Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 35 (130-134).
130. Con Người Do Ba Hành Động Thân, Miệng, Ý Sanh Ra
Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao con người sanh ra là do ba nơi hành động thân, miệng, ý này?
Đáp: Con người sanh ra do ba hành động thân, miệng, ý. Nếu trong ba hành động thân, miệng, ý này do “Vô Minh” điều khiển, tác động thì thế giới đau khổ của một con người sẽ bắt đầu mở ra. Nếu ba hành động thân, miệng, ý này do “Minh” điều khiển thì thế giới khổ đau của một con người sẽ bắt đầu chấm dứt.
Ba nơi này thường tạo ra nghiệp lực của con người theo hành động nhân quả. Như đức Phật đã dạy cho chúng ta biết, khi con người chết hoàn toàn không còn một vật gì thường hằng bất di, bất dịch, chỉ còn nghiệp lực thiện hay ác tiếp tục tái sanh mà thôi.
Ba nơi này sanh ra nghiệp lực, từ nghiệp lực này mãi mãi tiếp tục sanh tử luân hồi, cho nên gọi ba hành động này con người từ đó sanh ra là vậy.
131. Vô Minh Và Minh
Hỏi: Kính thưa Thầy? Vô minh là gì? Nó điều khiển nơi ba hành động thân, miệng, ý này mà thế giới đau khổ của một con người mở ra như thế nào? Và minh là gì? Nó điều khiển ba nơi thân, miệng, ý thì thế giới khổ đau của một con người chấm dứt, xin Thầy vì chúng con mà chỉ dạy cho rõ ràng để chúng con tu tập?
Đáp: Vô minh là sự hiểu biết theo tâm ham muốn của mình (ái dục), vô minh là sự hiểu biết đối với các pháp không đúng như thật; hiểu biết một cách lệch lạc thiếu khoa học; hiểu biết theo chủ quan thiếu thực tế và cụ thể; hiểu biết trong các pháp đối đãi, hiểu biết trong hạn hẹp và hiểu biết bằng tưởng tượng v.v... Nói chung cái hiểu biết bằng trí hữu hạn của con người là “vô minh.” Vì thế biết bao nhiêu bài pháp của Đức Phật đã vạch ra cho mọi người thấu hiểu rất rõ ràng, từ thế giới hữu hình đến thế giới siêu hình, toàn là thế giới duyên hợp không có một vật thể gì là thực thể thường hằng, bất biến. Phật dạy rất rõ, thế mà con người cứ hiểu biết mọi vật là thật có, thậm chí đến cái thế giới siêu hình cũng cho là có thật.
Vì cho nó là thật nên luôn luôn bị dính mắc chấp đắm, do sự dính mắc chấp đắm các pháp mà con người tạo biết bao nhiêu điều đau khổ cho nhau, biến cuộc sống con người trên hành tinh này thành địa ngục. Con người chỉ còn là những ác quỷ giết hại lẫn nhau, chà đạp lên nhau, gian xảo, mánh mung, lừa đảo, lừa gạt, lường lận, hại nhau mà chẳng có chút lòng thương xót, chỉ vì vật chất cho nó là thật có.
Trí tuệ vô minh rất tai hại, tức là sự hiểu biết không thấu suốt các pháp thế gian. Có người bảo rằng: “Phải học thông suốt Tam Tạng kinh điển của Phật là hết vô minh, sẽ được giải thoát hoàn toàn.” Nói như vậy, các ông có bằng tiến sĩ Phật học là giải thoát hoàn toàn hết sao? Bằng chứng các ông có bằng tiến sĩ Phật học còn dính mắc hơn ai, sống phạm giới, phá giới. Trong kinh Đức Phật đã chẳng dạy: “Giới luật ở đâu thì trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật làm cho trí tuệ thanh tịnh và trí tuệ làm cho giới luật thanh tịnh.”
Vậy mà, người ta cho rằng có bằng tiến sĩ Phật học là có trí tuệ. Trí tuệ “Minh” ở chỗ giới luật thanh tịnh, còn ngược lại trí tuệ tiến sĩ Phật học mà sống không đúng giới luật, phạm giới luật thì đó là trí tuệ “Vô minh.” Do trí tuệ vô minh học hỏi, những nhà học giả này chấp ngã bằng trời hơn ai hết và dính mắc các pháp khó buông bỏ. Bỏ biết bao nhiêu công lao năm tháng học hành, cuối cùng cũng chỉ học nói như một con chim để lừa đảo người, buôn Phật, bán pháp, làm cuộc sống trong danh lợi, ô nhục mà vô minh vẫn hoàn là vô minh.
Ví dụ: Cho thân này là ngã, hoặc cho tâm là ngã hoặc cho thân này là của ta hoặc cho tâm này là của ta hoặc cho các dục là hạnh phúc ưa mến, yêu thích nó; hoặc cho vũ trụ này có thế giới siêu hình, có linh hồn người chết hoặc cho có chư Bồ Tát, Thần, Thánh, ma quỷ v.v... phò hộ và phá phách. Cho thế gian này là thường còn, cho có đức Phật Di Đà và thế giới Cực Lạc Tây phương, cho có Phật Tánh, Đại Ngã, Tiểu Ngã, Bản Thể Vạn Hữu, Bản Lai Diện Mục, cho có Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ nạn, cho có mười vua Diêm Vương, Ngưu Đầu, Mã Diện, quỷ Vô Thường, quỷ La Sát, quỷ Sứ v.v... Những sự hiểu lầm lạc tưởng tri đó gọi là vô minh.
Thường con người vì hiểu lầm lạc, hiểu không đúng, nên hành động theo sự hiểu biết không đúng đó mà tạo ra biết bao nhiêu thứ đau khổ và lầm than cho đời mình, người khác và tất cả chúng sanh.
Vì vô minh (hiểu không đúng) tưởng sắc dục là khả ái, khả lạc là hạnh phúc nên ham mê say đắm, đắm đuối chạy theo quyết tìm cho được và hành động dục lạc đó cho thoả mãn. Do sự hiểu biết lầm lạc đó đi đến hành động thỏa mãn dục vọng nhưng nào ngờ chẳng thỏa mãn dục vọng đó được mà còn bị đắm nhiễm trở thành một nghiệp lực rất mạnh.
Chính những hành động vô minh tạo ra nghiệp lực thúc đẩy đi đến tái sanh luân hồi. Do nghiệp thiện, ác mới có tái sanh luân hồi, có tái sanh luân hồi mới có thức, do có thức mà mọi người vì vô minh lầm tưởng cho là thần thức, linh hồn. Gần đây vào thế kỷ thứ V, Thiền Tông phát triển cho thức này là Phật Tánh, nhưng họ khéo lý luận đánh lạc hướng những người còn vô minh, chứ không thể nào lừa đảo được những đệ tử của Đức Phật.
Từ vô minh hiểu không đúng như thật, đã đưa con người từ lầm lạc này đến lầm lạc khác tạo ra thế giới đầy lòng tham muốn cái này, cái nọ để rồi gặt lấy hậu quả khổ đau vô vàn. Cho nên Đức Phật dạy: vô minh sanh hành, hành sanh nghiệp cho đến ưu bi sầu khổ, bịnh, chết đó là một thế giới duyên hợp tạo thành khổ đau, mà con người mấy ai đã biết. Kẻ nào biết được, dứt hết nguồn mê, bỏ xuống tất cả thì ngay liền đó là giải thoát. Phàm, Thánh chỉ có khác nhau là ở chỗ này mà thôi. “Phàm thì ôm đồm chẳng bỏ vật nào cả, Thánh thì buông xuống tất cả không lấy một vật gì.” Trí tuệ “Vô Minh” thì ôm đồm, chẳng bỏ vật nào cả, vì thế người có trí tuệ Vô Minh thì phải chịu khổ đau vô vàn, ngược lại trí tuệ “Minh” thì buông xuống tất cả, không lấy một vật nào hết, vì thế người có trí tuệ Minh thì tâm hồn thanh thản, an lạc và giải thoát.
Cho nên “Minh” là sự hiểu biết đúng như thật, không mang theo tâm ái dục, hiểu biết không lệch lạc, không chủ quan, đúng như pháp, có khoa học thực tế, cụ thể, rõ ràng, minh chứng và xác thực v.v... Nhờ sự hiểu biết như vậy mà đã đập tan Mười Hai Nhân Duyên này khiến cho cuộc sống của loài người trên thế gian này được an vui, hạnh phúc.
Người có Minh thấy các pháp đúng như thật nên hành động thân, miệng, ý tạo nhân quả thiện, không làm theo tâm ham muốn ác pháp của mình nên cởi bỏ hoàn toàn sự khổ đau và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Người ngộ được Mười Hai Nhân Duyên này là người phải có trí tuệ Minh, cởi bỏ mười hai mắt xích sắt này được giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau phiền toái. Nhờ trí tuệ Minh vén sạch ngũ triền cái, bứt bỏ thất kiết sử. Người đó gọi là bậc Duyên Giác hay còn gọi là Độc Giác Phật.
Tóm lại, trí tuệ Vô Minh sẽ đem đến cho loài người khổ đau, tạo nên một thế giới đầy dẫy bất toại nguyện, còn trí tuệ Minh thì đem lại cho loài người một sự hạnh phúc, an vui, vĩnh viễn.
132. Trí Học Giả
Hỏi: Kính thưa Thầy, có người hiểu biết rất rõ, đâu là Vô Minh, đâu là Minh và họ còn là những người đã từng học hỏi và thông suốt giáo lý của Phật, thế sao họ không vén sạch ngũ triền cái, bứt bỏ thất kiết sử, tâm họ luôn luôn vẫn còn tham danh đắm lợi, xin Thầy dạy cho chúng con rõ?
Đáp: Họ từ Vô minh lầm chấp, hiểu Vô Minh giống như người dốt không có học thức, nên chạy theo học hỏi để thông suốt lời Phật dạy, khi đã thông suốt lời Phật dạy họ đã trở thành chiếc tủ đựng kinh sách, từ đó bản ngã của họ trở thành to lớn hơn, nên sự vô minh của họ còn vô minh hơn. Có người cho rằng, trình độ học thức trên đại học là những người có trí tuệ, đối với đạo Phật trình độ học thức này chỉ là một cái bao đựng gạo, chỉ toàn nhai lại bã mía của người khác, chứ không phải như trí tuệ của Phật đã dạy: “Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh.” Đoạn kinh này đã được xác chứng một cách cụ thể trí tuệ của đạo Phật tương quan giữa sự hiểu biết và đức hạnh rất đặc thù của đạo Phật mà người đời không thể suy nghiệm ra được. Đó chính là trí tuệ giải thoát hay gọi là tri kiến giải thoát mà Đức Phật thường tán thán trí tuệ này.
Cho nên sự học thức của thế gian không phải là trí tuệ, mà là kiến thức vay mượn. Vì thế, có người đỗ bằng tiến sĩ Phật học, tam tạng kinh điển thông suốt, nhưng đối với đạo Phật đó không phải là trí tuệ mà là kiến thức hữu lậu, càng học hiểu nhiều lậu hoặc càng sanh nhiều hơn.
Trí tuệ của đạo Phật được phát triển là ở chỗ biết “xả tâm ly dục ly ác pháp” chứ không phải chỗ học hỏi nhiều. Vì có xả tâm ly dục ly ác pháp thì giới luật mới thanh tịnh, giới luật có thanh tịnh thì đời sống mới có đạo đức, mà đời sống có đạo đức thì ngay đó là trí tuệ, chứ có học hỏi gì đâu? Họ đâu biết rằng: Tại sao lại có Vô Minh? Có Vô Minh là vì có “lòng ham muốn”, do ham muốn mà Vô Minh có, nên Đức Phật dạy “ly dục ly ác pháp” thì Vô Minh sạch, Vô Minh sạch thì gọi là Minh.
Đức Phật đâu có dạy bảo chúng ta học tập cho thông suốt tam tạng kinh điển hoặc có cấp bằng này, cấp bằng nọ mà gọi là Minh bao giờ? Xưa, ông Bàn Đặc tối tăm dốt nát học không thuộc bốn câu kệ, thế mà đức Phật dạy ông tu hành chứng quả A-la-hán, tam tạng kinh điển đều thông suốt, thuyết giảng chẳng thua ai. Đó mới thấy trí tuệ của đạo Phật rất là đặc thù, người nào muốn có được trí tuệ như Phật thì hãy sống ly dục ly ác pháp. Phật bảo lìa dục lìa ác pháp thì có Minh, người đời hiểu lầm lạc, tưởng là học hỏi cho nhiều có cấp bằng này cấp bằng kia, do đó từ lớp Vô Minh này chồng lên lớp Vô Minh khác như trên chúng tôi đã nói. Phần đông đó là các giảng sư của Phật giáo chúng ta hiện giờ.
Bởi, muốn phá Vô Minh không phải lấy sự học hỏi hiểu biết mà phá được, chỉ có đoạn dứt “duyên sanh” tức là lìa dục, sanh còn là dục còn, sanh diệt là dục diệt, dục diệt thì Vô Minh diệt, Vô Minh diệt, tức là Minh sanh. Nên trong kinh Mười Hai Nhân Duyên Phật dạy: “Sanh diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Nghiệp diệt, Nghiệp diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Vô Minh diệt, Vô Minh diệt thì Minh sanh.”
Do đó đức Phật ngày xưa dạy người tu cắt ái ly gia, xuất gia, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa là vậy. Vì vậy, người nào muốn tu theo đạo Phật để được giải thoát thì phải dứt lìa “duyên sanh.” Dứt duyên sanh, tức là ly gia, cắt ái để trở thành một vị tỳ-kheo chân chánh. Người xưa dứt đời tìm đạo để cầu giải thoát, người nay dứt đời tìm đời qua hình ảnh một lớp áo cà sa của nhà tu để nuôi vợ, nuôi con, nuôi cha, nuôi mẹ, xây mồ mả ông, bà, dòng họ. (Hình ảnh một tu sĩ, vị tỳ-kheo để dễ bề tìm danh tìm lợi, lừa đảo tín đồ rất dễ dàng). Cho nên, theo đạo Phật cái học không phải là Minh, chỉ có sống đúng giới luật hằng ngày tu tập đúng các loại định:
1. Định Sáng Suốt
2. Định Vô Lậu
3. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác
4. Định Niệm Hơi Thở
Nhờ tu các loại định này thực hiện trên Tứ Chánh Cần, ngăn ngừa và đoạn dứt các ác pháp, khiến cho tâm ly dục ly ác pháp, do đó giới luật không vi phạm, không bị bẻ vụn, trở thành thân tâm nghiêm trì giới luật. Giới luật đã nghiêm túc thì thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, tức là thiền định, nên Phật dạy ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, thân tâm có định thì trí tuệ triển khai, trí tuệ triển khai gọi là Minh.
Người tu theo Phật giáo ngày nay nghĩ tưởng phá Vô Minh bằng Minh, nên ngay từ lúc ban đầu theo Minh đi vào để phá Vô Minh bằng sự học thức hiểu thông tam tạng kinh điển của Phật, đó là một sự hiểu sai lầm rất lớn. Thay vì phá Vô Minh lại chồng lên một lớp kiến chấp học thuật, vì thế bản ngã càng to lớn, chẳng chịu ly dục ly ác pháp, nên tâm không thanh tịnh, do tâm không thanh tịnh, nên không có định, không có định thì Minh chẳng bao giờ có, Minh chẳng có thì lấy gì phá Vô Minh, phá Vô Minh chẳng được nên chồng thêm một lớp Vô Minh nữa. Những người tu sĩ và cư sĩ này giống như một con chim học nói tiếng người, chẳng có ích lợi gì cho họ cả.
Theo sự học thức của họ, từ đó họ tu tập thiền định ức chế tâm nên sanh ra nhiều kiến giải, sản xuất ra nhiều pháp môn thiền định, nhưng toàn là thiền ức chế tâm hoặc sanh ra những pháp môn cầu tha lực chuyên cúng bái, tụng niệm, cầu khẩn, tế lễ, v.v... đưa Phật giáo đến chỗ mê tín, dị đoan, trừu tượng.
Từ chỗ hiểu lầm lạc dùng trí tuệ phàm phu hữu hạn học hỏi cho là Minh để phá Vô Minh. Phá Vô Minh chẳng được lại đưa Phật giáo dần dần đi đến tồi tệ hơn mà ngày nay Phật giáo đã biến thành Thần giáo, Hữu Ngã giáo, Huyền Bí giáo v.v...
133. Hỷ Lạc Có Xả Bỏ Hay Không?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thân, thọ, tâm, pháp đều có khổ, lạc, bất khổ bất lạc thọ, ở thế gian đều phải xả bỏ, ngược lại hỷ lạc, khinh an khi tu tập thiền định sanh ra thì có cần phải giữ gìn và tăng trưởng hay phải xả bỏ như thế nào? Nếu không được giữ gìn và tăng trưởng thì những hỷ lạc này sẽ thối thất, mất mát, hoặc hao mòn không thưa Thầy?
Đáp: Dục lạc thế gian là nguy hiểm, là tai họa, là khổ đau v.v... nên tu theo Phật giáo cần phải xả ly, xa lìa những thứ dục lạc đó. Do tu hành thiền định có lạc, có hỷ, hỷ lạc này tùy theo ở mỗi loại định xuất hiện, như hỷ lạc của Sơ Thiền do “ly dục” sanh ra. Hỷ lạc này không giống như hỷ lạc của dục lạc. Hỷ lạc của Nhị Thiền do định sanh, hỷ lạc này cao hơn hỷ lạc do ly dục sanh ở Sơ Thiền, nhưng phải hiểu nó là do định ly dục sanh ra, nó không giống hỷ lạc do thiền định ức chế tâm như thiền Đại Thừa và Thiền Đông Độ, hỷ lạc của hai loại thiền này do dục tưởng sanh.
Khi tâm không còn ly dục thì hỷ lạc của Sơ Thiền liền mất, không còn ly dục, tức là tâm phóng dật chạy theo các đối tượng của nó: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm còn ly dục ly ác pháp, tức là tâm còn an trú trong Sơ Thiền, tâm chạy theo dục lạc, tức là tâm xuất Sơ Thiền. Khi tâm còn tịnh chỉ tầm tứ, tức là tâm an trú Nhị Thiền, tâm an trú Nhị Thiền có hỷ lạc do định sanh. Khi tâm hết hỷ lạc, tức là tâm không tịnh chỉ tầm tứ.
Do những điều ở trên ta muốn giữ gìn hỷ lạc không cho mất, nếu Sơ Thiền thì phải giữ gìn tâm không phóng dật, còn Nhị Thiền thì phải giữ gìn cho tâm tịnh chỉ tầm tứ. Hỷ lạc của Sơ Thiền và Nhị Thiền không có tăng trưởng thêm mà chỉ có một mức độ của nó mà thôi, dù có kéo dài trạng thái hai loại thiền này ra hai, ba ngày, thì sự hỷ lạc cũng chỉ như vậy, không tăng, cũng không giảm.
Tam Thiền thì xả sạch hỷ, Tứ Thiền thì xả lạc, xả khổ và xả luôn cả đối tượng của nó tức là tâm thanh tịnh, nên không có hỷ và lạc của tưởng và thọ nữa, mà là một trạng thái vắng lặng bất động.
Ở đây quý vị phải hiểu, hỷ lạc của những bậc Thánh Hiền do từ thiền định xả tâm ly dục ly ác pháp mà sanh ra. Vì thế, hỷ lạc này không phải thứ cảm giác an lạc vui mừng của tâm dục lạc thế gian. Quý vị nên lưu ý, bắt đầu vào Sơ Thiền do ly dục sanh hỷ lạc, nên hỷ lạc này không phải dục mà có, vì thế nó rất thanh tịnh, trong sạch không uế nhiễm. Đến định sanh hỷ lạc ở Nhị Thiền, hỷ lạc của định Nhị Thiền là loại hỷ lạc định ly dục, chứ không phải là các thứ hỷ lạc của các loại định tưởng của thiền Đại Thừa và Thiền Đông Độ.
Hỷ lạc của thiền Đại Thừa, thiền Đông Độ là do dục tưởng sanh ra nên có khi hiện lại có khi mất, vì thế mà con hỏi cần phải giữ gìn và tăng trưởng. Như vậy con tu hành đã lạc vào tà thiền tà định, cho nên xin Thầy chỉ dạy cách thức giữ gìn và tăng trưởng hỷ lạc. Thứ hỷ lạc này là bệnh thiền, sẽ đưa hành giả vào cảnh mộng:
“Phản Bổn hoàn nguyên, Phủ trùm vạn hữu, Thõng tay vào chợ, Tự tại vô ngại, đói ăn, khát uống, mệt ngủ.”
Đó là một thứ bệnh thiền cần phải tránh xa. Hỷ lạc của loại thiền định này, gặp nó như là gặp loài quỷ La Sát. Khi tu thiền gặp nó thì quý thầy cần phải xả ngay hoặc dùng pháp hướng tâm đuổi đi, đừng để tâm theo nó, nó chẳng có lợi ích gì cho sự tu tập của quý thầy mà còn có nhiều tai hại về sau.
134. Trưởng Dưỡng Hỷ Lạc
Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tu tập các định đã nhập được, sanh ra có trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ, vui mừng v.v... thì trưởng dưỡng chúng như thế nào?
Đáp: Muốn trưởng dưỡng trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ thì phải tập luyện khéo léo giữ tâm yên lặng trong trạng thái định đó, thỉnh thoảng thoáng hướng tâm bằng sự ước muốn hơn là tác ý thô tháo.
Tại sao các con lại muốn trưởng dưỡng các trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ đó? Trong khi đức Phật dạy bảo phải ly hỷ, xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Đối với đạo Phật chỉ cần tìm sự “làm chủ sanh, già, bệnh, chết”, chứ đâu có đi tìm hỷ lạc, thọ lạc, khinh an như các con vậy. Giữ gìn và trưởng dưỡng nó để làm gì? Bỏ dục lạc thế gian để đi tìm dục lạc trong thiền định sao? Nó có lợi ích gì cho đời người? Trạng thái hỷ lạc, khinh an nó có giải thoát cái gì cho con người đâu? Tại sao các con không đi tìm một “đạo lực” nào để làm chủ sự sống chết, luân hồi, chấm dứt sự khổ đau của đời người thì đó có phải là lợi ích thiết thực không? Đi tìm chi cái hỷ lạc của thiền định không ra gì, ngồi như con cóc để thọ hưởng cái hỷ lạc đó, không lẽ tu hành rồi thành con cóc sao?
Tu hành có hỷ lạc cũng tốt, không hỷ lạc cũng tốt. Cớ sao có thì mừng, không có thì buồn, cho rằng tu không kết quả, chứ đâu biết rằng kết quả của sự tu là tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải chỗ hỷ lạc, khinh an, lạc thọ. Ở đây, quý thầy cần phải biết phân biệt, khi tu hành tâm có hỷ lạc thì loại hỷ lạc đó do ly dục sanh hay do ức chế tâm mà sanh ra. Quý vị phải tự suy xét, cuộc đời tu hành của mình có sống đúng giới luật chưa? Nếu sống không đúng giới luật thì hỷ lạc của quý vị sanh ra là do dục lạc tưởng, là do loại thiền định ức chế tâm.
Tu sĩ thời nay có ai là người sống đúng giới luật đâu? Chỉ chuyên lo tu thiền, định, niệm Phật ức chế tâm sanh ra hỷ lạc, đó là thứ hỷ lạc của dục tưởng, do ức chế tâm chứ đâu phải hỷ lạc của ly dục. Thiền định ức chế tâm sẽ đưa quý vị đi vào chỗ chết, chứ không phải đi vào chỗ giải thoát.
Người tu hành cần phải biết tu cái gì có ích lợi cho mình cho người thì mới nên tu, tu mà không biết, chỉ nhắm vào ích kỷ cá nhân của mình. Tu hành mà ích kỷ như vậy thì có ích lợi gì cho mình cho người đâu, thì tu làm chi cho phí uổng cuộc đời.
Người tu hành, vì muốn thoát ra bốn sự khổ đau của kiếp làm người, chứ không phải đi tìm khinh an, hỷ lạc của dục tưởng mà trưởng dưỡng nó, nó có hay không là điều không quan trọng đối với người tu sĩ đạo Phật.
Người tu sĩ đạo Phật, khi tu hành phải nhắm vào mục đích như thế nào? Phải biết làm sao? Bằng cách nào? Đạt đến một đạo lực như thế nào? Để làm chủ sự sống chết luân hồi, thì mới mãn nguyện.
Không lẽ tu hành bỏ dục lạc thế gian, bỏ hết cả cuộc đời mình mà lại đi tìm dục lạc thiền định hay đi tìm thần thông để làm gì? Thần thông thì để lừa đảo, lường gạt thiên hạ; hỷ lạc của thiền định thì để cám dỗ những người còn ích kỷ cá nhân ham mê dục lạc chỉ riêng cho mình.