Skip directly to content

GIỚI THIỆU NHÓM GIỚI LUẬT CỤ TÚC THỨ BA

Sau khi nghe đức Phật trình bày, kết quả sáu giới đức, giới hạnh và giới hành hiếu sinh của người tu sĩ Phật giáo thì vua A Xà Thế phải chấp nhận và ca ngợi tán thán những kết quả thiết thực hiện tại của Sa Môn hạnh là rất tuyệt vời. Vua A Xà Thế hỏi Phật:

“- Bạch Thế Tôn”! Có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác nữa của hạnh Sa Môn, vi diệu hơn, thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của Sa Môn vừa kể trên không?”.

Xin các bạn lưu ý câu hỏi trên đây của vua A Xà Thế: Chính do câu hỏi này mà từ đây về sau đức Phật trả lời những kết quả đức hạnh của người tu sĩ càng ngày càng vi diệu và thù thắng hơn.

Khi Vua A Xà Thế hỏi đức Phật như vậy thì đức Phật trả lời:

 “- Này Đại vương hãy lắng nghe và khéo tác ý Ta sẽ giảng.

Này Đại vương thế nào là Tỳ kheo giới hạnh cụ túc?

Ở đây, này Đại vương, Tỳ kheo từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cắp. Như vậy là giới hạnh củavị ấy trong giới luật”.

Đức Phật vừa nêu lên nhóm giới luật thứ ba. Nhóm giới luật này gồm có 6 giới ly tham:

1.        Từ bỏ lấy của không cho.

2.        Tranh xa sự lấy của không cho.

3.        Chỉ lấy những vật đã cho.

4.        Chỉ mong những vật đã cho.

5.        Tự sống thanh tịnh.

6.         Không có trộm cắp.

Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của sáu giới ly tham này như thế nào?

Muốn biết rõ giới đức, giới hạnh và giới hành của sáu giới này thì chúng ta lần lượt triển khai từng giới một để xác định nghĩa cho rõ ràng, ngõ hầu người sau mới biết đường lối tu theo giới luật đúng pháp của đức Phật.

Sáu giới nàylà những hành động đạo đức làm Người, làm Thánh thuộc về thân tâm, nó chỉ rõ hành động sống đúng đức hạnh của mọi người, của những vị tu sĩ Thánh Tăng, Thánh Ni mà mọi người sống trên thế gian này ai ai cũng cần phải học hiểu để thể hiện sự sống chung nhau trên hành tinh này không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh; để thể hiện sống chung nhau với một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự; để thể hiện một sự sống thoát ra khỏi bản chất hung ác tham lam của loài cầm thú, mà muôn đời bản chất ấy còn ngủ ngầm trong tâm các bạn. Các bạn có biết không?

Vì thế, mọi người phải chấp nhận sáu đức hạnh “Ly tham diệt ác pháp” này. Nó chính là mạng sống của các bạn. Các bạn hãy cố gắng giữ gìn để bảo vệ mạng sống và cũng là để sống với một tâm hồn cao thượng không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.