Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 04
Đáp: Pháp môn Bất Tư Nghì là một pháp môn tưởng của Đại Thừa do các Tổ tu tập thiền sai pháp, lạc vào thiền tưởng nên tuệ tưởng phát triển, từ đó các Tổ triển khai tưởng tuệ. Vì thế các pháp tưởng được thành lập trong kinh sách Đại Thừa.
Trong những pháp tưởng đó có pháp môn Bất Tư Nghì. Khi đạt được tưởng giải này các Tổ thấy sự hiểu biết của mình hơn cả Phật, nên dùng các pháp tưởng ấy bài bác chánh pháp của Đức Phật bằng cách lý luận siêu tưởng để diệt Phật giáo.
Cho nên Kinh Duy Ma Cật là một tác phẩm trong những tác phẩm của Đại Thừa ra đời là nhằm mục đích thực hiện ý đồ thâm độc để diệt giáo lý của Phật giáo. Đây các bạn lắng nghe ông Duy Ma Cật giới thiệu pháp môn Bất Tư Nghì:
1- Kinh Duy Ma Cật dạy: “Thiền giả không dính mắc Tam giới và thân tâm vẫn sinh hoạt mới là ngồi thiền.”
Lời dạy này đúng là lời dạy không nghĩ bàn được, vì đó là tưởng giải ra bất tư nghì nên vô nghĩa khiến cho ý thức không suy nghĩ được (vô phân biệt). Có thể nói lời dạy này vô lý. Vậy Tam giới các bạn có hiểu biết nghĩa của nó là gì không?
Theo các nhà Đại Thừa hiểu Tam giới là ba cõi giới (cảnh giới). Sự hiểu như vậy là hiểu theo tưởng giải. Hiểu ba cõi giới là hiểu ba cõi ảo tưởng các bạn ạ! Cho nên kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy Tam giới nghĩa lý như thật không mơ hồ ảo tưởng: “Tam giới tức là ba trạng thái trong thân tâm của con người.” Ba trạng thái trong thân tâm của con người gồm có:
1- Dục giới: Dục giới chỉ cho trạng thái ham muốn của con người.
2- Sắc giới: Sắc giới chỉ trạng thái của cơ thể con người.
3- Vô sắc giới: Vô sắc giới chỉ cho trạng thái tưởng của con người.
Ba cõi tức là ba trạng thái của một con người. Ba trạng thái trong một con người nên con người thường luân chuyển sống trong ba trạng thái này, không lìa rời nhau, không xa nhau nửa bước, lúc thì ở trạng thái này, lúc thì ở trạng thái kia, cho nên kinh dạy: “Luân hồi trong ba cõi.”
Bởi kinh Duy Ma Cật dạy câu trên đây không bao giờ thực hành được. Không bao giờ thực hành được là vì một con người mà không ở trong Tam giới thì ở đâu? Sinh ra làm người thì lúc nào cũng ở trong Tam giới. Ở trong Tam giới thường sinh hoạt mà nói rằng không dính mắc là không đúng. Chữ dính mắc của Duy Ma Cật dùng ở đây không đúng nghĩa.
Tại sao vậy? Chữ dính mắc phải được thay thế bằng chữ: “Ác pháp không tác động.” Vì thế câu này phải được viết lại: “Thiền giả sống trong Tam giới thân tâm vẫn sinh hoạt bình thường mà dục và ác pháp không tác động.”
Cho nên ba trạng thái này bảo rằng con người không dính mắc là không đúng nghĩa. Vì ba trạng thái này là ba trạng thái của một con người chứ không phải ba trạng thái là ba cõi như các nhà Đại Thừa hiểu.
Đức Phật đã xác định: “Không có cõi giới siêu hình thật, mà các cõi giới siêu hình chỉ là cõi tưởng (tưởng tri chứ không phải liễu tri).”
Lời dạy trong kinh Duy Ma Cật nghĩa lý không rõ ràng chứng tỏ ông Duy Ma Cật tưởng giải theo nghĩa lý của kinh sách Đại Thừa chứ chẳng có gì mới mẻ cả. Đó là một loại thiền tưởng của ngoại đạo.
Phật giáo Nguyên Thủy không có những loại thiền này. Cho nên lời nói của ông Duy Ma Cật không có giá trị tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chỉ là lời nói suông mà thôi, dạy mà không có pháp hành: “Thiền giả không dính mắc Tam giới và thân tâm vẫn sinh hoạt mới là ngồi thiền.”
2- Duy Ma Cật dạy: “Sinh hoạt trong bốn oai nghi như bình nhật mà không rời Diệt Tận Định.”
Kính thưa các bạn! Duy Ma Cật hiểu Diệt Tận Định như thế nào mà dám bảo: “Sinh hoạt trong bốn oai nghi như bình nhật mà không rời Diệt Tận Định.” Cư sĩ Duy Ma Cật dám nói câu này chính là cư sĩ đã lộ sự vô minh của mình cho người khác biết, giống như kẻ vạch lưng cho người xem thẹo. Vậy Diệt Tận Định nghĩa là gì?
Diệt Tận Định là một loại thiền định bất động cả thân lẫn tâm. Vì thiền này diệt các cảm thọ và các tưởng như vậy thân ngồi bất động. Thân ngồi bất động thì làm sao sinh hoạt trong bốn oai nghi được. Phải không các bạn?
Có lẽ ông Duy Ma Cật không hiểu thiền Diệt Thọ Tưởng Tận Định là gì nên đã nói theo kiểu tưởng giải của mình để gọi là pháp môn Bất Tư Nghì. Như vậy pháp môn Bất Tư Nghì chỉ là lời nói “xạo”; nói dối, nói như mình hay nhưng kỳ thực là lời nói xảo ngôn, nói lừa đảo lường gạt người.
Như vậy ở đời ai nói một việc gì vô lý là pháp môn Bất Tư Nghì hết sao?! Chỉ có những người vô minh mới ca ngợi những lý luận ảo tưởng đó. Người có minh thì không bao giờ chấp nhận.
Cho nên 62 luận thuyết của ngoại đao Bà La Môn thời bấy giờ Đức Phật không chấp nhận và đã bác sạch những lý luận đó. Những lý luận của Bà La Môn là những lý luận tưởng. Những gì ông Duy Ma Cật đã dạy trong kinh Duy Ma chỉ là nhai lại bã mía của kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông, chẳng có gì mới mẻ cả.
3- Duy Ma Cật dạy: “Làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không sao lãng đạo pháp.”
Lời dạy như vậy có đúng không thưa các bạn? Lời dạy như vậy chỉ là những lời dạy cho những người bị bệnh tưởng, những kẻ đồng bóng, chứ những người bình thường thì không ai tin lời dạy này, vì làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không sao lãng đạo pháp thì chẳng có ai làm được.
Lời dạy này không thể sống và tu tập được. Lời dạy này không thể sống và tu tập được là pháp môn Bất Tư Nghì ư! Vậy thì pháp môn Bất Tư Nghì của ông Duy Ma Cật để làm gì? Có ích lợi gì cho đời? Nói để tranh hơn thua cao thấp với những người khác ư?!
“Đây là pháp môn không thể nghĩ bàn, không có pháp nào cao hơn được.” Pháp môn như vậy chỉ là lời nói lừa đảo người khác mà thôi.
Ai cũng ca ngợi kinh Duy Ma Cật nhưng có ai tu tập được như kinh Duy Ma Cật dạy chưa? Kinh Duy Ma Cật là kinh vọng ngữ, kinh nói không đúng sự thật. Trong khi kinh sách Phật giáo dạy những gì đều đúng như thật nên giáo pháp của Phật được gọi là Chân lý.
Cho nên bài pháp đầu tiên của Đức Phật gọi là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế tức là bốn sự thật của loài người. Phật không lừa đảo con người, từ bỏ sự giàu sang danh lợi, còn Tổ chuyên lừa đảo người khác để cất chùa to Phật lớn làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người phật tử
Như các bạn đã biết Phật pháp là phải lìa tâm dâm dục, thế mà sống trong tâm dâm dục lại không lìa Phật pháp. Lời dạy như vậy các bạn cứ suy ngẫm có đúng không? Hay ông Duy Ma Cật là một người trí óc bất ổn. Phải không các bạn?
4- Duy Ma Cật dạy: “Tâm không cột vào trong cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền.”
Câu này ông Duy Ma cật dạy đúng nghĩa theo Phật giáo Nguyên Thủy. Khi tâm không phóng dật thì tâm không cột vào trong và cũng không tản mạn ra ngoài, như vậy câu này đâu phải là pháp môn Bất Tư Nghì. Vì lời dạy này còn nghĩ bàn được. Phải không các bạn? Còn nghĩ bàn được thì đâu được gọi là pháp môn Bất Tư Nghì.
Như vậy rõ ràng lời dạy của ông Duy Ma Cật không nhất quán, tự nó mâu thuẫn với nhau. Có đúng không các bạn?
Như vậy bộ kinh Duy Ma Cật chỉ là một bộ kinh góp nhặt cát sạn của Đại Thừa mà bài bác vàng bạc châu báu của Phật giáo Nguyên Thủy thì làm sao bài bác được, chỉ có những người lọt vào tưởng tuệ nên mới chấp nhận những pháp môn ảo tưởng đó, chứ người có trí hiểu biết một chút thì không bao giờ chấp nhận. Xem bộ kinh Duy Ma Cật như một bộ môn tiểu luận lừa đảo.
Các bạn nên đọc lại lời dạy này: “Tâm không cột vào trong cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền.” Câu này mang đầy đủ ý nghĩa giải thoát của Đức Phật, khi Ngài thành Chánh giác đã tuyên bố như sau: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật.”
5- Duy Ma Cật dạy: “Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị thuyết, bao nhiêu chuyện mê tín hoang đường mà tâm không lay động, không bị mê hoặc cám dỗ siêu lòng, vững tâm trong 37 phẩm trợ đạo …”
Câu này dạy đúng, có ý nghĩa suy tư đầy đủ của tâm bất động thiền định, như vậy câu này đâu phải là pháp môn bất tư nghì. Phải không các bạn. Câu này có ý nghĩa tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ.
6- Duy Ma Cật dạy: “Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn mới là ngồi thiền.”
Bản chất con người là phiền não, đó là chân lý thứ nhất (Khổ đế) mà Đức Phật đã xác định. Đoạn trừ phiền não là chân lý thứ tư (Đạo đế), nếu không đoạn trừ phiền não thì làm sao có Niết Bàn. Còn Niết Bàn là chân lý thứ ba (Diệt đế).
Cho nên câu: “Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn mới là ngồi thiền.” Nếu ai đã học về bốn chân lý của Phật giáo thì đọc câu này các bạn sẽ có cảm nhận về ông Duy Ma Cật là người kiến giải chứ chưa có thực hành tu tập. Vì thế ông chưa hiểu Niết Bàn của Phật giáo, ông chỉ hiểu Niết Bàn của ngoại đạo, Niết Bàn của ngoại đạo là một cảnh giới siêu hình.
Niết Bàn có nghĩa là không có phiền não, không phiền não tức là Niết Bàn. Cho nên câu nói của ông Duy Ma Cật dường như Niết Bàn và phiền não là hai. Ý của ông nói cứ để phiền não bình thường, không cần đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn.
Xin lập lại câu nói của ông: “Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn.” Vì thế, ông Duy Ma Cật cho Niết Bàn là một cảnh giới siêu hình ở đâu chứ không phải chỗ tâm không phiền não.
Hiểu như ông, Niết Bàn là một cảnh giới của chư Phật chứ không phải là một trạng thái của tâm con người.
Các bạn lắng nghe chân lý thứ ba của Phật giáo là một trạng thái tâm con người không còn tham, sân, si. Không còn tham, sân, si mới gọi là Diệt Đế. Diệt tức là diệt hết sự đau khổ phiền não. Hiểu Phật giáo như ông Duy Ma Cật là hiểu Phật giáo theo nghĩa của Bà La Môn. Hiểu theo nghĩa của thế giới siêu hình.