Phần thứ ba Thân Hành Niệm Tu trong tất cả hành động
Tu tập tỉnh thức trong tất cả hành động, đi biết mình đi, đứng biết mình đứng, ngồi biết mình ngồi, nằm biết mình nằm; đi tới, đi lui biết mình đi tới, đi lui.
Tu tập TỈNH THỨC chúng ta phải biết mình đang làm gì biết mình đang làm gì; khi ngó, khi liếc, khi nhìn đều biết mình đang ngó, đang liếc, đang nhìn. Khi co tay, duỗi tay đều biết mình co tay, duỗi tay. Khi mặc y áo, mang bát đều biết mình đang mặc y áo mang bát. Khi ăn, uống, nhai, nuốt đều biết mình ăn uống nhai, nuốt. Khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói nín, im lặng đều biết mình đang đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, nín, im lặng v.v…
Khi người tu tập sống biết rõ ràng những hành động trong thân mình như vậy thì hãy cố gắng giữ gìn tâm không phóng dật và lúc nào cũng nhiệt tâm tinh cần siêng năng tu tập tỉnh giác như vậy thì tất cả hôn trầm, thùy miên, vô ký và vọng tưởng đều được quét sạch. Khi đã quét sạch thì tâm được AN TỌA, AN TRÚ, CHUYÊN NHẤT, ĐỊNH TĨNH, NHU NHUYẾN, DỄ SỬ DỤNG.
Trên đây đó là phương pháp tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM, xin quý vị cần nên ghi nhớ mà lo tu tập cho đến khi chứng tâm VÔ LẬU hoàn toàn.
Tâm VÔ LẬU không phải tu tập khó mà khó là không có pháp tu tập, nhưng nay quý vị đã có pháp môn THÂN HÀNH NIỆM để tu tập thì còn khó gì đâu nữa.
Pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là một pháp môn tu tập không có khó khăn, không có mệt nhọc chỉ cần siêng năng tinh cần đi kinh hành theo từng hành động của thân, tay, chân và hơi thở. Chúng ta hãy cố gắng tu tập trong tất cả hành động thì kết quả giải thoát ở ngay liền một bên.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng-già-lê (sanghati), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo tu tập THÂN HÀNH NIỆM”.
Theo như lời Phật dạy trên đây pháp môn THÂN HÀNH NIỆM tu tập rất đơn giản như vậy đâu có gì khó khăn phải không quý vị?
Một pháp môn quý báu vô cùng, tu tập nhiều trí tuệ siêu việt như pháp môn THÂN HÀNH NIỆM thì chúng ta nghĩ mình có đầy đủ phước báu mới được gặp pháp môn THÂN HÀNH NIỆM. Còn biết bao nhiêu người theo các tôn giáo này, tôn giáo nọ mà có người nào biết pháp môn này đâu. Ngay chính các hệ phái Phật giáo như: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Nam tông, Bắc tông v.v… đều không biết pháp môn THÂN HÀNH NIỆM, dù cho có biết họ cũng không biết cách thức tu tập cho đạt được thắng trí.
Tuy những lời Phật dạy rất đơn giản nhưng chúng ta cần phải suy tư và quán xét cho kỹ lưỡng chỗ nào chưa hiểu thì thưa hỏi đừng tự kiến giải theo ý mình mà hiểu sai nghĩa Phật dạy khiến cho pháp môn THÂN HÀNH NIỆM sẽ bị mất gốc.