Skip directly to content

ĐIỀU LỢI ÍCH THỨ TÁM CỦA GIỚI LUẬT: ƯỚC NGUYỆN CHO MÌNH

Điều ước nguyện thứ tám là điều ước nguyện cho thân tâm của mình, của các bạn được cảm nhận và sống an trú trong những trạng thái tịch tĩnh, nhờ đó để thoát ra khỏi sắc giới và vô sắc giới, có nghĩa là tâm các bạn không còn dính mắc trong hai trạng thái ý thức và tưởng thức. Nếu giải thích như vậy thì chỉ có những người tu chứng mới hiểu ngay được. Nơi đây có hai cụm từ khó hiểu, đó là sắc giới và vô sắc giới. Vậy sắc giới và vô sắc giới nghĩa là gì?

Sắc giới là cảnh giới có hình tướng như cuộc sống của các bạn hiện giờ; vô sắc giới là cảnh giới không hình tướng như giấc mộng, chiêm bao của các bạn. Trạng thái vô sắc giới không những chỉ là giấc mộng mà còn nhiều trạng thái khác nữa như những trạng thái tưởng của đồng cốt, cơ bút, và những từ trường hình danh, sắc tướng còn lưu lại trong không gian mà những nhà ngoại cảm bắt gặp. Nhất là những người tu tập thiền ức chế tâm lạc vào thiền tưởng nên tưởng uẩn hoạt động, xuất hiện 18 loại hỷ tưởng, khiến cho người tu thiền ức chế tâm khi hết vọng tưởng liền bị rối loạn thần kinh đi đến chỗ điên khùng, mất trí. Người tu hành đúng theo phương pháp của đức Phật dạy thì phải xả tâm ly dục ly ác pháp thì mới vượt ra khỏi sắc giới và vô sắc giới. Người nào không hiểu biết xem thường giới luật tu tập ức chế tâm cho hết niệm khởi tức là ức chế sắc giới, do đó cảnh giới vô sắc giới hoạt động, vì thế thường hay bị chiêm bao, mộng mị. Người hay bị mộng mị, chiêm bao là người không vượt qua cảnh vô sắc giới. Cho nên muốn tâm được tịch tĩnh, vượt thoát ra khỏi niệm khởi và chiêm bao, mộng mị thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Ngoài giới luật ra không còn có một pháp nào vượt thoát ra hai cảnh giới này. Các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: “Có những giải thoát tịch tĩnh, siêu thoát sắc giới, thuộc vô sắc giới. Mong rằng ta có thể cảm xúc với thân và sống an trú trong cảnh giới ấy!”, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”.

Tóm lại, đoạn kinh trên đây mang đầy đủ ý nghĩa của một người tu tập tìm cầu sự giải thoát chân thật tức là tâm phải bất động, tịch tĩnh trong cảnh sắc giới và vô sắc giới, nếu còn rơi vào một trong hai cảnh giới này thì giới luật chưa nghiêm chỉnh. Và như vậy các bạn hãy lưu ý và nghiên cứu lại giới luật xem coi còn vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật, để điều chỉnh ngay sự sai phạm ấy thì kết quả tu tập mới thực hiện đi sâu được.