Skip directly to content

VĂN HÓA GIỚI ĐỨC HIẾU SINH THÁNH TĂNG, THÁNH NI THỨ NĂM: CÓ LÒNG TỪ

CÓ LÒNG TỪ”là một hành động đạo đức thương yêu làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, nếu muốn làm Người, làm Thánh đều cần phải học hiểu và sống đúng đức hạnh này.

Đây là một giới luật dạy về đức hạnh thương yêu để không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Đức hạnh thương yêu để không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh là những đức hạnh mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để đem lại sự sống yên vui và hạnh phúc cho nhau. Có được như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

GIỚI ĐỨC CÓ LÒNG TỪ

Con người sinh ra ở đời ai ai cũng sẵn có lòng từ, nhưng lòng từ ấy được phát triển lớn mạnh hay bị diệt mất là do nơi mỗi con người, nếu mỗi người có muốn nuôi dưỡng, huân tập thì lòng từ mới tăng trưởng lớn mạnh, còn nếu không nuôi dưỡng, huân tập thì lòng từ chẳng bao giờ lớn mạnh được và đôi khi nó còn bị diệt mất, vì tâm các bạn chạy theo dục và ác pháp, nên lòng từ bị diệt mất. Hiện giờ, các bạn cứ nhìn xem lòng từ của con người đã bị diệt mất, chỉ vì những phát minh của khoa học phục vụ đời sống vật chất quá tiện nghi, nên tâm tham dục càng lớn mạnh. Tâm tham dục càng lớn mạnh thì ác pháp càng tăng trưởng. Ác pháp càng tăng trưởng thì đạo đức bị diệt mất. Bởi vậy, khoa học phát triển mà đạo đức không phát triển để quân bình với vật chất khoa học thì đó là tai họa cho loài người.

Cho nên, lòng từ không phải tự nhiên nó phát triển lớn mạnh được mà phải do huân tập rèn luyện lòng yêu thương hằng ngày đối với từng mỗi chúng sanh thì nó mới phát triển lớn mạnh được.

Vì thế, mọi người muốn có được lòng từ lớn mạnh từ trong sâu thẳm của tâm hồn thì phải siêng năng và huân tu tập lòng thương yêu ấy trước mỗi người, mỗi loài vật, mọi nghịch cảnh và mọi ác pháp khi chúng tác động vào thân tâm mình mà các bạn chỉ thấy có sự tha thứ và yêu thương.

Lòng từ phải được thực hiện trong mọi hoàn cảnh dù nghịch, dù thuận đều khởi sự tha thứ và yêu thương, nhờ có tha thứ thương yêu thì lòng từ mới phát triển lớn và mạnh.

Từ nơi rèn luyện, huân tập và nuôi dưỡng lòng yêu thương ấy nó mới có tên là “Có lòng từ”. Có lòng từ là tên của một giới đức hiếu sinh cụ túc của Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni và nam nữ cư sĩ. Giới cụ túc có nghĩa là giới luật đầy đủ không thiếu khuyết đạo đức và oai nghi tế hạnh.

“GIỚI ĐỨC CÓ LÒNG TỪ” là chỉ cho một hành động Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo, nhờ giữ gìn đức hạnh này nghiêm chỉnh nên lòng tha thứ yêu thương luôn luôn sẵn sàng mang đến với mọi người, vì thế tâm các bạn mới bất động trước tám gió (Bát phong bất động). Do đó, tâm các bạn mới bất động trước các pháp ác và các cảm thọ. Tâm bất động được như vậy thì các bạn mới tìm thấy trạng thái giải thoát hoàn toàn.

GIỚI HẠNH CÓ LÒNG TỪ

 “GIỚI HẠNH CÓ LÒNG TỪ”là một giới luật dạy về oai nghi tế hạnh thương yêu của người tu sĩ Phật giáo, giới luật này luôn luôn sẵn sàng khi gặp mọi tình huống xảy đến. Một người tu sĩ Phật giáo mà không giữ gìn trọn vẹn giới luật oai nghi tế hạnh này thì không xứng đáng là đệ tử của Phật. Bởi vì đạo Phật là Đạo của sự yêu thương (từ bi). Yêu thương từ trong tận đáy lòng của các bạn. Vì thế, các bạn hãy lắng nghe sự đối đáp giữa đức Phật và ông Phú Lâu Na. Ông Phú Lâu Na là một vị đại đệ tử của đức Phật. “Sau khi chứng quả A La Hán xong, ông Phú Lâu Na đến xin Đức Phật đi giáo hóa ở xứ Du Lô Na. Đức Phật hỏi: “- Ông đến xứ Du Lô Na, nếu như dân ở đó không chấp nhận Ông, mà lớn tiếng chửi mắng, Ông mới làm sao?

- Bạch Thế Tôn! Họ chửi mắng con, con vẫn thấy họ còn thương con, vì họ cũng chưa lỗ mãng đến nỗi dùng roi gậy đánh đập con.

- Nếu như họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh đập Ông?

- Con vẫn thấy họ còn thương con, chưa đến nỗi đâm chém con.

- Nếu họ dùng dao búa như thế?

- Con cũng cho họ còn thương con, còn tình người chưa đến nỗi giết con chết.

- Nếu họ giết Ông chết?

- Nếu thế con lại cảm ơn họ, họ đã giết sắc thân của con, hỗ trợ cho đạo nghiệp của con, giúp con mau vào Niết Bàn, giúp con đem sinh mạng báo đáp ân đức của Thế Tôn, điều ấy đối với con, tuy không có trở ngại, chỉ sợ di hại ảnh hưởng không tốt cho họ mà thôi”. (Thập đại đệ tử sử truyện).

Đọc đoạn sử ký trên đây chúng ta thấy giới luật có lòng từ mà ông Phú Lâu Na đã sống và thực hiện một cách trọn vẹn đầy đủ ý nghĩa của lòng từ.

Một vị Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật mà không có lòng từ thì không thể gọi là Thánh Tăng được.

Lòng từ như ông Phú Lâu Na mới thật sự là lòng từ; lòng từ của ông Phú Lâu Na mới xứng đáng là người đệ tử của Phật giữ giới nghiêm chỉnh.

Tu sĩ thời đức Phật là như vậy, còn tu sĩ thời nay thì sao?

Những tu sĩ về tu viện Chơn Như, ai là người đã có lòng từ, lòng yêu thương chân thật với mình, khi bị cô Diệu Quang cho một trận tơi tả thì biết ngay có lòng từ hay không. Ai cũng nói được lòng từ, nhưng thực hiện lòng từ không phải dễ. Đến tu viện Chơn Như với mục đích tu tập của họ là tu tập thiền định, chứ không phải tu tập xả tâm để thực hiện lòng từ. Vì thế, họ không tu tập lòng từ, nên khi rời khỏi Tu Viện thì cô Diệu Quang là đối tượng khen chê của họ.

Trong giáo lý của đạo Phật có một phương pháp tu tập về lòng từ. Đó là pháp môn Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm gồm có:

1-  Từ tâm vô lượng.

2-  Bi tâm vô lượng.

3-  Hỷ tâm vô lượng.

4-  Xả tâm vô lượng.

Từ tâm vô lượng là tâm thương yêu rộng lớn đối với sự sống của muôn loài, không riêng loài động vật mà ngay cả những loài thực vật như: cỏ cây v.v.. Khoáng sản như: đất, đá, núi sông v.v.. Thời tiết như: nắng, mưa, gió, bão, khí hậu nóng lạnh v.v..

GIỚI HÀNH CÓ LÒNG TỪ

Muốn có lòng từ vô lượng không những thương yêu trong cảnh thuận mà còn thương yêu trong cảnh nghịch thì có sự tu tập kỹ lưỡng và tu tập đúng pháp, chứ không thể nói suông được.

Muốn giữ gìn giới hạnh có lòng từ được nghiêm túc và cũng để phát triển lòng yêu thương ngày một mạnh mẽ hơn thì hằng ngày chúng ta nên nhớ dẫn tâm vào lòng yêu thương ấy. Vậy dẫn tâm vào lòng thương yêu ấy như thế nào?

Như chúng ta ai cũng biết, việc làm ác hay việc làm thiện đều do tâm chúng ta tạo ra: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác”. Do hiểu rõ ý nghĩa của lời dạy này, nên chúng ta hằng ngày thường dẫn tâm mình vào chỗ yêu thương như những câu tác ý dưới đây: “Tâm phải thương yêu tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh đều có sự sống bình đẳng như nhau, không có một loài vật nào có quyền ăn hiếp loài vật khác. Vì mọi loài vật không có loài vật nào mà không tham sống sợ chết, Vậy chúng ta phải thương yêu với sự thương yêu chân thật từ nơi trái tim của mình”.

Trên hành tinh sống này chỉ có luật nhân quả điều hành xử phạt, luật nhân quả rất công bằng, không có loài vật mạnh ăn hiếp loài vật yếu, không quyền loài vật này ăn thịt loài vật kia. Nếu loài vật nào vi phạm thì sẽ bị luật nhân quả trừng trị đích đáng. Bởi vậy, loài người vi phạm vào giới luật có lòng từ, nên thường giết hại chúng sanh ăn thịt, vì thế con người phải chịu xử phạt công minh của luật nhân quả, nên thường sống trong khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc, an vui, từ kiếp này đến kiếp khác mãi mãi phải chịu mang thân xác nghiệp bệnh tật, tai nạn, phiền não khổ đau, thiên tai, hoả hoạn, lũ lụt, động đất sóng thần, v.v..

Muôn loài vật sống trên hành tinh này đều có một sự sống bình đẳng như nhau, do sự sống bình đẳng như nhau nên phải thương nhau. Tại sao lại nói muôn loài vật lại có sự sống bình đẳng như nhau?

Nghĩa là trên hành tinh này không có một loài vật nào thiếu không khí mà sống được; không có loài vật nào không có nước mà sống được v.v..

Cho nên, các bạn phải lấy sự công bằng của sự sống mọi loài mà thực hiện lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương nhau ấy là sự sống bình đẳng, muốn có sự sống bình đẳng thì phải biết tôn trọng sự sống của nhau, vì thế mọi loài không được giết hại và ăn thịt lẫn nhau. Con người còn ăn thịt loài động vật là không biết tôn trọng sự sống của nhau. Chính những điều này đã minh chứng con người chưa biết tôn trọng sự sống của chính con người. Không biết tôn trọng sự sống của chính mình thì mình lại chà đạp sự sống của chính mình bằng cách cụ thể là chà đạp lên sự sống của loài vật khác. Vì thế, chỉ cần một vài trăm ngàn đồng hay một chỉ vàng thì có thể giết một mạng người dễ như trở bàn tay. Hằng ngày báo chí đã đăng nhiều tin tức xảy ra những vụ án giết người cướp của.

Xét thế, các bạn mới thấy con người hiện nay không tôn trọng sự sống, không tôn trọng sự sống nên ăn thịt chúng sanh, ăn thịt chúng sanh là xem thường sự sống của bản thân mình, của những người khác và của tất cả loài vật. Có đúng như vậy không các bạn?

Đứng trước nền đạo đức nhân bản – nhân quả đang suy sụp, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy tôn trọng sự sống trên hành tinh này để cứu sự sống của hành tinh.

Nếu không tôn trọng sự sống trên hành tinh này chắc chắn các bạn sẽ tự hủy diệt mình.

Vậy ngay từ bây giờ các bạn phải chuyên cần tập luyện để phát triển lòng từ. Muốn phát triển lòng từ các bạn phải giữ gìn giới hạnh có lòng từ nghiêm chỉnh. Giới hạnh có lòng từ là một giới luật đức hạnh cao quý tuyệt vời, vậy nên chúng ta phải tự bắt buộc khép mình trong khuôn khổ thực hiện lòng từ thì cuộc sống này mới có sự tôn trọng bình đẳng như nhau trên hành tinh này.