VĂN HÓA GIỚI ĐỨC HÒA HỢP THỨ HAI: TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI
“TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI” là một hành động đạo đức hoà hợp làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này đều phải thực hiện nó. Cho nên, muốn làm Người, làm Thánh, ai ai cũng đều cần phải học, hiểu và sống đúng đức hạnh này.
Đây là một giới luật dạy về đức hạnh ngôn ngữ để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Đức hạnh ngôn ngữ để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai là những đức hạnh mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này như trên đã nói để đem lại sự sống yên vui và hạnh phúc cho nhau. Có làm được như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Các bạn có biết không?
GIỚI ĐỨC HÒA HỢP TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI
Giới luật “TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI”về đức thì giống như giới thứ nhất“TỪ BỎ NÓI HAI LƯỠI”,nhưng về hạnh thì khác nhau. Như vậy các bạn đã biết “TỪ BỎ NÓI HAI LƯỠI”,là những hành động chỉ thẳng chính bản thân của các bạn phải từ bỏ nói hai lưỡi; còn ngược lại giới hạnh “TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI”là hành động tránh xa người nói hai lưỡi hoặc tránh xa nơi ở có người nói hai lưỡi hoặc tránh xa lời nói hai lưỡi của chính mình.
Vì muốn có một cuộc sống hoà hợp yêu thương nhau các bạn nên tránh xa nói hai lưỡi tức là nghe điều gì ở chỗ này không đến chỗ kia nói, để sanh ra chia rẽ với những người này hoặc nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sinh ra chia rẽ với những người kia. Đó là hành động đạo đức hòa hợp của mỗi người mà trách nhiệm bổn phận của mỗi con người đều phải thực hiện đạo đức ấy.
Kính thưa các bạn! Nếu đạo đức ấy không được quán triệt áp dụng vào đời sống hằng ngày thì thế gian này là một cảnh giới địa ngục, một sự đau khổ triền miên. Vì đó là sự chia rẽ, sự hận thù, sự oán ghét v.v..
“Một cây làm chẳng nên non ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.Bởi vậy, mọi người có đoàn kết là sống, còn chia rẽ là chết. Vì thế, trong cuộc sống loài người ai ai cũng phải nương tựa vào nhau để mà sống.
Ví dụ: người nông dân làm ruộng có lúa để mọi người cùng có cơm mà ăn; người dệt vải có vải để cùng nhau có áo mà mặc; người thợ nề làm nhà để có nhà cùng nhau mà ở. Cho nên, cuộc sống của con người luôn luôn có sự tương quan với nhau trong môi trường sống trên hành tinh này rất là vĩ đại. Vì vậy, mọi người phải tự bắt buộc, khép chặt, chế ngự mình trong khuôn phép đạo đức hoà hợp và luôn luôn tránh xa nói hai lưỡi.
Tóm lại, người nói hai lưỡi là người không có đạo đức hoà hợp, không có tinh thần đoàn kết, không tôn trọng sự sống chung nhau của mọi người mọi vật trên hành tinh này. Người nói hai lưỡi là người mang đến sự đau khổ cho mình, cho người, cho cả hai. Người nói hai lưỡi là người làm mất sự thương yêu nhau, sự đùm bọc lẫn nhau, sự đoàn kết và sự chung lưng đấu cật: “chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách”. Thật đáng tiếc! Đáng tiếc!!!
GIỚI HẠNH HÒA HỢP TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI
Nói hai lưỡi gây ra sự chia rẽ, giết chết lòng yêu thương, làm mất sự đoàn kết, do đó thường đem đến sự đau khổ cho nhau v.v.. Có đúng như vậy không các bạn?
Cho nên “GIỚI HẠNH HOÀ HỢP TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI”là một oai nghi tế hạnh đạo đức cao quý, tuyệt đẹp trong cuộc sống chung của mọi người khiến cho mọi người sống hoà hợp, đoàn kết và yêu thương nhau.
“GIỚI HẠNH HOÀ HỢP TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI”là một oai nghi tế hạnh đẹp đẽ nhân bản, vậy các bạn hãy luôn luôn giữ gìn những oai nghi tế hạnh này, nó sẽ tránh xa nói hai lưỡi để xứng đáng là người có đạo đức hoà hợp, biết thương mình, thương người, thương cả hai.
GIỚI HÀNH TRÁNH XA NÓI HAI LƯỠI
Muốn giữ gìn đức hoà hợp tránh xa nói hai lưỡi thì hằng ngày các bạn nên tư duy suy nghĩ; nói hai lưỡi là một hành động xấu ác làm hại mình, hại người và hại cả hai. Người nói hai lưỡi ai cũng không ưa, và mọi người đều xa lánh người ấy.
Muốn tránh xa nói hai lưỡi thì các bạn luôn nhớ tác ý: “Nói hai lưỡi là lời nói ác, lời nói xấu người khác, lời nói đáng chê trách, ta phải nhất định từ bỏ và tránh xa những người nói hai lưỡi”.
Tóm lại, giới luật tránh xa nói hai lưỡi là một bài học đức hạnh hoà hợp về khẩu nghiệp, nếu ai giữ gìn được giới này nghiêm chỉnh thì khẩu nghiệp được thanh tịnh, lời nói sẽ êm ái, dịu dàng, thanh tao, nhẹ nhàng, ôn tồn, nhã nhặn v.v.. Người không nói hai lưỡi, họ đi đến đâu và ở đâu cũng được mọi người quý mến và tôn trọng.