Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 34 (92-94)
92. LẠT MA TÂY TẠNG CÓ PHẢI LÀ PHẬT GIÁO KHÔNG?
Hỏi: Kính bạch Thầy, tại sao các vị A-la-hán không tái sanh để tùy duyên hóa độ chúng sanh như các Lạt Ma Tây Tạng? Trong một số phim sách mà con được xem, ở Tây Tạng vẫn có một vài tu viện mà giới luật và sự tu tập cũng rất nghiêm túc.
Kết quả là họ cũng có một số vị chủ động được cái chết và sự tái sanh, chứng tỏ sức tỉnh thức của họ cũng rất mạnh mẽ và phải chăng họ cũng làm chủ được sanh tử? Mật Tông phần lớn là bùa chú mê tín, tuy nhiên với cái nhìn của đạo Phật đánh giá các vị Lạt Ma này như thế nào?
Đáp: Cái nhìn của Phật giáo đối với các nhà sư Tây Tạng là cái nhìn rõ sự huyễn hóa của những nhà ảo thuật chứ không đem lại lợi ích thiết thực gì cho đại đa số con người trên hành tinh này. Tại sao vậy?
Vì những người thực hiện được như các nhà sư Tây Tạng thì quá hiếm, hằng tỷ tỷ người trên hành tinh này mà chỉ được một hai người. Cho nên những pháp này chẳng có ích lợi thiết thực gì cho con người, chỉ tạo thêm sự đau khổ cho họ vì lòng tham muốn những điều này (thần thông ký thuyết và huyễn hóa).
Giáo pháp này không xây dựng cho loài người một nền đạo đức nhân bản, vì nền đạo đức nhân bản sẽ đem lại lợi ích chung cho con người trên hành tinh này hơn là những bùa chú thuật tạo ra những trò huyễn ảo tái sanh luân hồi, biết tiền kiếp. Biết tiền kiếp như các nhà sư Tây Tạng có ích lợi gì cho ai, ngay cả bản thân của họ hay chỉ là một trò lừa đảo người để phổ cập giáo pháp Mật Tông khắp toàn cầu.
Đạo Phật không làm điều đó, vì Đức Phật và các vị A-la-hán đệ tử của Ngài có thừa khả năng làm việc đó mà không cần đến bùa, chú thuật như các nhà sư Tây Tạng.
Đạo Phật lấy đạo đức nhân bản - nhân quả xây dựng cho con người có một đời sống Thánh thiện, tạo cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, chứ không mơ mộng theo lối mòn của các tôn giáo khác xây dựng một cảnh giới hư ảo dù bất cứ nơi đâu.
Đạo Phật sống thực tế, tu tập trong thực tế, không sống trong hư ảo, tu tập trong hư ảo, chấp nhận những gì có ích lợi cho mình cho người, không chấp nhận những gì có hại cho mình cho người, không chấp nhận những trò hư ảo huyễn giả hý luận. Những trò huyễn ảo của các nhà sư Tây Tạng để khoe khoang sự tái sanh luân hồi, biết tiền kiếp của mình khiến cho thiên hạ phục lăn, nhưng các con xét thấy có ích lợi gì không?
Vì không ích lợi cho nên thầy trò Đức Phật không thấy có ai làm điều này. Trong kinh sách nói về tiền thân Đức Phật là người sau bịa đặt chứ Đức Phật đã dạy:
“Nếu Ta nói một điều mà người khác không thấy, không nghe, không biết thì có nói láo trong Ta.” Lời dạy này chứng tỏ Đức Phật không bao giờ nói về tiền kiếp của mình.
Nói về tiền kiếp tức là dùng thần thông ký thuyết, mà thần thông ký thuyết là một trò huyễn ảo, mà đạo Phật không bao giờ chấp nhận, mà không chấp nhận tức là có nghĩa lý gian xảo lừa đảo trong đó. Các vị Lạt Ma đứng trong góc độ năng lực làm chủ sự sống chết thì có, nhưng đứng trong góc độ lìa tham đoạn ác pháp thì chưa, vì vậy còn thực hiện những trò ảo thuật lừa đảo không ích lợi thiết thực cho con người.
Có người bảo rằng nhờ thực hiện những thần thông này là tạo duyên để độ chúng sanh. Điều này sai, bởi vì thực hiện thần thông là tạo cho tâm người ta không hướng đến chánh đạo, vì chánh đạo là phải gợi tâm người hướng về chánh đạo, chứ đã gợi người ta về tà đạo làm sao lôi người ta về chánh đạo được. Cũng như Đại Thừa lấy sự mê tín của dân gian gợi ý cho người ta theo đạo mình, từ đó người ta theo kinh sách phát triển là theo sự mê tín chứ không còn biết kinh sách phát triển có đúng của Phật giáo hay không?
Người ta tu theo Mật Tông Tây Tạng là người ta ham thích thần thông chứ người ta đâu biết đạo lý làm người là như thế nào để mọi người sống được an vui giải thoát.
Người ta tu theo đạo Phật vì đạo đức của đạo Phật là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm người thường đem lại lợi ích cho mình cho người nên không còn làm khổ đau cho nhau nữa, chứ không phải người ta tu theo đạo Phật để được chư Phật gia hộ tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ.
Người ta tu theo đạo Phật không phải để ngồi thiền thấy tánh thành Phật, hay được vãng sanh về cõi Cực Lạc, Niết Bàn v.v... Từ ban đầu tu sai thì cuối cùng vẫn là tu sai và khi đã tu sai thì rất là khó sửa.
Những tôn giáo muốn đem lại lợi ích cho loài người thì không có pháp môn nào tuyệt vời bằng pháp môn dạy đạo đức làm người. Làm người không nên làm khổ mình, khổ người, đó là thiện pháp mà thiện pháp tới đâu thì ác pháp sẽ bị triệt tiêu đến đó. Có được như vậy con người mới tìm được chân hạnh phúc, và như vậy mới thật sự ích lợi cho loài người. Còn tất cả các phương pháp khác dù là phương pháp dưỡng sinh Yoga dạy người để trị bệnh thì đó chỉ là trị về nhánh lá của bệnh chứ không phải trị tại gốc bệnh, gốc sanh muôn thứ bệnh khổ là ác pháp, muốn trị muôn thứ bệnh khổ mà cứ trị bằng thuốc thang và phương pháp dưỡng sinh thì không thể trị tận gốc bệnh được, vì thế trị giảm được bệnh này thì sanh ra bệnh khác.
Theo Phật giáo muốn trị bệnh khổ tận gốc của con người thì phải sống có đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình khổ người thì cơ thể phải vận động được điều hòa, tâm hồn phải sống an lạc, thanh thản và vô sự. Và tất cả các chướng ngại pháp không tác động đến thân tâm, nếu có đến họ đều có đủ khả năng đẩy lui và diệt trừ tận gốc bệnh. Do sống trong thiện pháp nên người tu sĩ đạo Phật có được một tâm hồn thanh tịnh. Tâm hồn thanh tịnh là một tâm hồn trong sạch. Một tâm hồn trong sạch thì lại có một năng lực mầu nhiệm nó hoàn toàn làm chủ được mọi bệnh tật khổ đau và sự sống chết.
Đạo Phật làm chủ được sự sống chết là nhờ năng lực của tâm thanh tịnh, chứ không phải nhờ vào năng lực bùa chú thuật của Mật Tông. Mật Tông sống có giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nhưng không vì giữ những giới luật ly dục ly ác pháp, mà Mật Tông giữ gìn giới luật là để luyện bùa luyện chú tạo một năng lực siêu việt, nhờ năng lực đó mới thu hút người theo đạo mình tu để có danh to. Và vì thế các ngài thể hiện thần thông trị bệnh và nói biết chuyện quá khứ trong một kiếp hoặc hai ba kiếp.
Trong câu hỏi của con: “Tại sao các vị A-la-hán không tái sanh để tùy duyên hóa độ chúng sanh như các Lạt Ma Tây Tạng?” Đức Phật đã dạy: “Một vị A-la-hán xuất hiện ở trên đời là một việc khó, khó như hoa ưu đàm cả ngàn năm mới trổ hoa một lần.”
Vả lại khi một vị A-la-hán xuất hiện ở đời là phải vào đúng thời kỳ của nó, có nghĩa một vị A-la-hán ra đời là quân bình trật tự đạo đức của loài người, lúc xã hội loài người đang đi vào một sự thay đổi lớn, nếu không quân bình kịp thời thì sự thay đổi ấy sẽ đưa con người vào trong đêm đen tối.
Một bậc A-la-hán xuất hiện ở đời là làm chấn động và rung chuyển cả trời đất, cũng như khi Đức Phật xuất hiện ra đời dựng lại những gì mà lục sư ngoại đạo thời đó đã ném bỏ, và bác sạch sáu mươi hai luận thuyết của kinh Vệ Đà mà người thời bấy giờ được xem bộ Thánh kinh này là một triết thuyết tuyệt vời, là một bộ chân lý văn minh của loài người, thế mà đạo Phật ra đời không chấp nhận nó.
Và như thế không thể so sánh một vị Lạt Ma với một vị A-la-hán được. Vị Lạt Ma dùng thần thông huyễn hóa mà lừa đảo người gọi là độ chúng sanh, chứ chẳng có ích lợi thiết thực gì cho con người, còn một vị A-la-hán xuất hiện ở đời là đem lại sự lợi ích lớn cho loài người, tức là mang lại cho con người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả mà mọi người sống chung nhau nhưng không làm khổ mình khổ người.
Các con có tin điều này không? Các con cứ nhìn các vị Lạt Ma thì thấy rõ lời Thầy dạy. Lẽ ra các ông có thần thông thì phải có đạo đức. Sao các ông không đem lại cho con người một nền đạo đức? Quảng bá một nền đạo đức, nền đạo đức của các ông là gì? Các ông chỉ gây tạo sự ham mê ngu muội của con người bằng những thần thông tái sanh luân hồi qua những quảng cáo phim ảnh sách báo.
Những sự thể hiện tái sanh luân hồi của các ông như vậy có ích lợi gì cho ai? Chỉ tạo ra một trò hiếu kỳ của con người, trong khi con người đang cần có một nền đạo đức để sống với nhau mà không làm tổn thương cho nhau, biết thương yêu nhau, biết tha thứ những lỗi lầm của nhau. Còn các ông ăn không ngồi rồi để tu tập thần thông tưởng, như vậy phải tiêu phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mọi người nuôi dưỡng các ông.
Con nên đọc lại bài kinh Channa, Đức Phật đã dám so sánh mũi dao của tỳ-kheo Channa và sự tịnh chỉ hơi thở của Tứ Thiền thì sự làm chủ sống chết là một trò huyễn hóa làm mê mệt những con người còn sống trong giấc mơ.
Nếu đứng trong góc độ của Phật giáo thì các ông Lạt Ma là những người phù thủy. Sự quảng cáo phim ảnh, báo chí và sách vở không đủ chứng minh lòng tham danh đắm lợi của các vị phù thủy Lạt Ma này sao?
Trong cuộc sống trên thế gian này con người đang cần đạo đức, chứ không phải cần thần thông, xin quý vị hiểu cho. Đó là món ăn tinh thần, loài người đang cần thiết như người đói cần thực phẩm. Xin các vị Lạt Ma hãy cho chúng tôi những món ăn tinh thần này chứ thần thông của các ông chỉ là một trò ảo thuật mà thôi.
93. PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Hỏi: Kính bạch Thầy, trước đây con có hành trì pháp môn niệm Phật, nhưng khi biết đó là pháp ức chế tâm, con đã từ bỏ. Tuy nhiên con vẫn còn có một số thắc mắc về pháp môn này:
1- Trong kinh Thập Thượng (Trường Bộ II, trang 663) Ngài Sariputa có dạy: sáu pháp cần phải tu tập trong đó có pháp thường niệm Phật (tùy niệm Phật).
2- Trong các kinh Tăng Chi (phần 1 pháp, phần 3 pháp) đã ghi rõ niệm Phật đưa đến “nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.” Vị Thánh đệ tử niệm Phật được “tịnh tín, hân hoan, đoạn tận phiền não.” Vậy pháp môn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy với pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông khác nhau như thế nào?
3- Một vị Thượng Tọa ở Học Viện Phật Học TP Hồ Chí Minh có giảng: “Người niệm Phật được nhất tâm bất loạn, khi chết được vãng sanh Cực Lạc Tây phương là vị A Na Hàm hay Trung Gian Bát Niết Bàn. Vì thế ở cảnh giới này vị ấy tu tiếp Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo để thể nhập Niết Bàn.”
4- Một vị Thượng Tọa viết trong Thanh quy “Niệm Phật là Chánh Niệm?”
Kính thưa Thầy, các luận giải này đúng sai như thế nào?
Đáp: Pháp môn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy và pháp môn niệm Phật trong kinh Tịnh Độ không giống nhau, vì pháp môn Tịnh Độ ức chế tâm (dùng câu niệm Phật tập trung tâm không loạn tưởng để được nhất tâm) ngược lại pháp môn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy là tâm tâm niệm niệm qua hạnh sống của Đức Phật để tâm ly dục ly ác pháp, chứ không có niệm danh hiệu Phật như trong kinh Tịnh Độ. Kinh Nguyên Thủy dạy: không những niệm Phật mà còn niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới. Thầy đã giảng trong kinh Tứ Bất Hoại Tịnh, vậy các con hãy đọc lại sẽ rõ nghĩa và cách thức tu tập.
Một vị Thượng tọa ở Phật Học Viện TP HCM dạy: “Người niệm Phật được nhất tâm bất loạn khi chết được vãng sanh về cực lạc Tây phương.” Vị Thượng tọa này chỉ giảng theo trong kinh Tịnh độ, chứ riêng bản thân vị thượng tọa cũng chẳng biết có được vãng sanh hay không?
Theo thiển nghĩ của Thầy, một nước Cực Lạc ở Tây phương là một nước thanh bình và rất vui, người dân ở đó tính tình phải hiền hậu không còn tham, sân, si, trái lại người thế gian niệm Phật được nhất tâm mà tính tình hung ác vẫn còn, tâm tham, sân, si ngút ngàn, nếu được Phật A Di Đà rước về nước Cực Lạc thì nước Cực Lạc có còn Cực Lạc và thanh bình nữa không?
Các con cứ suy ngẫm, đừng để mình bị lừa đảo, đừng sống trong tưởng các con ạ! Phải sống trong thực tế, đừng mơ mộng ảo huyền, toàn thứ bánh vẽ, thật sự không ích lợi gì cho kiếp sống hiện tại của con người các con ạ!
Người giữ gìn giới luật nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, tâm thường ly dục ly ác pháp thì mới được nhập lưu (vào dòng Thánh), nghĩa là tâm người đó lìa được tâm tham, sân, si chứ chưa có đoạn được, nếu tâm được như vậy mới được dự vào dòng Thánh, còn không được vậy mà gọi là đắc quả A Na Hàm thì không đúng.
Pháp môn tu tập ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà chứng quả A Na Hàm thì thật là sống trong mơ, trong mộng. Niệm Phật là Chánh niệm là một điều sai, niệm Phật chỉ mới tập tỉnh giác trong câu niệm Phật.
Tại sao quý vị lại không phân biệt được chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm là niệm thiện, còn tà niệm là niệm ác. Mười điều thiện là chánh niệm, mười điều ác là tà niệm. Tỉnh giác là tỉnh thức, nhờ có thân hành niệm nên tâm tỉnh giác nơi hành động nội và ngoại của thân. Tâm chú ý hành động niệm câu danh hiệu Phật là tâm tu tỉnh thức chứ chưa có chánh niệm, vì câu niệm Phật chẳng thiện chẳng ác thì không thể được gọi là chánh niệm vì chánh niệm của nó phải có đối tượng là tà niệm.
Ở đây chữ nghĩa còn hiểu sai thì thực hành làm sao đúng được. Do hiểu sai, thầy Tổ của chúng ta đời đời kiếp kiếp tu hành chẳng đi về đâu cả, thật uổng phí một đời người, có công tu hành giống như dã tràng xe cát biển Đông.
Các con muốn tu theo đạo Phật thì phải nghiên cứu cho rõ ràng, đừng vội vàng tin, hãy cân nhắc thận trọng như Đức Phật đã dạy: “ Chớ có tin, chớ có tin ... mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình cho người.”
94. TẠO CẬN TỬ NGHIỆP THIỆN LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG DỐI TRÁ
Hỏi: Kính thưa Thầy, đối với người già, nhất là người sắp chết, pháp môn niệm Phật dễ học tập và hành trì với ba tư lương: “Tín, Hạnh, Nguyện.” Một pháp sư giảng: người niệm Phật lại được trợ niệm, có thể giúp cho Cận Tử Nghiệp có được sanh thú tốt hơn, ví như dù con bò yếu (niệm thiện) nhưng được đứng gần cửa chuồng sẽ được ra trước?
Vậy nếu không dùng pháp niệm Phật thì đối với người già, người sắp chết chúng ta giúp đỡ cho họ như thế nào để có ý nghĩa tích cực nhất?
Đáp: Cái mà gọi là “Cận Tử Nghiệp” đây cũng là một trò lừa đảo của Tịnh Độ Tông, một việc làm hết sức phi đạo đức che mắt thiên hạ. Một đời làm ác, chỉ đợi giờ phút cuối cùng dùng câu niệm Phật để tạo cận tử nghiệp tốt, để được tái sanh cảnh giới thiện (Cực Lạc), tạo cận tử nghiệp thiện như vậy có đúng không?
Trong thời Đức Phật còn tại thế, có một người tên là Vô Não tu hành theo tà pháp của ngoại đạo. Ngoại đạo dạy ông giết người cắt lóng tay xâu làm chuỗi đúng 1000 lóng tay sẽ chứng đạo. Nghe lời dạy ấy, ông giết 999 người và còn người cuối cùng ông dự định giết đó là mẹ ông. Biết được tâm niệm bất hiếu tội lỗi này Đức Phật đến đó giải cứu mẹ ông và khiến ông thức tỉnh.
Từ đó ông năng nổ tu hành theo giáo pháp của Đức Phật, ông thường ngăn ác và diệt ác trong tâm ông. Một hôm ông đi khất thực, người ta biết được ông là người tàn ác thường hay giết người nên người ta đã không cho cơm ăn mà còn lấy đá ném và gậy gộc đánh ông u đầu chảy máu, ông nhẫn nhục chạy đi và không thù oán kẻ đánh mình, ông nghĩ quán như lời Phật dạy: “nhân quả.” Do sự quán xét này ông đã cứu mình thoát khổ và chẳng bao lâu ông chứng đạo quả A-la-hán.
Sự chứng đạo giải thoát này không phải nhờ ai hộ niệm cho ông mà phải chính ông năng nổ chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp với một tâm nhiệt quyết nồng nàn. Con đường tu hành giải thoát của đạo Phật không thể có sự hộ niệm được mà phải chính bản thân của người đó tinh tấn siêng năng tu tập, vì thế Đức Phật dạy: “Chẳng phải tôi, cũng chẳng phải người nào khác có thể đi con đường ấy cho anh. Chính anh, anh phải đi cho anh.”
Như vậy, rõ ràng khi còn sống mạnh khỏe không tu tập, đến khi chết còn gì tu tập cho kịp nữa. Suốt một đời tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp hết sức năng nổ còn sợ chưa làm xong, huống là sắp chết đến nơi rồi thì hộ niệm còn sức đâu đủ bình tĩnh, còn sức đâu đủ gan dạ chịu đựng những cơn nghiệp khổ đau tận cùng lúc sắp lâm chung như ai xé ruột xé gan.
Hộ niệm chỉ là một hình thức suông mà các nhà phát triển tưởng giải ra để lừa đảo mọi người làm sai lệch ý nghĩa tự lực của đạo Phật. Một đời làm ác chỉ một phút giây tỉnh giác quay đầu trở lại là giải thoát “Tu nhất kiếp ngộ nhất thời.” Lời này dạy không đúng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn phải sáu năm khổ hạnh, bốn mươi chín ngày tu tập hết sức mới chứng được đạo quả.
Hiểu biết Phật pháp cho đúng nghĩa cũng không phải dễ huống là tu tập còn khó gấp trăm ngàn lần, vì phải trải qua một thời gian dài sống và tu tập uốn nắn tâm mình cho đến khi thuần thục đâu phải là một việc dễ làm, một sớm một chiều làm xong được. Bởi vậy chúng ta tu tập thì hãy tu tập cho đúng lời dạy của Đức Phật chứ đừng nghe theo những lời dạy của các Tổ, do đó Đức Phật cảnh giác chúng ta: “Đừng tin thầy Tổ… đừng tin kinh sách v.v... và đừng tin v.v…”
Trong kinh sách Nguyên Thủy không có dạy hộ niệm, chỉ dạy cho người còn đang sống mạnh khỏe, còn người đau bệnh Đức Phật đã xác định: “người có bệnh tu tập rất khó.” Đó là một điều khó tu trong năm điều khó. Trong kinh Bồ Đề Vương Tử thuộc kinh Trung Bộ:
“Có năm điều khó tu tập:
1- Không có lòng tin
2- Bệnh tật.
3- Gian trá, không thật.
4- Không tinh tấn bỏ các ác pháp.
5- Không có trí tuệ về sự sanh diệt.”
Trong đời sống hằng ngày, nếu muốn tu theo đạo Phật, có năm điều khó này khiến không tinh cần còn không giải thoát huống là giờ phút sắp chết, còn gì nữa đâu hộ niệm. Hộ niệm là một sự cầu tha lực, ngược lại con đường tu hành của đạo Phật là phải tự lực, hộ niệm là một phương pháp tạo cận tử nghiệp thiện, đó là một sự dối trá. Dối trá là một điều vi phạm trong năm điều khó tu của đạo Phật.
Tóm lại, muốn hộ niệm cho người sắp chết, tốt nhất khi họ còn mạnh khỏe khuyên họ nên sống trong thiện pháp. Nhờ sống trong thiện pháp, huân thành nghiệp thiện, đến khi chết nghiệp thiện tiếp tục tái sanh được sanh vào cõi thiện. Đó là một việc làm chắc chắn, còn hộ niệm bất cứ một việc làm gì đều là giả dối cả.
Hộ niệm mang bản chất giả dối, chúng ta là những người tu theo đạo Phật không bao giờ chấp nhận sự giả dối đó. Chúng ta hoàn toàn chấp nhận bố thí pháp để giúp cho mọi người biết chánh pháp, biết đạo đức làm người để họ sống đúng một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người.
Sống không làm khổ mình khổ người thì hạnh phúc biết bao! Đến khi chết bất cứ sanh vào cõi nào chúng ta cũng đều không làm khổ mình khổ người, thì nơi đó là Thiên đàng, Cực lạc.
Vì vậy chúng ta không cầu vãng sanh, không cần hộ niệm chúng ta vẫn được giải thoát. Con nên suy ngẫm lời Thầy dạy có đúng thì tin, bằng không đúng thì đừng tin.