Skip directly to content

VĂN HÓA GIỚI ĐỨC HIẾU SINH THÁNH TĂNG, THÁNH NI THỨ TƯ: BIẾT TÀM QUÝ

BIẾT TÀM QUÝlà một hành động đạo đức thuộc về tâm. Khi làm những điều sai trái lỗi lầm là biết tàm quý thì mới xứng đáng làm Người, làm Thánh, nó là một đức hạnh không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, đều cần phải học hiểu và sống đúng đức hạnh này.

Đây là một giới luật dạy về đức tàm quý để hối cải sửa những lỗi lầm. Đức tàm quý để hối cải sửa những lỗi lầm là những đức hạnh cao thượng mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Có sống được như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

GIỚI ĐỨC BIẾT TÀM QUÝ

Trước khi muốn tu học và giữ gìn giới đức này thì phải hiểu nghĩa hai chữ tàm quý. Vậy hai chữ tàm quý bao gồm những là gì?

Tàm quý nghĩa là biết xấu hổ, khi làm một việc sai quấy, làm cho người khác khổ, mình khổ và cả hai đều khổ, đó là những việc làm không đúng với đạo đức nên lương tâm cắn rứt, dày vò không dám nhìn mặt ai.

Trong sách NHỮNG LỜI PHẬT DẠYcó dạy hai pháp “TÀM QUÝ”.Một người tu theo Phật giáo mà không biết hai pháp tàm quý này thì không bao giờ tu tập có kết quả thực hiện đạo đức được. Vì vốn pháp của Phật là thiện, nếu các bạn làm một điều ác mà không biết xấu hổ thì các bạn không bao giờ sửa sai. Cho nên, biết xấu hổ là một hành động đạo đức tuyệt vời để ngăn và diệt ác pháp trong pháp môn Tứ Chánh Cần đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.

Con người biết xấu hổ nên không giống loài cầm thú nhờ đó mà cang thường đạo lý mới thực hiện. Nếu không biết xấu hổ thì con người sẽ không mặc quần áo, ở truồng như loài vật.

Xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh tàm quý trong sách Những Lời Gốc Phật Dạy tập III sẽ thấu rõ hơn. Ở đây, chúng ta đang học tu về giới tàm quý. Giới tàm quý tức là giới đức biết xấu hổ khi làm một điều gì sai quấy lỗi lầm hay nói cách khác là làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì rất xấu hổ.

Khi các bạn làm một điều đau khổ cho người hay loài vật hoặc làm chết một chúng sanh thì các bạn nên tự xấu hổ với hành động ác thiếu đạo đức về lòng thương yêu mình và chúng sanh.

Như khi các bạn bỏ thịt chúng sanh vào miệng nhai nuốt, các bạn có bao giờ nghĩ đến sự đau khổ của chúng sanh trước khi chết để thành thực phẩm cho các bạn ăn không? Do tư duy, suy nghĩ như vậy các bạn biết xấu hổ, vì mình là con người chứ đâu phải con thú vật mà ăn thịt nhau. Con người mà sống như vậy có khác nào là con thú độc ác, nỡ ăn thịt những loài vật khác, không có chút lòng thương xót. Các bạn rất xấu hổ vì sự ăn thịt chúng sanh như loài thú dữ. Một con người đâu phải là con thú vật sao? Sao lại nỡ ăn thịt loài vật khác mà không tự biết xấu hổ với mình.

Nếu các bạn bảo rằng: các bạn không biết xấu hổ là các bạn thiếu thành thật. Vậy các bạn có dám ở trần truồng đi từ đầu làng đến cuối làng chưa? Các bạn có dám giao hợp giữa đám đông người như hai con thú vật chưa? Nếu chưa tức là các bạn biết xấu hổ, mà biết xấu hổ thì các bạn cũng phải biết xấu hổ với những việc làm ác của mình chứ. Phải không các bạn?

Theo chúng tôi nghĩ: con người thì người nào cũng vậy, cũng biết xấu hổ như nhau, nhưng vì những việc làm sai, làm ác đã thành một thói quen, một nếp sống, một phong tục được truyền nhiều đời, nhiều người, vì thế, ai sống cũng vậy nên chúng ta không thấy xấu hổ.

Ví dụ: Mọi người đều sống không mặc quần áo thì sự xấu hổ không có, còn khi mọi người đều mặc quần áo mà có người không mặc quần áo thì có xấu hổ. Cho nên sự xấu hổ có là do con người biết thiện ác, biết cái đúng cái sai, biết đạo đức.

Các bạn đều biết rằng những con vật không có trí thông minh như các bạn và có những con vật yếu đuối hơn các bạn, thế nên, các bạn bắt đem ra giết để ăn thịt, nếu các bạn không tự xấu hổ vì “ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ khôn hiếp dại” thì các bạn là những người vô đạo đức tàm quý. Người vô đạo đức tàm quý là người không biết sửa sai thành không sai, sửa lỗi thành không lỗi, sửa ác thành thiện. Người có lỗi mà không biết sửa sai, sửa lỗi thì có khác nào là những con thú vật mang lốt người. Người như vậy là người không có giới đức tàm quý.

GIỚI HẠNH TÀM QUÝ

 “GIỚI HẠNH TÀM QUÝ”là oai nghi tế hạnh của những người có đạo đức. Cho nên ở đây các bạn phải hiểu hai chữ xấu hổ. Xấu hổ với những điều làm ác, xấu hổ với những điều làm gian xảo, xấu hổ với những điều không thành thật, xấu hổ với những điều gian tham trộm cắp, xấu hổ với những lời nói hung dữ, xấu hổ với những việc làm đau khổ mình, đau khổ người, xấu hổ với lòng ưa ăn thịt chúng sanh. Xấu hổ với sự mạ lỵ mạt sát người, xấu hổ với lời nói xấu người khác, xấu hổ với tính hung dữ của mình, xấu hổ với lòng tham vọng của mình đòi hỏi vượt ra khỏi hoàn cảnh của mình đang sống, xấu hổ với lòng kiêu mạn khinh rẻ người khác, xấu hổ với một việc mà mình làm chưa được. Xấu hổ mình không nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trước mọi hoàn cảnh của mọi ác pháp, xấu hổ với lòng sân hận thù oán người khác. Xấu hổ với ý nghĩ bất thiện đang tìm cách nói xấu hại người khác. Người biết xấu hổ như vậy là biết giữ gìn giới hạnh Tàm quý.

Nếu một người biết giữ gìn“GIỚI HẠNH TÀM QUÝ” tức là biết giữ gìn oai nghi tế hạnh xấu hổ này, thì không bao giờ làm một điều ác. Tâm hồn họ lúc nào cũng thanh thản, an vui, sống một đời sống hạnh phúc vô cùng chẳng khác nào như ở một cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

Oai nghi tế hạnh (tàm quý) biết xấu hổ này có lợi ích rất lớn cho mọi người, nhưng nếu ai biết nó lợi ích như vậy thì nên cố gắng giữ gìn đừng cho vi phạm có nghĩa là làm cái gì sai, trái dù lớn hay nhỏ các bạn đều tự biết xấu hổ với những việc làm ấy thì các bạn sẽ cố gắng khắc phục không làm sai trái nữa. Cố gắng khắc phục không làm sai trái nữa, đó là oai nghi tế hạnh.

   Chúng tôi tin rằng những người nào cố gắng giữ gìn oai nghi tế hạnh (tàm quý) biết xấu hổ như vậy, chắc chắn họ không cần tu tập pháp môn nào khác hơn nữa. Chính sống đúng hạnh tàm quý này mà tất cả giới luật đều nghiêm chỉnh. Tất cả giới luật đều nghiêm chỉnh thì tâm vô lậu hoàn toàn, nhờ tâm vô lậu họ thấy được trạng thái Niết Bàn, khi còn sống cũng như khi bỏ xác thân này. Bởi vì oai nghi tế hạnh biết xấu hổ vẫn là một pháp môn tu tập đến nơi đến chốn của Phật giáo, vì nhờ nó mà giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.

GIỚI HÀNH TÀM QUÝ

Thưa các bạn! Tàm quý là một giới hành cao thượng của loài người, cho nên người nào biết giữ giới hành này là người có một cuộc sống cao thượng đến với bản thân, với mọi người và mọi loài chúng sanh.

Giới hành tàm quý còn là một pháp tu tập trợ đạo mà đức Phật đã dạy cho mọi người để từ bỏ bản chất của loài động vật, trở thành con người thật là con người, nhờ nó mà con người có đầy đủ những đức hạnh đạo lý luân thường và cao thượng.

Cho nên, giới hành đức hạnh tàm quý rất quan trọng trong việc tu tập để được giải thoát hoàn toàn. Vì thế, các bạn phải biết giới hạnh tàm quý là cội gốc đạo đức của con người. Xin các bạn hãy quý trọng nó như sinh mạng của các bạn vậy. hằng ngày luôn nhắc tâm mình: “Phải biết xấu hổ khi làm một điều sai”. Có nhắc nhở như vậy thân tâm của các bạn mới thấm nhuần giới luật này.