Skip directly to content

Mười hai đề mục Ly ác pháp

Mười hai đề mục Định Niệm Hơi Thở về sau là phần quán li tham, li sân, li si, li mạn, li nghi. Phần này rất quan trọng, nếu một người tu theo Phật giáo mà không li tham, sân, si, mạn, nghi thì không bao giờ có giải thoát.

Cho nên muốn li tham, sân, si, mạn, nghi thì quý vị phải tu tập đạt cho được trạng thái AN TRÚ, AN TỊNH của ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ. Khi tâm đạt được như vậy thì tất cả chướng ngại pháp đều bị diệt trừ, không những tâm tham, sân, si, mạn nghi mà tất cả các kiết sử. Cho nên khi tâm ở trong trạng thái AN TRÚ, AN TỊNH thì mới phá 5 triền cái, thất kiết sử và tất cả ác pháp một cách rất dễ dàng, không còn khó khăn, mệt nhọc. Nếu không ở trong trạng thái AN TRÚ, AN TỊNH thì khó mà ly dục, ly ác pháp.

Cho nên chúng ta phải tu tập 9 đề mục đầu tiên của hơi thở để đạt được tâm AN TRÚ, AN TỊNH trong hơi thở, khi nào tâm AN TRÚ, AN TỊNH trong trong từng HƠI THỞ và thời gian tâm AN TRÚ, AN TỊNH phải từ 1 giờ cho đến 6 giờ thì mới dám tu tập 12 đề mục ly tham diệt ác pháp.

Mười hai đề mục Định Niệm Hơi Thở sau này dùng để tu tập li tham và diệt các ác pháp. Mười hai đề mục định niệm HƠI THỞ này gồm có như sau:

Từ đề mục I cho đến đề mục VII là những đề mục đầu tiên của HƠI THỞ tu tập giúp cho thân tâm AN TRÚ và AN TỊNH như trên đã dạy. Còn những đề mục sau chúng tôi sẽ tiếp tục giảng giải để quý vị hiểu rõ trong khi tu tập không sai.

Bởi sự kết quả của những pháp HƠI THỞ tu tập đầu tiên là cơ bản cho những pháp môn HƠI THỞ tu tập sau này, nếu tu tập tâm chưa có kết quả mà vội tu tập thì chúng tôi e rằng quý vị chỉ là những người tu thử, tu chơi chớ chưa phải là những người có quyết tâm tu tập làm chủ sự sống chết và luân hồi.

Tu tập như vậy chỉ phí công sức quá uổng. Theo chúng tôi nghĩ và có lời khuyên quý vị đừng nên tu tập như vậy thì tốt hơn hãy sống như người bình thường, trông nom nhà cửa gia đình cho con cái còn có lợi ích hơn, chớ tu theo Phật giáo như vậy là phỉ báng Phật giáo quý vị có biết không?

Tội vô tình phỉ báng Phật pháp cũng phải trả quả như sau: Kiếp sau sinh lên làm người không bao giờ gặp Chánh pháp, không bao giờ gặp thiện hữu tri thức và nhất là khi sinh ra làm người chịu biết bao sự đau khổ. Nhất là không trí nhớ, để đâu quên đó, học hành không thuộc bài vở, vì thế cuộc đời trở thành người dốt nát.