Skip directly to content

ĐIỀU LỢI ÍCH THỨ TƯ CỦA GIỚI LUẬT: ƯỚC NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC

Điều ước nguyện thứ tư là điều ước nguyện cho những người thân của mình được bình an, mạnh khoẻ, sống an lạc, hạnh phúc, ít bệnh, ít tật, tai qua, nạn khỏi, khi lâm chung với tâm bình tĩnh, hoan hỉ không có mê muội, không có trăn trở, không có đau nhức, lúc nào tâm cũng yên vui, thanh thản, an lạc và vô sự.

Muốn được vậy thì giới luật các bạn phải giữ gìn nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, đúng theo như lời đức Phật đã dạy.

Kinh Ước Nguyện dạy nếu muốn đạt được kết quả của những sự ước nguyện thì nên theo lời đức Phật dạy dưới đây: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: “Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mệnh chung nghĩ (đến ta) với tâm hoan hỉ, (và nhờ vậy) được quả báo lớn, lợi ích lớn!”, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”.

Kính thưa các bạn! Lời dạy trên đây rất rõ ràng, muốn ước nguyện một điều gì cho những người thân của mình thì các bạn phải thành tựu viên mãn giới luật. Bởi vì các bạn có thành tựu viên mãn giới luật thì công đức ấy rất lớn. Lớn không thể lấy một vật gì trong thế gian mà lường được. Cho nên nói công đức rất lớn là nói đến thiện pháp, nhưng ở đây các bạn phải phân biệt thiện pháp rõ ràng đừng hiểu thiện pháp hữu lậu là giới luật là sai. Giới luật là thiện pháp vô lậu, vì vô lậu mới có lợi ích rất lớn. Các bạn có hiểu chưa? Các bạn có nghe lời dạy thiện pháp này bao giờ chưa?

Đức Phật đã từng dạy: “TAM VÔ LẬU HỌC”là Giới vô lậu, Định vô lậu, Tuệ vô lậu. Cho nên thiện pháp vô lậu của giới luật sẽ chuyển hoá tất cả ác pháp hay chuyển hoá nghiệp ác. Chuyển hoá ác pháp hay chuyển hoá nghiệp ác, nhưng những người thân của các bạn phải biết hướng tâm đến những người giữ giới luật thanh tịnh hoặc tự bản thân phải giữ gìn giới thanh tịnh. Vì thế hai người phải tương ưng nhau với tâm thanh tịnh trong giới vô lậu thiện pháp. Trạng thái giới luật vô lậu thiện pháp là một trạng thái tâm thanh tịnh tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Cho nên muốn ước nguyện một điều gì hoặc người thân của các bạn trước khi chết sợ tâm rối loạn, mê muội, không được sáng suốt tỉnh táo thì phải giữ gìn tâm bất động tức là giữ gìn tâm thanh thản an lạc và vô sự rồi hướng tâm về người giư giới thanh tịnh và hai trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự tương ưng với nhau thì được lợi ích rất lớn, đó là sự hoan hỉ thanh thản, an lạc và vô sự thành một nội lực ly tham đoạn ác pháp. Trong trạng thái ấy không còn nghiệp ác nào tác động vào thân tâm họ được. Tại sao vậy?

Kính thưa các bạn! Khi các bạn giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì các bạn biết rất rõ về thân tâm của các bạn lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Và lúc bấy giờ các bạn đã xứng đáng làm ruộng phước cho mọi người. Vì thế, các bạn muốn ước nguyện cho một người nào đó thì người đó phải hướng tâm về các bạn. Cũng như lúc lâm chung, trước khi chết chỉ cần nhớ nghĩ đến các bạn thì tâm người đó được thanh thản, an lạc và vô sự.

Đức Phật và chúng Thánh Tăng giới luật đều nghiêm chỉnh, cuộc đời của các Ngài tâm vô lậu hoàn toàn. Các Ngài đều chứng Thánh quả A La Hán nên tâm niệm của các Ngài luôn ước nguyện cho mọi người đều được an vui, hạnh phúc, nhưng mọi người không hạnh phúc là vì mọi người không hướng tâm về các Ngài, không giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, nên dù các Ngài có thương xót chúng sanh, nhưng cũng không làm sao cứu giúp chúng sanh được. Cho nên đoạn kinh này dạy các bạn phải hướng về các Ngài thì có lợi ích rất lớn. Vậy hướng về các Ngài như thế nào?

Hướng về với các Ngài là hướng về giới luật. Hướng về giới luật là chúng ta phải nghiêm trì Thọ Bát Quan Trai Giới, chỉ có giới luật thì mọi người mới gặp nhau trên một điểm tương ưng “Thanh thản, an lạc và vô sự”. Vì thế trong kinh Ước Nguyện dạy: “Trước khi mệnh chung thì phải nghĩ đến Ta” tức là nghĩ đến giới luật, giới luật là tâm vô lậu, tâm vô lậu là tâm bất động, tâm bất động là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, khi Ta nhập diệt hãy lấy giới làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình” nhờ vậy tâm hoan hỉ, nhờ tâm hoan hỉ mà được quả báo lớn, lợi ích lớn”.

Giới luật là chỗ nương tựa cho mọi người, giới luật là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Vì thế, giới luật đem đến cho con người lợi ích như vậy, khi sống cũng như lúc chết. Vậy các bạn hãy theo lời dạy này sống một đời sống Phạm hạnh để mang lại sự an vui, hạnh phúc cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.