Skip directly to content

Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 14 (39-41).

39. BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI

          Hỏi: Kính thưa Thầy, bản thể tuyệt đối là gì? Người xả tâm sạch có phải đạt được bản thể tuyệt đối hay không? Thỉnh Thầy chỉ dạy cho con được rõ.

          Đáp: Với trí hữu hạn của con người mà đòi hiểu “bản thể tuyệt đối” của vạn hữu cũng như dùng mắt thường mà muốn tìm thấy vi trùng trong ly nước. Do đó cả thế gian hiện giờ, người ta xây dựng bản thể tuyệt đối bằng “tưởng tri.”

Bởi vậy, con người với trí hữu hạn không hiểu, lại không chịu không hiểu, rồi dùng tưởng tri để hiểu, nên hiểu sai tất cả, mà cứ ngỡ rằng mình là hiểu đúng, rồi đem truyền dạy cho người khác cũng hiểu như vậy. Từ đó thế giới tưởng thành hình, mọi người ai cũng tôn thờ và cung kính, xem như một thế giới vĩnh hằng bất biến của loài người.

          Người xả tâm sạch không phải đạt được bản thể tuyệt đối, mà chỉ mới làm chủ tâm mình (ly dục ly ác pháp). Đối với đời sống hằng ngày không còn phiền não đau khổ, thương, ghét, giận hờn, hận thù, v.v… Trong bốn cái khổ của kiếp người, họ mới làm chủ được một cái, trên đường đi đến cứu cánh giải thoát, họ còn phải tu tập nhiều nữa.

          Bản thể tuyệt đối do các tôn giáo khác tưởng ra như: Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Bà La Môn, v.v… Riêng đạo Phật biết đó là tưởng tri của loài người và của các tôn giáo khác nên Ngài nhắm vào mục đích khác để giải quyết bốn nỗi khổ của kiếp người “sanh, già, bệnh, chết.”

Sau khi giải quyết bốn cái khổ của kiếp người xong thì Đức Phật xác định: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa.” Đến đây nếu ai có hỏi: Còn có cái gì không? Nếu nói còn tức là chấp thường, chấp ngã, nếu nói không thì chấp đoạn.

          Bởi vì trí hữu hạn của con người đừng nên hiểu xa hơn, mà chỉ biết tu tập như thế nào để thoát khổ của đời người là hạnh phúc lắm rồi. Theo mục đích của đạo Phật là như vậy, còn tìm hiểu thêm thì hiểu sai và hiểu sai thì lại sanh ra chấp đắm, tạo nhiều điều đau khổ và còn đau khổ nhiều hơn. Vì chính hiểu sai (vô minh) sự vật, nên đã lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là thật có, vì thế mới tạo ra muôn vàn đau khổ cho nhau.

          Bây giờ đã thoát khổ mà lại hỏi còn có hay không thì thật là điên đảo không còn chỗ nói được, đã giải thoát hết kiếp khổ của đời người mà hỏi có còn gì không. Chỗ này trí phàm phu, ai hiểu sao cứ hiểu, còn người tu đến đó, có trí vô hạn thì hiểu rõ ràng, kẻ không tu mà muốn biết, cố tìm hiểu cũng chỉ tưởng hiểu mà thôi (hiểu sai bét), và sự hiểu sai đó tạo ra sự mê tín, lạc hậu của những con người cổ xưa mà bây giờ chúng ta còn giữ mãi, không dám bỏ những cái sai đó, thật là ngu si điên đảo.

          Trong thời đại văn minh khoa học như thế này mà con người còn tin bản thể tuyệt đối. Cách đây 2548 năm Đức Phật đã xác định qua bài kinh “Pháp Môn Căn Bản.” Lúc bấy giờ con người còn lạc hậu, dân trí còn thấp kém, sự hiểu biết chưa có khoa học chứng minh cụ thể nên dùng tưởng tri quá nhiều, biến thành một thế giới siêu hình vĩ đại, điều khiển thế giới hữu hình, từ đó con người đã lạc vào thế giới mê tín, trừu tượng.

Còn bây giờ chúng ta như thế nào? Cũng sống trong tưởng tri nữa sao? Cũng lạc hậu như những người xưa nữa sao? Trong khi khoa học tiến triển hiện đại hóa đời sống con người mà còn dại khờ, ngu ngốc để kẻ khác lừa đảo, lường gạt lặp lại những bài vở lỗi thời.

          Đời sống con người đầy đủ vật chất tiện nghi, bệnh đau có bệnh viện, có bác sĩ chăm sóc, có thuốc thang đầy đủ, cớ sao lại còn lạc hậu mê tín tin vào cái thế giới siêu hình ấy để tự làm khổ mình và người khác, phỏng có ích lợi gì. Thật là ngu si vô minh không chỗ nói.

Chân lý của đạo Phật là gì? Là tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si là tâm không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, tức là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, là chân lý thứ ba của Phật giáo. Cho nên Phật và A-la-hán đều chứng đạt chân lý này chứ không phải bản thể tuyệt đối mơ hồ của ngoại đạo.

 

40. CHÁNH PHÁP, TÀ PHÁP

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có người bạn đồng tu luôn nhắc nhở con: tất cả mọi giáo lý của Thầy không được đưa ai xem.

          Thưa Thầy! Các bạn của con tuy chưa được quy y làm đệ tử của Thầy, nhưng tâm trí thường xuyên hướng theo pháp môn của Thầy thì con đưa những bài vấn đạo và giáo lý của Thầy có được không thưa Thầy?

          Đáp: Được, giáo lý và đường lối tu tập của đạo Phật đã bị ngoại đạo dìm gần như mất gốc. Hôm nay được Thầy tu tập, thấy có kết quả thật sự, giải thoát được tâm hồn của mình nên triển khai lại những lời Phật dạy chính gốc Nguyên Thủy để giúp cho người đời sau không còn tu hành lầm lạc.

          Hiện giờ người ta chỉ biết qua Phật giáo hữu ngã (Phật tánh), siêu hình (thế giới Cực Lạc, Niết Bàn), thần quyền (bùa chú), v.v… mang đầy tính chất mê tín, mơ hồ, trừu tượng, dị đoan, lạc hậu.

          Kinh sách phát triển Đại Thừa do các nhà học giả xưa và nay biên soạn theo tưởng giải của mình đã biến giáo lý của đạo Phật thành một giáo lý hỗn tạp đủ mọi loại pháp môn (84 ngàn pháp môn).

Nhìn đống kinh sách quá vĩ đại, kẻ tu pháp này, người tu pháp khác, nhưng nhìn lại cuối cùng chẳng ai tu đến đâu cả, càng ngày càng thấy tu sĩ sống bừa bãi, phi Phạm hạnh và phạm giới luật nhiều hơn, do đó sanh ra nhiều tệ hại trong Phật giáo, người tu sĩ không còn có đạo đức, thiếu Phạm hạnh, xem thường tín đồ chẳng hiểu gì về giáo lý của đạo Phật nên muốn giảng nói như thế nào tự do nói, nghĩa là xem tín đồ ngu dốt, ông thầy thuyết giảng gì cũng chẳng biết, bảo đúng cũng làm, bảo sai cũng làm, nói sao nghe vậy, chẳng dám cãi, chẳng dám sửa, chẳng dám nói. Đó là tín đồ Phật giáo hiện giờ.

          Sau mười năm mài miệt tu tập trong thất, gần chín năm trời tu Thiền Đông Độ nhưng không kết quả, đành trở về pháp môn Tiểu Thừa, tu tập “Giới, Định, Tuệ,” Tam Vô Lậu Học mà kinh sách phát triển Đại Thừa xem nó như là một pháp môn của ngoại đạo, cấm không cho tu sĩ (tỳ-kheo Tăng và Ni) tu học theo nó.

Nhưng, bắt đầu nghiên cứu và tu tập pháp môn này Thầy đã thấy có kết quả ngay liền. Một sự giải thoát thật sự của kiếp sống con người bằng cách sống đúng giới luật và hằng ngày tu tập “Tứ Chánh Cần” ngăn ác diệt ác, lìa xa lòng ham muốn vật chất thế gian.

Từ đó nhận xét rõ, tâm hồn sống thanh thản và an lạc, tâm gần như cục đất, chẳng biết thương ghét giận hờn ai hết. Tâm thường quay vô ít phóng dật, thân tâm ít muốn, biết đủ, luôn sống trầm lặng, thích thú độc cư, sống một mình mà an vui cả trời.

          Sau khi ra thất, Thầy triển khai giáo pháp Nguyên Thủy, nhưng sợ đụng chạm Đại Thừa, lúc đầu tùy thuận với họ nên Thầy cấm không cho lưu hành rộng rãi, vì thế bạn đồng tu của con nhắc nhở không cho ai xem là vậy.

Giai đoạn này thì khác, cần phải vạch rõ và làm sáng tỏ lại Phật giáo, con nên đưa những bài vấn đạo và giáo lý Nguyên Thủy mà Thầy đã triển khai để mọi người hiểu rõ về Phật giáo hơn.

 

41. TRÍ VÔ HẠN VÀ HỮU HẠN

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Xin Thầy dạy cho con hiểu trí hữu hạn và vô hạn?

          Đáp: Có lần Thầy đã giảng về trí hữu hạn và vô hạn rồi. Trí hữu hạn là sự hiểu biết có giới hạn, không vượt ra ngoài không gian và thời gian. Trí hữu hạn chỉ là sự hiểu biết trong thế giới hữu sắc mà thôi, sự hiểu biết còn bị hạn cuộc trong không gian và thời gian như trên đã nói, nên sự hiểu biết rất cạn cợt.

Vì thế, thỉnh thoảng các nhà khoa học tìm kiếm hay phát minh ra một vật thể gì mới lạ thì con người hết sức vui mừng. Đó là một bằng chứng cho biết trí hữu hạn, sự hiểu biết rất hạn cuộc. Đối với thế giới siêu hình, trí hữu hạn không thể nào hiểu biết nổi.

Phần đông, người ta dùng tưởng tri để hiểu biết, nên đã lầm lạc. Do đó, tưởng tri của con người cho rằng: con người có Linh hồn, Thần thức, Tiểu ngã, Phật tánh, Bản thể Vạn hữu, Đại ngã, Chơn Không, Chơn Như, v.v… Người chết oan ức, chết bất đắc kỳ tử, linh hồn không đi đầu thai được, không chỗ nương tựa, sống vất vưởng theo cây cao bóng mát, thành ma, thành quỷ, đói khát bắt bớ người còn sống, bệnh đau hoặc tai nạn để được cúng bái, tế lễ. Những người làm tướng xông pha trận mạc dẹp giặc bảo vệ non sông, đất nước, khi chết linh hồn thành Thần, thành Thánh. Những người bỏ thế tục ly gia cắt ái vào rừng sâu núi thẳm tu hành, đến khi chết linh hồn thành Tiên, thành Phật, v.v...

          Phải nói trí hữu hạn chỉ là sự hiểu biết của con người trong hạn cuộc không gian và thời gian. Ngăn sông cách núi thì không thấy, tương lai thì không rõ, quá khứ, cách một đời, hai đời thì không biết, không nhớ.

          Chỉ có trí vô hạn mới hiểu biết thế giới siêu hình, không gian và thời gian không còn hạn cuộc. Trí vô hạn tức là trí tuệ Tam Minh của nhà Phật. Muốn có trí vô hạn, chúng ta phải chịu khó tu tập, trau dồi thân tâm và xa lìa vật chất dục lạc thế gian, thường tránh xa các ác pháp (ly dục ly ác pháp).

          Người tu theo Phật giáo phải tu tập theo lộ trình “Giới, Định, Tuệ” và nhập bốn loại định hữu sắc, “Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền” tức là tịnh chỉ ngôn hành, tịnh chỉ khẩu hành, tịnh chỉ tưởng hành và tịnh chỉ thân hành. Khi đó thân định trên tâm, tâm định trên thân rồi hướng tâm đến Tam Minh, tâm đã viên mãn Tam Minh thì trí vô hạn mới có.

          Mục đích để đạt được trí vô hạn, hành giả phải nhập “Bất động tâm định.” Muốn nhập bất động tâm định, hành giả phải sống đúng giới đức và giới hạnh của đạo Phật. Nếu sống không đúng giới đức và giới hạnh, thì dù quý vị có tu pháp thiền định nào cũng chẳng có trí vô hạn, duy chỉ có pháp môn “Tam Vô Lậu Học” tu tập mới có trí vô hạn mà thôi.

Tam Vô Lậu Học là pháp môn chia làm ba giai đoạn tu tập hay còn gọi là ba cấp tu học trong chương trình giáo dục đào tạo của Phật giáo:

          1- Tu tập đức hạnh không làm khổ mình, khổ người tức là ly dục ly ác pháp.
          2- Tu thiền định tức là phải nhập từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền đến Tứ Thiền.
          3- Tu tập Tam Minh tức là hướng tâm đến Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.
          Sau khi tu tập xong ba giai đoạn này thì trí vô hạn hiện tiền.