Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 28 (74-75).
74. QUẢ BÁO GÌ KHI TÂM VÀ LỜI NÓI KHÔNG ĐI ĐÔI?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tâm và lời nói trái nhau, người ta thường nói lời rất hay ho tốt đẹp mà tâm thì tư lợi. Vậy quả báo như thế nào, cúi xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ?
Đáp: Lời hay tiếng đẹp có nhiều nghĩa: ở đây con đã nêu ra rất rõ, lời nói hay ho tốt đẹp mà tâm thì tư lợi, vậy quả báo như thế nào? Lịch sử đã chứng minh quả báo của những vị quan nịnh thần dùng lời hay tiếng tốt ca ngợi một vị hôn quân để được quyền, được lợi v.v…
Khi đã nắm được toàn quyền trong tay thì tư lợi kiếm rất dễ dàng như: Tần Cối, Quách Què, Vua Hồn, Bí Trọng, Trầm Khiêm v.v... Trước khi chết phải trả bao nhiêu sự khổ đau và đời đời mang tiếng là nịnh thần lưu danh sử sách.
Ở đời, những hạng người này cũng lắm, luôn dùng lời hay tiếng đẹp để lừa đảo, lường gạt người khác để đem phần tư lợi cho mình, quả báo sẽ đến với những hạng người này:
1- Mất lòng tin đối với những người khác.
2- Lần lượt mọi người đều nhận rõ bộ mặt lừa đảo, dối trá, gian xảo, v.v... như kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ lần lần người ta cũng sẽ vạch trần bộ mặt thật của chúng.
3- Khiến ai ai cũng tránh xa những hạng người này.
4- Những hạng người này dễ sanh bệnh mắt, tai, mũi, họng.
5- Kiếp sau làm người câm, ngọng, điếc, đui, mù v.v...
6- Những hạng người này thuộc về hạng ác trí thức.
Nói đến lời hay tiếng tốt là nói đến kinh sách phát triển, lời nói rất hay, tiếng nói rất đẹp, ý rất cao siêu nhưng đã lừa đảo biết bao nhiêu thế hệ con người và làm những việc phi đạo đức, phi thiện pháp, phi Phật giáo, hữu ngã, gây mê tín, phản khoa học v.v...
Nhân quả của nó: khi trình độ dân trí, khoa học tiến triển cao độ thì người ta sẽ lột sạch mặt nạ của nó, giáo lý phát triển này sẽ bị cáo chung vì chẳng đem lợi ích thiết thực, cụ thể cho loài người mà chỉ toàn là thứ ảo tưởng.
Đất nước Việt Nam có ba vị sư đã vạch tẩy bộ mặt lừa đảo của nó:
1- Người thứ nhất là thiền sư Thường Chiếu sống cách đây khoảng trên 700 năm. Ngài bảo: “Thiền Đông Độ và kinh sách pháp triển là những lời đại bịp, một con chó sủa một bầy chó sủa theo.”
2- Người thứ hai là Hòa Thượng Minh Châu, ngài đang sống trong thế kỷ thứ 20 của chúng ta. Khi dịch kinh Nguyên Thủy Nikàya ngài bảo:
“... Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của nhân loại đã bị tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Các ba hoa của Ma vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, các bập bẹ của những kẻ mới tập tễnh đi vào con đường triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối bị ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch...”
3- Người thứ ba là chúng tôi, trong đầu thiên niên kỷ thứ ba chúng tôi thấy biết rất rõ kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ mạo danh Phật giáo chứ không phải của Phật giáo. Hiện giờ người ta còn theo nó vì chưa thấu suốt rõ ràng, nên còn tin nó là lời của Đức Phật dạy, nếu rõ nó không phải là lời của Đức Phật dạy thì người ta đã bỏ nó từ lâu.
Nếu đạo Phật dạy giáo lý của mình như kinh sách phát triển thì đạo Phật chẳng có gì mới mẻ, chỉ nhai lại bã mía của Lục sư ngoại đạo và những sự mê tín của mỗi dân tộc trên bước đường truyền bá mà thôi. Nói cách khác, đạo Phật ra đời theo như kinh sách phát triển thì cũng lập lại triết lý của các tôn giáo khác hiện đã có mặt trước khi Đức Phật ra đời. Và như vậy đạo Phật ra đời có giải quyết được gì đau khổ của loài người trên hành tinh này đâu?
Nếu theo lối mòn của các tôn giáo khác thì cũng chỉ an ủi tinh thần cho những người nhẹ dạ còn lạc hậu, vô minh, chưa thông suốt đạo lý và đường đi của nhân quả, nên đã tin theo mà thôi. Còn những người có trí tuệ hiểu biết về đạo đức nhân quả và các pháp do duyên hợp tạo thành, với trí tuệ đó thì không làm sao họ chịu chấp nhận giáo lý phát triển (Phật giáo Đại Thừa) là của Phật giáo được, họ không thể để giáo lý này lừa đảo họ, nhưng số người hiểu biết lại quá ít.
Thỉnh thoảng có người hiểu biết nói ra sự thật thì bị bóp chết ngay, vì thế chẳng còn ai dám nói thẳng, chỉ so sánh giữa kinh Nguyên Thủy Pali Nam Tông và kinh A Hàm trong Hán Tạng Bắc Tông như Hòa Thượng Minh Châu đã làm chứ không dám nói sai đúng, nhưng ngầm trong đó, chúng ta cũng biết được Hòa Thượng muốn nói gì.
Con người hiện giờ hiểu biết ở trí tuệ hữu hạn nên dễ bị các tôn giáo lừa đảo bằng thế giới siêu hình, chỉ ngoại trừ Phật giáo Nguyên Thủy thì không chấp nhận thế giới siêu hình. Vì thế, chính không chấp nhận thế giới siêu hình nên mới được gọi là Phật giáo. Nếu Phật giáo chấp nhận có thế giới siêu hình thì đạo Phật không giải khổ cho con người mà còn tạo thêm một lớp khổ nữa cho loài người thì đạo Phật cũng giống như kinh sách phát triển mà thôi.
Khi nghiên cứu một tôn giáo nào, chúng ta hãy nghiên cứu những giáo lý của họ có ích lợi thiết thực hay chỉ là một sự an ủi tinh thần bằng ảo tưởng để lừa đảo con người, và làm những điều phi đạo đức thì nhất định chúng ta không ngu si theo tôn giáo đó. Là con người, chúng ta phải sáng suốt nhận định “Con người sanh ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo sanh ra con người.”
Phật giáo bị thế tục hóa, bị các tôn giáo và khoa học hóa, chúng tôi chỉ mong rằng cái gì của Phật giáo phải trả về cho Phật giáo. Phật giáo là sự thật của loài người, chúng tôi không chấp nhận lấy Phật giáo nịnh bợ khoa học để chứng minh cho rằng: Phật giáo là khoa học.
Theo chúng tôi nghĩ: khoa học là khoa học, Phật giáo là Phật giáo, Phật giáo không phải là khoa học mà khoa học cũng không phải là Phật giáo. Cho nên khoa học có sự thật của khoa học, có sự ích lợi cho con người của khoa học; nhưng Phật giáo cũng có sự thật của Phật giáo đối với con người, có sự ích lợi thiết thực cho con người của Phật giáo. Khoa học chứng minh, phân tích mọi vật thể bằng những dụng cụ khoa học để cho con người hiểu biết rõ ràng, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác v.v...
Phật giáo chứng minh và phân tích mọi vật thể và tinh thần bằng trí tuệ hiểu biết cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, v.v... theo sự triển khai từ trí tuệ hữu hạn đến trí tuệ vô hạn, để thấu rõ vạn pháp trong vũ trụ mà không cần đến dụng cụ khoa học nào cả.
Chúng ta hãy nghe Hòa Thượng Minh Châu, một nhà học giả sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Phật học tại viện Đại Học Phật giáo Nalanda Ấn Độ, khi trở về nước ngài dịch tạng kinh Pali (Nguyên Thủy), kinh Trung Bộ tập hai được xuất bản năm 1974, lời giới thiệu ngài mạnh dạn vạch trần bộ mặt kinh sách phát triển mà chúng tôi đã trích ra ở trên.
Đúng vậy, Hòa Thượng Minh Châu đã xác định, nếu ánh sáng rực rỡ của chân lý của đạo Phật bừng lên sẽ quét sạch những tà thuyết ngoại đạo Ma vương, nhưng hiện giờ ánh sáng chân lý của đạo Phật đã bị bọn Ma vương khéo léo dìm mất và cố tình tiêu diệt Phật giáo trên hành tinh này.
Nhưng chúng làm sao thực hiện được khi chân lý của đạo Phật còn truyền lại cho loài người và có người đã cố tâm quyết giữ gìn thì chân lý ấy sẽ không mất, chỉ có những người không hiểu Phật giáo và những người lợi dụng giáo pháp phát triển để mua danh, mua lợi dùng giáo lý buôn Phật, bán Pháp làm giàu trên mồ hôi nước mắt tín đồ Phật giáo thì họ cố gắng duy trì.
Chơn lý của Phật giáo chỉ còn chờ đợi thời tiết nhân duyên đủ là sẽ bừng sáng huy hoàng, chừng đó cái sai, cái đúng của Phật giáo sẽ được phơi bày trước mọi con người. Bấy giờ, lần lượt chúng ta sẽ vạch trần bộ mặt phi đạo đức, phi giáo lý của đạo Phật trong những kinh sách phát triển để mọi người suy ngẫm.
Thời đại chúng ta, đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt đã có những người thực hiện con đường của đạo Phật và đã có kết quả cụ thể. Kết quả này chính là thắp sáng lại chơn lý của đạo Phật.
Trước năm 1952, những tu sĩ Phật giáo Việt Nam chúng ta chỉ biết được một số kinh sách phát triển căn bản như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang Bát Nhã, Kinh Di Đà, Kinh Quy Nguyên, Bát Nhã Tâm Kinh v.v... Sau này, các phong trào chấn hưng Phật giáo chúng ta mới thỉnh được bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán.
Trong Hán Tạng hết sức phong phú, nhưng ít người nghiên cứu các kinh A Hàm, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo. Tuy có biết các bộ kinh A Hàm nhưng không dám học vì thầy Tổ cấm không cho học, không cho tu giáo lý đó, phải nương theo “tứ y” của kinh sách phát triển, “cần phải y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh.” Ý nghĩa của câu kinh này là phải theo nghĩa lý của kinh Đại Thừa mà tu học, không được theo nghĩa lý của kinh khác như: Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, v.v... tu học.
Những lời trên đây là những lời của Hòa Thượng Minh Châu đã nhắc lại lúc đang tu học tại Việt Nam trong các chùa Đại Thừa không được học kinh A Hàm, nói chung là không được học kinh Tiểu Thừa.
Sự giáo dục của thầy Tổ như vậy khiến cho tu sĩ Phật giáo lúc bấy giờ không hiểu giáo lý của đạo Phật mà lại thông hiểu giáo lý phát triển thuộc Bà La Môn giáo. Thầy Tổ của chúng ta mang tiếng là tu sĩ Phật giáo nhưng lúc bấy giờ chỉ có cái tên là Phật giáo mà thôi, còn đời sống và các pháp môn tu hành đều là của Bà La Môn, của ngoại đạo, thật là đau lòng. Hầu hết thầy Tổ của chúng ta lúc bấy giờ đều có vợ con, lấy chùa làm gia đình, lấy sự tụng niệm làm nghề để sống.
Hòa Thượng Minh Châu du học Ấn Độ tốt nghiệp bằng tiến sĩ Phật học, trở về nước ngài quyết tâm dịch Tạng kinh Nguyên Thủy tiếng Pali để chấn hưng lại Phật giáo làm sáng tỏ những gì của đạo Phật và dẹp bỏ những gì không phải của Phật giáo.
Nhưng ngài bị một sức ép quá mạnh của thầy Tổ kinh sách phát triển. Ngài đem kinh Trung Bộ trong Tạng kinh Pali ra so sánh với kinh Trung A Hàm trong Hán Tạng, cái giống nhau và cái không giống nhau để cho mọi người tự suy ngẫm các Tổ ngày xưa đã dám làm những việc thêm bớt như vậy trong những lời dạy của Đức Phật.
Ngài không dám nói đúng hoặc sai, vì ngài là một học giả, ngài đành ôm dạ mà chỉ tâm nguyện, ước vọng là dịch xong Tạng kinh Nguyên Thủy Pali, ước vọng ấy ngài đã viên mãn. Ngài tin rằng Tạng kinh Pali được dịch sang tiếng Việt Nam chắc chắn sẽ có người Việt Nam thắp sáng lại ngọn đèn Phật pháp. Niềm tin ấy không còn là một giấc mơ mà là một hiện thực. Một hành giả người Việt Nam sẽ thắp sáng lại đạo Phật mặc dù con đường chấn hưng lại Phật giáo còn nhiều cam go và thử thách, nhưng quyết định phải thành công.
Nhìn gương thầy Tổ của chúng ta, nói một điều mà làm một ngả, nhưng đó là chuyện Phật pháp, họ chỉ làm theo kinh sách phát triển mà còn phải chịu quả báo khổ đau như vậy, huống hồ là chúng ta, lời nói thì nghe ngon ngọt mà tâm địa hơn là ác thú thì quả báo làm sao tránh khỏi và còn phải đọa biết bao nhiêu lần khổ đau trong vô số kiếp. Đừng bảo rằng chẳng có nhân quả, trong thế gian này nếu không có đạo luật nhân quả thì không có một luật pháp nào có công bằng và công lý hơn được. Nếu không có nhân quả thì thế gian này trở thành một Địa ngục hắc ám, vậy quý vị phải giữ gìn lời nói và lương tâm, nhất quán trong thiện pháp, sai thì quý vị không thoát khỏi tai ương, bệnh tật, nạn ách, khổ đau v.v...
75. TÁNH GIÁC
Hỏi: Kính thưa Thầy, kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh, Phật Tánh tức là tánh giác, tánh giác ấy ban đầu diệu dụng sáng suốt, không có vật gì sánh bằng, như do niệm minh, tánh sáng suốt đó trở thành điên đảo vô minh mà theo nghiệp báo luân hồi. Vậy con không hiểu lý do gì mà sự sáng suốt đó không còn hạn chế mà lại trở thành vô minh, xin Thầy dạy rõ cho chúng con hiểu ý sâu mầu này?
Đáp: Kinh Thủ Lăng Nghiêm là kinh sách phát triển do người sau viết ra mạo nhận là Phật thuyết nên lối lý luận thiếu chân thật, không logic, thường mâu thuẫn v.v...
Kinh này chỉ dạy cho chúng ta thấy Phật tánh. Phật tánh là tánh biết thường hằng sáng suốt từ vô thủy cho đến nay. Tất cả chúng sanh từ loài côn trùng, cầm thú cho đến loài người đều có Phật tánh, nhưng Phật tánh là tánh biết sáng suốt sao thường chịu nhiều khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Phật tánh là tánh biết sáng suốt mà còn chịu nhiều khổ đau như vậy, thà là chịu tối tăm không sáng suốt như loài cầm thú thì còn hơn.
Có tánh giác mà lại si mê để chịu mọi sự khổ đau, thì mới thật là buồn cười cho loại kinh sách dùng xảo ngôn lừa đảo người. Nhưng xét lại cho cùng, chúng ta thấy kinh sách phát triển này có rất nhiều cái sai chứ không riêng về Phật tánh.
1- Tánh nghe, tánh thấy, tánh biết, những tánh này thường hằng bất biến, thường nghe, thường thấy, thường biết, đó là cái sai thứ nhất. Khi một người đang ngủ, cũng như một bệnh nhân đang gây mê để giải phẫu thì tánh nghe, tánh thấy, tánh biết có còn nghe, thấy, biết nữa hay không? Hay nó đã ngủ, đã mê không còn biết như thân tứ đại của nó vậy?
2- Phật Tánh này đã có từ vô thủy diệu dụng sáng suốt không gì bằng, đó là cái sai thứ hai. Tại sao sáng suốt (tánh giác) mà bây giờ lại mê lầm để đến nỗi sanh làm chúng sanh, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu biết bao nhiêu trong sự khổ đau: sanh, già, bệnh, chết từ kiếp này đến kiếp khác.
Đã nói là tánh giác thì có cần gì đến Đức Phật Thích Ca giảng dạy kinh Thủ Lăng Nghiêm này nó cũng vẫn phải biết tánh thấy, tánh nghe, tánh biết của nó, vì nó là tánh giác. Cớ sao phải đợi đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm thì chúng sanh mới biết, thì như vậy làm sao gọi là tánh giác có từ vô thủy cho đến nay. Vả lại, tất cả chúng sanh đều có tánh giác nhưng sao tánh giác lại ngu si quá vậy, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, tạo biết bao nhiêu nhân ác để rồi thọ biết bao nhiêu quả khổ, từ đời này sang đời khác, thế mà các nhà kinh sách phát triển gọi là tánh giác có từ muôn đời ngàn kiếp, như vậy cái tính giác này (Phật Tánh) có còn giác tánh hay không?
Kinh Thủ Lăng Nghiệm dạy: “Cái thể bản lai thanh tịnh bồ đề Niết Bàn thì như hiện nay, cái tính bản minh thức tỉnh của ông (A Nan) sinh ra cái duyên mà lại bị bỏ rơi. Do các chúng sanh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo.”
Đọc đoạn kinh này ta thấy hết sức vô lý và mâu thuẫn, dù cho lời này là Phật Thích Ca Mâu Ni nói chúng ta cũng không chấp nhận mà tin được huống là Tổ nói. Người ta cứ nghĩ rằng cái gì của Phật, Tổ, Tiên, Thánh nói ra là đúng cả.
Đâu phải vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta: “Cái gì Ta nói cũng đừng nên tin mà hãy suy ngẫm cho kỹ, cái đó có mang đến sự an vui chân thật cho mình cho người hay không rồi mới tin.” Đó không phải Đức Phật đã xác quyết lòng tin của chúng ta phải được ở nơi trí tuệ sáng suốt của mình, khi hành động của chúng ta tiếp xúc với các pháp mà kết quả đúng với đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì mới chấp nhận, còn ngược lại thì không chấp nhận.
Người tu sĩ đạo Phật nhờ tri kiến giải thoát, tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác chứ không phải tri kiến giải thoát là tánh giác như trong kinh sách phát triển đã dạy. Tri kiến cái gì ở đây để được giải thoát? Và giải thoát cái gì? Tri kiến giải thoát có hai cách:
1- Thứ nhất là “Tri kiến” duyên “sanh,” sanh tức là các pháp, tri kiến tức là biết rõ, nghĩa là biết rõ các pháp “Vô thường, khổ, không, vô ngã,” biết rõ các pháp như vậy, đồng thời dùng sức tỉnh thức để không bị lôi cuốn, chìm đắm, dính mắc trong các pháp. Do đó mới gọi là vô lậu, giải thoát, mới gọi là làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
2- Thứ hai là tri kiến “luật nhân quả thiện ác” để ngăn ác, diệt ác pháp, khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp. Do ngăn ác, diệt ác pháp, khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp nên tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền; tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền là tâm đã thanh tịnh, tức là tâm không phóng dật; tâm không phóng dật tức là tâm nhập bất động tâm định; tâm nhập bất động tâm định là tâm vô lậu, người mà tâm vô lậu là người có tri kiến giải thoát hoàn toàn.
Cho nên tri kiến giải thoát của đạo Phật là chánh niệm tỉnh thức trong bất động tâm định, do sự tu tập tỉnh thức và huân tập pháp như lý tác ý để khắc phục tâm tham ưu mà có, chứ không phải là tánh giác như trong kinh sách phát triển dạy.
Trong kinh sách phát triển dạy Tánh giác đã có sẵn từ vô thủy mà bây giờ lại mê lầm vô minh, u mê tạo nhiều nhân ác, thọ nhiều sự khổ đau, chịu tái sanh luân hồi muôn kiếp thì có vô lý hay không? Quý vị hãy suy ngẫm về kinh này có đáng tin thì quý vị tin, còn bằng không thì quý vị đem đốt sạch, đừng để những loại kinh này chẳng ích lợi gì.
Ví dụ: Có một người đã thi đỗ tiến sĩ và ông cũng không bị một loại bệnh thần kinh nào, nhưng bỗng dưng bây giờ ông ta lại quên hết, giống như một người chưa từng đi học, việc này như vậy có thể xảy ra hay không? Chắc hẳn không bao giờ có, phải không quý vị.
Như chúng tôi đã từng tu tập và học hỏi giáo pháp của Đức Phật. Ngài đã dạy: từ vô minh sanh hành, hành sanh nghiệp và tiếp tục sanh khởi các duyên, do các duyên hành nghiệp tạo ra các pháp, từ các pháp sanh, diệt, vô thường đưa đến những sự đau khổ, ưu bi, phiền não, sanh, già, bệnh, chết và tiếp tục tái sanh luân hồi.
Muốn chấm dứt sự khổ đau của kiếp làm người thì phải đoạn diệt vô minh, mà vô minh được đoạn diệt tức là phải có “minh,” minh ở đây tức là trí tuệ tri kiến giải thoát, trí tuệ tri kiến giải thoát là do sự tu tập mà có, chứ không phải tánh giác có sẵn. Ngược lại, trong kinh sách phát triển cho tánh giác là có sẵn, tánh giác đã có sẵn mà lại còn đi tìm tánh giác thì có vô lý hay không? Một nhà bác học đã học và thông suốt mọi điều, bây giờ ông ta còn cắp sách đến học những điều ông đã thông suốt đó thì có phải là một việc làm vô ích và vô lý hay không? Xin quý vị vui lòng suy ngẫm, đừng vội nghe chúng tôi nói mà tin.
Kinh Thập Nhị Nhân Duyên dạy rất rõ ràng: “Con người sinh ra từ vô minh nên lầm chấp dính mắc các pháp, tạo ra một thế giới đau khổ (mười hai nhân duyên hợp lại thành thế giới đau khổ),” chứ không có một Phật Tánh, một Tánh Giác, một Bản Lai Diện Mục nào ngu si đến mức độ không tưởng tượng được, nhằm chỗ bất tịnh, ô trược, bẩn thỉu, hôi thúi mà lại chui vào để tái sanh luân hồi. Như vậy kinh sách phát triển gọi tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, Tánh Giác từ vô thủy thì chúng ta có tin được không?
Đạo Phật rất thực tế, không xây dựng thế giới siêu hình, con người chết là mất hết không có Linh Hồn, Thần Thức; không có Bản Lai Diện Mục, Phật Tánh nào cả, chỉ còn lại những hành động nhân quả thiện ác đã huân tập nhiều năm, tháng, nên đã trở thành nghiệp lực, nghiệp lực ấy là vô minh hoàn toàn, cho nên mọi người sanh ra trên trái đất này, ngay cả Đức Phật cũng đều là vô minh.
Xưa Đức Phật đã làm khổ mình, khổ những người thân của mình, một bằng chứng hiển nhiên khi Ngài bỏ ngai vàng, cha già, vợ trẻ, con thơ đã khiến cho những người này khổ đau vô cùng, sáu năm khổ hạnh không phải là Ngài đã tự làm khổ mình sao?
Từ vô minh sanh khởi các hành, các hành mới sanh ra nghiệp chứ không phải có cái nghiệp này từ đâu mà đến đây được, cũng không phải nó có sẵn. Trong kinh A Hàm Đức Phật đã dạy: “Nếu còn một chút xíu thức như đất trong móng tay Ta thì con người không giải thoát và đạo Ta không ra đời.”
Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người, Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái bao da hôi thúi. Thiền sư Triệu Châu trả lời cho một thiền Tăng hỏi đạo: “Biết mà cố phạm.”
Xưa Đức Phật cho những luận thuyết này là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy câu này thật là vô lý: “Do các chúng sanh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tánh bản minh mà không tự giác.” Xin hỏi cái tánh bản minh của chúng sanh với chúng sanh là một hay là hai? Nếu bảo rằng một thì làm sao gọi là bỏ rơi? Nếu bảo rằng là hai, tức là có cái minh và cái vô minh, nhưng cái minh đã có từ vô thủy thì làm sao cái vô minh lại xen vào được. Đó là một điều hết sức vô lý của kinh sách phát triển.
Theo đạo Phật, cái vô minh đã có sẵn từ vô thủy vì nó là nghiệp lực, do sự tu tập của chúng ta đúng chánh pháp mới lần lần vén sạch màn vô minh, tức là đập phá và diệt sạch nghiệp lực nên gọi là minh.
Trong Thập Nhị Nhân Duyên, chúng ta không thấy Đức Phật dạy có duyên minh bao giờ. Minh mà có được là do sự tu tập, vì vậy Tánh giác không thể có từ vô thủy được. Vô minh và minh như đêm và ngày, cái này có thì cái kia không, cái này không thì cái kia có. Do đó nói có sẵn là không đúng, cũng như người có học thì mới biết chữ, không học thì không biết.
Trong câu kinh Thủ Lăng Nghiêm này cũng cho chúng ta thấy chúng sanh và Phật Tánh là hai chứ không phải một, do Phật Tánh mê nên mới thành chúng sanh, nhưng Phật Tánh sao lại mê được? Đó là một sự mâu thuẫn rõ ràng. Kinh này dạy Phật Tánh hằng giác, hằng sáng suốt từ vô thủy, lẽ đâu lại mê muội mà thành chúng sanh?
Kinh sách phát triển còn dạy: “Mê là chúng sanh, giác là Phật,” câu này đã xác định rất rõ ràng “Chúng sanh tánh có trước Phật Tánh,” vì chúng sanh mê muội nên phải tu tập lần lần giác ngộ thành Phật, cho nên Phật có sau chúng sanh. Câu kinh này đúng theo lời dạy của Đức Phật đã dạy, còn kinh sách phát triển lập luận không nhất quán.
Vì vậy, xét ra chúng ta không thể hoàn toàn tin vào kinh sách phát triển là Phật thuyết. Vả lại, chúng ta chưa từng chứng kiến một vị Tổ tu theo kinh sách phát triển mà thành tựu sự giải thoát sanh, già, bệnh, chết, chỉ có những câu chuyện huyền thoại tự tại sanh tử trong kinh sách phát triển mà thôi.
Đức Phật đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Từ chúng sanh tu tập thành Phật, chứ không phải Phật đã có sẵn trong chúng sanh, nếu Phật đã có sẵn trong chúng sanh thì chúng sanh đâu cần gì phải tu; nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì vị Phật đó quá vô minh, sao gọi là tánh giác được?
Nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì thầy Tổ và chúng ta hôm nay đâu cần gì ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, niệm Phật, tụng kinh, bái sám v.v...
Nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì chắc thế gian này không có con người sanh ra đời, vì kinh Phật đã dạy: “Cảnh giới Ta bà khổ! Ta bà khổ!” Tánh giác này hay là Phật Tánh thì không bao giờ có trong đạo Phật, đó chỉ là một sự tưởng tượng của các nhà kinh sách phát triển khi họ tu tập lạc vào tưởng định, phát triển tưởng tuệ nên tưởng giải ra Phật tánh, tánh giác, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, v.v... từ đó mới có những loại kinh sách tưởng.
Trước Đức Phật ra đời cũng đã có những loại kinh sách này nhưng không giúp ích gì cho loài người và còn làm cho người ta khổ thêm, Đức Phật ra đời bài bác sáu mươi hai luận thuyết của ngoại đạo và đập phá tan tành thế giới siêu hình để giúp cho con người thoát ra khỏi tà đạo bàng môn lừa đảo này.