Skip directly to content

VĂN HÓA GIỚI ĐỨC HIẾU SINH THÁNH TĂNG, THNH NI THỨ BA: BỎ TRƯỢNG, BỎ GẬY

 “BỎ TRƯỢNG, BỎ GẬYlà một hành động đạo đức hiếu sinh Làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này đều cần phải học và sống đúng đức hạnh này.

Đây là một giới luật dạy về lòng yêu thương sự sống trên hành tinh này. Lòng yêu thương ấy là những đức hạnh của những bậc Thánh mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Có như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

GIỚI ĐỨC HIẾU SINH BỎ TRƯỢNG, GẬY

 “BỎ TRƯỢNG, GẬY”là một nhóm từ quá cô đọng dạy về đức hạnh hiếu sinh, khiến cho người đọc rất khó hiểu. Vậy“BỎ TRƯỢNG, GẬY” nghĩa là gì?

Trượng là thanh cây bằng gỗ suông dài 3m33 dùng làm vũ khí đánh nhau hay dùng để đánh trị những người có tội trong thời phong kiến xưa.

Gậy là một thanh cây cong qua uốn lại giống như con rắn có mắt gút. Người già yếu thường dùng:

1-       Để chống khi bước đi.

2-       Để phòng thân khi gặp ác thú.

Ngày xưa trượng, gậy là hai loại vũ khí dùng để đánh và giết hại chúng sanh, làm cho chúng sanh đau khổ và chết.

Hành động bỏ trượng, gậy là đức hạnh hiếu sinh. Người nào biết bỏ những vũ khí làm đau khổ và giết hại chúng sanh là người có những hành động thương yêu chính bản thân của mình, vì không làm khổ chúng sanh tức là không tạo quả khổ cho bản thân mình.

Bỏ trượng, gậy, kiếm, đao là đức hạnh cao thượng biết thương mình, không làm khổ mình; biết thương người, không làm khổ người; biết thương chúng sanh, không làm khổ chúng sanh. Những hành động này thật đáng cho mọi người kính trọng và yêu quý. Vì sống trong đời mà biết từ bỏ trượng, gậy, kiếm, đao là một hành động mang lại sự bình an cho muôn loài, thật quý trọng và cao thượng.

Kính thưa các bạn! Hành động bỏ trượng, gậy, đao, kiếm trong mọi người chúng ta ai cũng làm được. Phải không các bạn? Vậy mà làm không được là tại sao các bạn??? Bỏ trượng, gậy, đao, kiếm, súng đạn... là hết đau khổ, là hạnh phúc biết bao, là Thiên Đàng, Cực Lạc... Sao các bạn không làm được?

Như vậy hành động bỏ trượng, gậy, đao, kiếm và những vũ khí giết người, giết loài vật đâu có khó khăn, đâu có mệt nhọc. Thế mà ít ai làm được. Tại sao vậy???

Vì mọi người không muốn bỏ, chưa có quyết tâm bỏ, vì còn ưa thích ăn thịt chúng sanh. Còn ưa thích ăn thịt chúng sanh thì phải còn giết hại chúng sanh. Còn giết hại chúng sanh là còn làm khổ mình, không biết thương mình; còn làm khổ người, không biết thương người; còn làm khổ chúng sanh, không biết thương chúng sanh và như vậy là người thiếu đạo đức lòng thương yêu sự sống của nhau. Phải không các bạn?

GIỚI HẠNH HIẾU SINH BỎ TRƯỢNG, GẬY

 “BỎ TRƯỢNG, GẬY, ĐAO, KIẾM, VŨ KHÍ GIẾT NGƯỜI, GIẾT CHÚNG SANH V.V..”là bỏ tâm hung ác. Bỏ tâm hung ác là chuyển hóa sự đau khổ nơi thân tâm của mình, làm cho mình hết khổ đau.

Bởi người đời không biết nên thường hay giết hại chúng sanh ăn thịt, giết hại chúng sanh ăn thịt thì sẽ quen tay, thấy máu rơi thịt đổ thì không sợ hãi mà còn ưa thích. Do đó, suy ra người giết hại chúng sanh được thì giết hại người được. Cho nên, chỉ có một vài chỉ vàng, một vài triệu bạc tiền Việt Nam là có thể họ giết người, cướp của một cách dễ dàng. Trường hợp ấy xảy ra hằng ngày mà báo chí điện đài thông tin khắp nơi.

Kinh dạy:

“Nếu cả chúng sanh đừng sát sanh

Mười phương đâu có động binh đao

Nhà nhà trai gái đều tu thiện

Thiên hạ lo chi chẳng thái bình”.

Tóm lại, bỏ trượng, gậy, đao, kiếm, vũ khí giết hại và làm đau khổ chúng sanh, đó là hành động đạo đức hiếu sinh cao thượng mà chỉ có con người mới thực hiện được.

GIỚI HÀNH HIẾU SINH BỎ TRƯỢNG, GẬY

Khi học về đạo đức hiếu sinh của giới này, nếu những người còn giết hại và ăn thịt chúng sanh thì họ là những người vô đạo đức hiếu sinh, và nhất là họ vô đạo đức thương yêu bản thân, gia đình và quê hương của họ. Tại sao vậy?

Vì họ còn làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai tức là họ làm khổ bản thân họ, làm khổ những người thân thương trong gia đình và nhiều khi gây mất trật tự an ninh xã hội vì sân hận cãi cọ, đánh nhau v.v..

Vậy các bạn hãy lưu ý và cố gắng từ bỏ những hành động ác vô đạo đức, mất tính nhân bản thương yêu của con người.

Muốn giữ gìn giới luật này cho nghiêm chỉnh thì hằng ngày các bạn nhớ tác ý câu này: “Tất cả chúng sanh đều có sự sống bình đẳng như nhau ta phải thương yêu như thương yêu thân mình, đừng làm đau khổ và giết hại chúng. Thật tội nghiệp!”.