Skip directly to content

GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ THỨ TƯ: Y CHỈ TRÊN SỰ THẬT

 “YCHỈ TRÊN SỰ THẬTlà một hành động đạo đức làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, có tôn giáo hay không tôn giáo đều cần phải học hiểu cho thấu rõ những đức hạnh này.

Người có đạo đức luôn luôn phải y chỉ trên sự thật mà phát ngôn, nếu nói ra sự thật dù có tan xương, nát thịt chúng ta cũng hãy dũng cảm mà nói ra sự thật, đừng sợ hãi trước mọi thế lực.

Ông Galilée nói sự thật dù biết mình thế yếu, sức cô sẽ bị giết trước một lực lượng hùng mạnh của tập đoàn Đế Quốc La Mã, ông vẫn hùng dũng bước lên đoạn đầu đài tuyên bố trước hàng ngàn, hàng vạn công chúng La Mã: “Trái đất tròn không thể nói vuông được”.

Đây là một tấm gương y chỉ trên sự thật mà nói. Làm người chúng ta cũng nên bắt chước như ông Galilée, thà chết nhưng cứ y chỉ vào sự thật mà nói. Do đó, lịch sử loài người sẽ ghi mãi muôn đời.

GIỚI ĐỨC Y CHỈ TRÊN SỰ THẬT MÀ NÓI

Thưa các bạn! Giới thứ tư thuộc về ngôn ngữ Đức Phật đã dạy chúng ta về đức hạnh lời nói “Y chỉ trên sự thật mà nói”. Vậy mà từ khi đức Phật nhập diệt đến nay Phật giáo đã bị các Tổ kiến giải làm sai lệch con đường tu hành, biến kinh sách Nguyên Thủy thành kinh sách phát triển của Đại Thừa. Không phải là vô tình mà có mục đích là để dìm mất chánh pháp của Phật giáo, khiến cho Phật giáo thành Thần giáo, giáo lý của Phật thành Ma giáo. Do đó, hiện giờ Phật giáo là một tôn giáo mê tín, trừu tượng, mơ hồ, ảo tưởng. Giáo lý như vậy khiến cho người tu hành chạy theo danh lợi thế gian, có nhiều thủ đoạn làm tiền Phật tử trong tôn giáo này.

Giới luật là đức hạnh của tu sĩ thì các Tổ đã bẻ vụn tan nát. Hiện giờ những điều sai này ai ai cũng thấy và hiểu biết, nhưng tại sao lại không có một người dám nói sự thật “ĐẠI THỪA SAI”.Ông Galilée bước lên đoạn đầu đài trước khi chết ông còn dám nói một sự thật. Còn Phật tử chúng ta thì sao? Hãy mạnh dạn nói lên một sự thật khi mắt thấy tai nghe, các bạn ạ! Chúng ta không thành công thì thành danh. Ông Galilée chết một cách anh dũng để tiếng thơm muôn đời. Các bạn có thấy điều này không?

Y chỉ trên sự thật mà nói không được nói sai sự thật. Do đó, kinh sách phát triển Đại Thừa sai không đúng giáo pháp của Đạo Phật, thì quý Phật tử hãy mạnh dạn vạch trần những điều sai trái ấy để cùng nhau chấn chỉnh lại Phật giáo, đấy là nhiệm vụ chung của người Phật tử. Tại sao các bạn lại quá sợ hãi?

Đại Thừa Phật giáo cũng chỉ là Phật giáo chứ không phải là một tôn giáo khác. Vì thế, chúng ta nói lên một sự thật cũng chỉ là đem lại lợi ích cho chúng ta. Không lẽ các thầy Đại Thừa cũng như các sư bên Nam Tông lại giết chúng ta sao?

Cái sai của Đại Thừa, và Nam Tông chỉ vì các Tổ thiếu kinh nghiệm tu hành nên kiến giải sai pháp, kiến giải sai pháp nên tu hành sai, lạc vào thiền tưởng, pháp tưởng. Từ đó, các Tổ cứ ngỡ tưởng mình tu đúng, nhưng lại tu tập chưa tới nơi tới chốn, nên khi biên soạn kinh sách lạc vào tà đạo ngoại đạo gây ra nhiều cảnh giới ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng khiến con đường tu tập giải thoát của Đạo Phật đã bị mất lối.

Hôm nay, chúng ta y chỉ theo lời Đức Phật dạy mà nói thẳng, dù cho các Sư Thầy tu hành sai, phá giới, phạm giới, ăn ngủ phi thời, tu tập thiền ức chế tâm, có tìm cách nói xấu hay hãm hại chúng ta, chúng ta vẫn vui lòng chấp nhận mọi sự gian nan thử thách đó. Bởi vì, chúng ta biết chắc rằng: Sự thật là sự thật. Chân lý là chân lý không ai phủ nhận được, không ai dìm mất nó một lần nữa được.

Sự thật ấy, chân lý ấy trên hành tinh này cách đây 2555 năm đã có một người dám nói thẳng, nói thật. Dám nói thẳng, nói thật nên đã bị hãm hại bằng cách bị lăn đá, cho voi say giết, hoặc làm nhục Phật khai oan với người phụ nữ mang thai, nhưng sự việc không thành công, đức Phật vẫn ung dung tuyên bố chánh pháp lập thành nền đạo đức nhân bản - nhân quả giúp cho loài người thoát ra bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết.

Lúc đức Phật ra đi vĩnh viễn, chương trình giáo dục của Ngài đã hoàn tất, nhưng vì trong thời đại ấy không ghi lại thành kinh sách, chỉ có truyền khẩu nên lần lượt tam sao thất bổn. Vả lại, chúng ta cũng nên cảm thông trong thời đại bấy giờ còn bộ lạc, vì dân trí quá kém, phước quá mỏng, nên không thừa hưởng trọn vẹn một gia tài quí báu (Chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả). Vì thế, 25 thế kỷ trôi qua quá uổng. Giáo lý ấy mai một bị chôn vùi dưới một lớp giáo lý ảo tưởng mê tín của các Tổ giàu tưởng giải.

Cuối thế kỷ hai mươi đầu thế kỷ hai mươi mốt, sau khi theo lời dạy của Đức Phật trong kinh Nguyên Thủy chúng tôi đã thực hiện được đạo giải thoát và nhìn thấy sự sai trái quá lớn trong Phật giáo. Dũng mãnh y chỉ theo lời dạy của đức Phật chúng tôi dõng dạc tuyên bố kinh sách phát triển Đại Thừa sai, do các Tổ tu hành sai, kiến giải sai, giảng đạo sai v.v.. Trong số các Tổ sư có một số các Tổ có ý đồ dìm và diệt Phật giáo.

Lời tuyên bố quá đột ngột khiến cho một số Phật tử như bị tiếng sét làm đảo lộn tư tưởng như lộn đầu xuống đất, họ không còn dám đọc và dám nghe những lời chúng tôi nói.

GIỚI HẠNH Y CHỈ TRÊN SỰ THẬT MÀ NÓI

Giới hạnh thứ tư đã chỉ dạy cho tất cả Phật tử nên y chỉ trên sự thật mà nói đừng nói sai sự thật. Các sư Thầy sống phạm giới, phá giới thì y chỉ trên giới luật mà nói sự thật. Nói sự thật không bao giờ có tội lỗi gì cả; nói sự thật là dựng lại Phật giáo tốt đẹp hơn; nói sự thật là đem lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho con người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai; nói sự thật là đem lại hạnh phúc an vui cho muôn người, muôn nhà thì không ai có quyền bắt tội các vị. Nói sự thật là một đức hạnh của người đệ tử Phật. Có đúng như vậy không các bạn?

Một vị Sư, Thầy tu theo Phật giáo là phải sống đúng Phạm hạnh, phải 3 y một bát, phải xả phú cầu bần, phải xả thân cầu đạo v.v.. Thế mà các Sư, Thầy sống giàu sang trên nhung lụa, chùa to Phật lớn, đầy đủ tiện nghi như người thế gian. Ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, thường tụng niệm như ca hát và nghe ca hát. Các Sư, Thầy sống như vậy thì còn gì là Phạm hạnh của người tu. Vậy quý Phật tử cần phải y chỉ sự thật này mà nói ra để chấn chỉnh lại tất cả tu sĩ, dù đó là Thầy tổ của quý vị.

Pháp bất vị thân. Giới luật không thiên vị một ai, hãy thẳng thắn các bạn nên khuyên Thầy mình muốn tu theo Phật giáo thì nên sửa đổi, còn không muốn tu thì nên trả y áo cà sa, đừng làm ô nhiễm chiếc áo tu sĩ của Phật giáo thì rất tội nghiệp quý vị ạ!

Giới luật đã dạy như vậy chúng ta nên y chỉ trên sự thật mà chấn chỉnh lại Phật giáo có làm được như vậy thì Phật giáo mới đúng nghĩa là Phật giáo của quý vị.

GIỚI HÀNH Y CHỈ TRÊN SỰ THẬT MÀ NÓI

Muốn thực hiện đức hạnh này nghiêm chỉnh thì hằng ngày các bạn thường tác ý câu này: “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh. Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tỵ hẹp hòi cao ngạo” hoặc các bạn nên tác ý câu này: “Phải thẳng thắn mạnh dạn y chỉ trên sự thật mà nói, đừng khiếp đảm trước một ai hay một thế lực nào”.

Những câu tác ý này là giới hành của giới luật này. Xin các bạn lưu ý để thực hiện cho bằng được những giới đức hạnh này nó sẽ đem lại cho các bạn một tâm thanh thản, an lạc và vô sự.