Skip directly to content

Lời nói đầu

Muốn chứng đạo phải tu tập pháp môn nào?

Câu hỏi được đặt ra như vậy là có mục đích rõ ràng, khi người nào trả lời câu hỏi này là phải có kinh nghiệm tu chứng đạo. Cho nên câu trả lời này rất quan trọng. Bởi vậy người trả lời phải đắn đo suy tư cẩn thận, chớ không nên trả lời cho lấy có, nhưng trả lời như thế nào đúng và như thế nào sai pháp, nếu trả lời đúng pháp là đem lại lợi ích cho nhiều người còn ngược lại không lợi ích cho ai mà còn làm tai hại cho nhiều người khác nữa.

Cho nên muốn trả lời câu hỏi này thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì trong đạo Phật có 37 pháp môn tu tập. Nhưng phải hiểu rõ trong 37 pháp môn tu tập này có pháp thấp cho người mới tu, có pháp cao cho người tu lâu năm, nếu người tu tập không biết chọn cho mình một pháp môn không đúng với khả năng, đặc tướng và giới luật của mình đang giữ gìn thì sự tu tập cũng hoài công vô ích.

Kính thưa quý vị! Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi mà ngày nay được làm chủ sinh, già, bệnh, chết như vậy đều nhờ vào pháp môn Thân Hành Niệm.

Trong 37 phẩm trợ đạo pháp môn Thân Hành Niệm là một pháp môn gồm đầy đủ 37 phẩm trợ đạo của Phật giáo, ngoài pháp môn Thân Hành Niệm không có pháp môn nào có đầy đủ 37 phẩm trợ đạo như pháp môn này.

 Pháp môn Thân Hành Niệm gồm có 13 pháp, trong 13 pháp môn này được tu tập theo đặc tướng của riêng từng mọi người thì kết quả cụ thể rõ ràng thấy ngay sự giải thoát trong từng giây phút tu tập. Nhưng tìm ra pháp môn phù hợp với đặc tướng của mình thì quá khó.

Vì thế chúng tôi khéo kết hợp 13 pháp Thân Hành Niệmnày trở thành một cỗ xe Thân Hành Niệm hay ít nhất cũng trở thành một căn cứ địa để giặc sinh tử luân hồi không còn xâm chiếm được thân tâm của chúng ta nữa.

Cỗ xe Thân Hành Niệm gồm có tất cả các hành động nội ngoại của thân, nghĩa là hành động tay, chân và hơi thở phải được sắp xếp như thế nào cho hợp lý khi đi, đứng, nằm, ngồi, cúi đầu, nhìn, ngó, liếc v.v… Trong các hành động trong thân còn một hành động tự động của thân, đó là hơi thở, vì hơi thở là một hành động tự động của nội thân, nó rất quan trọng trong việc tu tập Thân Hành Niệm, nếu thiếu nó thì pháp Thân Hành Niệm chưa đủ. Vì thế, nó cần được sắp xếp theo thứ tự thân hành nào trước, thân hành nào sau.

Khi dùng chân thì chân trái trước hay chân mặt trước đều được. Nhưng khi dùng chân trái trước thì đến khi dùng tay thì cũng phải dùng tay trái trước. Còn ngược lại cũng vậy, khi dùng chân mặt thì cũng phải dùng tay mặt.

Nếu hành động chân trái bước rồi đến hành động chân mặt bước, khi hai chân đi được 10 bước thì phải kết hợp với hai tay. Tay trái đưa ra trước mặt rồi tay phải cũng đưa ra trước mặt. Khi hai tay đều đưa ra trước mặt thì hai chân co ngồi xuống. Hai chân co lại ngồi xuống thì đưa tay trái ra sau lưng chống, rồi đến tay mặt đưa ra sau lưng chống. Khi chống hai tay xong liền hạ thân ngồi xuống. Hạ thân ngồi xuống xong thì duỗi chân mặt ra, rồi kế duỗi chân trái, khi hai chân duỗi ra xong thì co chân mặt lại theo thế ngồi xếp bằng rồi chân trái cũng co lại và gác lên chân mặt trong tư thế ngồi bán già. Khi hai chân ngồi bán già xong thì bàn tay mặt để vào lòng bàn chân rồi kế đó bàn tay trái cũng để vào lòng bàn tay phải. Khi tư thế ngồi xong liền giữ lưng ngay thẳng. Khi ngồi xong lưng thẳng thì tiếp thở năm hơi thở ra, vô. Khi thở năm hơi thở xong thì tay trái đưa ra sau lưng chống và tay phải cũng đưa ra sau lưng chống. Khi hai tay chống xong thì chân trái duỗi ra rồi chân mặt duỗi ra. Khi hai chân duỗi ra xong liền co chân trái lại theo tư thế ngồi chồm hổm và chân mặt cũng co lại như chân trái. Khi ngồi xong liền đưa tay trái ra trước mặt và tay phải cũng đưa ra trước mặt như tay trái. Khi đưa hai tay ra trước mặt xong liền đứng dậy, khi đứng dậy xong liền hạ tay trái xuống theo chiều dọc của thân rồi tay phải cũng hạ xuống như vậy. Khi hai tay hạ xong liền đưa tay trái ra sau lưng rồi tiếp cũng đưa tay phải ra sau lưng chồng lên tay trái. Đó là một chu kỳ pháp Thân Hành Niệm giống như một vòng tròn bánh xe. Khi tu tập xong một vòng tròn Thân Hành Niệm thì chúng ta lại tiếp tục vòng tròn Thân Hành Niệm thứ hai chạy và thứ ba, thứ tư, thứ năm v.v…

Đó là sự kết hợp các hành động nội ngoại của thân để trở thành pháp môn Thân Hành Niệm. Khi kết hợp pháp Thân Hành Niệm như cỗ xe thì nên tu tập liên tục không bỏ phí một thời gian nào cả. Nhờ đó tâm hôn trầm, thùy miên và các niệm vọng tưởng tham sân, si, mạn, nghi đều bị dẹp sạch. Khi dẹp sạch những chướng ngại pháp này thì Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự. Đó là trạng thái tâm Vô Lậu, đây mục đích giải thoát cuối cùng của Phật giáo đã chứng đạt.

Kính ghi,

Trưởng lão Thích Thông Lạc