Phần thứ 13 Thân Hành Niệm Tứ thiền
THIỀN THỨ TƯ cũng là pháp môn THÂN HÀNH NIỆM cuối cùng trong 13 pháp THÂN HÀNH NIỆM, nhưng quý vị nên nhớ bốn pháp thiền của Phật giáo không phải là pháp môn THÂN HÀNH NIỆM để tu tập mà để thực hiện những năng lực siêu việt khi tâm đã thanh tịnh tức là tâm chứng đạt chân lý VÔ LẬU.
Bởi vậy muốn nhập thiền định của Phật giáo thì không phải tu tập THIỀN ĐỊNH mà tu tập GIỚI LUẬT. Khi tu tập GIỚI LUẬT tâm đã thanh tịnh thì nhập THIỀN ĐỊNH không có khó khăn, không có mệt nhọc chỉ cần dùng pháp NHƯ LÝ TÁC Ý là nhập THIỀN ĐỊNH ngay liền. Cho nên muốn nhập TỨ THIỀN thì nên tác ý: “TỊNH CHỈ HƠI THỞ NHẬP TỨ THIỀN”. Chỉ tác ý như vậy là đủ nhập vào TỨ THIỀN.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy nhập TỨ THIỀN: “Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỳ-kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
Này các tỳ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống an trú không phóng dật... (như trên)... Tỳ-kheo tu tập THÂN HÀNH NIỆM.
Này các tỳ-kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn THÂN HÀNH NIỆM, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (antogadha) đều thuộc về minh phần (vijjabhagiya). Ví như, này các Tỳ-kheo, biển lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn; cũng vậy, này các tỳ-kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn THÂN HÀNH NIỆM, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm, đều thuộc về minh phần”.
Mười ba pháp THÂN HÀNH NIỆM là 13 pháp để mọi người tu tập chứng đạo, nếu ai có duyên với THÂN HÀNH NIỆM nào thì tu ngay pháp THÂN HÀNH NIỆM ấy. Nhưng chỉ chọn lấy một pháp tu tập mà thôi nhưng pháp ấy phải phù hợp hành động THÂN HÀNH NIỆM của mình thì sự tu tập mới trở thành CĂN CỨ ĐỊA. Khi tu tập đã trở thành căn cứ địa thì không còn một tên giặc sinh tử luân hồi nào dám bén mảng đến thân tâm của chúng ta nữa.
Nhờ tu tập như vậy mà TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ hiện tiền.
Cho nên sự chứng đạo của Phật giáo không ngoài tâm của chúng ta, chỉ khi nó BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ thì chứng đạo ngay liền tại đó.