VĂN HÓA GIỚI ĐỨC THÁNH TĂNG, THÁNH NI THỨ HAI: ĐẮP ÁO CÀ SA
“ĐẮP ÁO CÀ SA”là một hành động đạo đức làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo. Mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, nếu muốn làm Thánh Tăng, Thánh Ni đều cần phải học và sống đúng đức hạnh này.
Đây là một giới luật dạy về đức hạnh thanh bần, một trong những đức hạnh làm Thánh mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để thiểu dục tri túc, để xứng đáng làm gương hạnh buông xả vật chất thế gian. Có như vậy, các bạn mới trở thành những ngọn đuốc soi sáng đạo đức trên hành tinh này, nhờ đó cõi thế gian này mới trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
GIỚI ĐỨC THANH BẦN ĐẮP ÁO CÀ SA
“ĐẮP ÁO CÀ SA”là một hành động đạo đức buông xả thuộc về ăn mặc trang điểm thân thể. Người nào muốn tìm cầu sự giải thoát thì phải chấp nhận giới đức này, tức là đức hạnh xả phú cầu bần còn gọi là ĐỨC THANH BẦN. Người xả phú cầu đạo là người biết buông bỏ những gì làm cho thân đẹp đẽ, làm cho thân sang trọng, quý phái. Cho nên, giới này thuộc về thân tướng đức hạnh thanh bần làm Thánh.
Đời sống thế gian mọi người thường thích trang điểm làm đẹp, làm sang, không ai muốn mình xấu, mình nghèo, v.v.. Ai cũng muốn mình đẹp và giàu sang, vì sự hammuốn ấy khiến cho đời người phải chịu nhiều khổ đau, dù có đạt được mục đích đẹp đẽ và giàu sang, đời sống vật chất có hơn mọi người, nhưng tinh thần vẫn chịu nhiều khổ đau và còn khổ đau hơn những người chưa đạt mục đích tham dục ấy.
“ĐẮP ÁO CÀ SA”là một giới luật dạy cách thức ăn mặc của những người xuất gia đã thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian. Y áo cà sa là loại y áo của người tu sĩ Phật giáo mặc, may bằng những loại vải thô xấu, vải bỏ, vải bó thây ma, có nghĩa là người tu sĩ Phật giáo không còn ăn mặc sang đẹp những loại vải hàng đắt tiền như người thế tục, mà chỉ ăn mặc vải thô xấu, để trở thành người nghèo nhất trong xã hội. Cho nên, giới này còn gọi là “Giới đức xả phú cầu bần”, tức là buông bỏ những cái sang cái đẹp của cuộc đời để tìm một lối sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Một lối sống mà chỉ có những người tu sĩ Phật giáo chân chánh mới có.
Người tu sĩ chân chánh của Phật giáo không bao giờ mặc áo cà sa vải đắt tiền, sống không xa hoa như người thế tục. Do đức hạnh này mà người tu sĩ Phật giáo được mọi người kính trọng, còn những tu sĩ ăn mặc vải hàng đắt tiền, vải nhập là những tu sĩ phạm giới, phá giới, sống không thiểu dục tri túc, thiếu đức xả phú cầu bần, họ là những Ma Ba Tuần trong Phật giáo, họ là trùng trong lông sư tử và sẽ giết sư tử chết.
GIỚI HẠNH XẢ PHÚ CẦU BẦN
Chính vua A Xà Thế khi nghe đức Phật dạy chín oai nghi tế hạnh này thì Ông chấp nhận ngay liền và còn xác định: dù là kẻ hầu, người nô bộc, nô tỳ trong cung điện nhà vua, nhưng khi họ đã xuất gia giữ gìn chín oai nghi tế hạnh như vậy, nhà vua cũng phải cung kính, tôn trọng, cúi đầu đảnh lễ như những vị tu sĩ khác.
Bởi vậy, giới luật là những oai nghi tế hạnh nên nó nhiếp phục được tất cả mọi người. Người tu sĩ Phật giáo sống không đúng giới hạnh thì không được mọi người cung kính, tôn trọng nhất là những Phật tử chân chánh.
Oai nghi tế hạnh xả phú cầu bần là những hành động đạo đức cao đẹp mà người thế gian không bao giờ làm được, chỉ có những người xuất gia thấy rõ các pháp thế gian là pháp vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta, nên tự giác xả bỏ vật chất thế gian để sống đời Phạm hạnh, sống đời Thánh thiện không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Quyết sống một đời sống Phạm hạnh nên chấp nhận những giới luật đức hạnh buông xả, dù có khó khăn đến đâu cũng vượt qua. Vì thế thường nhắc tâm mình:
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
Bài kệ trên đây đã xác định Thánh hạnh xả phú cầu bần của một bậc chân tu đã ra khỏi mọi sự ràng buộc của các pháp thế gian.
Giới luật Thánh hạnh là như vậy, nhưng xét lại người tu sĩ thời nay là tu danh, tu lợi, tu chùa to, Phật lớn, tu tiền, tu bạc, tu ăn tu ngủ, tu xe hơi, tu y áo, v.v..
Những tu sĩ này đã biến Phật giáo trở thành là một tôn giáo lừa đảo, chứ không còn là một tôn giáo đức hạnh nhân bản – nhân quả của loài người nữa.
GIỚI HÀNH XẢ PHÚ CẦU BẦN
Muốn sống đúng Thánh hạnh “GIỚI HÀNH XẢ PHÚ CẦU BẦN” thì hằng ngày phải chuyên cần siêng năng theo pháp như lý tác ý: “Muốn ra khỏi nhà sanh tử thì phải luôn luôn giữ gìn sống đúng Thánh hạnh xả phú cầu bần, nếu không giữ gìn đúng Thánh hạnh này thì dù có tu hành đến muôn ngàn kiếp vẫn hoài công vô ích, uổng phí một đời”.
Kính thưa các bạn! Tất cả những giới luật nhỏ nhặt này đều là những đạo đức và những oai nghi tế hạnh của một tu sĩ Phật giáo chân chánh, còn những tu sĩ không chân chánh thì xem thường những đức hạnh này họ thuộc về những hạng người lợi dụng tôn giáo làm cuộc đời. Hơn thế nữa có những kẻ lợi dụng sự tín ngưỡng tôn giáo của mọi người để thống lãnh toàn cầu dưới quyền sinh sát loài người trong tay họ. Xin các bạn lưu ý: tôn giáo chỉ là nền đạo đức của con người, làm lợi ích cho con người, chứ không được phép lừa đảo và không có quyền cai trị loài người bằng thần quyền, mê tín.