Skip directly to content

Phần thứ bảy Thân Hành Niệm Quán thân như thực phẩm của loài vật

Thân tứ đại của con người là món ăn của loài cầm thú, khi thân chết đem bỏ trong rừng thì các loại chim quạ, diều hâu, kên kên và các loài chó, giả can xé xác ăn thịt. Cuối cùng, những gì còn lại thì sinh ra trùng, dòi, tửa v.v... trông thân người thật là ghê gớm. Vậy mà khi chưa hiểu rõ thân con người là thực phẩm của loài vật như vậy nên mỗi khi có ai chạm đến thân hay quyền lợi của thân thì ăn thua đủ, không biết nhẫn nhịn chút nào cả. Cho nên trên cuộc đời này tranh cãi, xung đột và chiến tranh cũng chỉ vì lầm chấp thân này là ta, là của ta, là bản ngã của ta, chứ thân này có cái gì là ta, là của ta đâu. Vì thế, đức Phật biết rõ nên dạy chúng ta tu tập Ý HÀNH THÂN HÀNH NIỆM. Khi tu tập Ý HÀNH THÂN HÀNH NIỆM chúng ta mới biết rõ thân người chỉ là thực phẩm của loài cầm thú, là nơi sinh ra dòi, vi trùng, vi khuẩn v.v… chứ nó không có giá trị gì cả. Chúng ta hãy tiếp nghe đức Phật dạy:

Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn; tỳ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy”.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo tu tập THÂN HÀNH NIỆM”.

Khi tu tập theo Phật giáo thì nên quán thân này như vậy, vì có quán thân như vậy nên chúng ta mới không xem thân này là của báu, là vật sở hữu có ai động đến thì khóc lu bù, rồi than thân trách phận, luôn luôn tìm mọi cách chống trái lại để tạo cho thân mình chỗ đứng trong xã hội được mọi người nể nang, kính trọng.

Người tu theo Phật giáo thì không cần tài sản, của cải, nhà cao, cửa rộng mà cũng không cần ai khen, ai chê. Nhất là tránh xa chỗ đứng có danh vọng, có nhiều lợi dưỡng mà chỉ cần được tâm AN TRÚ, AN TOẠ, CHUYÊN NHẤT, ĐỊNH TĨNH, sống từ ngày này sang ngày khác với một tâm như vậy thì đã mãn nguyện lắm rồi.