Skip directly to content

GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ THỨ TÁM: NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI

 “NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜIlà một hành động đạo đức ngôn ngữ làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này đều cần phải học hiểu và sống đúng đức hạnh này.

Đây là một giới luật dạy về đức hạnh ngôn ngữ để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Đức hạnh thiện ngữ để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Đó là những đức hạnh làm Người, làm Thánh như trên đã nói, các bạn cần phải học hiểu, siêng năng tu tập và sống đúng những đức hạnh này để đem lại sự sống yên vui và hạnh phúc cho nhau. Có sống được như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Còn sống ngược lại đức hạnh thiện ngữ này thì sẽ có muôn vàn khổ đau đến với các bạn, biến cuộc sống thế gian này thành địa ngục trần gian.

GIỚI ĐỨC THIỆN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI

Trong cuộc đời này, con người thường nói xấu nhau thì nhiều mà nói đẹp lòng nhau thì ít. Nhưng nói đẹp lòng nhiều người như thế nào?

Kính thưa các bạn! Nói đẹp lòng nhiều người là khen tặng, ca ngợi. Vậy khen tặng và ca ngợi như thế nào đúng chánh pháp? Và ngược lại là tà pháp. Xin các bạn lắng nghe Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo! Nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán chư Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỉ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỳ Kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán chư Tăng, mà nếu các ngươi hoan hỉ, vui mừng, và thích thú thời có hại cho các ngươi. Này các Tỳ Kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: “Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi”.

Trên đây, đức Phật dạy khen ngợi là phải khen ngợi đúng sự thật, phải chính xác 100%, đó là khen ngợi đúng chánh pháp. Không được khen ngợi theo kiểu a dua, xu nịnh, bợ đỡ v.v.., đó là khen ngợi không đúng chánh pháp.

Như vậy khi muốn nói: “NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI”thì phải khen ngợi cá nhân hay tập thể đúng giới luật trong chánh pháp; phải nói theo những ý kiến hoặc ca ngợi ý kiến của những người khác là phải đúng giới luật đức hạnh. Còn ngược lại, không đúng giới luật chánh pháp mà ca ngợi khen tặng là a dua, xu nịnh, bợ đỡ v.v.. đó không phải “NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI”.

Kính thưa các bạn! “NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI”mà lời nói a dua, xu nịnh thì những lời nói đẹp lòng nhiều người có ích lợi gì? Chỉ là những người nịnh bợ, luồn cúi, cầu tước, mua danh thật là nhục nhã, đê hèn. Phải không các bạn?

Nói đẹp lòng người là lời nói khiến cho người khác vui lòng, nhưng là nói đúng sự thật.

Ví dụ 1: Nhà anh có cây bưởi ăn ngon tuyệt vời (nói đúng sự thật cây bưởi ngon).

Ví dụ 2: Trông tướng anh năm nay làm ăn phát tài (nói đúng sự thật tướng anh hân hoan khoẻ mạnh).

Ví dụ 3: Vợ chồng anh chị có mấy cháu ngoan giỏi mà ở đây ai cũng mến yêu (nói đúng sự thật các cháu học giỏi ngoan).

Những lời nói trên đây là “GIỚI ĐỨC THIỆN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI”,đó là đức hạnh ngôn ngữ mà mọi người nên ghi nhớ để giữ gìn lời nói làm đẹp lòng người mà người đệ tử của Phật lại cần giữ gìn đức hạnh này hơn vì nó là Phạm hạnh của lời nói toả ra từ tâm từ bi thương xót mình và mọi người.

GIỚI HẠNH THIỆN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI

Kính thưa các bạn! Trong cuộc sống hằng ngày, nếu mọi người ai cũng sống đầy đủ những oai nghi tế hạnh về ngôn ngữ nói những lời đẹp lòng người thì làm sao có sự khổ đau. Cho nên, lời nói đẹp lòng người là ngôn hạnh của những nhà đạo đức, nếu ngôn ngữ không có đạo đức thì cuộc đời này không có sự hạnh phúc an vui chân thật. Bởi vậy, các bạn là những con người được sinh ra làm người. Làm người có một vũ khí sắc bén nhất, đó là lời nói của các bạn, cho nên lời nói không được trau dồi đạo đức là một tai hại rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, Đức Phật đã dạy:“Mỗi người được sinh ra đều mang theo ba nghiệp: thân hành nghiệp, khẩu hành nghiệp và ý hành nghiệp”. Trong ba nghiệp này, khẩu hành nghiệp là nặng nhất, nên được chia ra làm hai phần:

1-      Về ngôn ngữ

2-      Về ăn uống

Ở đây chúng tôi không nói về ăn uống mà nói về ngôn ngữ. Ngôn ngữ được chia ra làm bốn hành động nghiệp:

1-      Nói vọng ngữ

2-      Nói lời hung dữ

3-      Nói lật lọng

4-      Nói thêu dệt

Thân hành nghiệp, ý hành nghiệp mỗi nghiệp chỉ có ba nghiệp, còn khẩu hành nghiệp có đến bốn nghiệp, như vậy khẩu hành nghiệp nặng nhất. Phải không các bạn?

GIỚI HẠNH THIỆN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI

Do khẩu hành nghiệp nặng nhất nên các bạn phải dè dặt cẩn thận khi phát ngôn cần phải suy nghĩ chín chắn rồi mới nói. Đó là giới hạnh thiện ngữ.

Khi nói ra lời nói làm đẹp lòng mọi người như: “Bầu ơi! Thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”hoặc Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”hoặc“Thương người như thể thương thân” hoặc “Thố tử hồ bi” hoặc “Ai ơi! Đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu” hoặc “Vì cuộc sống con người quá khổ đau các bạn hãy thương yêu và tha thứ cho nhau khi có lỗi lầm”. Những lời ca ngợi, khen tặng và tất cả những lời nói trên đây là giới hạnh thiện ngữ. Còn gọi là oai nghi tế hạnh ngôn ngữ của một người có đạo đức. Xin các bạn lưu ý và học tập, nó sẽ mang lại lợi ích cho các bạn.

GIỚI HẠNH THIỆN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI

Muốn nói những lời đẹp lòng nhiều người thì hằng ngày các bạn nên nhớ tác ý nhắc tâm: “Hãy nói những lời đẹp lòng nhiều người, tránh xa nói những lời làm mình khổ người khác khổ”.

Ca dao có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa ăn, lựa nói cho vừa lòng nhau”. Người xưa đã nhắc nhở chúng ta như vậy, tại sao chúng ta lại không lựa lời nói đẹp lòng người mà lại đặt điều nói ác, nói xấu cho người khác vậy? Sinh ra làm người không ai là không mang nghiệp khổ đau. Thế nỡ lòng nào chúng ta dùng lời nói ác làm cho người khổ đau?

Cho nên, trong giới luật Phật dạy: “GIỚI HÀNH THIỆN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI ĐẸP LÒNG NHIỀU NGƯỜI”.Vậy hằng ngày khi tiếp duyên với ai các bạn nên nói những lời đẹp lòng người để đức hạnh ngôn ngữ của các bạn ngày càng tỏ ngời lòng thương yêu rộng lớn bao la như năm châu bốn biển.