Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 41 (164-170)
164. Học Trò Bạc Nghĩa
Hỏi: Kính thưa Thầy, có tu sĩ thọ cụ túc giới, phạm lỗi phá giới, thầy bổn sư cảnh cáo răn dạy, vị tu sĩ ấy bỏ chùa ra đi, nhận chùa khác, lấy của đàn na thí chủ mua sắm xe cộ bị phật tử ở địa phương đó đánh đuổi ra khỏi chùa, nhưng nói với người khác là phật tử rất thương mến ông ta. Thưa Thầy có phải đó là hành động lừa dối mọi người không?
Đáp: Thời nay, tu sĩ chẳng nghe lời dạy của Thầy bổn sư, khi bị cảnh cáo, bị đuổi vì phạm giới luật thanh quy trong tu viện. Ra đi đến chùa khác thường nói xấu thầy Tổ bằng cách này cách khác, đặt chuyện thêm bớt, đó là đệ tử thời nay trả ơn thầy bổn sư của mình bằng cách đó. Những hạng người này rất nhiều, họ chẳng có tình có nghĩa gì hết, sống ngoài đầu môi chót lưỡi, nói tốt mình, lừa đảo người khác để tìm miếng ăn bất chính.
Ngoài đời họ chẳng làm nên việc gì cả, chỉ tìm cách lừa đảo ăn bám vào người khác, họ là những ký sinh trùng, mượn chiếc áo Phật giáo để tìm miếng sống hàng ngày, mượn chiếc áo Phật giáo để mua danh mua lợi chứ chẳng có tu hành gì cả. Ngoài miệng thì nói kinh nói pháp mà trong tâm chứa danh, chứa lợi, bọn tu sĩ này trong thời nào cũng có, đuổi chúng từ chùa này đi chùa khác, sống chụm ba, chụm bảy lập phe, lập nhóm chẳng có chút gì gọi là người tu sĩ. Phật tử hãy đề cao cảnh giác những tu sĩ nói xấu thầy Tổ là tu sĩ giả, thiếu đạo đức, thiếu tình nghĩa. Những người này sống để mà phá đạo, diệt đạo. Do những người này mà Phật giáo suy đồi, do những người này mà Phật giáo bị người đời chê bai.
Những điều con hỏi trên đây là sự thật. Có rất nhiều tu sĩ như vậy đang lũng đoạn Phật giáo. Số tu sĩ này đông vô số kể, trình độ học thức khá cao, nhưng giới luật và đức hạnh chẳng có chút nào, tâm thế gian dục lạc đầy dẫy, họ đang làm giàu trên xương máu của tín đồ bằng những lý luận láo toét. Họ là những gánh nặng cho tín đồ. Thật là đau lòng khi thấy người đang phạm giới phá giới, đang diệt Phật giáo mà không một chút lòng hối hận.
165. Tu Sĩ Làm Con Nuôi, Em Nuôi
Hỏi: Kính thưa Thầy, có tu sĩ ở chùa nhà quê, sau khi đi học lớp dự thính tại chùa Quán Sứ, hết khóa học không chịu về quê, ở nhờ nhà một vị cư sĩ và nhận hai người này làm cha mẹ nuôi. Một người xuất gia bỏ cả gia đình, cha mẹ đi tu, thế mà nhận người khác làm cha mẹ nuôi, anh nuôi, như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Thời đại khoa học ngày nay mới thấy rõ người ta lợi dụng chiếc áo tu sĩ để đi học hành, tạo công danh mà khỏi tốn tiền bạc của cha mẹ. Đó là những hạng người lừa đảo tín đồ, chứ không phải là những người tu hành thực sự. Đúng nghĩa của đạo Phật, đi tu là phải tìm đường giải thoát cứu mình ra khỏi biển khổ trầm luân của cuộc đời, chứ không phải tìm danh tìm lợi. Cho nên bỏ hết cuộc đời, sống không gia đình, không nhà cửa có đâu lại tìm người làm cha nuôi, mẹ nuôi, anh nuôi, chị muôi, kết tình kết nghĩa thì sợi dây ái kiết sử làm sao bứt được?
Một tu sĩ nhận cha nuôi, mẹ nuôi, anh chị em nuôi là một điều không đúng trong đạo Phật. Đó là hạng người tu hành dối trá, lừa đảo phật tử. Quý phật tử hãy lưu ý những người tu hành như vậy. Họ là người giả tu, là những người chạy theo danh lợi, bằng cách lường gạt phật tử, hãy tránh xa, họ là bọn ma vương đội lốt tu sĩ Phật giáo, phá giới luật khiến cho mọi người khinh chê Phật giáo. Phật giáo mất uy tín là vì những giới tu sĩ này.
Quý phật tử hãy tránh xa, tránh xa họ như tránh xa bệnh truyền nhiễm.
166. Nghe Pháp Không Được Trang Điểm
Hỏi: Kính bạch Thầy, xưa người cư sĩ đến nghe Đức Phật thuyết giảng pháp đều cởi bỏ đồ trang sức, có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Đúng vậy, khi Đức Phật còn tại thế, mọi người đến nghe pháp, nhất là giới phụ nữ đều cởi bỏ đồ trang sức rồi mới được vào nghe Phật thuyết pháp. Bà Visakha khi đến nghe Phật thuyết pháp, bà quên cởi bỏ xâu chuỗi ngọc ở nhà, khi vừa đến Tịnh Xá bà mới nhớ ra và cởi bỏ ở hốc cây. Sau khi về bà quên lấy, khi ấy ông A Nan gặp và đem về trao cho Phật. Phật bảo hãy đem trả lại cho bà và bà cúng luôn xâu chuỗi ngọc cho Phật.
Thế mới biết hồi Phật còn tại thế, người cư sĩ đi nghe thuyết pháp cũng không được trang điểm.
Còn thời nay thì không được như vậy, tỳ-kheo Tăng và Ni còn sửa sang làm đẹp, ăn mặc bằng vải loại tối ưu, xấu không thèm mặc. So sánh trong thời Đức Phật thì Tăng Ni hiện giờ còn thua cư sĩ thời đó. Cho nên Mười Giới Sa Di Phật cấm không cho trang điểm, ăn mặc vải thô xấu, không nằm giường cao rộng lớn. Thế mà những giới luật cơ bản này Tăng Ni đều vi phạm hết. Ngày nay, tu sĩ trở thành phú Tăng, chứ không còn là bần Tăng xả bỏ thế tục.
Người cư sĩ trong thời Đức Phật đi nghe pháp không được trang điểm. Còn thời nay, người phụ nữ đi nghe pháp không những trang điểm mà còn ăn mặc hở hang, bày da hở thịt thật là đau lòng. Vậy mà đi nghe pháp giải thoát mà làm gì? Đi xem, nghe ca nhạc kịch thì còn thú vị hơn nhiều.
167. Chúc Thọ
Hỏi: Kính bạch Thầy, khi cha mẹ đến tuổi 80, 90 gọi là thượng thọ, ngày ấy con cháu đến chúc thọ và in kinh sách thiện biếu, làm như thế có được không thưa Thầy?
Đáp: Được! Khi cha mẹ hưởng thọ từ 80 đến 90 hoặc 100 tuổi con cháu làm lễ chúc thọ, ngày ấy ấn tống kinh sách đạo đức nhân bản - nhân quả giúp cho mọi người làm thiện, không làm khổ mình, khổ người, đó là điều tốt nhất, đúng với chánh pháp của Phật nhất.
Mọi người được đọc kinh sách của đạo Phật họ sẽ làm điều lành, điều lành ấy mang đến cho mọi người sự bình an, yên vui. Chính nhờ đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật được phổ biến, khiến cho mọi người an vui và hạnh phúc. Chúc thọ như vậy đã tạo phước lành cho cha mẹ già lớn tuổi được phước báo ít bệnh tật khổ đau, chết còn biết ngày giờ chết vì thiện nghiệp.
Ngày ấy, gia đình ấn tống kinh sách đạo đức làm người, khiến cho mọi gia đình được an vui và hạnh phúc. Ngoài xã hội có trật tự và an lạc. Việc làm này đem đến hạnh phúc chung cho mọi nhà và xã hội. Đó cũng là tạo một truyền thống tốt đẹp cho quê hương xứ sở: “Chúc thọ làm thiện nghiệp, tạo đạo đức cho mọi người.”
168. Tứ Chúng
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong giới luật của Phật, nếu đệ tử của Phật giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và khép mình trong giới luật triệt để thì được xếp vào bốn hàng tứ chúng (cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tỳ-kheo Tăng và tỳ-kheo Ni) như vậy có bằng phẩm Bát Bộ Thiên Long không?
Đáp: Bốn chúng đệ tử của Phật là Tăng, Ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ đều phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mới gọi là đệ tử Phật, còn Tăng, Ni và cư sĩ mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì gọi là đệ tử của Bà La Môn giáo, tức là Phật giáo phát triển. Bốn chúng đệ tử Phật không thể gọi là Bát Bộ Thiên Long được. Bát Bộ Thiên Long gồm có:
1- Thiên Chúng gồm sáu cõi trời dục giới, bốn trời tứ thiền sắc giới, bốn trời vô sắc giới.
2- Long Chúng (rồng) gồm có tám vị Long Vương.
3- Dạ Xoa là những quỷ thần.
4- Càn Thát Bà là thần âm nhạc ở cõi trời Đế Thích.
5- A Tu La là thần quả báo (thích đánh nhau).
6- Ca Lâu La (Thần kim xí điểu)
7- Khẩn Na La là giống thần đầu người thường ca hát ở cõi trời Đế Thích.
8- Ma Hầu La Già là thần mãng xà (thần rắn).
Trong kinh Nguyên Thủy Đức Phật đã xác định Bát Bộ Thiên Long là tưởng tri, chớ không phải liễu tri. Vậy Bát Bộ chẳng phải là thế giới trời, người, quỷ, thần mà do tín ngưỡng Ấn Độ đã xây dựng từ xưa trước khi có đạo Phật.
169. Ăn Thịt Chúng Sanh Vì Sức Khỏe
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong năm giới của người cư sĩ có: 1- Sát sanh; 2- Trộm cắp; 3- Tà dâm; 4- Vọng ngữ; 5- Uống rượu. Năm giới này con cố gắng giữ gìn đừng cho sai phạm nhưng giới không sát sanh thì con có giữ nhưng chưa trọn vẹn, vì còn ăn thịt chúng sanh (con chỉ giữ được 10 ngày trong một tháng). Vì sức khỏe con còn ăn thịt để sống, chứ không có cảm giác ngon lành gì cả. Nếu sức khỏe con tương đối tốt thì con cố gắng ăn chay trường luôn để giảm bớt sự sai phạm giới luật của Phật.
Đáp: Giới luật và giáo pháp của Phật chế ra là để mưu cầu sự an vui hạnh phúc cho con người, chứ không phải chế ra để gò bó khắc khổ, để bắt con người phải sống khổ hạnh, ăn uống thiếu chất làm cho tuổi thọ kém dần sanh ra nhiều bệnh tật và mau đi vào cõi chết.
Giới luật của Phật không phải là một giáo pháp khô khan, khi một người chấp hành đúng, sống đúng và giữ gìn nghiêm túc thì chết dần mòn trong sự hao hụt và thiếu dinh dưỡng, hiểu như vậy là hiểu sai. Đạo Phật vốn không phải đạo khổ hạnh ép xác mà là đạo giải thoát, nên ai tu gặp chướng ngại pháp hoặc cảm thấy khó chịu khổ đau là tu sai. Trí vô hạn của một bậc tu chứng như Phật thì không thể nào không thấu suốt được. Khi chế giới luật, Ngài đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chấp nhận khổ hạnh và không chấp nhận lợi dưỡng. Cho nên giới luật của Ngài chế ra là đi vào trung đạo. Ngài biết rất rõ: ăn ngày một bữa không phải là khổ hạnh, là ăn uống thiếu chất bổ khiến cơ thể sanh ra bệnh tật. Khi cơ thể sinh ra bệnh tật, tức cơ thể khổ đau, cơ thể khổ đau thì mất sức, thiếu dinh dưỡng, đó là khổ hạnh.
Ngược lại, ăn ngày một bữa và không ăn thịt chúng sanh, tránh tội sát sanh, gây nợ máu (gây nghiệp máu) làm đau khổ và đoản mạng chúng sanh. Chính vì ăn thịt chúng sanh mà chúng ta tiếp tục mãi nhân quả đau khổ (thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, tai nạn v.v...) Đó là luật nhân quả đang vay trả của những người thiếu tâm từ bi, còn nỡ tâm ăn thịt chúng sanh, không thấy sự đau khổ trước khi chết và tiếng kêu la gào thét trong đau khổ cùng sự ham muốn sống của loài chúng sanh.
Người tu theo đạo Phật phải thể hiện tâm từ bi rộng lớn với muôn loài và với bản thân mình. Mình không muốn khổ thì há lại làm khổ kẻ khác, loài vật khác sao. “Ăn để sống” không có nghĩa là ăn thịt chúng sanh. “Ăn thịt chúng sanh” nghĩa là ăn để đau khổ chết.
170. Biết Rõ Sự Tái Sanh Trong Tương Lai
Lời Phật dạy: “Bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia, như vậy tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra.” “Vô minh được xả ly, minh khởi, tham ái được đoạn diệt (ly dục ly ác pháp). Như vậy tái sanh trong tương lai sẽ không xảy ra.” (Tăng Nhất A Hàm tập 3).
Giảng nghĩa:
Muốn hiểu rõ đoạn kinh này thì chúng ta phải hiểu rõ những danh từ cần thiết như: Vô minh, Tham ái, Hữu tình, Tái sanh.
1- Vô minh nghĩa là gì? Các bạn đừng hiểu nghĩa là không biết, không hiểu, không thông minh, ngu dốt, v.v... Vô minh ở đây có nghĩa là hiểu biết rất rõ ràng, thông minh, có trí tuệ, không ngu dốt, v.v... nhưng nó thường đối mặt với minh, nên nó có một nghĩa khác hơn minh. Phần đông trong xã hội loài người, đều là những người vô minh. Các bạn có nhận xét điều này chưa?
Khi nói mọi người đều vô minh thì các bạn rất ngạc nhiên vì không thể ngờ được. Phải vậy không các bạn? Các bạn có biết không? Những người vô minh không riêng giới bình dân ít học, tay lấm chân bùn, cùng đinh khốn khổ, sống không đủ cơm ăn áo mặc, mà cho đến những giới trí thức có đầy đủ học thức, như những nhà bác học, những ông giáo sư, các bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ và những nhà khoa học danh tiếng, v.v... tuy họ có trình độ học thức về đời cao như vậy, nhưng đối với Phật giáo họ vẫn là những người vô minh.
Các bạn có tin lời nói của chúng tôi không? Xin các bạn bình tĩnh đọc tiếp những dòng dưới đây thì các bạn sẽ rõ vô minh của giới có học thức là một sự thật, chứ không phải chúng tôi có ý chỉ trích hay nói không đúng mà từ lâu chưa có ai nghĩ đến.
Vô minh, Đức Phật xác định nghĩa ở đây là sự hiểu biết thông minh theo tâm ái dục, tưởng ái dục, nên sự hiểu biết ấy bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Đức Phật dạy: “Bị vô minh ngăn che” tức là bị sự hiểu biết ái dục, tưởng dục ngăn che làm cho mọi người không thấy, không hiểu rõ mọi sự việc như thật. Do không thấy, không hiểu biết mọi sự vật như thật nên sinh ra tham ái dính mắc, chấp chặt không dám buông bỏ. Vô minh là một sự hiểu biết trong góc độ ái dục, tưởng dục. Khi vượt ra ngoài ái dục, tưởng dục thì sự thấy và hiểu biết đó là “minh.” Khi nói đến vô minh thì phải nói đến minh.
Vậy minh nghĩa là gì? Như trên đã nói: “Vượt ra ngoài ái dục, thì sự thấy và hiểu biết là minh.” Minh là trí tuệ hiểu biết không bị ái dục, tưởng dục chi phối, nên thấy và hiểu biết mọi sự vật như thật, không bị dục ngăn che. Cho nên khi nào tâm hết dục thì ta mới có “minh.”
Tóm lại vô minh gọi là sự hiểu biết của dục tri, tưởng tri; còn minh gọi là sự hiểu biết của Liễu tri, Thắng tri, Trực tri, Chánh tri. Bát Chánh Đạo là con đường tu tập của Phật giáo dạy cho chúng ta có cái nhìn thấy đúng đắn, cái suy tư đúng đắn không mang theo dục tri, tưởng tri. Vì thế Bát Chánh Đạo dạy cho chúng ta “minh.”
Ngày xưa cho đến ngày nay Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy Tổ (các thầy Đại Thừa) và tất cả mọi người chung quanh ta đều dạy cho chúng ta sự hiểu biết thường tục, gọi là kiến thức; nhưng kiến thức ấy luôn luôn mang đầy ắp những ái dục tri, ái dục tưởng tri.
Từ khi đạo Phật ra đời dạy cho chúng ta cái hiểu biết khác, cái hiểu biết ly dục tri, ly dục tưởng tri và ly ác pháp. Do đó chúng ta mới nhận thấy mình thoát khổ, tâm không còn tham, sân, si phiền não, khổ đau như trước nữa. Cho nên kinh Pháp Cú dạy: “Vui thay Phật ra đời!” Phật ra đời luôn luôn đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người và mọi loài trên hành tinh sống này. Nhưng có mấy ai đã hiểu biết đúng như vậy, tất cả mọi người đang sống trong mộng mơ, ảo tưởng, mơ hồ của thế tục, của các tôn giáo, của các triết học, v.v...
Ở đâu có vô minh, thì ở đó không có minh; ở đâu có minh thì ở đó không có vô minh. Minh là bờ bên kia và vô minh là bờ bên này, bờ bên này là đau khổ và bờ bên kia là giải thoát. Như vậy, luận về minh và vô minh thì chúng ta đã nhận ra pháp tu hành của Phật giáo rất rõ ràng, chỉ có điều chúng ta muốn ở bờ bên này hay ở bờ bên kia mà thôi. Muốn khổ đau thì ở bờ bên này; ở bờ bên này thì đừng than trời trách đất. Muốn hết khổ đau thì ở bờ bên kia; bờ bên kia là giải thoát, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.
2- Tham ái nghĩa là gì? Tham là lòng ham muốn; ái là lòng yêu thích. Đã là con người thì ai cũng có lòng ham muốn và ưa thích hoặc nhiều hoặc ít. Lòng ham muốn và ưa thích là một sợi dây vô hình thường trói buộc rất chặt chúng ta vào vạn vật. Khi chúng ta khởi tâm ưa thích hay ham muốn một vật gì thì chúng ta bị trói chặt vào vật ấy, khó cho chúng ta buông bỏ được nó.
Ví dụ khi chúng ta khởi ý ham thích ưa muốn có một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, thì lúc bây giờ muốn bỏ ý niệm ấy rất khó. Nó thôi thúc chúng ta phải cố gắng làm lụng hoặc phải bán đến cả đất đai của cha mẹ cho để xây cất cho bằng được ngôi nhà. Đó là bị tham ái trói buộc. Cho nên Đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy tham ái rất là nguy hiểm, nó như sợi dây trói buộc rất chặt “bị tham ái trói buộc.” Đó là lời cảnh báo để chúng ta thoát ra sợi dây vô hình này. Nếu mọi người không biết Phật pháp thì chắc chắn không người nào tự ý thức để thoát khỏi sợi dây tham ái này. Có đúng không các bạn?
Đời người thường bị khổ đau đều do sợi dây tham ái này. Bát Chánh Đạo giúp chúng ta cắt đứt những sợi dây tham ái đó.
Thưa các bạn! Chúng tôi đã nhờ pháp môn Bát Chánh Đạo mà đoạn lìa được sợi dây tham ái này một cách dễ dàng không mấy khó khăn và mệt nhọc, chỉ có bền chí ngày ngày siêng năng mài dũa tâm mình đúng pháp. “Có công mài sắt có ngày nên kim” các bạn ạ!
3- Hữu tình là gì? Hữu là có; tình là tình cảm, cảm mến. Các loài hữu tình là chỉ chung cho loài người và loài vật (loài có tình cảm).
4- Tái sanh là gì? Tái sanh có nghĩa là sanh trở lại làm người, làm loài vật. Đọc hết đoạn kinh này ta biết rõ: “Các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia, như vậy tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra.” Lời dạy này rất đúng. Mọi người đang sống trên hành tinh này luôn luôn ưa thích cái này cái kia, lúc nào cũng ưa thích. Do tâm ưa thích mà loài người cũng như loài vật đều phải chịu tiếp tục tái sanh luân hồi.
Chúng tôi xin các bạn vui lòng đọc lại trọn vẹn đoạn kinh trên đây để chúng ta rút ra được một bài pháp tu tập thực tế và cụ thể có pháp hành hẳn hoi “Bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia, như vậy tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra.”
Như vậy muốn chấm dứt tái sanh luân hồi thì phải diệt trừ vô minh. Do vô minh mà có tham ái; do tham ái mà thích cái này cái kia; do ưa thích cái này cái kia mà phải chịu tái sanh luân hồi, khổ đau muôn kiếp. Như vậy vô minh là vấn đề quan trọng hàng đầu trong sự tu tập thiền định của Phật giáo, là đề tài tối hậu cần phải tiêu diệt, cần phải từ bỏ, cần phải xa lìa, v.v... Với đề tài vô minh này người tu sĩ hay cư sĩ Phật giáo phải lưu ý bằng mọi cách để thiện xảo vén sạch màn vô minh.
Muốn vén sạch màn vô minh thì chúng ta phải có minh, tức là trí tuệ Ba Minh. Nhưng làm sao có Ba Minh được? Muốn có trí tuệ Ba Minh thì chúng ta phải tu tập bằng con đường Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Chánh niệm tức là Tứ Niệm Xứ thuộc Định Vô Lậu. Vậy muốn tu tập Định Vô Lậu thì phải dùng pháp gì? Muốn tu tập Định Vô Lậu thì phải dùng Ý thức, pháp Tác ý và pháp Như lý tác ý. Xin các bạn lưu ý: con đường tu tập theo Phật giáo, ý thức là vũ khí hàng đầu trong việc đánh giặc sanh tử “Ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo tác.” Dùng ý thức tu tập đúng cách chúng ta mới ly dục ly ác pháp; nhờ ly dục ly ác pháp mà tâm mới nhập định; nhờ định mà ta có Ba Minh; nhờ Ba Minh mà vô minh mới diệt trừ tận gốc hay nói cách khác nhờ Ba Minh mà tham ái được diệt trừ tận gốc. Như vậy đến đây các bạn đều đã biết phương pháp và cách thức tu tập rất rõ ràng. Phải không hỡi các bạn?
Còn Chánh Định tức là bốn thiền: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, ngoài bốn thiền này không có thiền nào được gọi là Chánh Định. Vì thế nói về thiền định các bạn cần nên lưu ý để tránh khỏi những tà thiền của ngoại đạo. Cho nên kết luận đoạn kinh, Đức Phật dạy như dưới đây: “Vô minh được xả ly, minh khởi, tham ái được đoạn diệt (diệt dục diệt ác pháp). Như vậy tái sanh trong tương lai sẽ không xảy ra.” Nếu chúng ta xét cho kỹ đoạn kinh này thì chúng ta thấy Đức Phật đã trao cho chúng ta một bí quyết cốt tủy giải thoát của đạo. Chỉ cần siêng năng tu tập là đạt được kết quả ngay liền.
Như lời dạy trên trong cuộc đời tu hành theo Phật giáo, chúng ta thấy rất rõ, kẻ nào vô minh thường bị tham ái trói buộc thích thú vui chơi chỗ này, chỗ kia thì sự đau khổ và tái sanh luân hồi không thể tránh khỏi; còn kẻ nào ly dục ly ác pháp thì được giải thoát, an vui, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Do tâm hồn được như vậy thì sẽ chấm dứt tái sanh luân hồi chắc chắn.