Skip directly to content

20- PHƯỚC TỐT NHẤT LÀ PHƯỚC GIẢI THOÁT

2006 CHÁNH TƯ DUY 20- PHƯỚC TỐT NHẤT LÀ PHƯỚC GIẢI THOÁT

2006 CHÁNH TƯ DUY 20

PHƯỚC TỐT NHẤT LÀ PHƯỚC GIẢI THOÁT

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 22/03/2006

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [21:32]

Số lượng: 20 băng

Tên cũ: CTD08-(Nm)-GiữĐộcCưSẽÐemLaiBìnhAnRấtLớn-SáchTấnTuHành-XảTâmRồiSẽTrởVềTNX(22-03-2006)

Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/2006-chanh-tu-duy-20-phuoc-tot-nhat-la-phuoc-giai-thoat.mp3

1- HẠNH ĐỘC CƯ MANG LẠI BÌNH AN RẤT LỚN

(00:00) Để dựng lại cái chánh pháp, đem lại cái nền đạo đức cho loài người, mà mấy con cứ không có giữ hạnh không đúng như ước ao của Thầy, thành ra cái mộng mấy con cực lắm.

Cho nên thấy mấy con mà nỗ lực tu, giữ trọn độc cư là Thầy mừng lắm. Mà đem lại cái sự bình an cho mấy con tu rất lớn. Bởi vì giữ hạnh độc cư là giới luật, nó luôn luôn, nó bao cái Tu viện chúng ta, nó đem lại sự bình an, nó không có bị động. Còn chúng ta nói chuyện là nó sẽ bị động rất lớn, là khó tu tập lắm.

Con ngồi xuống đi con, Nguyên Tịnh ngồi xuống đi. Còn bên kia mấy con có thưa hỏi Thầy gì không con? Các con có lỗi lầm gì cứ thưa hỏi Thầy, còn không thì thôi, ráng về tu, chứ không có gì hết con.

Tu sinh: Thưa Thầy, từ hôm trước cho đến nay thì con xuống đây, thì con cũng có lỗi lầm rất nhiều. Con nghĩ là tại lương tâm của mình, thấy mình cũng có nhiều sai sót. Có gì hôm nay con đi hối lỗi với Thầy, con cũng hứa với lương tâm là chỉnh đốn lại đàng hoàng, để sửa chữa lại bản thân mình. Bước tiếp theo thì con ráng tu Tứ Niệm Xứ cho tốt rồi vô đây gặp Thầy.

Trưởng lão: Được rồi con, ráng cố gắng đi con. Mấy con phải cố gắng giữ gìn ít nói chuyện. Trong khi làm việc chung nhau, đừng nói gì hết, làm công việc cứ làm. Có điều kiện gì thì lấy cái cây hoặc cái búa, cái đục, cái đinh phát ra thôi. Mình không có nói chuyện gì ngoài đời, mà cũng không nói chuyện gì trong cái sự tu tập nữa.

Chỉ khi nào cần thiết hỏi những phương pháp tu thì cứ hỏi thẳng Thầy thôi. Huynh đệ mình có hỏi cũng nói qua nói lại, cũng bao nhiêu đó thôi. Nhiều khi người này hiểu đặc tướng của mình nói ra, rồi người kia tu nó trật, nó sai, nó không đúng. Cho nên những cái gì mà cần biết tu tập đúng sai thì đừng hỏi với nhau. Mấy con hỏi với nhau là mình tu không được, người khác tu không được. Còn con thì trong chùa, thì chắc chắn là nó sẽ bị động, nên cố gắng khắc phục hết, mình đừng cho bị động.

(2:46) Tu sinh 1: Thưa Thầy cũng cả năm rồi mà con không biết pháp hành của con đúng hay sai, con cũng không biết. Mà pháp hành con để quên ở nhà, để cho Thầy coi sao cho con tu cho nó đúng. Nhưng mà Thầy giảng thì con không có nghe, nhưng mà khi con tu thì đủ thứ tiếng kêu ở trong lỗ tai: tiếng hát, tiếng rên, tiếng la, cũng đủ thứ hết…​ Xin Thầy chỉ cho con, dạy cho con.

Trưởng lão: Buổi chiều hai giờ, con đến đây gặp Thầy. Thầy kiểm tra lại, rồi Thầy phát hiện âm thanh trong tai con là những cái chướng nghiệp, cái chướng duyên gì, hoặc là con do tu sai mà nó thành ra Thinh tưởng. Để rồi Thầy dạy cho con cách thức phá, để biết cách tu. Chứ không khéo rồi ngày qua tháng lại nó trôi mất đi. Rồi tu theo cái hiểu biết của mình, nó sẽ đi lạc đường, nó lầm lỗi rồi uổng phí một cuộc đời, uổng phí công sức tu mà nó chẳng được gì. Cho nên hai giờ chiều nay con đến chỗ này gặp Thầy. Thầy sẽ kiểm điểm riêng một mình con, rồi Thầy sẽ giúp, để uổng phí cuộc đời con lắm. Lớn tuổi rồi, không còn lâu nữa đâu. Nhớ chiều nha con, chiều đến đây, Thầy sẽ giúp cho.

Còn riêng con, con tu hành hôm đó tới nay sao con?

Tu sinh 2: Con thấy khi nào nếu tâm mình yên thì nó đỡ đỡ một chút. Mà tâm không yên thì nhiều khi nhiếp tâm chưa được.

Trưởng lão: Con phải kiểm điểm lại qua những cái pháp tu tập coi nó ra sao. Chứ không khéo tu nó dậm chân tại chỗ mất, nó không tiến đâu. Chứ nếu mà nó tiến được thì nó tiến dữ lắm, mà nếu nó không tiến được thì nó đứng chựng đó.

(4:52) Lúc thì còn hôn trầm, lúc thì nó còn niệm khởi, lúc thì yên yên được chút. Cho nên coi chừng để chỉnh đốn lại cái pháp tu và xem xét lại qua những cái giới hạnh của mình. Coi nó còn sơ sót cái gì mà cố gắng khắc phục lại. Con cố gắng khắc phục thì mới tu được, chứ không khéo uổng hết một đời người cũng mang tiếng tu mà không có được những gì, uổng lắm.

Tu sinh 2: Sau khi tỉnh được chừng nửa tháng, rồi quay qua quay lại vài ngày thì hôn trầm bắt đầu tấn công.

Trưởng lão: Cái điều đó phải kiểm nghiệm lại, chứ còn cái sức tỉnh thì luôn luôn lúc nào nếu mà tỉnh thì càng lúc nó càng đi tới nó tỉnh, chứ nó không có lui. Mà nó mà lui, lúc được lúc không, thì coi chừng nó có sai pháp đó, tu có trật chỗ nào đó, chớ không phải không đâu. Và kiểm điểm lại cho lúc nó càng đúng cách thì chắc có lẽ là tiến bộ. Nhất là cái Giới luật, cái Đức hạnh đó con, khó lắm, phải giữ cho trọn, kỹ lưỡng hẳn hòi. Nhứt là cái Giới luật, thứ hai là phòng hộ mắt - tai - mũi - miệng - thân - ý, đừng có nhìn ngó vào thất ai. Đừng có quan tâm đến người khác mà chỉ lo cho mình, thì tâm nó sẽ không bị phóng dật. Mặc dù là nó phóng dật qua thất người khác, nhưng mà điều kiện nó cũng gây cho mình, mặc dù là không nói chuyện, chứ nó cũng gây cho mình bất an ở trong tâm. Và nó trồi sụt là cũng do cái tâm mà mình không phòng hộ sáu căn mắt - tai - mũi - miệng - thân - ý của mình. Phải cố gắng về vấn đề đó cho nó cụ thể hơn thì con sẽ tu rất tốt.

Còn riêng Mật Hạnh thì con cố gắng ở trong thất nỗ lực tu, con. Bởi vì không tu thôi, mình tu thì quyết phải làm kỳ này sẽ tu tập cho được, cho tới nơi tới chốn. Giờ giấc thì Thầy thấy con rất đúng, nghiêm chỉnh, giờ nào ra giờ nấy, giờ ngủ ra giờ ngủ, giờ thức ra giờ thức. Có cái điều kiện là phải sống độc cư cho trọn vẹn hơn chút nữa, thì cái sự tu tập xả tâm của con sẽ tiến bộ nhiều. Dẹp bớt hết những cái tham, sân, si của mình xuống hết, thì con đường tu nó sẽ mau lắm, chứ không có lâu đâu. Cố gắng đi con, để không phí hết cuộc đời của mình.

Còn riêng con, con…​

2- TÂM VÔ LẬU CHẤM DỨT TÁI SANH LUÂN HỒI

Tu sinh 3: Mô Phật. Bạch Thầy, không biết con tu làm sao, pháp tấn công hay sao mà trong mình mẩy nó ngứa quá.

(7:30) Trưởng lão: Con bị ngứa hả con?

Tu sinh 3: Dạ ngứa, mà đi xét nghiệm thì không có gì hết.

Trưởng lão: Có lẽ là một là cái nhà của con bị bụi bặm không? Hai là nếu mà có không có thì có thể do hành một cái pháp mà cái thọ hành nó làm con ngứa. Khi con không tu thì có ngứa không?

Tu sinh 3: Nó ngứa làm cho mình không tu được.

Trưởng lão: Không tu được. Nghĩa là có tu cũng ngứa mà không tu cũng ngứa?

Tu sinh: Khi không tu thì nó đỡ, đi Thân Hành Niệm thì nó không ngứa, nhưng mà buông Thân Hành Niệm ra thì ngứa.

Trưởng lão: Như vậy là cái bệnh do cái bệnh ngứa, chứ không phải là do cái pháp tu. Khác pháp tu là khi con không ôm pháp thì nó không ngứa, mà ôm pháp vô tu thì nó phát hiện ra, cái đó gọi là Thọ hành. Thực hành pháp thì cái cảm thọ ngứa do nó sanh ra. Còn mình ở đây thì con tu ôm cái pháp Thân Hành Niệm vô tu, thì nó lại không thấy ngứa mà xả ra thì ngứa, đó là do cái bệnh.

Coi chừng con bị nóng gan con, có thể không? Phải xem xét kỹ lại về cái vấn đề đó, còn nếu không thì con phải ôm pháp, con đẩy lui nó. Có đủ lòng tin thì mình đẩy lui nó được, chứ bây giờ mấy con chưa có đạo lực đâu, cho nên nó rất khó. Con hãy dùng cánh tay con sẽ đẩy lui bệnh, con nhắc: "Thọ là vô thường, cái bệnh ngứa trong thân con phải lui ra, không có được ngứa nữa. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô".

Rồi con cứ tác ý như vậy, cứ năm lần. Bên tay đây năm lần thì bên tay kia năm lần, rồi con tác ý lại một lần: "Thọ là vô thường, cái bệnh ngứa nơi thân này phải đi không được ngứa nữa, cơ thể phải bình thường không có ngứa. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô". Nghĩa là con chịu khó tu tập pháp đó, ôm cái pháp đó đẩy lui bệnh. Dù bây giờ con biết con có bệnh ngứa rồi, thì con ôm cái pháp đó con tu tập một tuần lễ. Cứ tu khoảng ba mươi phút thì con nghỉ. Con nghỉ rồi cái khoảng ba mươi phút rồi con tiếp tục con tu. Trong ba mươi phút nghỉ, thì nó có chướng ngại gì đó, thì con tác ý, con đuổi những cái tâm con, cái niệm gì đó thì con đuổi cái tâm con bằng tư duy suy nghĩ.

(9:56) Vì con đến trễ, con không có học được cái lớp Chánh Kiến. Cho nên con tùy theo, hiện bây giờ con hiểu nhân quả, con hiểu các pháp vô thường, các cảm thọ vô thường. Do đó, con tùy theo đó mà con tư duy con xả những cái niệm đó ở trong tâm con. Còn về cái phần bệnh ngứa con, thì con dùng cánh tay mà con cứ nghĩ ba mươi phút, rồi tiếp tục tu ba mươi phút, thì cũng dùng cái này thôi đừng có tu các pháp khác. Chừng nào đẩy hết cái bệnh ngứa rồi thì con mới tu các pháp khác.

Vì bệnh ngứa con nó là cái chướng nghiệp, cho nên con tu pháp khó lắm. Vì vậy mà con chỉ dùng pháp mà đẩy lui bệnh thôi. Tức là phá hết cái phiền não, cái đau khổ trên cái thân ngứa của con thôi. Đó thì con cứ chuyên nó, thì một thời gian, tuần lễ nó sẽ hết. Bền chí, đừng có sợ nó mà pháp không hết đâu. Nó sẽ hết, cái gì nó cũng đẩy lui được hết à. Nhưng mà phải bền chí, phải đủ niềm tin, phải hàng ngày tập luyện thì nó sẽ được kết quả.

Tu sinh 3: Con sợ những cái này là dị ứng ngoài da, cái xà bông mà tắm…​

Trưởng lão: Thì Thầy muốn hỏi đó là nếu mà cái thất nó bị ấy đúng đó thì mới dùng xà bông. Còn nếu mà nó bệnh trong gan thì phải uống thuốc. Chớ có xài xà bông.

Tu sinh 3: Nếu mà bệnh gan là phải dị ứng nhiều hơn.

Trưởng lão: Nó dị ứng.

Rồi còn Thanh Trí, con. Bây giờ con thì rất bận, cho nên cũng ráng có những thời giờ bỏ ra thì giờ mình cố gắng, mình tập tu trong những giờ mình tập con. Chứ đừng có phí, mình lo làm riết, rồi mình bỏ, mình không tu thì uổng lắm.

Tu sinh Thanh Trí: Dạ thưa Thầy, pháp Tứ Niệm Xứ con vô không được, chắc giờ con chuyển qua pháp Xả.

Trưởng lão: Pháp Xả, con. Thí dụ như chẳng hạn nào như con tu pháp Xả, con tu Tứ Niệm Xứ không vô, con tu pháp Xả là tốt nhất. Trong buổi tối, con sẽ dành cho nó chừng khoảng độ ba mươi phút con tập. Buổi khuya con cũng vậy, rồi con làm việc, có vậy thôi để mà tập luyện xả.

Ngồi chơi để coi suốt ba mươi phút, coi tâm mình nó có niệm gì? Thân mình nó có chướng ngại gì? Rồi mình dùng các pháp mình xả, đẩy lui nó thôi, cho nên nó không có tập trung. Cho nên nó dễ dàng lắm con, nó không khó. Mà phải tập, để nó đủ duyên đó. Khi nào mà đủ duyên rồi thì mình sẽ vào trong thất, mình sống trọn vẹn độc cư phòng hộ. Để mình nỗ lực, mình đi cho tới nơi tới chốn, để uổng phí cuộc đời.

(12:33) Mặc dù là con có công phổ biến cho mọi người biết được Chánh pháp, biết được con đường đi mà Thầy dạy. Nhưng mà cái công đó nó cũng không có lợi ích bằng cái mà tâm Vô Lậu của con, cái phước báu lớn vô cùng. Nó vô lậu là nó không còn khổ đau, nó chấm dứt tái sanh luân hồi.

Cho nên con cũng có những lúc con cũng phải tư duy, suy nghĩ mình phải ráng tu tập. Bởi vì cái pháp mà quán thân, nó có cái sự nhìn lại cái thân của nó, cho nên nó bị ảnh hưởng. Trước kia con tu tập, cho nên nó dễ sanh ra những cái trạng thái tưởng.

Cho nên bây giờ tu pháp xả thì dễ lắm, nó không có gì hết. Có niệm thì xả, có cảm thọ thì xả, chứ không có gì. Xả bằng tri kiến, xả bằng pháp tác ý, con có pháp rồi không sợ nữa. Cho nên ngồi chơi, ít ra mình cũng dành một buổi mình ngồi chơi một tiếng. Rồi mình coi thử coi thân tâm mình nó như thế nào để xả thôi. Có vậy, con nỗ lực con, đừng phí. Dù sao đi nữa một ngày mình cũng có được một giờ, hai giờ trong bốn thời. Thì sáng, trưa, chiều, tối khuya, con ít ra cũng được bốn tiếng đồng hồ tu, nó không đến nỗi đâu con.

Nhớ lời Thầy, rồi mình lo mình làm sẽ đem lại sự lợi ích cho mọi người, truyền lại những cái Chánh pháp cho mọi người biết. Nếu không có con thì thật sự ra thì cũng khó có mọi người biết được cái tin tức, biết được những cái lời Thầy dạy đâu. Nếu không có con đưa lên mạng thì chắc ít có người biết tới. Thầy thì không có thời giờ mà làm công việc đó được.

Thành ra đây cũng là cái duyên phước. Nhưng mà dù sao đi nữa cái phước tốt nhất là cái phước giải thoát cho chính bản thân con. Cái phước đó phước lớn nhất. Vì vậy mà nếu phước đó mình không tu thì chắc không bao giờ có, nên đòi hỏi phải ráng tu. Cho nên con qua bên khu đó con ở, Thầy thấy nó yên rồi, nên ráng mà nỗ lực tu.

Sau đó thì nó còn có những cái duyên để mà chúng ta được yên ổn tu hơn nữa. Rồi có những người trợ giúp làm việc nhiều hơn nữa. Để con đường Phật pháp được chấn chỉnh và được phổ biến rộng, để giúp cho mọi người thông suốt được Chánh pháp của Phật. Thì những gì khó khăn đầu tiên, thì con về đây với Thầy đều là gánh vác những cái khó khăn, những cái sự cực nhọc hết sức. Thầy nói rằng phải có người trợ giúp với nhau thì đỡ lắm. Này có mình con thôi, không còn có người nào giúp. Cho nên ráng cố gắng con, nhớ lời Thầy đừng bỏ cái thời gian tu. Trong buổi ít ra con cũng được ba mươi phút hay một giờ, thì Thầy mừng lắm.

(15:18) Tu sinh Thanh Trí: Dạ. Con hứa sẽ thực hiện theo lời dạy của Thầy.

Trưởng lão: Ừ.

3- XẢ TÂM RỒI SẼ TỰ TRỞ VỀ TỨ NIỆM XỨ

Trong các con mà người nào tu pháp Tứ Niệm Xứ mà bị ức chế, nó có chướng ngại thì mấy con đừng có tu pháp Tứ Niệm Xứ, mà tu Tâm Xả mấy con. Xả tâm, mình ngồi tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Mình ngồi chơi không tu pháp nào hết. Nhưng mà luôn luôn tỉnh thức, quán xét thân tâm mình, có thì mình xả, không có, thôi ngồi chơi. Ngồi chơi suốt ngày, cũng không có ai rầy rà gì mình hết đâu. Nhưng mà có chuyện gì ở tâm mình, ở thân mình, ở các cảm thọ, các ác pháp bên ngoài tác động vào, đều là mình có đủ pháp ngăn chận, mình xả nó được ngay. Cho nên vì vậy mà tu pháp Xả rất là dễ, không bị ức chế chút nào, không trụ tâm chỗ nào cả hết.

Cho nên nó không có chướng ngại chút nào hết. Nhưng khi mà xả hết rồi thì tâm mình nó quay trên thân nó, tự nó định trên thân nó. Thì lúc bấy giờ chúng ta không muốn tu Tứ Niệm Xứ, thì Tứ Niệm Xứ nó sẵn sàng nằm trước mặt chúng ta rồi, thì trong tầm tay chúng ta nắm được rồi. Do đó chúng ta không còn bị ức chế nữa. Thì chúng ta giữ gìn cái Tứ Niệm Xứ đó mà chúng ta đạt được kết quả cuối cùng của sự tu tập, chứ không gì hết. Bởi vì con đường Chánh pháp của Phật dù sao đi nữa, chúng ta cũng trở về Tứ Niệm Xứ của chúng ta thôi, không có đi ra khỏi Tứ Niệm Xứ đâu.

Cho nên đầu tiên chúng ta cũng trên Tứ Niệm Xứ mà tu Tứ Chánh Cần. Những cái pháp mà tu trên Tứ Niệm Xứ như đi kinh hành cũng trên Tứ Niệm Xứ mà tu, chứ đâu phải ngoài Tứ Niệm Xứ mà tu đâu? Rồi cuối cùng thì Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ để nhiếp phục tham ưu, thì đó là nó phải là nhu nhuyễn, thuần thục lắm mới đi tới Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ. Tức là cái giai đoạn cuối cùng của Tứ Niệm Xứ.

(17:32) Vậy hôm nay các con được thọ hưởng pháp của Phật như vậy mà không ráng tu thì rất uổng mấy con, phải cố gắng. Mỗi đứa đều hứa với Thầy cố gắng để đền đáp ơn Phật, ơn Thầy, chứ Thầy biết làm sao hơn? Chỉ mấy con có lòng thành trước Phật, trước Thầy, xin hứa con sẽ cố gắng con thực hiện. Đời sống con, con đã coi như là con đã hy sinh cho Phật pháp hết rồi. Mà nếu mà con thực hiện không đúng thì cái đời sống hy sinh con chẳng có nghĩa lý gì hết.

Con hy sinh, con phải thực hiện cho đúng Chánh pháp của Phật, như lời Thầy dạy, thì chắc chắn mấy con không phụ ơn Thầy, không phụ ơn Phật đâu. Mấy con sẽ làm được. Mấy con phải cố gắng. Không khéo cuộc đời mấy con không biết đi đường nào? Lang thang muôn nẻo mà không biết đi về đường nào để đến đích cuối cùng của sự giải thoát này. Thầy chỉ hướng dẫn mấy con, mà mấy con không tu thì thôi, Thầy cũng đành chịu. Cho nên phải ráng cố gắng nha con, mỗi đứa đều cố gắng cứu mình.

Đến đây thì coi như là không còn gì nữa, mấy con đã sám hối thì phải cố gắng giữ gìn. Từ đây về sau đừng phạm phải độc cư nữa mấy con. Đừng vui gì trên đời này nữa mấy con. Ăn ngày một bữa để sống, có gì ăn nấy, không khen ngon, khen dở. Ăn để sống, để tu mấy con, để ra khỏi nhà sanh tử, để chấm dứt luân hồi, để không còn khổ đau nữa, đó là cái điều quan trọng rất lớn cho kiếp người. Phải ráng, Thầy mong như vậy lắm. Rồi bắt đầu bây giờ mấy con trở về lo tu tập.

Tu sinh 5: Dạ thưa Thầy, con tu tiếng đầu thì bắt đầu thấy tâm thanh thản lắm. Con để đó không tác ý gì nữa, nhưng khoảng chừng mười phút hay hai mươi phút sau thì bắt đầu tâm phát khởi niệm. Con quay qua tác ý thanh thản được không Thầy?

Trưởng lão: Không được. Để chiều, buổi chiều hai giờ đến đây Thầy chỉ dạy con tu. Con nói như vậy là để Thầy kiểm tra kỹ lại hết, rồi Thầy sẽ giúp cho. Bây giờ mấy con cứ về, rồi chiều Thầy kiểm tra lại. Thầy chịu khó không có sao đâu. Còn mấy con thì cứ về tập tu, như những cái pháp của mình đã tu. Yên tâm, có gì thì đến xin gặp Thầy, Thầy sẽ dạy cho. Yên tâm đi mấy con, bây giờ mấy con trở về lo tu tập.

Tu sinh: Xin phép Thầy.

Trưởng lão: Rồi mấy con. Con ra đi con.

HẾT BĂNG