Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 09 (22-25)
22. BẬC TU CHỨNG KHI NHẬP DIỆT
CÓ DÙNG THA LỰC ĐỘ SANH KHÔNG?
Hỏi: Kính bạch Thầy, các bậc tu đạt đạo đã nhập diệt có thể thị hiện hoặc dùng tha lực để độ chúng sanh không?
Đáp: Các bậc tu chứng đã nhập diệt chỉ có thị hiện độ chúng sanh, không dùng tha lực, vì tha lực trái với đạo Phật, trái với luật nhân quả.
Đạo Phật xây dựng giáo pháp của mình trên một nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả cho nên không thể nào dùng tha lực độ người được.
Đạo Phật là một tôn giáo có một nền đạo đức công bằng và công lý không có một tôn giáo nào có một nền đạo đức hơn được. Vì thế cầu siêu, cầu an, tụng kinh, cúng bái, tế lễ, niệm Phật, vẽ bùa, đọc thần chú, v.v… là của ngoại đạo, với việc làm này đạo Phật xem là việc làm phi đạo đức, tà nghiệp.
Đạo Phật là một tôn giáo dạy người phải tự lực cứu mình bằng những hành động đạo đức nhân quả, có nghĩa là mình muốn được an vui hạnh phúc thì không nên làm những điều ác, những điều làm khổ mình khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, nếu làm những điều ác khổ mình khổ người, dù có cầu Thánh, Thần, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ thì cũng không bao giờ có một vị nào dám cứu độ cho một việc làm phi đạo đức như vậy.
Cho nên đạo Phật không có dùng tha lực cứu độ mà chỉ có thị hiện để dạy người sống có đạo đức và nhờ sống có đạo đức không làm khổ mình khổ người thì chính đó là đem lại sự an vui hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho mọi người, chứ không thể cầu ai cứu khổ cho mình được cả. Tóm lại, đạo Phật không có dạy cầu tha lực, cầu tha lực là không đúng của đạo Phật mà đó là chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo, chịu ảnh hưởng mê tín lạc hậu của dân gian.
Bậc A-la-hán hoặc Phật thị hiện để độ chúng sanh là thể hiện những đức hạnh đạo đức không làm khổ mình khổ người, sống đúng một đời sống phạm hạnh ly dục ly ác pháp, không phạm phải một giới luật nhỏ nhặt nào, thường sống thiểu dục tri túc chứ không có thể hiện thần thông hoặc trị bịnh trừ tà yểm quỷ như các vị giáo chủ của ngoại đạo thường dùng những danh từ “cứu dân độ thế” những danh từ cứu dân độ thế là để lừa đảo thiên hạ.
Cho nên đạo Phật chân chánh và đạo Phật không chân chánh chúng ta rất dễ nhận ra, nhận ra là ở chỗ tha lực và tự lực; nhận ra là ở chỗ mê tín và không mê tín; nhận ra là ở chỗ đạo đức không làm khổ mình khổ người và không đạo đức thường làm khổ mình khổ người; nhận ra là ở chỗ giới luật nghiêm trì và không nghiêm trì giới luật, phạm giới, phá giới; nhận ra là ở chỗ cúng tế và không cúng tế; nhận ra là ở chỗ thiểu dục tri túc và không thiểu dục tri túc; nhận ra là ở chỗ phòng hộ sáu căn và không phòng hộ sáu căn.
Vì công bằng công lý của đạo đức nhân quả nên các bậc tu chứng chỉ độ người bằng sự thị hiện để dạy đạo cho người ấy phải tự mình thắp đuốc lên mà đi chứ không dùng tha lực giúp họ được, dù bất cứ trường hợp nào, cho đến sự báo hiếu đối với cha mẹ cũng không dùng tha lực mà chỉ dùng duyên nhân quả để giúp cho cha mẹ hiểu rõ thiện và ác và không nên làm các điều ác, luôn sống trong thiện pháp thì cha mẹ được an vui hạnh phúc, đó là độ cha mẹ giải thoát.
23. CHÂN TÂM
Hỏi: Kính thưa Thầy, ở Thường Chiếu có thầy nhập thất trên mười lăm năm. Có phải vị đó ngộ được Chân tâm và sống với nó? Hay nhập Chân tâm rồi và nuôi dưỡng nó càng ngày càng sâu mầu hơn?
Đáp: Lẽ ra câu hỏi này con nên hỏi Hòa Thượng Thanh Từ, vì đó là nguồn gốc của Thiền Tông Trung Hoa chứ không phải của Phật giáo Nguyên Thủy. Chân tâm là sự tưởng giải của kinh sách phát triển Ấn Độ (Đại Thừa), ảnh hưởng Lão giáo đẻ ra Thiền Đông Độ.
Mục đích của người tu Thiền Đông Độ là kiến tánh rồi khởi tu (thấy tánh rồi mới tu) tu như vậy gọi là “bảo nhậm,” giữ “ông chủ” đó là chỗ ngộ được chân tâm rồi mới sống với nó chứ không phải nhập chân tâm vì đã nhập vào thì đâu còn gì phải nuôi dưỡng. Mục đích của Thiền Đông Độ không phải làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi mà chỉ nhắm vào bản thể bất biến thường hằng bốn tánh Niết Bàn “thường, lạc, ngã, tịnh.”
Nhập thất mười lăm năm cho đến một ngàn năm tu theo Thiền Đông Độ thì chỉ có triệt ngộ các công án tức là triệt ngộ các pháp tưởng hay nói cách khác là nhập vào tưởng định, phát triển tưởng tuệ, tu đến đây hành giả không còn biết đường nào đi tới nữa, nên tâm tham, sân, si của họ vẫn như xưa, đụng chướng ngại pháp thì hiện tướng ra liền, do đó pháp môn Thiền Đông Độ không phải là Phật pháp nên không làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi, tu theo pháp môn này chỉ uổng một đời tu hành mà thôi, chẳng có ích lợi cụ thể thiết thực gì, chỉ là một trò hý luận ảo tưởng thơ văn của những tâm hồn giàu tưởng tượng.
Còn nói về sự làm chủ sanh, già, bịnh, chết thì một Thiền sư Việt Nam danh tiếng nhất vào thế kỷ thứ XIII, Ngài Thường Chiếu đã xác định: “Đó là bọn đại bịp, một con chó sủa một bầy cho sủa theo.”
24. TƯỞNG UẨN
Hỏi: Kính thưa Thầy, có lần Hòa Thượng nói, có vị thiền sư khi chứng ngộ khóc ròng, nhưng cũng có vị thiền sư khi chứng ngộ cười hoài. Có phải đó là cảm xúc của người thấy được Chân tâm không thưa Thầy?
Đáp: Khóc ròng và cười hoài, đó là những người tu rơi vào định tưởng, tưởng uẩn tác động gây cảm xúc tưởng mình đã ngộ nhập vào bản thể Chơn Như (chân thật có), nên mới có những trạng thái kỳ lạ.
Sự tu hành này chính là sự ức chế ý thức (ức chế tâm) khiến cho ý thức không khởi niệm thiện cũng như niệm ác nên ý thức ngưng bặt làm cho tưởng thức bắt đầu hoạt động, khi tưởng thức bắt đầu hoạt động thì hành giả có những cảm giác hỷ lạc hoặc các sắc tưởng, hương tưởng, vị tưởng, thinh tưởng, cho đến khi pháp tưởng xuất hiện, pháp tưởng xuất hiện có nhiều trường hợp xảy ra khi tâm dừng bặt vọng tưởng.
(Phật giáo Nguyên Thủy thì tu tập xả tâm)
Có vị pháp tưởng xuất hiện nhận ra Phật tánh bằng một câu kinh, như Lục Tổ Huệ Năng: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Câu này trong kinh Kim Cang Bát Nhã. Mã Tổ ngộ Phật tánh bằng câu kinh: “Tức tâm tức Phật, Phật tức tâm.”
Có vị pháp tưởng xuất hiện ngộ Phật tánh bằng một câu công án của thiền sư Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh hay không? – Không.” Nhờ câu này mà thiền sư Huệ Khai đã ngộ được tâm “Vô, vô, vô, vô…,” Hoàng Bá ngộ được Phật tánh khóc mãi, Linh Vân ngộ được Phật tánh cười hoài.
Tất cả những sự ngộ này đều do ảnh hưởng của tưởng uẩn tạo ra khiến cho người khóc, kẻ cười, người la, kẻ hét, người đánh, kẻ làm thinh gần như người điên, may là họ ngộ pháp tưởng còn như vậy huống là rối loạn thần kinh thì hết cứu chữa.
25. ĐỨC PHẬT KHÔNG LÀM CHỦ NHÂN QUẢ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong tập hai Đường Về Xứ Phật, bìa xanh, mục Nhân Quả trang 160 Thầy viết: khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài bị đau lưng nên bảo ông Anan trải tọa cụ để nằm nghỉ.
Đạo Phật là đạo làm chủ sanh, già, bệnh, chết, cớ sao Đức Phật lại bị đau lưng như vậy?
Khi nhập diệt Đức Phật phải nhập định ba lần xuôi ngược rồi mới nhập diệt, như vậy là ý nghĩa gì?
Nếu kinh sách Đại Thừa nói Đức Phật đau lưng thì không thể nào được ghi vào sách của Thầy, mong Thầy chỉ cho con hiểu?
Đáp: Trong câu này gồm có ba câu hỏi:
1- Làm chủ bệnh sao Đức Phật lại bệnh đau lưng?
2- Làm chủ chết sao Đức Phật không tự tại nhập diệt mà phải nhập định ba lần?
3- Tạo sao đoạn kinh này lại được ghi vào sách của Thầy?
Như con đã biết trong kinh sách Nguyên Thủy, Đức Phật dạy phương cách làm chủ bệnh là pháp môn Tứ Niệm Xứ. Pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn khắc phục những sự đau khổ của thân và tâm (Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu…) tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
Người cha sinh ra pháp môn ấy là Đức Phật. Thế sao Đức Phật lại còn bị bệnh đau lưng? Một điều vô lý hết sức. Giáo lý đạo Phật có mâu thuẫn nhau không? Có lường gạt người ta không? Mà lại viết những điều này. Ai đã viết điều này trong kinh sách Nguyên Thủy? (Đức Phật đau lưng). Ai đã phỉ báng Đức Phật như thế này? (Nói láo). Nếu không có Thầy thực hiện và không có các đệ tử của Thầy tu tập pháp Tứ Niệm Xứ đẩy lui các bệnh khổ thì ai là người minh oan cho Đức Phật và xác định Tứ Niệm Xứ là pháp môn làm chủ sanh, già, bệnh chết thật sự. Trong khi đó kinh sách Nguyên Thủy ghi chép Đức Phật đau lưng rõ ràng bằng giấy trắng mực đen.
Chúng tôi chứng nghiệm được pháp môn Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân tâm nên mạnh dạn tuyên bố với các bạn: “đoạn kinh kết tập này là sai do người sau thêm vào để che đậy pháp môn Đại Thừa tu hành không làm chủ bệnh.” Hơn hai mươi lăm thế kỷ trôi qua ai cũng nghĩ rằng Đức Phật chưa có làm chủ bệnh khổ.
Người tu xong đọc đến đoạn kinh này rất đau lòng và thương cho Phật giáo. Vì thương mình, thương người, Đức Phật phải bỏ hết sự giàu sang, quyền thế, dục lạc thế gian, phải hy sinh cả thân mạng để mưu cầu hạnh phúc an vui cho mọi người.
Ngài là người cha sinh ra Phật giáo, vậy ai nỡ nhẫn tâm viết những đoạn kinh ghép vào trong kinh sách Nguyên Thủy để đánh lừa mọi người, để phỉ báng Đức Phật, thật là đau lòng, những kẻ ấy sẽ bị đọa xứ ác, chịu khổ đau vô lượng.
Đức Phật nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, nhập xuôi nhập ngược ba lần rồi nhập vào Tứ Thiền xả bỏ báo thân. Đó là “thân hành di chúc” lần cuối cùng để nhắc người đời sau: “Tứ Thánh Định mới là chánh định, mới là Thiền của Phật giáo.”
Nhập Tứ Thánh Định xả bỏ báo thân cũng là xác định cho người đời sau biết: Chỉ có bốn thiền này mới làm chủ sanh, già, bệnh, chết, ngoài bốn thiền này không có thiền nào làm chủ trọn vẹn bốn sự đau khổ của kiếp người được. Các bạn nên lưu ý: những thiền của ngoại đạo làm chủ được cái này thì không làm chủ được cái kia.
Đoạn kinh này rút ra từ trong kinh tạng Nguyên Thủy, được ghi vào sách Đường Về Xư Phật để xác định cho mọi người thấy cái sai của những người kết tập kinh sách thường thêm vào và bớt ra làm kinh sách nguyên gốc của Phật giáo mất giá trị như đoạn kinh trên đây. Trong sách Đường Về Xứ Phật người biên tập đã cắt bỏ đoạn kết luận của bài Nhân Quả làm mất ý nghĩa. Xin cáo lỗi cùng các bạn.