CHƯƠNG I: GIỚI LUẬT
SỰ LỢI ÍCH THIẾT THỰC, CỤ THỂ TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA MỌI NGƯỜI
ÍCH LỢI CỦA GIỚI LUẬT LÀ
TIẾNG GỌI THIẾT THA
CỦA ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI TẤT CẢ
CHÚNG SANH
Do sự lợi ích rất lớn của giới luật nên tiếng gọi thiết tha, nhiệt tình của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đối với mọi người đã, đang và sẽ tu theo Phật giáo. Những ai muốn tu theo Phật giáo thì phải thấy giới luật là những hành động sống Thánh thiện tuyệt vời, đầy đủ đức hạnh nhân bản làm người – sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nếu một người sống đúng như vậy thì ước nguyện một điều gì thì điều ấy sẽ thành hiện thực, cho nên lời thiết tha kêu gọi ấy mãi mãi còn vang dậy trong tai chúng tôi: “Này các Tỳ Kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầyđủ giới bổn, sống phònghộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”. Khi nghe những lời kêu gọi thiết tha, tràn đầy lòng yêu thương của đức Phật Thích Ca Mâu Ni các bạn có bao giờ con tim rung động trước những lời dạy bảo, kêu gọi này không?
Kính thưa các bạn! Khi đọc đến đoạn kinh này chúng tôi không thể cầm được giọt nước mắt, con tim chúng tôi se thắt lại, nhói đau nghĩ đến lòng yêu thương chân thật đối với chúng sanh thật là vô bờ bến của Người. Tình thương của cha, mẹ đối với con cái như núi cao, như biển rộng, sông dài, nhưng so sánh với tình thương của đức Phật còn kém xa các bạn ạ! Do cảm thông được lòng yêu thương của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nên chúng tôi quyết tâm cố giữ gìn giới luật trọn đời, thà chết chứ sống không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Nhờ đó mà tâm chúng tôi ly dục ly ác pháp được các bạn ạ!
Kinh Ước Nguyện có mười sáu điều ước nguyện. Năm điều ước nguyện đầu tiên là những điều ước nguyện cho cuộc sống thế gian, còn mười một điều sau là những điều ước nguyện cho cuộc sống xuất thế gian.
Trong cuộc sống hằng ngày con người ai ai cũng ước nguyện cho mọi người thương mến, yêu quý, cung kính, tôn trọng mình v.v.. Đó là sự ước nguyện thứ nhất trong bài kinh này:
Những lời dạy trong kinh Ước Nguyện chúng ta xét thấy do giữ gìn giới luật mà sự ước nguyện thành tựu như ý. Đúng vậy, một người sống đúng giới luật, sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai thì làm sao mọi người không thương yêu, kính trọng người ấy được. Phải không các bạn?
Xét đoạn kinh trên đây chúng ta nhận thấy giới luật là một pháp môn làm nền tảng vững chắc cho sự tu học căn bản của Tăng, Ni và cư sĩ đúng chánh Phật pháp.
Nếu ai sống vi phạm, bẻ vụn giới luật, làm hỏng mất nền tảng giới luật của Phật giáo, là làm mất con đường tu tập giải thoát của mình. Làm mất con đường tu tập giải thoát của Phật giáo thì không bao giờ tu tập làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử. Người phạm giới, phá giới là người làm mất chánh pháp của Phật; là người có tội rất nặng với Phật giáo.
Bởi vậy, ở đời làm người không ai ước nguyện cho mình khổ đau, chịu nhiều tai ương, hoạn nạn v.v.. Khi chúng ta đến với Phật Giáo là đến với sự ước nguyện thoát khổ, hoặc nhờ sự che chở gia hộ của Thần, Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát, cho bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, chứ có mấy ai đến với Phật giáo mà ước nguyện cho mình đau khổ bao giờ. Phải không các bạn?
Nhưng sự ước nguyện ấy có đạt được như ý muốn hay không là còn tùy ở tôn giáo mình đang theo. Nếu tôn giáo đó đã xây dựng một thế giới siêu hình ảo tưởng thì tôn giáo đó sống không thực tế. Hầu hết các tôn giáo trên hành tinh này đều dựng lên một thế giới siêu hình ảo tưởng (cõi Trời, cõi Cực Lạc, cõi Thiên Đàng, cõi Niết Bàn v.v..) để sống an ủi tinh thần trong mơ tưởng, cho nên những người theo các tôn giáo ấy thường sống trong mê tín, không thực tế, thiếu khoa học, thiếu đạo đức, nên luôn sống dựa vào cơ bút, thần quyền, ảo giác, cúng tế, cầu nguyện v.v.. “Một tôn giáo mà không chứng minh được khoa học là tôn giáo mê tín. Một nền khoa học mà không chứng minh được đạo đức là nền khoa học giết sự sống trên hành tinh”.
Riêng Phật giáo không dạy tín đồ của mình sống trong ảo tưởng của thế giới siêu hình, không nhờ oai lực chư Thần, chư Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát từ bi gia hộ cứu khổ, cứu nạn v.v.. mà phải sống rất thực tế bằng những hành động toàn thiện của mình không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Đó là tinh thần tự lực, tự cường trong thiện pháp chuyển ác nghiệp thành phước báo vô lậu[1].
Kính thưa các bạn? Cho nên sự ước nguyện của Phật giáo muốn đạt thành kết quả an lạc, hạnh phúc thật sự, thì phải kèm theo những hành động sống toàn thiện, tức là sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Có sống đúng những hành động thiện (giới luật) như vậy, thì sự ước nguyện kia mới được toại nguyện, còn ngược lại sống không đúng những hành động thiện (giới luật), thì sự ước nguyện kia sẽ không thành tựu.
Kính thưa các bạn! Những hành động thiện là gì?
Những hành động thiện là những hành động do thân, khẩu và ý của mình, không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Những hành động thiện ấy là “GIỚI ĐỨC, GIỚI HẠNH, GIỚI HÀNH”.
Vì thế, kinh Ước Nguyện dạy rất rõ ràng: “Này các Tỳ Kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta được các đồng Phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng!”. Tỳ Kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trụ xứ không tịch”.
Xét qua đoạn kinh trên chúng ta thấy khi muốn ước nguyện một điều gì để đạt được ước nguyện ấy thì tâm bắt buộc phải có đủ sáu điều kiện. Trong sáu điều kiện của tâm thì điều kiện “giới luật” là hàng đầu, nếu giới luật không giữ gìn nghiêm chỉnh thì không bao giờ có “sự kiên trì giữ gìn”. Không bao giờ có sự kiên trì giữ gìn thì chắc chắn phải vi phạm những lỗi nhỏ nhặt trong giới luật, mà đã vi phạm những lỗi nhỏ nhặt trong giới luật, thì nội tâm không được “tịch tĩnh”. Nếu nội tâm không được tịch tĩnh thì “thiền định” sẽ bị gián đoạn; thiền định sẽ bị gián đoạn thì “quán hạnh” sẽ không thành tựu; quán hạnh sẽ không thành tựu thì không bao giờ thích sống “độc cư”, tức là an trú một mình nơi không tịch vắng vẻ.
Một người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì họ thành tựu luôn năm trạng thái kia của tâm, do thành tựu luôn năm trạng thái kia của tâm thì sự ước nguyện điều chi, họ cũng sẽ đạt được như ý. Phần đông những nhà học giả xưa và nay không có kinh nghiệm tu hành, nên gặp đoạn kinh này họ không giải thích nổi. Vì thế, họ tưởng rằng đây là sáu pháp tu tập, nhưng sự thật chỉ có một pháp duy nhất là giới luật. Giới luật nghiêm trì thì có sáu trạng thái giải thoát:
1- Giới luật thanh tịnh.
2- Kiên trì giữ gìn.
3- Nội tâm tịch tĩnh.
4- Không gián đoạn thiền định.
5- Thành tựu quán hạnh.
6- Thích sống tại các trụ xứ không tịch.
Nếu chia ra làm sáu pháp như vậy là các bạn đã hiểu sai, hiểu không đúng. Vì thế, các bạn hiểu giới luật và thiền định là hai pháp. Họ quên rằng giới luật là thức ăn của thiền định, nếu không có giới luật thì không có thiền định, cho nên thành tựu viên mãn giới luật là có thiền định. Vì lẽ đó, đức Phật dạy: “GIỚI SINH ĐỊNH”,ngoài giới luật đi tìm thiền định thì không bao giờ có thiền định.
Kinh thưa các bạn! Thiền Tông và Đại Thừa bỏ giới luật tu thiền định, vì thế sự tu tập của họ chỉ uổng công chẳng bao giờ gặt hái được những kết quả thiền định làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, cho nên những người tu theo Thiền Tông và Đại Thừa là những người bỏ mồi bắt bóng.
Ví dụ: Một người giữ gìn giới luật nghiêm túc không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới bổn thì nội tâm sẽ kiên trì, không bao giờ gặp khó khăn bỏ cuộc, nhưng khi tâm đã kiên trì trong giới luật thì nội tâm được tịch tĩnh. Đó là một lẽ đương nhiên. Nội tâm được tịch tĩnh thì tâm thiền định[2] không gián đoạn, nội tâm thiền định không gián đoạn thì tất cả hạnh đều thông suốt, do tâm hạnh được thông suốt thì người ấy thích sống một mình nơi chỗ yên lặng vắng vẻ, vì thế họ không thích hội họp nói chuyện với một ai hết.
Đoạn kinh trên viết rất cô đọng khiến cho những người tu hành chưa chứng rất khó hiểu. Sau khi được giải thích xong mọi người rất dễ hiểu. Phải không các bạn?
Vậy xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh này một lần nữa, để thấy sự liên hệ mật thiết kết thành một chùm kết quả trạng thái an lạc, vô sự của giới luật một cách rõ ràng và cụ thể: “Tỳ Kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trụ xứ không tịch”.
Đoạn kinh này cũng giống như trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên. Hễ duyên này có thì duyên kia có, duyên này không thì duyên kia không. Vì thế, ở đây chúng ta nên hiểu: Giới luật có thì kiên trì có, kiên trì có thì nội tâm tịch tĩnh có; nội tâm tịch tĩnh có thì thiền định không gián đoạn có; thiền định không gián đoạn có, thì quán hạnh thành tựu có, quán hạnh thành tựu có, thì thích sống độc trú một mình có. Như vậy, chúng ta xét thấy giới luật rất quan trọng trên đường tu tập để đi đến cứu cánh giải thoát. Có đúng như vậy không các bạn?
Do giới luật có tầm quan trọng và lợi ích rất lớn như vậy, nên người tu hành theo Phật giáo cần phải lưu ý. Bởi vì giới luật là pháp vô lậu, là sự giải thoát chân thật của một người sống đúng giới luật. Cho nên trong kinh Ước Nguyện dạy: “Muốn ước nguyện một điều gì thành tựu viên mãn điều ấy thì giới luật là phải giữ gìn nghiêm chỉnh”.
Hầu hết những tu sĩ theo Phật giáo tu theo kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Tông không biết giới luật có tầm quan trọng lợi ích lớn như vậy, nên xem thường giới luật, coi giới luật không hợp thời, không phải là pháp môn tu hành chân chánh thiền định. Vì thế, sư thầy lớn, sư thầy nhỏ đều rủ nhau vi phạm và bẻ vụn những giới luật một cách vô trách nhiệm. Họ không biết xấu hổ, không nhận ra đó là nếp sống Phạm hạnh ly dục ly ác pháp của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ. Và cũng chính đó là Thánh hạnh của những bậc Thánh A La Hán.
Giới luật là một pháp môn để mọi người sống có đức hạnh làm Người, làm Thánh. Vì thế, nó mang đến những sự lợi ích thiết thực cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhưng mấy ai đã để ý đến nó, và còn nhiều người cho nó lỗi thời, không hợp với thời đại hiện nay. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy những sự lợi ích của giới luật về đời sống tại gia cũng như đời sống xuất gia.