Skip directly to content

Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 05

16. VÔ SỞ ĐẮC

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Trưởng giả Duy Ma Cật dạy Mục Kiền Liên: “Luận đến chỗ cứu kính của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào. Ví như ảo thuật sư làm ra người ảo, người ảo lại nói chuyện ảo. Phải xác lập ý thức kiên định như thế rồi mới thuyết pháp…; phải biết căn tánh chúng sanh lợi hay độn ...; phải lấy tâm đại bi mà khen ngợi Đại Thừa.”

          Con thấy Duy Ma Cật lý luận lòng vòng cuối cùng cũng trở về lối thuyết pháp vô ngôn của Đại Thừa, cũng giống như chuyện Đức Phật niêm hoa ngài Đại Ca Diếp vi tiếu trên đại Linh sơn nối tiếp chánh pháp của Phật. Thầy có thể giảng giải cho hàng sơ học như chúng con hiểu phần nào về lối thuyết pháp không nói không nghe này được không Thầy?

          Đáp: Lối thuyết pháp không lời:

         Có ai còn lạ gì Thiền Tông Trung Hoa: Bất lập văn tự; Giáo ngoại biệt truyền. Chỉ thẳng tâm người. Kiến tánh thành Phật.

          Có ai còn lạ gì Lão Trang: Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh giả danh phi thường danh.

          Phải không các bạn?

          Duy Ma Cật là một nhà nghiên cứu tập họp những tư tưởng của Phật, Lão, Nho và Bà La Môn thành lập một giáo lý Tối Thượng Thừa. Cho nên câu chuyện niêm hoa trên núi Linh Thứu, Tổ Ca Diếp mỉm cười… là khởi đầu cho những trang giả sử 33 vị Tổ sư thiền Ấn Độ và Trung Hoa, với mục đích là quét sạch Phật giáo Nguyên thủy ra khỏi tư tưởng tín đồ.

          Vì thế, Bồ Đề Đạt Ma dạy: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tư, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật.” Đó là ý đồ diệt Phật giáo đã hiện nguyên hình trong kinh Bất Tư Nghì mà nhân vật chính là ông Duy Ma Cật.

          Kinh sách Thiền Tông đều mang tư tưởng Lão Trang. Tư tưởng này xuất phát nơi đất nước Trung Hoa. Vì thế mới tưởng tri sinh ra 1700 công án trên giáo pháp thiền để thay thế kinh sách Nam Tông, chứ không phải kinh sách Bắc Tông, để chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật.

          Đó là lối dạy diệt ý thức để “vô phân biệt” làm cho ý thức tê liệt “Chẳng niệm thiện niệm ác.” Các thiền sư tưởng giải “Chẳng niệm thiện niệm ác” là thành Phật, là giải thoát nơi đó, là hết tham, sân, si, nhưng sự thật đó chỉ là một ảo tưởng Phật tánh.

          Đức Phật đâu có dạy kỳ lạ như vậy, đâu có dạy tu để làm Phật, đâu có dạy tu để nhập thiền định; đâu có dạy tu để có Tam Minh, Lục Thông; đâu có dạy tu ngồi thiền ba bốn tiếng đồ hồ; đâu có dạy tu để cầu vãng sanh Cực Lạc Tây phương; đâu có dạy tu tập để nhập vào cảnh giới Niết Bàn; đâu có dạy tu để lại nhục thân, xá lợi; đâu có dạy cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, cầu tài, cầu lợi, cầu cho biết ngày biết giờ chết; đâu có dạy lạy lễ hồng danh sám hối để tiêu tai, giải nạn, để được phước báu nhân thiên và để ngồi thiền hết vọng tưởng.

          Chính giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy tu tập để làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đó là mục đích chân chánh của đạo Phật giúp cho loài người thoát khổ, chứ không phải đạo Phật ra đời để hướng dẫn cho mọi người tu tập để thành Phật, để thành Thánh

          Thiền Tông và Đại Thừa đã hiểu sai mục đích của đạo Phật nên mới lừa đảo người khác bằng những lời nói “Vô sở đắc,” nếu có ai nói tu có chứng, có đắc là gạt ngang “chẳng có chứng đắc gì cả.”

          Cho nên ông Duy Ma Cật chỉ lập lại những ý nghĩ tư tưởng vô phân biệt:

          Luận đến chỗ cứu cánh của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết, người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào.

          Thiền Tông đã truyền thừa bắt đầu tại nước Trung Hoa khởi xướng từ Bồ Đề Đạt Ma và phát triển rộ nở từ Lục Tổ Huệ Năng. Nhưng loại thiền này là thiền miệng, thiền la, thiền hét, thiền đánh, thiền thoi và luôn luôn vấn đáp công án nghe thật kêu, nhưng thực chất tu hành không có giải thoát, chỉ rơi vào thiền tưởng ngôi lim dim như thi ma người chết, họ cứ tưởng đó là “Phật tánh.”

          Biết bao nhiêu người bỏ công sức tu hành, cuối cùng cũng chẳng ra gì, chỉ an trú trong một trạng thái tưởng không niệm. Cho nên thiền sư Thường Chiếu bảo:

          “Đó là bọn đại bịp.”

          Trước khi tịch, Tổ Pháp Loa bệnh đau rên:

           - Hừ! Hừ !!!

          Thấy thế Huyền Quang hỏi:

          - Sao Hòa Thượng rên?

          - Gió thổi qua khe trúc.

          Tu hành không làm chủ bệnh nên khéo trả lời che đậy “Gió thổi qua khe trúc,” câu trả lời thật là tuyệt vời bưng bít.

          Thiền Tông đã truyền thừa được sáu đời tại Trung Hoa từ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng và từ đây Thiền Tông phát triển theo kiểu biến dạng thành Tịnh Độ Tông, vì tu thiền không kết quả.

          Do đó Tổ Thiền Tông Tuệ Viễn thành lập Liên Trì Thư Xã sớ giải kinh Tịnh Độ. Đó là một hiện tượng báo động cho biết Thiền Tông tu hành chẳng đến đâu nên mới sinh ra pháp môn Tịnh Độ. Thiền Tông phát triển đến thiền công án và tham thoại đầu là con đường thiền chấm dứt, không còn phương thế nào phát triển hơn nữa được.

          Khi phát triển đến mức độ không còn phát triển được nữa thì lại sinh ra một hệ phái khác. Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông. Tất cả các hệ phái này đều là con đẻ của Thiền Tông.

          Cho nên kinh sách Đại Thừa là kinh sách phát triển theo kiến giải, tưởng giải của giáo pháp Bà La Môn Ấn Độ và của Thiền Tông Trung Hoa.

          Các Tổ sư Thiền Tông Trung Hoa rất khôn khéo, vì biết chắc tin đồ không tin ở họ nên soạn kinh viết sách đều gán cho Phật thuyết. Đó là có ý đồ lừa đảo phật tử bằng cách dùng thuật ngữ. “Thiền Giáo đồng hành,” có nghĩa là lấy Giáo tức là lời dạy của Phật làm niềm tin cho Thiền.

          Khi Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa đã tuyên bố: “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Chỉ thẳng tên người. Kiến tánh thành Phật.”

          Vì thế, Bồ Đề Đạt Ma diện kiến vua Lương Võ Đế.

           Nhà vua hỏi: “- Ai đang ở trước mặt Ta.”

          Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Không biết” nên bị vua Lương Võ Đế sai lính hầu đánh gãy răng và thả ông ra, cấm không cho truyền tà đạo (đạo không đúng đạo Phật) từ đó Bồ Đề Đạt Ma lên núi nhập thất, mai danh ẩn tích chín năm. Người ta gọi ông là ông Bà La Môn ngồi nhìn vách đá chín năm.

          “Diện bích cửu niệm;

          Đấng ngộ Bồ Đề.

          Dữ Chân Bồ Tát;

          Tề thành Chánh Giác.”

          Cho nên kinh Duy Ma Cật chỉ là một lập luận Phật tánh của Thiền Tông Trung Hoa chứ không có gì mới mẻ cả.

 

17. CÓ PHẢI TOÀN BỘ GIÁO PHÁP CỦA

PHẬT LÀ CHIẾC BÈ SANG SÔNG KHÔNG?

          Lời Phật dạy: Chư tỳ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các ông ví như chiếc bè là để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

Kinh Trung Bộ tập I tr.305 Kinh Ví Dụ Con Rắn

          Chú giải: Kinh sách phát triển thường cho giáo pháp của Phật như chiếc bè sang sông, như ngón tay chỉ mặt trăng. Nhưng sự hiểu biết giáo pháp tu hành của đạo Phật như vậy là hiểu biết không đúng, quá sai lệch.

          Trong kinh Trung Bộ tập I trang 305 kinh Ví Dụ Con Rắn, Đức Phật có dạy: “Chư tỳ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các ông ví như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

          Với những lời dạy này chúng ta phải hiểu cho đúng nghĩa, nếu không hiểu đúng nghĩa chúng ta dựa vào lời dạy này là chúng ta đã tự phỉ báng giáo lý của Phật. Từ xưa tới nay các vị Tổ sư Đại Thừa tu hành chưa tới nơi tới chốn, cứ dựa vào những lời dạy này mà bảo rằng:

          “Giáo pháp của Đức Phật như chiếc bè qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng” hoặc dùng câu: “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp.” 

          Các bạn đừng dựa vào những lời dạy này khi chưa hiểu nghĩa rõ ràng, chưa biết ý Phật muốn nói gì mà vội sử dụng những lời dạy đó cho là toàn bộ giáo pháp của Phật là chiếc bè sang sông là các bạn đã để lộ sự vô minh, ngu dốt của mình đối với giáo pháp của Phật.

          Các bạn chỉ là con chim học nói tiếng người. Khi nào các bạn tu chứng đạo, các bạn mới đủ trí hiểu biết những lời dạy của Phật, còn bây giờ xin các bạn hãy dựa cột mà nghe.  

          Kính thưa các bạn! Giáo lý của Phật là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người thì không thể nào gọi là chiếc bè sang sông hay ngón tay chỉ mặt trăng được.

          Ví dụ: Các bạn là một người chưa biết chữ, các bạn không đọc sách báo được. Bắt đầu các bạn vào học lớp một được thầy và cô giáo chỉ dạy từng chữ cái phụ âm, nguyên âm, rồi ráp lại thành vần, đọc lại thành chữ. Sau một năm học chữ như vậy, bấy giờ các bạn đã đọc được sách báo.

          Đọc được sách báo các bạn bảo rằng những chữ các bạn đã học được, đó là chiếc bè sang sông nên các bạn ném bỏ, không dùng những chữ đó nữa. Như vậy các bạn sẽ không đọc sách báo và trở về đời sống mù chữ như trước. Vậy giáo pháp của Phật có lợi ích gì cho các bạn, tu tập làm gì cho mất công, rốt cuộc rồi cũng ném bỏ.

          Cho nên những câu: “Giáo pháp của Đức Phật như chiếc bè qua sông”“Ngón tay chỉ mặt trăng”“Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp.” Chưa chứng đạo mà hiểu nghĩa những lời này thì các bạn chẳng hiểu gì cả. Những chữ vần đó sau thời gian học tập đã thấm nhuần trong các bạn, do thấm nhuần trong các bạn, nên các bạn mới đọc và viết lưu loát. Các bạn có biết chưa?

Các bạn mới bước chân vào đạo Phật thì giới luật là giáo pháp đầu tiên mà các bạn cần phải tu học. Phật giáo lấy giới luật làm đức hạnh cho Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ phật tử. Phật giáo có ba cấp học rất rõ ràng: “Giới, Định, Tuệ.” Như vậy các bạn đã biết giới luật là Phạm hạnh, là thiện pháp, là đức hạnh của con người.

          Ví dụ: Giới luật dạy các bạn đừng trộm cướp, tham lam, đừng tà dâm, đừng vọng ngữ, đừng uống rượu v.v… Các bạn cho những giới luật là chiếc bè, là ngón tay chỉ mặt trăng, cho nên khi đang tu hành, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám v.v... thì các bạn giữ gìn giới luật nghiêm nhặt. Khi hết giờ tu hành, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám thì các bạn bỏ giới luật, do bỏ giới thì các bạn phạm giới.

          Người tu sĩ hay người cư sĩ phạm giới thì sống không có đạo đức và như vậy cung cách sống của các bạn không còn ai kính mến. Nhưng các bạn cho những giới luật này là chiếc bè sang sông, khi các bạn tu chứng đạo thì các bạn không cần giữ giới luật nữa, từ đó bỏ nó như ném bỏ chiếc bè. Khi ném bỏ giới luật thì các bạn sẽ trở thành những người đầu trộm, đuôi cướp, những người nói láo, những người không chung thủy, những người ác giết hại chúng sanh gây án mạng giết người, những người rượu chè say sưa nằm đường ngủ bụi, ăn uống phi thời.

          Thưa các bạn! Những người tu chứng đạo mà còn sống phi đạo đức như vậy thì họ có khác gì những kẻ phàm phu tục tử, phải không các bạn?

          Các bạn có nhớ không: một Tế Công Hoà Thượng (Trung Hoa); một Thượng Sĩ Tuệ Trung (Việt Nam) đều là những người được gọi là tu chứng đạo, nhưng sống phi giới luật, chỉ lừa bịp người một vài thần thông tưởng mà được mọi người cho là chứng đạo thì thật là đau xót cho Phật giáo. Phật giáo không có những loại người chứng đạo như vậy, xin các bạn lưu ý cảnh giác những hạng người lừa đảo này.

          Giới luật là đạo đức, là thiện pháp, vì thế người tu sĩ và cư sĩ phải thâm nhập giới luật, giới luật là mình, mình là giới luật, có như vậy mới được gọi là ly dục ly ác pháp; mới được gọi là ngăn ác diệt ác pháp; mới được gọi là sinh thiện tăng trưởng thiện pháp; mới đựợc gọi là các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện.

          Khi thâm nhập như vậy mới được gọi là nhập lưu. Nếu các bạn xem giới luật là chiếc bè sang sông thì các bạn sẽ ném bỏ giới luật và ném bỏ như vậy tâm các bạn sẽ không bao giờ bất động. Nếu tâm không bất động thì làm sao các bạn gọi là nhập lưu được.

          Nhập lưu tức là các bạn nhập vào giới luật đấy các bạn ạ! Giới luật là các bạn, các bạn là giới luật, chừng đó các bạn mới được gọi là vào dòng Thánh. Cho nên giới luật của Phật được xem là chiếc bè, ngón tay chỉ mặt trăng là các bạn đã hiểu sai lầm. Các bạn hãy ném bỏ những tư tưởng này mà từ lâu đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Đại Thừa một cách tai hại.  

          Kính thưa các bạn! Những giáo pháp nào của Phật được gọi là chiếc bè sang sông? Kinh Ví Dụ Con Rắn đã dạy:

          Này các tỳ-kheo, có sáu xứ. Thế nào là sáu? Ở đây, này các tỳ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đi đến yết kiến các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, xem Sắc pháp: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi.” Xem Thọ… Tưởng… Hành… Thức…”

Kinh Trung Bộ t. 1 trang 307 kinh Ví Dụ Con Rắn

          Bài kinh dạy trên đây thuộc về pháp gì các bạn có biết không? Đó là Định Vô Lậu. Định Vô Lậu là một pháp môn trong những pháp môn mà Đức Phật cho là chiếc bè sang sông, gồm có như: Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm.  

          Ví dụ: Khi thân các bạn đau nhức ở đầu hay ở chân, lúc bấy giờ các bạn muốn cho đầu hay chân đừng đau nhức thì các bạn dùng đề mục thứ năm của Định Niệm Hơi Thở mà tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.

          Khi an trú hơi thở như vậy thì cảm thọ nơi chân và đầu của các bạn đang đau nhức khổ sở bỗng hết đau vì tâm các bạn đã an trú được trong hơi thở. Lúc bấy giờ đầu và chân của các bạn không còn đau nhức nữa thì các bạn xả hơi thở ra và không tác ý an tịnh nữa.

          Khi xả pháp Hơi Thở ra mà đầu và chân của các bạn không còn đau nhức, lúc bấy giờ các bạn sống thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là các bạn đã sang sông và các bạn đã bỏ luôn chiếc bè. Như vậy pháp môn Định Niệm Hơi Thở là chiếc bè.

          Còn pháp môn ở bài kinh trên đây là Định Vô Lậu, thuộc đề tài quán vô lậu “Quán thân ngũ uẩn vô ngã.” Khi tư duy quán xét tâm vô lậu không còn chấp ngã thì các bạn không còn tư duy nữa. Khi tâm các bạn không còn chấp ngã: “là ta, là của ta, là bản ngã của ta…” thì pháp môn vô lậu không còn dùng nữa. Không còn dùng nữa, cho nên Đức Phật cho nó là chiếc bè sang sông. Các pháp môn từ Định Niệm Hơi Thở... đến Tứ Thần Túc v.v… đều là những pháp môn thuộc về chiếc bè sang sông, còn những pháp không phải chiếc bè sang sông, đó là Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Niệm Xứ, Định Vô Lậu Sáng Suốt và Giới Luật.  

          Kính thưa các bạn! Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe chứ đừng bắt chước các Tổ sư Đại Thừa và Thiền Tông tu chưa chứng đạt chân lý, không thông hiểu mà cho tất cả giáo pháp của Phật là chiếc bè sang sông, là ngón tay chỉ mặt trăng thì thật là nông nổi, nếu có người tu chứng đạt chân lý thì họ sẽ biết rõ các Tổ sư tu hành chưa tới đâu và những kinh sách phát triển và Thiền Tông sẽ không còn giá trị đối với tín đồ Phật giáo.  

          Kính thưa các bạn! Kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy muốn hiểu thấu suốt nghĩa lý của nó, chỉ có những người tu chứng đạt chân lý như đã nói ở trên. Còn những người tu chưa chứng đạt mà nghiên cứu kinh sách Phật để hiểu biết thì sự hiểu biết đó sẽ trở thành sự hiểu biết của tà pháp ngoại đạo. Cho nên kinh sách phát triển của Đại Thừa là kinh sách của những người tu chưa chứng đạt chân lý biên soạn viết ra thành kinh sách. Tuy gốc nó từ kinh sách Nguyên Thủy của Phật giáo, nhưng khi kiến giải tưởng giải thành nhánh lá, nhưng lại nhánh lá của ngoại đạo.

          Chính những giáo lý nhánh lá này đã diệt mất nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người. Vì thế đạo Phật có tên mà đạo đức thì không còn nữa.

          Thật đáng tiếc thay!

          Thật đáng tiếc thay!!!