GIỚI ĐỨCTHỨ NĂM: THÂN, KHẨU, Ý HÀNH THIỆN TỰ SỐNG THANH TỊNH
“TỰ SỐNG THANH TỊNH”là một hành động đạo đức thuộc về thân, khẩu, ý làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này đều cần phải tu học và sống đúng đức hạnh này.
Đây là một giới luật dạy về đức hạnh trong những đức hạnh làm Người, làm Thánh như trên đã nói mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Có sống được như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
Các bạn có biết không? Trong vũ trụ này không bao giờ có cõi Cực Lạc, Thiên Đàng thật. Cõi Cực Lạc, Thiên Đàng chỉ là cõi ảo tưởng mà thôi. Nếu con người không tự xây dựng cho mình cõi Cực Lạc, Thiên Đàng thì không bao giờ có cõi ấy. Nhưng muốn xây dựng cõi Cực Lạc, Thiên Đàng thì các bạn phải xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản – nhân quả. Nếu không xây dựng cảnh giới đạo đức ấy trong lòng của các bạn thì cảnh thế gian này là địa ngục, đầy dẫy muôn vàn tội lỗi và khổ đau không bao giờ dứt.
GIỚI ĐỨC TỰ SỐNG THANH TỊNH
“TỰ SỐNG THANH TỊNH”là một giới luật đạo đức của thân và tâm, giới này là những kết quả của những giới hành mà các bạn đã được học và tu tập ở trên. Để xây dựng cho mình một đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh thì phải biết cách tự sống thanh tịnh thân tâm. Muốn tự sống thanh tịnh thân tâm của mình thì phải thực hiện những giới đức hạnh này.
- Thứ nhất là phải từ bỏ lấy của không cho.
- Thứ hai là tránh xa sự lấy của không cho.
- Thứ ba là chỉ lấy những vật đã cho.
- Thứ tư là chỉ mong những vật đã cho.
- Thứ năm tự sống thanh tịnh.
- Thứ sáu không có trộm cắp.
Sáu hành động đạo đức trên đây sẽ giúp cho thân tâm các bạn thanh tịnh.
Muốn sống được một đời sống thân tâm thanh tịnh như vậy thì giới luật phải giữ gìn nghiêm chỉnh. Khi giới luật giữ gìn sống nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đó là đã tự sống làm cho thân tâm thanh tịnh.
“GIỚI ĐỨC TỰ SỐNG THANH TỊNH”,khó hiểu là ở chỗ hai từ thanh tịnh. Vậy nghĩa thanh tịnh là gì? Thanh tịnh có nghĩa là trong sạch, không còn nhơ bẩn, không còn uế trược, không còn bất tịnh, không còn hôi thối v.v..
Do những nghĩa này chúng ta phải hiểu rằng, thanh tịnh là không còn tham muốn, không còn mong cầu, không còn ước mong, không còn dục. Cái gì có là có chứ không mong cầu có. Cái gì không là không chứ không ham muốn có, dù vật ấy quý giá đến đâu ta cũng không mong ước, cho đến những vật rất tầm thường như những vật đồ bỏ, ta cũng không mong cầu thì đó là mới tự thanh tịnh thân tâm, thân tâm mới trong sạch, không còn cấu uế, không còn bất tịnh, hôi thối, không còn nhiểm ô tham, sân, si, mạn, nghi nữa thì đó là nghĩa thanh tịnh.
Muốn cho thân tâm tự thanh tịnh thì mọi người có tôn giáo hay không tôn giáo đều phải thực hiện ngay năm hành động đạo đức dưới đây:
1- Phải từ bỏ lấy những vật không cho.
2- Những vật không cho nhất định không lấy, chỉ lấy những vật đã cho.
1- Không được mong cầu những vật của người khác chưa cho, chỉ mong cầu những vật đã cho.
2- Không được trộm cắp.
3- Tránh xa lấy của không cho.
Đó là những giới đức giúp cho thân tâm của các bạn thanh tịnh, các bạn nên ghi nhớ đừng quên.
GIỚI HẠNH TỰ SỐNG THANH TỊNH
Năm oai nghi tế hạnh thanh tịnh thân tâm này cần phải tu tập và rèn luyện cho thuần thục, cho thành một thói quen đạo đức thật sự. Đạo đức thanh tịnh thân tâm này mà mọi người ai cũng cần phải rèn luyện nhân cách đức hạnh của mình cho được trọn vẹn, thì trên thế gian này loài người sẽ có hạnh phúc biết bao.
Khi viết đến đây chúng tôi thấy rằng đạo đức thanh tịnh thân tâm này không phải khó làm, mọi người ai cũng có thể làm được, chỉ cần hiểu biết một cách đơn giản như thế này: “Một người mất của cải do người khác lấy là họ đau buồn vô cùng”. Không ai mất của mà không buồn khổ. Phải không các bạn? Từ suy bụng mình nghĩ bụng người thì chúng ta há nào nỡ nhẫn tâm lấy những vật không cho, ước mong những vật chưa cho. Một hành động, một ý nghĩ mong muốn của ta khiến cho người khác đau khổ thì sẽ mang đến cho ta nhiều trăn trở hối hận về đạo đức làm Người, làm Thánh. Do chánh tư duy suy nghĩ như vậy thì ta rất xấu hổ không còn mặt mũi nào nhìn ngó mọi người.
Một người lấy của không cho, mong cầu vật của người khác chưa cho, là một người tự làm đau khổ mình, rồi làm đau khổ người khác, những oai nghi tế hạnh như vậy thật không xứng đáng làm người. Hành động thân tâm của một người lấy của không cho, đó là hành động của một đống rác bất tịnh, hôi thối mà người có trí hiểu biết về đạo đức thì không nên đến gần những người có hành động ấy.
GIỚI HÀNH TỰ SỐNG THANH TỊNH
Muốn sống đúng giới luật “TỰ SỐNG THANH TỊNH”này được nghiêm chỉnh thì hằng ngày các bạn phải dùng pháp môn như lý tác ý: “Ta phải sống giữ gìn thân tâm trong sạch, không hề bợn nhơ ước mong một vật gì của ai, dù vật ấy nhỏ mọn như cây kim sợi chỉ, ta cũng không hề mơ ước, nếu vì vật ấy mà ta sống làm thân tâm mất thanh tịnh thì ta quyết thà chết trong giới luật, chớ không hề để thân tâm không trong sạch”.
Nếu hằng ngày các bạn tu tập được như vậy thì giới luật này rất thanh tịnh và không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.
Tóm lại, giới đức sống thân tâm thanh tịnh này là chỉ rõ kết quả mục đích thân tâm trong sạch thanh khiết là do nghiêm trì giữ gìn những giới đức hạnh như dưới đây:
1. Từ bỏ lấy của không cho.
2. Tranh xa sự lấy của không cho.
3. Chỉ lấy những vật đã cho.
4. Chỉ mong những vật đã cho.
5. Tự sống thanh tịnh.
6. Không có trộm cắp.
Bởi vậy, giới luật đạo đức nhân bản, là sự sống của mọi người. Cho nên, làm người ai ai cũng phải quý trọng nó, vì nó mang lại sự sống yên vui, an ổn cho muôn người, muôn loài trên hành tinh này.