Skip directly to content

Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 06 (21-25)

21. NIỆM VÀ HÀNH CÁC PHÁP NHƯ THẾ NÀO?

          Chơn Như ngày 8 thàng 2 năm 2001

          Kính thưa Thầy! Vì Phật pháp, lúc này nếu Thầy ra đi chúng con e rằng: Giới luật của Đức Phật người ta còn bẻ vụn, vậy Đường Về Xứ Phật của Thầy người ta sẽ phá đi để đi con đường khác Thầy ạ! Do đó ước nguyện của chúng con muốn Thầy vì Phật Pháp trường tồn, vì dìu dắt chúng sanh đang đắm chìm trong biển khổ. Kính xin Thầy, một thời gian nữa Thầy hãy ra đi Thầy nhé!

Thưa Thầy, con nghĩ rất nhiều, con không thể viết ra được, con không có văn hay, chữ tốt, lỗi chính tả của con cũng có, con mong Thầy cảm thông cho con. Sau đây con mong Thầy giải thích cho con hiểu một số câu hỏi:

Niệm và Hành các pháp này như thế nào?

Kính thưa Thầy, ở miến Bắc các cư sĩ thường đọc và tụng kinh sách của Đại Thừa nhiều nên đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người. Đến nay chúng con có phước duyên gặp được chánh pháp của Phật, chúng con mong Thầy giảng rõ cách niệm, cách hành trì và phân biệt những câu dưới đây để mọi người hiểu được rõ ràng để khi tu tập cho có kết quả.

1, Cách niệm thân, thọ, tâm và pháp như thế nào?

2, Cách quán thân, thọ, tâm, pháp như thế nào?

3, Cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới như thế nào?

Ở miền Bắc nói đến niệm là mọi người cứ đọc: “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” v.v… Còn niệm Pháp thì cứ nghĩ tưởng là tụng kinh, họ đâu biết kinh là lời Phật dạy các pháp thiện hoặc ác để mọi người tu tập tránh điều ác làm điều lành để mọi người không còn làm khổ cho nhau, đó là giải thoát, chứ đâu có nghĩ kinh sách để mà tụng gọi là niệm Pháp.

Từ lâu trên thế gian này chúng con có bao giờ được nghe giảng về các pháp này đâu. Vì vậy chúng con ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chúng con, nói rõ như Thầy đã giảng “Thất Giác Chi” trong tập 9 Đường Về Xứ Phật."

Đáp: Niệm theo lời Đức Phật dạy thì không phải là miệng đọc thầm hoặc đọc to tiếng một danh hiệu Phật hoặc một câu kinh, câu kệ, câu thần chú v.v…

Niệm có nghĩa là tâm tâm niệm niệm một việc gì, một gương hạnh đạo đức cao thượng, một pháp môn tuyệt vời để sống đúng, làm đúng, tu tập đúng, không hề làm sai, hành sai, sống sai v.v…

1- Cách niệm thân, thọ, tâm, pháp là luôn luôn quan sát để ý trên bốn chỗ này tức là thân, thọ, tâm và pháp. Hễ khi thấy có chướng ngại pháp nào trên đó thì phải tìm mọi cách đẩy lui chúng ra khỏi bốn chỗ này. Nhờ tu tập như vậy mà tâm được giải thoát nên gọi là tu tập Tứ Niệm Xứ hay gọi là cách niệm thân, thọ, tâm, pháp và vì vậy còn gọi là niệm bốn niệm xứ.

2- Quán thân, thọ, tâm và pháp là cách tư duy, suy nghĩ về thân, thọ, tâm và pháp. Ví dụ:

Quán về thân, tức là tư duy suy nghĩ về sự vô thường, sự bất tịnh, sự đau khổ của thân. Thân không phải là ngã, là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thân là do nhân quả tạo thành, thân là do tứ đại hòa hợp, thân là ổ bệnh tật, là tai họa, khổ ách v.v…

Quán về thọ, thọ cũng vô thường, cũng khổ đau, thọ không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thọ là do nhân quả mà có, thọ là thọ chứ không có người chịu thọ khổ đau như phần đông người ta tưởng “Có người chịu thọ khổ đau.”

Quán về tâm, tâm vô thường, vô ngã, tâm là khổ đau, tâm không phải là ta, của ta, không phải là bản ngã của ta, tâm là do duyên ngũ uẩn tạo thành, tâm là chủ chốt của hành động nhân quả thiện và ác, tâm ham muốn là khổ, tâm không ham muốn là giải thoát, tâm ác là khổ, tâm thiện là giải thoát.

Quán về pháp, các pháp là vô thường, là khổ, là vô ngã, các pháp không phải là ta, của ta, bản ngã của ta v.v…

Về phương pháp niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới thì các con nên đọc lại Tứ Bất Hoại Tịnh mà Thầy đã giảng dạy trong bộ sách Đường Về Xứ Phật. Trong kinh Nguyên Thủy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy:

Niệm Phật có nghĩa là Phật sống như thế nào thì chúng ta sống như thế nấy thì gọi là niệm Phật.

Niệm Pháp có nghĩa là pháp dạy như thế nào thì chúng ta sống đúng như pháp đã dạy thì đó là niệm Pháp.

Niệm Tăng có nghĩa là chúng Tăng sống hòa hợp như thế nào thì chúng ta sống hòa hợp như thế nấy, đó là niệm Tăng.

Niệm Giới có nghĩa là giới luật dạy như thế nào thì chúng ta phải sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đó là niệm giới.

Chỉ tu tập theo đúng lời dạy trên đây thì có sự giải thoát ngay liền, còn niệm Phật theo kiểu Đại Thừa, cứ đọc tụng danh hiệu Phật tức là chửi Phật thì có tội chứ chẳng có ích lợi gì cả. Ví dụ: Như có ai cứ gọi tên mình mãi mình có buồn giận không? Chẳng hạn người ta gọi tên con: “Tâm Thanh ơi! Tâm Thanh ơi! …!

Như vậy con thấy sao? Gọi tên con mà con giúp gì được cho họ khi mà luật nhân quả đã công bằng và công lý xử phạt công minh cho những kẻ làm ác.

 

22. THỌ BÁT QUAN TRAI

Hỏi: Kính thưa Thầy, thọ Bát Quan Trai như thế nào cho đúng? Bên Đại Thừa trong một tháng thọ Bát Quan Trai chọn lấy hai ngày, ngày 15 và ngày 30, ngày ấy đem kinh Phạm Võng đến chùa để nghe thuyết giảng và giữ giới. Bây giờ chúng con được nghe Thầy dạy thọ Bát Quan Trai chúng con cũng chọn lấy hai ngày ấy, nhưng ngày đó gia đình có việc bận rộn, chúng con có thể thọ vào ngày khác được không?

Đáp: Thọ Bát Quan Trai tức là người cư sĩ phải sống đúng trong một ngày như Phật (tập làm Phật trong một ngày) không hề vi phạm tám giới, sống trầm lặng độc cư một mình, không nói chuyện tào lao, không làm ồn náo, không nghe thuyết giảng, không ăn uống phi thời, không ca hát và nghe ca hát, không trang điểm làm dáng làm đẹp, giữ tâm từ bi thương xót chúng sanh, không khởi tâm dâm dục, không nói lời không đúng sự thật, không uống rượu và những thứ nghiện ngập, không tham lam trộm cắp.

Suốt trong 12 tiếng chuyên tâm tu tập thường hằng đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, và pháp. Tu như vậy mới gọi là Thọ Bát Quan Trai. Còn tu tập Thọ Bát Quan Trai theo kiểu Đại Thừa thì tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, ngồi thiền, đó là lối giải trí tôn giáo chứ tu tập như vậy không có lợi ích gì cả.

Trong một tháng các con chọn một ngày nào rảnh thì tu tập Thọ Bát Quan Trai đều tốt, chứ không riêng gì ngày 15 và ngày 30. Các con là cư sĩ, gia duyên có rất nhiều việc không thể bỏ quên trọng trách và bổn phận của mình đối với những người thân thương trong gia đình? Các con chớ phải đợi ngày 15 và ngày 30 mới Thọ Bát Quan Trai mà ngày nào cũng tốt, miễn là các con được rảnh công việc. Ngày 15 và ngày 30 Đại Thừa tổ chức như vậy là tạo thành ngày hội thói quen để vui chơi giải trí tôn giáo.

Mặc dù trong kinh sách Nguyên Thủy có dạy ngày 15 và ngày 30 Thọ Bát Quan Trai có nghĩa là chia đều trong tháng cách 15 ngày một kỳ Thọ Bát, nhưng đó là sự chia đều để dễ tu chứ không phải là sự tu tập để làm Phật trong một ngày. Theo Thầy thiết nghĩ ngày nào rảnh rang là ngày đó dễ tu nhất, vì đây là pháp tu xả tâm chứ không phải ức chế tâm, các con cứ suy ngẫm có đúng không?

 

23. CÁCH XƯNG HÔ

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong ngày Thọ Bát Quan Trai chúng con xưng hô như thế nào cho đúng? Chúng con thường xưng hô như thế này: “Các cô và con. Các đạo hữu và tôi.” Chúng con mong Thầy từ bi lân mẫn dạy bảo để chúng con biết cách xưng hô với nhau cho đúng là người đệ tử của Phật, là người dân Việt Nam mà không bị đồng hóa với dân tộc khác.

Đáp: Các con nên xưng hô với nhau: Người nhỏ tuổi nên gọi người lớn tuổi hơn bằng cụ, cô, bác, anh, chị như tiếng xưng hô ngoài đời, nhưng phải thêm vào pháp danh.

Ví dụ: Thưa cụ Minh Tâm, con muốn hỏi một điều; …, thưa cô Liễu Tâm, cháu muốn nhờ cô giúp cho…; thưa bác Tâm Như, …; thưa anh Từ Quang, …; thưa chị Liễu Hạnh v.v…

Người lớn tuổi xưng hô với người nhỏ tuổi hơn bằng cách gọi pháp danh.  

Ví dụ: Minh Tâm, bác nhờ cháu giúp điều này, Minh Trí, em giúp chị điều này, Liễu Châu, cô muốn nói chuyện với cháu, Liễu Ngọc, em lấy cho chị cái rổ, Từ Hạnh, cháu giúp bác cắm lọ hoa, Từ Đức giúp cô mời cụ Tâm Quang v.v… Nếu lịch sự hơn một chút thì chúng ta thay đổi vị trí cháu, em, đứng trước pháp danh. Ví dụ: cháu Diệu Thiện, em Từ Hạnh …

Về việc xưng hô các con đừng dùng (không nên dùng) những danh từ Hán ngữ như: “hiền tỷ, hiền muội, hiền huynh, đạo hữu, đạo huynh, sư tỷ, sư muội, sư huynh, sư bá, sư thúc v.v…” Xưng hô như vậy rất là Trung Hoa, nghe không phải là người Việt Nam, phải không các con? Người Việt Nam xưng hô bằng ngôn ngữ Việt Nam và những ngôn ngữ ấy rất thân mật và cao đẹp, ngôn ngữ và âm thanh ấy diễn đạt được đạo đức tình thương thấm thía từ người này cảm thông đến người kia như chia xẻ ngọt bùi cay đắng của kiếp làm người và cũng nói lên được sự cảm thông nhau trên đường tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp là pháp khó khăn vô cùng vô tận. Ngôn ngữ xưng hô của dân tộc Việt Nam không thể thua một ngôn ngữ nước nào trên hành tinh này, nó nói lên đúng ý nghĩa tinh thần tình cảm của dân tộc Việt Nam, nhờ thế chúng ta không bị đồng hóa với một dân tộc nào khác phải không hỡi các con?

Dân tộc Việt Nam không thiếu ngôn ngữ xưng hô, thế mà trong tôn giáo lại dùng những ngôn ngữ ngoại lai xưng hô với nhau mà lại còn hãnh diện. Thật là đau lòng! Người Việt mà không biết dùng tiếng Việt xưng hô với nhau thì có nỗi buồn và xấu hổ nào hơn phải không các con?

 

24. NGƯỜI CƯ SĨ CÓ NHẬP ĐƯỢC SƠ THIỀN KHÔNG?

Hỏi: Kính thưa Thầy, người cư sĩ có nhập được Sơ Thiền không? Chúng con là những cư sĩ tại gia, cũng ăn trường chay, có người cũng ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời và đang tu tập ly dục ly ác pháp. Nhưng bổn phận và trách nhiệm làm người nội trợ gia đình nên chúng con phải đi mua các loại thịt cá mà người bán đã làm sẵn. Chúng con chỉ có cắt, thái, xào nấu cho gia đình ăn. Đó là chúng con tùy thuận gia đình. Nhưng với tâm chúng con thì không dính mắc có nghĩa là chúng con không còn ưa thích ăn thịt cá nữa.

Với việc làm này chúng con tu tập có nhập được Sơ Thiền hay không? Và có tội lỗi gì không? Xin Thầy vui lòng chỉ dạy cho chúng con được rõ để chúng con tu tập cho có kết quả. Chúng con xin biết ơn Thầy.

Đáp: Người cư sĩ vẫn nhập được Sơ Thiền, nhưng phải siêng năng tu tập Thọ Bát Quan Trai giữ gìn rất đúng phạm hạnh, không hề vi phạm tám giới đã thọ thì chuyển hóa được nghiệp gián tiếp sát sanh.

Thầy sẽ cố gắng nội trong năm này bộ sách Đạo Đức Làm Người ra đời giúp cho tất cả gia đình của các con không còn ưa thích thực phẩm động vật, các con sẽ không còn thấy sự sống chết khổ đau của chúng sanh dưới bàn tay của các con nữa.

Hiện giờ tuy rằng các con không tự tay giết hại chúng nhưng còn có người ăn thì còn có người giết hại. Càng suy ngẫm chúng ta lại càng thương tâm cho chúng sanh, trước lúc chết chúng phải chịu nhiều sự hành hạ khổ đau, giãy giụa, kêu la phải không hỡi các con?

Người tu theo đạo Phật không nỡ nhẫn tâm nhìn sự đau khổ và chết chóc trước cảnh thảm thương đó. Người tu theo đạo Phật không nỡ nhẫn tâm bỏ thịt cá vào miệng nhai nuốt. Nhai nuốt làm sao được mỗi miếng thịt cá là mỗi sự khổ đau giẫy giụa kêu la trên dao dưới thớt. Thật là đau xót vô cùng. 

 

25. NGƯỜI TU SĨ PHÁ GIỚI

Hỏi: Đi tu có được học giới luật không? Nếu đã được học giới luật, sao không giữ gìn giới luật mà để vi phạm?

Người tu sĩ sao lại ăn uống phi thời, ngày ăn ba bốn bữa như vậy có đúng là tu sĩ không?

Người tu sĩ sao lại ăn thịt chúng sanh? Lòng từ bi của họ ở đâu? Sao lại theo đạo từ bi mà không có từ bi chút nào?

Người tu sĩ sao không có oai nghi tế hạnh, đi đứng nằm ngôi nói năng không đúng cách, họ chẳng khác gì người cư sĩ tại gia, tại sao vậy?

Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Theo Phật giáo Nguyên Thủy, trước khi muốn trở thành một tu sĩ của Phật giáo, người cư sĩ cũng như người tu sĩ ngoại đạo phải bốn tháng được sống và học tập giới luật, nếu bốn tháng cảm thấy sống thích thú với đời sống phạm hạnh tức là không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả thì Đức Phật mới chấp nhận trở thành người tu sĩ của Phật giáo. Bởi vì giới luật là đạo hạnh của người tu sĩ.

Đối với người tu sĩ Phật giáo thì không thể thiếu được đạo hạnh, nếu thiếu giới luật đạo hạnh thì người tu sĩ ấy là người tu sĩ ngoại đạo không phải tu sĩ của Phật giáo. Đức Phật đã xác định điều này: “Giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất,” như vậy một tu sĩ sống không đúng giới luật là không phải tu sĩ của Phật giáo.

Như vậy các tu sĩ Phật giáo hiện giờ dù Bắc Tông hay Nam Tông; Thiền Tông hay Tịnh Độ Tông, Mật Tông hay tất cả Tông nào khác… đều sống không đúng giới luật thì đó không phải là tu sĩ của ngoại đạo sao? Các phật tử hãy suy ngẫm lời Đức Phật đã dạy trên đây để chúng ta nhận xét tu sĩ nào là tu sĩ Phật giáo và tu sĩ nào là tu sĩ ngoại đạo không còn khó khăn nữa phải không quý phật tử?

Bốn tháng thử thách giới luật của một người mới vào tu, không phải là bốn tháng học và sống đúng giới luật sao? Những hành động sai phạm giới mà con đã nêu ở trên, đó là những tu sĩ của kinh sách phát triển, những tu sĩ này có xứng đáng làm thầy của cư sĩ các con không?

Họ là những tu sĩ thiếu đạo đức làm người thì nói gì đến đạo đức làm Thánh; họ là những tu sĩ không xứng đáng làm gương hạnh tốt cho người cư sĩ; họ không xứng đáng là tu sĩ để các con cúng dường, đảnh lễ, cung kính và tôn trọng.