Thân Hành Niệm (Kayagatasatisuttam)
THÂN HÀNH NIỆM là một pháp môn mà chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, vì nó là một pháp môn quan trọng nhất trong đời sống tu hành của chúng ta, nếu chúng ta không chịu khó nghiên cứu kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ hối hận sau này:
- Hối hận thứ nhất chúng ta chỉ biết lý thuyết suông để khéo nói dối khiến cho thiên hạ tưởng mình tu chứng đạo.
- Hối hận thứ hai là không nắm vững các pháp hành, vì thế tu tập không có kết quả, cuối cùng chỉ uổng phí một đời tu hành mà chẳng ra gì.
Bởi pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là pháp môn duy nhất trong 37 phẩm trợ đạo của Phật giáo để chúng ta tu tập đi đến kết quả cuối cùng là sự chứng đạo. Nếu không có pháp môn này thì chúng ta không bao giờ tu hành chứng đạo được.Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:
“Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Thế Tôn trú ở Savatthi, (nước Xá-vệ) Jetavana (Rừng Kỳ-Đà), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một số đông tỳ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng tăng:
– Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư hiền giả! THÂN HÀNH NIỆM, khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố. Và câu chuyện này giữa các tỳ-kheo ấy đã bị gián đoạn.
Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến ngồi lên chỗ soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
– Ở đây, này các tỳ-kheo, các ông hiện nay đang ngồi bàn vấn đề gì? Câu chuyện gì của các ông bị gián đoạn?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi ăn xong, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại hội trường, và câu chuyện sau này được khởi lên: “Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! THÂN HÀNH NIỆM này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có công đức lớn, đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố”. Bạch Thế Tôn, câu chuyện này của chúng con chưa bàn xong thời Thế Tôn đến.
– Và này các tỳ-kheo, THÂN HÀNH NIỆM tu tập như thế nào, làm cho sung mãn, như thế nào có quả lớn, có công đức lớn?”.
Đó là một đoạn kinh để giới thiệu pháp môn THÂN HÀNH NIỆM và từ đây về sau đức Phật dạy chúng ta cách thức tu tập THÂN HÀNH NIỆM.
Đọc đoạn kinh giới thiệu pháp môn THÂN HÀNH NIỆM chúng ta cảm nhận được pháp môn THÂN HÀNH NIỆM quan trọng như thế nào trong sự tu tập cầu giải thoát của chúng ta.
Bởi vậy chúng ta phải cẩn thận nghiên cứu rất kỹ càng về pháp môn này để sau khi thực hành đều mang lại kết quả tốt đẹp.
Tại sao đức Phật lại biết lấy THÂN HÀNH làm pháp môn tu tập để dẫn đến kết quả làm chủ sinh, già, bệnh, chết?
Như chúng ta ai cũng biết mọi hành động trong thân chúng ta đều tạo ra nhân quả thiện ác, nếu do hành động thiện của chúng ta thì chúng ta hưởng phước báu, còn ngược lại hành động chúng ta tạo ác thì chúng ta phải gặt lấy những điều đau khổ.
Do xét thấy được những điều này nên đức Phật lấy THÂN HÀNH làm pháp môn tu tập, vì vậy mới có tên là PHÁP THÂN HÀNH NIỆM, tức là lấy THÂN HÀNH làm niệm để tu tập, mà THÂN HÀNH là niệm có sẵn rất tự nhiên trong thân của mọi người, do đó lấy THÂN HÀNH tự nhiên làm niệm tu tập thì không bị ức chế ý thức. Còn ngược lại những người không biết VẬN DỤNG THÂN HÀNH làm niệm nên bị ức chế ý thức vì vậy rơi vào thiền TƯỞNG của ngoại đạo KHÔNG VÔ BIÊN XỨ TƯỞNG, THỨC VÔ BIÊN XỨ TƯỞNG, VÔ SỞ HỮU XỨ TƯỞNG và PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ.
Khi bị rơi vào các loại định TƯỞNG này thì không bao giờ ly dục ly ác pháp. Cho nên tâm THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI bao giờ cũng không quét sạch được.