Pháp môn Thân Hành Niệm thứ I: Hơi Thở
Do tán thán, ca ngợi pháp môn THÂN HÀNH NIỆM này nên đức Phật tùy nhân duyên và đặc tướng của mọi người mà Ngài chỉ dạy cách thức tu tập. Trước tiên muốn tu tập Pháp THÂN HÀNH NIỆM là phải chọn lấy hơi thở, khi tu tập hơi thở (THÂN HÀNH NIỆM NỘI) thì phải ngồi. Do ngồi tu tập nên có tám yếu tố cần phải biết như sau:
1- Tìm nơi thanh vắng, yên tịnh như rừng, núi, đồng trống vắng vẻ hoặc ngôi nhà bỏ trống v.v…
2- Ngồi lưng thẳng trong tư thế ngồi nào cũng được, nhưng lưng phải thẳng, đầu không được cúi.
3- Phải an trú chánh niệm trước mặt.
4- Chánh niệm biết hơi thở vô, hơi thở ra.
5- Chánh niệm hơi thở dài vô biết hơi thở dài vô, chánh niệm hơi thở dài ra biết hơi thở dài ra.
6- Chánh niệm hơi thở ngắn vô biết hơi thở ngắn vô, chánh niệm hơi thở ngắn ra biết hơi thở ngắn ra.
7- Chánh niệm cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô, chánh niệm cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra.
8- Chánh niệm an tịnh thân hành tôi sẽ thở vô, chánh niệm an tịnh thân hành tôi sẽ thở ra.
Trên đây là tám yếu tố hơi thở đầu tiên cần phải tu tập, nhưng phải giữ gìn tâm không phóng dật, siêng năng tu tập không bỏ phí giờ giấc nào cả, mỗi lần tu tập thì phải hết sức nhiệt tâm ghi nhận vào pháp tu tập chứ không phải tu tập lấy có mà phải tu tập rất kỹ lưỡng, nhưng không được tu quá sức, tu đúng với sức của mình, nếu sức của mình chỉ tu tập có một phút thì nên tu tập một phút, không nên tu tập nhiều hơn, vì tu tập nhiều hơn sẽ bị rối loạn hô hấp hoặc cơ thể.
Nhờ có tu tập đúng pháp đúng sức lực của mình thì vọng niệm về thế tục tham, sân, si, mạn, nghi sẽ được đoạn trừ, khi nó được đoạn trừ thì tâm không còn khởi niệm nữa. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy nên nội tâm được AN TRÚ, AN TỌA, CHUYÊN NHẤT, ĐỊNH TĨNH. Đó là những kết quả tu tập đúng pháp, đúng với sức lực của mình, còn nếu ngược lại tu sai thì cũng nhiều tai họa xảy ra. Cho nên khi tu tập thì nên ở gần thiện hữu tri thức. Muốn biết rõ điều này chúng ta hãy đọc kỹ lời dạy của đức Phật thì rõ:
“Ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”. Hay thở ra dài vị ấy biết: “Tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra”. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo tu tập THÂN HÀNH NIỆM”.
Đọc đoạn kinh này chúng ta biết ngay hơi thở là một pháp môn THÂN HÀNH NIỆM rất quan trọngtrong sự tu tập giai đoạn thứ nhất để đạt được tâm AN TRÚ, AN TỌA, CHUYÊN NHẤT, ĐỊNH TĨNH.
Chúng ta đừng nghĩ rằng: khi tu tập HƠI THỞ là chỉ biết nương vào HƠI THỞ ra và HƠI THỞ vô. Không phải vậy thưa quý vị.
Trong pháp môn HƠI THỞ có 19 đề mục tu tập riêng về HƠI THỞ, nhưng ở đây HƠI THỞ được gọi là pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là để cho những người đã tu tập xong 19 đề mục HƠI THỞ, còn những người nào tu tập chưa xong 19 đề mục thì không nên tu tập HƠI THỞ trong pháp môn THÂN HÀNH NIỆM.
Về HƠI THỞ một vị thầy có nhiều kinh nghiệm mới dám hướng dẫn tu tập 19 đề mục HƠI THỞ. Nếu không có một vị thầy dạy chuyên về HƠI THỞ thì không nên tự mình tu tập, vì tu tập sai HƠI THỞ và không xác định đúng ĐẶC TƯỚNG của mình thì đó là một sự nguy hại trên bước đường tu tập.
Người mới tu tập chỉ làm quen với HƠI THỞ, chớ không thể tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM HƠI THỞ được. Sau khi tu tập 19 đề mục HƠI THỞ thuần thục nhuần nhuyễn thì mới nhận ra được trạng thái AN TRÚ, AN TỌA, CHUYÊN NHẤT, ĐỊNH TỈNH.
Bởi vì người tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là người không còn bị rối loạn hô hấp. Nếu một người chưa bao giờ tu tập ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ mà tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM HƠI THỞ đều bị rối loạn hô hấp.
Tuy pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là một pháp môn nhưng gồm chung các THÂN HÀNH. Các THÂN HÀNH trong thân gồm có:
1- Thân hành do tay, chân.
2- Thân hành do miệng lưỡi.
3- Thân hành do ý thức.
Cho nên người nào tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là tu tập tất cả hành động THÂN, MIỆNG, Ý. Tu tập tất cả hành động THÂN HÀNH như thế nào?
Từ lâu chúng ta không quan tâm cẩn thận mỗi hành động trong thân của mình nên muốn làm một điều gì thì cứ làm, cho nên việc làm cẩu thả không khéo léo thường thất bại, trong những hành động thất bại đó dù có thể đem đến sự đau khổ cho mình cho người và cho tất cả chúng sinh mà cứ vẫn làm.
Hôm nay thì khác vì từ khi biết Phật pháp thì sự cẩn thận trong mỗi hành là điều cần thiết đem đến sự bình an yên vui cho mình cho người và cho tất cả chúng sinh.
Cho nên vì hạnh phúc cho mình cho người và tất cả chúng sinh nên mỗi hành động của thân phải có ý tứ cẩn thận. Ý tứ cẩn thận mỗi hành động của thân tức là TỈNH THỨC trong THÂN HÀNH. Muốn được tỉnh thức trong THÂN HÀNH thì nên tu tập 19 đề mục HƠI THỞ. Xin quý vị vui lòng nghiên cứu lại pháp môn ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, vì pháp môn ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ đã dạy phương pháp tu tập rất rõ ràng từ sơ cơ đến đạt được tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ.
Dưới đây là bài pháp dạy về ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ.