Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 26 (71-72)
71. THẦN THÔNG
Hỏi: Xin Thầy đọc “Á Châu Huyền Bí” và cho con biết về những thần thông ở đây có đúng hay là sai? Đúng là như thế nào? Sai là như thế nào?
Đáp: Sau khi đọc xong tập “Á Châu Huyền Bí,” trong sách này phần đông là các đại sư Yoga, họ là những người đam mê thần thông nên rất chịu khó tu luyện để trở thành người siêu việt. Riêng đối với bản thân của Thầy là một tu sĩ Phật giáo, tu tập chỉ có mục đích là tìm cầu sự giải thoát thân tâm, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, còn thần thông thì Thầy xem nó như trò ảo thuật khiến mọi người kính phục chứ không ích lợi cho mọi người.
Một người tu sĩ Phật giáo chứng quả A-la-hán có đầy đủ năng lực thần thông và còn hơn các vị đạo sĩ Yoga nữa, nhưng họ không thị hiện. Trong tu luyện, họ cũng không tu luyện thần thông, họ chỉ biết tu lìa ác pháp và tâm ham muốn, cho nên thần thông họ cũng lìa.
Khi tâm lìa ác pháp và lòng ham muốn thì năng lực thần thông của tâm họ thật là siêu việt, họ muốn làm một việc gì đều theo như ý. Do lìa lòng ham muốn nên họ xem thần thông là thứ trò lừa bịp thiên hạ.
Những việc làm của các đạo sĩ Yoga trong sách chỉ là những việc làm sơ đẳng thần thông của đạo Phật.
Người tu sĩ đạo Phật khi chứng quả A-la-hán còn làm những việc phi phàm gấp trăm ngàn lần, nhưng họ chẳng háo danh như các đạo sĩ Yoga.
Pháp Huệ hãy trở về với con người thật của mình, con người toàn thiện, con người sống trong đạo đức không làm khổ mình khổ người, chứ đừng nghĩ tưởng đến thần thông vì thần thông không ích lợi cho bản thân Pháp Huệ.
Thần thông sẽ dẫn dắt con người vào danh, nhưng danh cũng là ác pháp. Hãy tránh xa, vô tình cầu thần thông, tức là cầu danh. Còn danh là còn trôi lăn trong lục đạo.
“Á Châu Huyền Bí” chỉ là một cuốn sách không có giá trị cho con người, nó chỉ là một cuốn sách lý thuyết thần thông suông, không có phương pháp thực hành, nó chỉ là một cuốn sách ghi lại những hiện tượng phô trương tài ba thần thông của các đạo sĩ Yoga, nó chẳng giúp ích gì cho con, chỉ gây vào lòng đam mê của con mà thôi chứ chẳng bao giờ con thực hiện được.
Thăm và chúc Pháp Huệ mạnh khoẻ an vui.
72. KINH DUY MA CẬT CÓ PHẢI PHẬT THUYẾT KHÔNG?
Hỏi: Kính bạch Thầy! Trong lời tựa Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, pháp sư Từ Thông viết: “Kinh Duy Ma Cật là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại Thừa viên đốn, là thứ giáo lý mãn tự. Giáo lý kinh Duy Ma Cật dạy cho mọi người về pháp môn giải thoát bất tư nghì. Hành giả thực hiện được là thành Phật như Đức Phật Thích Ca và thập phương chư Phật đã thành.”
Điều mà con muốn hỏi Thầy: “Thật ra kinh Duy Ma Cật có phải là kinh Phật thuyết hay không? Nhờ Thầy chỉ dạy cho con pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn này.
Đáp: Kinh Duy Ma Cật là kinh Đại Thừa ca ngợi cư sĩ Duy Ma Cật là một vị Bồ Tát đã thành Phật, có trí tuệ bất tư nghì không thể nghĩ bàn. Vì thế không có ai lý luận hơn ngài được. Kinh so sánh trí tuệ Duy Ma Cật như trí tuệ Phật (Trí tuệ không nghĩ bàn).
Vì thế không có một vị đại đệ tử nào của Phật dám đến thăm ông, dù là đại trí tuệ đệ nhất như ông Xá Lợi Phất cũng còn sợ hãi, khiếp đảm khi nghe nói đến đi thăm bệnh ông.
Do trí tuệ ông cao siêu như vậy nên Đức Phật mới sai ông Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đến thăm. Chỉ có ngài Văn Thù Sư Lợi có đủ trí tuệ mới dám đến thăm bệnh và đối đáp với ông mới cân xứng.
Kinh Duy Ma Cật ra đời nhằm có ý đồ diệt Phật giáo để dựng lên một giáo pháp mới. Đó là giáo pháp bất nhị, còn gọi là giáo pháp bất tư nghì. Kinh Duy Ma Cật dựng lên một người cư sĩ vĩ đại khiến cho tất cả đệ tử của Đức Phật chỉ cần nghe đến tên Duy Ma Cật là đã rét run, cúi đầu, rụt cổ như rùa, đó là những đệ tử lớn của Đức Phật như: ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên, ông Phú Lâu Na, ông Ca Chiên Diên v.v... còn như vậy huống các đệ tử khác.
Biết hàng đệ tử Thanh Văn của mình trí tuệ còn kém xa nên Đức Phật của kinh Duy Ma Cật phải nhờ đến một vị Bồ Tát ảo tưởng của nhà văn Khưu Trường Xuân. Một nhà Văn Trung Hoa giàu trí tưởng tượng, tưởng ra những nhân vật tu theo Tiên đạo. Đó là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trong truyện “Phong Thần Diễn Nghĩa.”
Trong bộ truyện Phong Thần Diễn Nghĩa có hai vị tiên ông, đệ tử của vị tiên trưởng Nguơn Thủy Thiên Tôn. Đó là ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù. Trong truyện có ghi chú: hai vị tiên ông này sau tu theo Phật giáo được đắc quả thành Phật
Đọc kinh Duy Ma Cật chúng ta rất buồn cười cho những ai không sáng suốt vội tin theo mà không cân nhắc. Người viết kinh Duy Ma Cật đã không khéo léo, nên kinh được dấu đầu mà lại ló đuôi khiến cho người có trí một chút là đã thấy ngay cái giả mạo của kinh.
Kinh Duy Ma Cật là một tập tiểu thuyết lý luận triết lý bất nhị, khéo mượn những nhân vật tiểu thuyết Trung Hoa lồng vào kinh để lôi cuốn hấp dẫn người đọc. Cho nên, đọc xong kinh Duy Ma Cật, người có sự nhận xét tinh vi một chút thì biết ngay kinh này không phải Phật thuyết, kinh này chỉ do các Tổ viết ra để diệt Phật giáo, nếu các bạn lưu ý sẽ nhận ra điều giả mạo và có ý đồ thâm độc này.
Đạo Phật ra đời đã làm đảo lộn tư tưởng của loài người bằng bốn sự thật: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo.” Bốn chân lý độc đáo này đã có sẵn của loài người. Ngài chỉ cần khơi dậy khiến cho tất cả giáo lý của các tôn giáo và các triết lý của những nhà triết học hiện hành trên hành tinh này đã đổ vỡ, trở thành những ảo tưởng.
Thế mà lại có một pháp môn bất nhị không hai này rồi bảo rằng Phật thuyết thì e rằng rất oan cho Đức Phật. Đức Phật bao giờ nói chuyện giáo pháp không tưởng như vậy. Mới nghe mọi người tưởng là mới mẻ của kinh sách Đại Thừa được diễn tả trong kinh Duy Ma Cật, nhưng nào ngờ giáo pháp ấy cũ rích của Bà La Môn xưa kia. Trong khi kinh sách Nguyên Thủy còn ghi lại lời Đức Phật đã dạy, Ngài đập sạch và quét 62 lập luận tà giáo ảo tưởng của Bà La Môn không còn ngoi đầu dậy được nữa.
Thế mà kinh Duy Ma Cật lại bảo kinh này do Phật thuyết như trên đã nói thì có ai mà tin không? Chỉ có những người không đủ trí quán xét thì mới tin như vậy. Kinh đã không phải Phật thuyết thì pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn cùng không phải của Phật. Đó là một pháp tưởng của ngoại đạo.
Thưa các bạn! Đừng bao giờ đem pháp môn cao siêu mà gán cho Phật, vì pháp Phật không có cao siêu, chỉ là những pháp môn rất gần gũi với đời sống của con người nên nó “thiết thực, cụ thể không có thời gian, đến để mà thấy...”
Pháp môn không thể nghĩ bàn tức là pháp môn với ý thức không thể hiểu được là một pháp môn ảo tưởng; là một pháp môn nói vọng ngữ.
Pháp môn của Phật là pháp môn đem ra dạy cho người tu tập để mang lại lợi ích cho con người, sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai, còn pháp môn không thể nghĩ bàn thì làm sao hiểu được, mà đã không hiểu được thì làm sao tu tập được; mà đã không tu tập được thì làm sao có giải thoát được.
Như vậy pháp môn bất tư nghì là pháp môn lừa đảo con người. Còn nếu bảo rằng pháp môn này để dạy chư Phật và các bậc A-la-hán thì chư Phật và các bậc A-la-hán đâu cần phải tu pháp môn này, vì các ngài đã chứng đạt chân lý giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi. Cho nên các ngài đối với pháp môn không nghĩ bàn này là một pháp môn hý luận cho vui chơi chứ có lợi ích gì cho cuộc sống của loài người đâu.
Vì các ngài biết đó là pháp môn vọng ngữ, lừa đảo con người chứ không thể lừa đảo các ngài được. Phải không các bạn? Nghe nói đến pháp môn khó nghĩ bàn là biết ngay pháp môn nói dối. Cho nên khi nghe Bồ Tát Duy Ma Cật nói: “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” thì biết ngay Bồ Tát Duy Ma Cật không hiểu Phật giáo nên mới nói câu ấy.
Người không hiểu Phật giáo mà lại nói kinh này của Phật thuyết là sai. Đạo Phật là đạo tự cứu mình chứ không ai cứu mình được. Vì thế lời tuyên bố của kinh Duy Ma Cật chứng tỏ là ông chẳng hiểu gì về đạo Phật chút nào cả. Đức Phật đã chẳng bảo: “Nếu ta nói một điều mà không ai hiểu là ta có nói láo.” Vậy mà ở đây nói pháp môn không nghĩ bàn là nói láo. Có đúng không các bạn?
Vậy pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn là pháp môn nói láo, pháp môn này chỉ gạt người vô minh, chứ người nào chỉ cần có một chút hiểu biết cũng không thể lừa đảo họ được.
Pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn là pháp môn lừa đảo như trên đã nói, chỉ có những người sống trong tưởng tri nên mới dễ tin pháp môn này. Pháp môn này chỉ lý luận chơi cho vui chứ chưa có ai sống được, vì con người là có sự tư duy suy nghĩ chứ con người không phải đất, đá, cỏ, cây v.v… Như trên đã nói kinh Duy Ma Cật là kinh tưởng, vì thế trưởng giả Duy Ma Cật là người tưởng chứ không phải là người có thật. Căn cứ vào lịch sử loài người thì cư sĩ Duy Ma Cật không có. Cho nên tác giả kinh Duy Ma Cật khéo tưởng tượng ra nhân vật và pháp môn bất tư nghì.
Kính thưa các bạn! Những pháp môn Đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy như pháp môn Hơi Thở rõ ràng như vậy mà các bạn còn tu tập sai tới, sai lui, huống hồ là pháp môn khó nghĩ bàn của Duy Ma Cật thì biết đâu mà tu tập. Phải không các bạn?
Cho nên kinh Duy Ma Cật là kinh vọng ngữ. Và tu tập pháp môn Bất Tư Nghì để làm gì? Để lý luận tranh đua hơn thiệt với thiên hạ ư! Đạo Phật không có mục đích đó. Xin các bạn lưu ý.