si vẫn còn nguyên.

          Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, có ba loại thần thông. Thế nào là ba? 1- Thần thông biến hóa. 2- Thần thông ký thuyết. 3- Thần thông giáo hóa.

          Và này Bà La Môn, thế nào là thần thông biến hóa?

          Ở đây, này Bà La Môn, có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không nứt nẻ ra như trên đất liền, ngồi kiết già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.

          Và này Bà La Môn, thế nào là thần thông ký thuyết?

          Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên nhờ tưởng “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông.” Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

          Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên không nhờ tưởng, nhưng nghe tiếng của loài Người hay của phi nhân, hay của chư Thiên, liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông.” Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

          Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên không nhờ tưởng, cũng không nhờ nghe tiếng loài Người hay loài phi nhân, hay chư Thiên mà nói lên, nhưng sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư; sau khi suy tầm và suy tư liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông.” Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

          Ở đây, này Bà La Môn có người không nói lên nhờ tưởng, không nói lên nhờ nghe tiếng loài Người hay phi nhân, hay chư Thiên, không nói lên sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư, sau khi suy tầm và suy tư. Nhưng thành tựu định không tầm không tứ, với tâm (của mình) rõ biết tâm của người khác tùy theo hành ý của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Này Bà La Môn, đây gọi là thần thông ký thuyết.

          Và này Bà La Môn, thế nào là thần thông giáo hóa?

          Ở đây, này Bà La Môn, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!” Này Bà La Môn, đây gọi là thần thông giáo hóa.”

          Trên đây Đức Phật đã trình bày ba loại thần thông và Đức Phật chấp nhận loại thần thông nào? Qua bài Kinh trên đây, chúng ta nhận xét thấy ba loại thần thông này ở những pháp môn nào của Đức Phật đã thực hiện ra được.

          1- Thần thông thứ nhất là thần thông biến hóa, nó nằm ở pháp môn nào? Thần thông này nó nằm ở từ pháp Tứ Thiền đến Tam Minh.

          2- Thần thông thứ hai là thần thông ký thuyết, nó bắt đầu từ pháp môn Nhị Thiền đến Tam Thiền, biết tư niệm của người khác. Thường thần thông này trong nhà Thiền người ta gọi là trực giác.

          3- Thần thông thứ ba là loại thần thông giáo hóa, tức là đức hạnh làm Thánh, làm Người.

          Người dạy thần thông loại nào thì phải thể hiện loại thần thông đó.

          Ví dụ: Người dạy về thần thông biến hóa thì phải thể hiện sự biến hóa để dạy cho người ta tu tập biến hóa. Người dạy thần thông về trực giác thì phải thể hiện biết chuyện quá khứ vị lai và tư niệm của họ. Người dạy thần thông giáo hóa thì phải thể hiện đức hạnh làm Người, làm Thánh.

          Bây giờ, chúng ta nghe tiếp lời của Đức Phật, Ngài đã chấp nhận loại thần thông nào?

          “Này Bà La Môn, trong ba loại thần thông này, Ông có thể chấp nhận loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn?

          Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, loại thần thông này: Ở đây, có người chứng được nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân… Có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Loại thần thông này, thưa Tôn già Gotama, ai làm loại thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với con, được xem tánh chất như là huyễn hóa.

          Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người nhờ tưởng nói lên… sau khi nghe tiếng chư Thiên… sau khi nghe tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư. Với tâm của mình, rõ biết tâm của người khác. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm thần thông ấy người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với con, được xem tánh chất như là huyễn hóa.

          Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này… hãy đạt đến cái này và an trú.” Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, con có thể chấp nhận là hy hữu hơn, và thù diệu hơn trong ba loại thần thông.” (Tăng Chi Kinh Tập 1 trang 304).

          Xét qua những lời Đức Phật đã dạy trên đây, chúng ta biết con đường tu theo đạo Phật là tu những gì có ích cho mình, cho người, còn những gì không ích lợi thì đó chỉ là những trò huyễn hóa mà thôi. Thế mà hầu hết mọi người đến với tôn giáo không riêng gì Phật giáo, họ đều nhắm vào mục đích thần thông, họ quý trọng mục đích thần thông như những gì siêu việt, người thực hiện được thần thông họ đều xem như Thánh, Thần, Tiên, Phật.

          Trong lịch sử tôn giáo không có một tôn giáo nào mà không ca ngợi và tôn sùng thần thông, ngoại trừ có Phật giáo không bài bác thần thông, nhưng xem thần thông như một trò ảo thuật huyễn hóa. Đạo Phật không chấp nhận nó, vì nó không ích lợi gì cho mình, cho con người, chỉ là một trò ảo thuật giải trí của thiên hạ, nói như vậy không có nghĩa là đạo Phật không thực hiện được thần thông. Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy:

          “Thật vậy, này Bà La Môn, lời nói của Ông trước như là chống ta, sau xích lại gần ta. Và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà La Môn, Ta chứng được nhiều loại thần thông…” (Tăng Chi Kinh Tập 1, trang 308)

          Hướng tới tịnh chỉ hơi thở cũng là một loại thần thông, nó thuôc về loại thần thông biến hóa, thần thông biến hóa nó nằm trọn trong hệ thống Tam Minh. Hệ thống Tam Minh gồm có Tứ Thiền và Tam Minh; và Tứ Thiền là tịnh chỉ hơi thở, cho nên con tu tập cho các hành trong thân ngưng nghỉ thì đó là một sự tập luyện về thần thông. Ở đây, sự tập luyện về thần thông cũng không cần thiết. Đối với đạo Phật, sự tu tập cần thiết là phải ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là một đạo đức làm Người, làm Thánh, là giới luật của Đức Phật, là giáo pháp của Ngài, là Phạm hạnh của người tu. Muốn được như vậy thì hằng ngày con nên tu tập pháp hướng tâm, “Tâm như cục đất.” Tâm như cục đất thật sự thì tịnh chỉ các hành trong thân của con không còn khó khăn nữa. Cho nên Đức Phật dạy: “Tâm nhu nhuyến, dễ sử dụng.”

          Chỉ khi nào tâm con như cục đất thì lúc bấy giờ con muốn sử dụng nó như thế nào, nó sẽ làm theo ý muốn của con. Tâm chưa như cục đất mà lo tu tập tịnh chỉ các hành trong thân thì cũng giống như Minh Tông, Thiện Thuận và một ông bác sĩ ở Quy Nhơn đều là đem đến tai hại nguy hiểm khó lường.

          Muốn tịnh chỉ các hành trong thân thì con nên xem tham, sân, si của con đã quét sạch chưa? Nếu chưa thì con nên hướng tâm như cục đất, còn nếu tham, sân, si đã vắng bóng thì con hướng tâm tịnh chỉ các hành và sẽ có kết quả ngay liền, con không còn thấy khó khăn một chút nào cả. Vì khi tâm tham, sân, si vắng bóng thì bảy năng lực Giác Chi phải xuất hiện, nó xuất hiện để giúp con làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Sau khi đọc những đoạn Kinh trên đây mà Đức Phật đã dạy, nếu ai còn ham mê thần thông, tịnh chỉ các hành, tịnh chỉ hơi thở khi mà tâm chưa thanh tịnh thì thật là điên rồ và ngu si như con vật ngu bỏ mồi bắt bóng mà còn phải thiệt thân.

          Điều lo lắng nhất của con người tu hành là làm sao ly dục ly ác pháp cho được. Điều đó Đức Phật đã xác định cho chúng ta một pháp môn Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý để chúng ta thành tựu, con nên nhớ kỹ mà ghi nhớ trong lòng mãi mãi: “Tâm như cục đất.” Tâm như cục đất thì sự tu hành của con đã hoàn tất, không còn phải tu tập gì nữa cả, lúc nào muốn sống chết là quyền ở con chứ không còn ở luật nhân quả nữa.

          Đến đây Thầy chúc con tu tập sớm thành công, trước tiên tâm con được an ổn, khi đứng trước các ác pháp như: sanh, già, bệnh, chết, con không còn bận tâm và lo lắng nó nữa, trước khi chết con biết chỗ con về. Còn đối về mặt ân nghĩa thì con đã đền đáp ơn Phật, ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và không phụ ơn Thầy và đàn na thí chủ. Như vậy, con đã xứng đáng là một người phật tử. Phải ráng lên con ạ!