Skip directly to content

ĐIỀU LỢI ÍCH THỨ NHẤT CỦA GIỚI LUẬT: ƯỚC NGUYỆN CHO MÌNH

Điều lợi ích thiết thực thứ nhất của Giới luật là sự ước nguyện cho mình được mọi người thương yêu, quý mến, cung kính, tôn trọng như trên đã nói. Muốn được lòng tin vững chắc thì chúng ta hãy sống đúng giới luật để thấy sự ước nguyện thành hiện thực. Cho nên điều ước nguyện thứ nhất là điều ước nguyện để được mọi người thương yêu quý kính. Vậy chúng ta hãy nghe lời Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta được đồng Phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính, tôn trọng, Tỳ Kheo sống phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịch”.

Thưa các bạn! Theo như lời Phật dạy trên đây thì khi nào giữ gìn giới luật được nghiêm túc thì có năm đức hạnh khác được viên mãn như trên đã nói. Các bạn đừng nhầm lẫn năm đức hạnh này là năm pháp tu. Năm đức này gồm có:

1-        Đức kiên Trì.

2-        Đức tịch tĩnh.

3-        Đức thiền định.

4-        Đức quán hạnh.

5-        Đức độc cư.

Khi giới luật được nghiêm túc thì năm đức hạnh này được thể hiện viên mãn trong nếp sống hằng ngày của các bạn, do đó mọi người cảm nhận và thấy được năm đức này hiện bày nơi các bạn rõ ràng, nên họ đều quý mến, thương yêu, cung kính và tôn trọng. Cho nên chúng ta phải hiểu những lời dạy trên đây là để nhấn mạnh về sự ước nguyện đạt được kết quả tốt đẹp, rõràng, thực tế, cụ thể do từ hành động sống đúng giới luật.

Đoạn kinh trên đây cho chúng ta thấy đạo Phật có một tiêu chuẩn về sự ước nguyện hay cầu mong một điều gì để đạt được kết quả tốt đẹp như ý muốn, thì giới luật chính là tiêu chuẩn của nó. Hầu hết mọi người sống trên hành tinh này đều có nhiều ước nguyện, nhưng tất cả những ước nguyện ấy không thành tựu, viên mãn được là do họ không biết tiêu chuẩn nào sống để đạt thành kết quả ước nguyện đó, chính họ không biết nên sự ước nguyện của họ trở thành không hiện thực, không kết quả.

Thưa các bạn! Theo chúng tôi nghĩ: không phải mọi người không muốn sống đúng giới luật, nhưng vì họ không biết giới luật. Nhất là không biết giới luật là tiêu chuẩn kết quả của sự ước nguyện, của sự mong ước. Do không biết giới luật là đức hạnh, là thiện pháp, nên họ sống trong ác pháp mà cứ tưởng là thiện pháp. Do sống trong ác pháp mà cầu mong ước nguyện mình được hạnh phúc an vui, thì làm sao có được. Phải không các bạn?

Đó là một điều xác quyết chắc chắn mà đạo Phật đã chủ trương lấy giới luật làm thầy, dạy cho chúng ta thấy rằng tiêu chuẩn sống đạo đức làm Người, làm Thánh chắc chắn không phải pháp môn nào khác hơn là giới luật. Vì thế, mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh giới luật, phải tự nguyện như đức Phật đã dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi”, nhưng đi bằng cách nào?

Thưa các bạn! Đi bằng tri kiến. “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó, giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Nhờ có thắp đuốc tri kiến và giới luật thì những ước nguyện của bạn mới toại nguyện, chứ không ai giúp cho ai được, dù chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh, chư Thần v.v.. cũng đành bó tay trước sự công bằng của luật nhân quả.

Sống trong ác pháp (phạm giới) mà cầu mong mình được hạnh phúc, an vui thì làm sao đạt được. Phải không các bạn?

Không đạt được, nên các bạn phải dựa lưng vào thế giới siêu hình bằng sức tưởng uẩn của chính mình để thể hiện những trạng thái siêu hình linh thiêng ban phước giáng hoạ. Những trạng thái siêu hình ấy là để thỏa mãn lòng ước mơ và cũng làm chỗ nương tựa tinh thần, khi gặp tai nạn, bệnh tật nan y hay bất cứ một việc gì khó khăn xảy đến trong đời sống.

Vì không tự tin nơi mình nên các bạn phải sống trong ảo tưởng. Do sống trong ảo tưởng nên thế giới siêu hình mới xuất hiện. Có thế giới siêu hình, từ đó loài người tưởng mình dựa lưng vào thế giới đó sẽ có sự an vui, hạnh phúc chân thật, nào ngờ lại phải chịu khổ thêm vì gánh nặng của thế giới siêu hình này, công sức và sự tốn hao của cải, tài sản của các bạn chi phí cho thế giới này gần như chiếm hết 1/10 tài sản của loài người trên hành tinh này để xây dựng và nuôi dưỡng những người hành nghề mê tín ảo tưởng này mà mọi người đều gọi là tôn giáo.

Đức Phật biết rõ tâm niệm của loài người thường ước nguyện cho cuộc sống của mình được hạnh phúc, an vui, nhưng họ lại không biết cách thức nào, đường lối nào sống để đạt được hạnh phúc, an vui ấy. Bản chất con người phần đông là hay tự ti mặc cảm, tự thấy mình quá yếu đuối trước những uy lực của vũ trụ vô hình hoặc những hiện tượng hữu hình vĩ đại như sông, núi, rừng, biển, thời tiết, nắng, mưa gió, bão, sấm sét, lũ lụt, thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật, tai ương v.v.. Khiến cho loài người quá sợ hãi, kinh khủng và khiếp đảm. Họ cảm thấy như mình quá nhỏ bé trước hình sắc và sức mạnh của vũ trụ lúc nào cũng đang đe dọa họ.

Thưa các bạn! Đứng trước những sự hùng vĩ của vũ trụ như vậy, con người chưa biết nguyên nhân nào tạo ra vạn vật và sức mạnh kinh khủng ấy. Vì thế, sự khổ đau chính bản thân của họ lại chồng chất lên những sự khổ đau khác của ngoại cảnh nữa.

May mắn thay! Trong loài người, lại sản sinh ra một bậc vĩ nhân. Người ấy cũng như bao nhiêu con người khác, nhưng đã khắc phục được thân tâm mình, từ đó người ấy đã khám phá ra những nguyên nhân tạo nên sự vĩ đại của vũ trụ và chính người ấy biết rất rõ những nguyên nhân của nó. Vì vậy, người ấy đã dạy cho con người biết cách để khắc phục những sức mạnh kinh khủng ấy. Cách thức để khắc phục làm chủ sức mạnh kinh khủng ấy, tức là cách thức làm chủ thân tâm mình. Người ấy chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong kinh Ước Nguyện đã dạy mọi người những điều ước nguyện rất rõ ràng và cụ thể. Khi muốn sự ước nguyện được thành tựu viên mãn thì nên căn cứ vào giới luật mà sống. Vì giới luật là thiện pháp, là đạo đức của mọi người. Như vậy chúng ta suy nghiệm lời dạy của đức Phật là lấy thiện pháp chuyển hóa ác pháp rất đúng, vì chỉ có thiện pháp mới chuyển được ác pháp. Vậy ác pháp là gì?

Ác pháp là những uy lực của vũ trụ có những hiện tượng vô hình như sấm sét, những từ trường khí lực, điện lực, tưởng lực v.v.. hoặc những hiện tượng hữu hình vĩ đại như sông, núi, rừng, biển, thời tiết, nắng, mưa gió, bão, lũ tụt, thiên tai, hỏa hoạn, động đất, sóng thần, bệnh tật, tai ương v.v.. như trên đã nói. Còn thiện pháp là gì?

Thiện pháp là giới luật, là Phạm hạnh, là đạo đức nhân bản - nhân quả. Vậy Lấy thiện pháp chuyển hóa ác pháp như thế nào?

Ví dụ: Người ta chửi mình, mình không chửi lại, đó là lấy thiện pháp chuyển ác pháp. Họ chửi mãi một lúc mà không ai nói hoặc chửi mắng lại, chửi mãi cho đến khi mỏi mệt họ liền thôi và không chửi nữa, đó là lấy thiện pháp chuyển ác pháp. Do sự biết nhẫn nại như vậy và biết vui lòng trước nghịch cảnh của nhân quả như vậy, vì thế mọi việc đều trở lại an ổn bình thường thì đó gọi là lấy thiện pháp chuyển ác pháp. Có phải vậy không các bạn?

Đặt thành vấn đề hơn thua nếu các bạn không nhẫn nại, chửi lại họ thì mọi việc đâu có được bình thường và yên ổn. Có thể xảy ra án mạng, người đi bệnh viện kẻ ở tù. Có đúng như vậy không các bạn? Đó là không lấy thiện pháp chuyển ác pháp.

Nhẫn nại không chửi lại người khác, đó là hành động thiện pháp. Không chửi lại tức là không phạm giới, vì trong giới luật Phật dạy khi chửi lại người khác là phạm vào giới nói lời hung ác. Nói lời hung ác thì làm sao chuyển được hoàn cảnh ác trở nên hoàn cảnh thiện. Phải không các bạn? Ở đời mọi người chỉ biết ăn thua đủ thì ác pháp chồng thêm ác pháp, khổ đau chồng thêm khổ đau, chứ bao giờ hết khổ được.

Cho nên, đức Phật dạy ước nguyện được bình an, không bệnh tật, không tai nạn, thì giới luật phải được giữ gìn nghiêm túc. Giới luật giữ gìn nghiêm túc thì ước nguyện ấy sẽ mãn nguyện.

Đọc những lời dạy của đức Phật các bạn thấy pháp của Phật rất thực tế, cụ thể, hiện tại không có thời gian, kết quả sẽ thấy ngay liền. Nếu không giữ gìn giới luật thì thôi, chứ đã giữ gìn giới luật nghiêm túc, thì điều chi ước nguyện cũng sẽ được mãn nguyện.