Skip directly to content

16- BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA SỰ TU TẬP LÀ ĐỘC CƯ

2006 CHÁNH TƯ DUY 16- BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA SỰ TU TẬP LÀ ĐỘC CƯ

2006 CHÁNH TƯ DUY 16

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA SỰ TU TẬP LÀ ĐỘC CƯ

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 20/03/2006

Người nghe: Tu sinh nữ

Thời lượng: [49:40]

Số lượng: 20 băng

Tên cũ: CTD06A-(Nu)-NỗiLòngThầyVớiNềnDaoĐÐứcNB-2NẻoTuLàXảTâm,_TNX-TổChứcTTAD-TâmNguyệnLúcNhậpDiệt(20-03-2006)

Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/2006-chanh-tu-duy-16-bi-quyet-thanh-cong-cua-su-tu-tap-la-doc-cu.mp3

1- THÀNH LẬP CÁC BAN CHUYÊN TRÁCH

(00:00) Trưởng lão: Nhân bản- làm người- chưa xong, cho nên còn đang tiếp tục viết. Và đồng thời thì Thầy cũng báo mấy con biết là hai cái tập Đạo Đức Làm Người được nhà xuất bản tôn giáo, chánh phủ cho phép được in. Cái bản vẫn giữ nguyên không có cắt xén bỏ, những hình ảnh trong ấy cũng còn được giữ nguyên, không bỏ một cái hình nào hết. Nhất là cái Đạo Đức Hiếu Sinh rất là khó, nhưng mà nhà nước cũng chấp nhận cho thì điều đó cũng là may mắn cho chúng ta.

Cho nên ở đây theo Thầy thiết nghĩ đó là cũng làm về cái mặt mà phép tắc, về cái đường lối giáo pháp của Phật được nhà nước chấp nhận cho phép thì đó là một cái điều rất là tiện lợi.

Nhưng chúng ta khó là khó ở trong nội bộ của chúng ta, không có giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Suốt trong cái thời gian mấy tháng mà Thầy dạy mấy con, thì Thầy thấy hầu hết là cái hạnh độc cư không có giữ trọn. Tiếp duyên, cho nên nó nhiều chuyện nó xảy ra, nó làm cho bất an. Mà bất an nhất là Thầy, chịu đựng mọi thứ sự bất an đó chứ không ai vô đây hết. Nhưng mà điều kiện là Thầy thấy cuộc đời không có gì hết. Cho nên đến đi với Thầy coi như là như cái mây nổi giữa trời. Đến rồi đi nó không bao giờ mà nó ở, cho nên nó đến rồi thì nó cũng sẽ đi, bình yên, cũng không sao. Nhưng mà có cái khéo léo, còn không khéo léo thì nó cũng làm rất là nhiều sự đau khổ, mà chứ không phải không.

Nhưng Thầy mong rằng mọi việc gì đều cũng do cái duyên phước của chúng sanh. Nếu mà có đủ phước thì nó sẽ duy trì được con đường của đạo Phật, mà không đủ phước thì nó sẽ bị dập nát và tan tành, thì Thầy dù có muốn đi nữa cũng không dựng lại được.

Mà không dựng lại được thì chúng sanh chịu thiệt thòi chứ không phải có Thầy. Bởi vì Thầy là người đã tu xong rồi, Thầy làm chủ được sự sống chết của mình. Còn các con và đồng thời những người chưa biết Phật pháp thì rất là chịu thiệt thòi, vì pháp của Phật rất quý. Thứ nhất là đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Thứ hai là những đạo lực, những sức lực để làm chủ được sự sống chết mình. Nếu mà Thầy không triển khai thì chắc không ai tu tập có được những điều này.

(2:40) Cho nên nếu mà Tu viện mà sụp đổ, có chuyện gì mà trở ngại. Thì như vừa rồi nếu mà không thấy trước thì để tới chừng mà cuối cùng đến khi mà người ta giải thể mình thì chắc chắn cái Tu viện nó cũng không còn. Cho nên Thầy đã biết trước, Thầy chặn đứng lại. Nhưng mà có cái điều kiện nó làm cho một số người cũng rất là bất an, cho nên mình rất khó. Và hiện giờ thì như mấy con cũng biết rằng còn lại bao nhiêu người đây. Nhưng mà Thầy thấy rằng cũng còn tập trung nói chuyện thì Thầy thấy thiệt ra, hoá ra thì cuối cùng thì chắc chắn là không có ai.

Bởi vì bí quyết thành công của sự tu tập là độc cư, mà trong một Tu viện nào mà giữ gìn được hạnh độc cư là không có ồn, không bị động. Còn giữ gìn độc cư không được thì bị động. Bởi vì mình nói chuyện tức là nó có nhóm, có phe rồi. Mà có nhóm, có phe thì thế nào chúng ta cũng không tránh khỏi được những cái sự bất an, làm cho chúng ta không yên tu. Mà do đó cũng tự mấy con làm lấy thì mấy con phải chịu lấy cái hậu quả đó.

Chứ Thầy thì mong muốn mấy con sống, mình lo cho phận mình, mình cố gắng mình đóng cửa, mình đừng tiếp mọi người thì chắc chắn là sẽ được yên ổn mình tu. Còn đằng này thì tiếp nhau, nói chuyện này, chuyện kia, chuyện nọ, cuối cùng thì tự mấy con phá sự yên lặng của mấy con. Cho nên tới ngày nay thì chúng ta thấy rằng từ cái này nó sẽ đi đến cái khác. Cho nên cuối cùng thì chúng ta phải giải thể.

(04:20) Rồi giải thể, rồi lần lượt bây giờ còn lại bao nhiêu người thì chúng ta lại không nỗ lực giữ gìn hạnh cho đúng. Bởi vì đó là cái giới luật của Phật mà. Nếu mình giữ được cái hạnh, mình giữ được cái hạnh thì nó sẽ bảo vệ cho mình. Còn mình không giữ được cái hạnh của người tu thì nó lấy ai mà bảo vệ? Mà không lấy ai bảo vệ thì nó sẽ làm động mình rồi. Và khi động thì mình không còn cái nơi mình yên tu được, thì buộc lòng thì mấy con phải trở về quê hương xứ sở của mình mà thôi. Thì chắc chắn là Thầy, theo tình trạng này, hôm nay mà Thầy thấy thì mấy con sẽ lần lượt rồi mấy con cũng sẽ đi hết thôi. Chứ không thể nào còn tu được, bởi vì khuấy động, cứ tập trung nói chuyện qua lại mà không lo tu tập.

Bởi vì Thầy đưa hai cái nẻo tu rất là cụ thể rõ ràng. Là thứ nhất là mình tu tâm xả, mình ngồi chơi, mình không ôm pháp thì do đó nó không bị căng, nó không bị ức chế tâm. Mà có niệm gì đó thì đến thì mình dùng, mà phương pháp mình xả đó là tu tâm xả. Còn người mà quán được thân, trên thân quán được thân, nhiếp phục được năm phút rồi lần lượt tập lên, oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi bốn oai nghi. Khi mà tập nó thuần thục bốn oai nghi rồi, từ năm phút đó mà chúng ta tăng dần lên. Chúng ta kéo dài cái thời gian ra thì nó chẳng bao lâu thì chúng ta cũng sẽ chứng được đạo giải thoát.

Nhưng Thầy thấy cái điều này rất khó là vì hầu hết là mấy con tu về Tứ…​. Quán trên thân quán thân đó, thì nó đều bị sai và nó lạc vào chỗ ức chế tâm hoặc là chuyển pháp luân. Tất cả những cái sai đó nó đi đến cái không đúng cách. Và đồng thời hiện giờ Thầy thấy mấy con còn nói chuyện, giữ gìn giới luật không nghiêm chỉnh. Thì do đó mà tu Tứ Niệm Xứ thì nó vẫn bị ức chế tâm thôi, không làm sao cách nào khác. Bởi vì Tứ Niệm Xứ nó có cái phương pháp để mà nhiếp tâm và an trú tâm tức là quán thân. Mà nếu mà mình không có giữ giới luật, đức hạnh nghiêm chỉnh thì mình bị ức chế chứ không làm sao, không còn cách nào khác.

(06:32) Còn mình tu tâm xả thì dễ hơn, hễ có thì mình xả, mà không thì thôi. Nhưng mà mình không giữ hạnh độc cư thì mình xả biết bao giờ cho trọn, cho hết? Bởi vì mình tiếp vô, khi mà mình nói chuyện nhau, khi mình bàn bạc chuyện này, chuyện kia thì bao giờ những công việc ở bên đời thì tất cả đều là nó sẽ lọt vào tai của mình hết. Mà lọt vào tai của mình thì tâm mình nó sẽ động, không bao giờ mà nó bình an được. Cho nên sự tu tập của mấy con cũng không bao giờ xả cho hết.

Cho nên dù muốn dù không, dù tu Tứ Niệm Xứ hay là không tu Tứ Niệm Xứ, tu tâm xả thì mấy con vẫn giữ giới hạnh ăn, ngủ và độc cư cho trọn vẹn thì nó mới đạt được. Còn nếu mà giữ ba cái giới này không có đạt được thì không bao giờ mà kết quả. Thì cũng là uổng phí một cuộc đời tu mình mà thôi.

Cho nên người này làm động thì tức là cái người khác cũng bị động. Cho nên nó khó khăn, nó khó khăn như vậy. Vì vậy mà Thầy mong rằng trong cái sự tu tập của mấy con mà nếu mà còn tình trạng này thì chắc chắn là mấy con, mọi người cũng phải trở về quê hương xứ sở của mình hết, chứ không có ở đây được nữa. Bởi vì tu như vậy là chẳng có kết quả gì. Cho nên Thầy nói tất cả những cái sự việc mà nó tu tập thì tu tập cho đúng. Còn nếu mà tu tập không đúng thì lần lượt rồi mấy con cũng ở đây, cũng mất công mà thôi.

(08:01) Cho nên theo Thầy thiết nghĩ thì còn lại bên nam là trong khi giải thể lại có một vài thầy, vừa rồi lại đi chơi. Bây giờ giải thể rồi, đâu còn tu tập gì nữa, thôi đi chơi. Thay vì trong cái giờ tu thì lại không tu, mà lại không giữ gìn giới. Còn ở lại đây để đi chơi vòng vòng, đến nhà người này, đến nhà người kia. Thậm chí như đi ra cái khỏi vòng Tu viện để mà đi đến nhà hàng xóm chơi nữa. Thế thôi, bây giờ vầy thì còn cái gì nữa? Mà ở đây làm gì nữa?

Các con thấy bên nam cũng vậy thì do đó thì còn cái gì nữa? Bởi vì mặc dù là bây giờ là còn lại một ít người, khoảng ba mươi người, hơn ba mươi người. Ba mươi sáu, ba mươi bảy người mà không có giữ gìn thì mấy con nghĩ sao? Lại là bây giờ được giải thể nữa, lại là đi chơi đến chỗ này nói chuyện, đến chỗ kia nói chuyện hoặc gọi điện thoại tứ tung (binh tàn). Thì như vậy là mấy con thấy như thế nào?

Cho nên cuối cùng thì Thầy thấy cái Tu viện này chỉ còn có đóng cửa thôi, chứ còn cách nào khác hơn hết. Đó là những cái hiện tượng mà xảy ra, còn ít người mà như vậy thì đông người thì làm sao? Cho nên tất cả những cái này đều là Thầy mong rằng, chờ đợi ít hôm để rồi xây dựng một cái nơi nào đó yên ổn. Thì lúc bấy giờ mà muốn cho cái người nào mà vào tu chắc cũng phải chọn lựa, chứ còn chọn lựa mà cái người mà nói chuyện như vậy thì đâu có làm sao được mấy con.

Đó thì hôm nay Thầy nói để biết rằng trong cái hoàn cảnh của Tu viện chúng ta bên ngoài thì nó có nhiều cái điều kiện nó xảy đến cho chúng ta. Mà bên trong thì nội bộ của mình nó lại có những sự mà không tốt. Nó có nhiều phe nhóm chia ra, mặc dù còn ít, nhưng mà vẫn còn có những cái điều kiện đó. Cho nên Thầy không muốn thấy cái điều kiện đó nữa.

(10:09) Và chắc có lẽ là Thầy sẽ đi lo công việc, chứ Thầy đâu có còn ở đây nữa. Cho nên các con có tu tập thì chắc chắn là các con cũng ở đây với cô Út mà thôi. Chứ còn đối với Thầy, thì Thầy phải đi lo công việc của Thầy rồi. Hoặc là Thầy phải ra Hà Nội, vì chú Tuấn thì có sự yêu cầu để Thầy ra, Thầy cố vấn trên cái vấn đề xin phép tắc, hoặc là tiến tới trong cái vấn đề mà xây dựng cái khu ở ngoài Hà Nội. Mặc dù hiện giờ thì nó chưa hoàn thành, nhưng mà có cái sự yêu cầu mong rằng Thầy ra hàng giờ, hàng phút. Chắc chắn là Thầy chuẩn bị, Thầy sẽ đi ra ngoài đó, để lo cái khu vực ở ngoài Hà Nội cho xong.

Bởi vì người Hà Nội vào đây thì quá xa. Cho nên Thầy cũng mong rằng nếu mà điều kiện thuận tiện thì Thầy sẽ xây dựng ở ngoài đó cho đầy đủ những cái cơ sở. Và đồng thời ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Long Thành, Bà Rịa, nếu mà có cái điều kiện mà giấy tờ xong thì Thầy cũng phải đi đi, về về để mà lo những cơ sở đó. Vừa là xây dựng, vừa là lo mọi mặt cho nó đủ và đồng thời tổ chức các ban.

Chắc các con thấy rằng hồi hôm qua Thầy không có đưa cho mấy con xem cái bản sơ đồ của cái ban trung tâm An Dưỡng. Cho nên thành lập các cái ban, để từ các cái hội từ thiện gia đình cho đến hội từ thiện tập thể, để đóng góp thành một cái tài khoản của cái trung tâm An Dưỡng. Rồi các ban để điều hành ở trên cái trung tâm An Dưỡng. Thì mỗi ban đó đều có một cái số người để mà điều khiển. Chứ còn nếu mà không có thì lấy ai mà điều khiển. Chứ đâu phải như cái Tu viện của mình.

Cái Tu viện của mình thì chỉ một mình Thầy hay hoặc là cô Út là được rồi. Còn cái này là cái trung tâm An Dưỡng, cho nên nó đòi hỏi mình phải làm việc rất nhiều. Nó có nhiều người chứ không phải ít, cho nên hiện giờ Thầy làm việc rất nhiều. Để do đó nó mới có bảo vệ được cái Tu viện, còn một mình Thầy và cô Út thì không bảo vệ được.

(12:32) Cho nên do đó thì nó có cái ban kỷ luật. Ở trong cái trung tâm An Dưỡng thì nó có cái ban kỷ luật. Mấy con mà nói chuyện tự họ sẽ mời mấy con ra, mấy con tập hợp thì họ mời mấy con ra, ở trong ban …​ Còn ở đây, bây giờ làm sao giờ? Thầy mời hay là cô Út mời? Cái chuyện đó không được, thành ra nó khó. Mà có thí dụ như có một số người theo Thầy thì mấy con ngại, mấy con cũng không dám mời. Còn có một số người theo cô Út thì mấy con cũng ngại mấy con đâu dám mời. Nhưng cái ban người ta làm việc thì người ta đâu có ngại người nào đâu.

Thầy chỉ có bổn phận Thầy đến dạy thôi. Cho nên mấy con không có dựa lưng vào đâu được hết. Bởi vì đó là cái ban, do cái tổ chức của cái trung tâm An Dưỡng. Cho nên cái ban mà giám luật, thì người ta sẽ, mấy con sai là người ta sẽ mời mấy con ra, người ta kỷ luật mấy con thôi. Đó là cái bổn phận của họ phải làm để bảo vệ cái trường lớp thôi. Còn riêng Thầy thì chẳng có làm việc ở trong cái vấn đề đó hết.

Còn về đời sống thì người ta lo cho mấy con đầy đủ. Những cơm ăn, áo mặc, điện nước đầy đủ, người ta sẽ lo. Cũng là có cái ban về đời sống, rồi đời sống về vật chất, rồi đời sống về tinh thần. Đời sống về tinh thần thì có trường lớp để dạy, có sách vở để đọc, về có những cái khu vui chơi để cho mình thư thả, thư giãn. Tất cả những cái này đều là do các ban đó mà họ được điều hành. Còn chúng ta chỉ đến đó có bổn phận là tu tập mà thôi, với cái sự kỷ luật ở trong đó.

(14:07) Còn ở đây thật sự ra thì Thầy nói với một cái tình cảm giữa thầy trò mà nói thôi. Nhưng mà cái tình cảm thầy trò nói, nhưng mà hầu hết là người ta coi quá thường. Chỉ có kỷ luật áp dụng thì con người nó mới được thôi. Chứ còn cái lời nói của Thầy coi như là nó không ăn chung gì hết. Nghĩa là nói rồi thì nó cũng đâu ra đó, người này cũng họp nhau nói chuyện, người kia cũng họp nhau nói chuyện.

Cứ mỗi lần đến gặp Thầy, Thầy khích lệ, Thầy khuyên lơn cố gắng sống độc cư, giữ gìn để mình hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây mình nhìn lại cái tâm của mình, coi nó có những chướng ngại gì không, mình xả. Nhưng rồi cũng đâu có ai nghe. Hễ mà giờ tu thì tu, mà hết giờ thì tìm nhau nói chuyện này, chuyện kia, bàn chuyện nọ, chuyện đủ thứ, nào là chuyện gì, đủ cách hết.

Cho nên vì vậy nó thường hay đem đến những cái tai hoạ cho chúng ta rất nhiều. Chuyện không có nhưng mà nó làm cho chúng ta rất là bất an. Nhưng mà sự thật ra chúng ta cứ nghĩ rằng mình làm như vậy để bảo vệ, mình làm như vậy để…​ Sự thật ra càng lúc thì càng tan nát, cho đến hôm nay thì chúng ta phải giải thể. Mọi người đều có cái trách nhiệm và bổn phận. Họ đứng ở góc độ của mọi người để mà…​ Người tu thì lo tu, mà người làm cái nhiệm vụ gì đó, thì đó người đó làm cái nhiệm vụ đó thôi, thì nó sẽ bình an. Còn chúng ta không có biết cách, cho nên vì vậy mà lớp học chúng ta càng lúc càng đi đến cái chỗ tan vỡ.

Nhưng mà Thầy nghĩ rằng cái phước mà chúng sanh còn, thì còn có cái duyên để mà tập hợp nơi đâu đó. Để rồi có cái lúc mà chúng ta triển khai cái nền đạo đức của Phật giáo và Tứ Thần Túc- Bốn cái phương pháp nội lực để làm chủ sự sống chết của chúng ta- chúng ta có thể triển khai trở lại được.

2- NHÂN QUẢ CỦA PHÁ HẠNH ĐỘC CƯ

(16:06) Nhưng mà ở Tu viện Chơn Như thì hiện giờ thì không thể được nữa rồi. Coi như ở đây thì không thể được. Các con hiểu điều đó, ở đây không thể mà Thầy còn đứng yên được nữa. Cho nên vì vậy mà chắc chắn là Thầy phải lo xây dựng một cái nơi nào đó, ở đâu mà hiện giờ có một số cư sĩ, họ đang nỗ lực để mà xin phép tắc. Như bằng chứng mà như mấy con đã biết hết rồi, không có người nào không biết. Họ đã cố gắng để tiếp tay cùng Thầy để mà xây dựng lại cái nền đạo đức.

Thậm chí như hiện giờ bên Úc người ta cũng đang lo một cái cơ sở. Nếu điều kiện mà ở Việt Nam không yên thì có thể Thầy bay qua Úc Thầy ở. Thì cũng ở bên đó cũng một số người Phật tử. Thì rất tội cho mấy con là những người Việt Nam mà ở được gần Thầy, mà Thầy không ở yên ở đây để mà dạy các con, mà phải đi qua bên Úc dạy. Thì cái điều đó là cái điều bất đắc dĩ, nhưng mà điều kiện ở đây Thầy không có đất dụng võ nữa thì phải đi thôi. Các con hiểu điều đó.

Cho nên vì vậy mà muốn giữ được Thầy thì phải có cái sự bình an. Mà cứ ở luôn lúc nào Thầy cũng bị động như thế này thì chắc chắn là Thầy sẽ đi mà thôi. Thầy ví dụ như bây giờ ở bên Mỹ thì người ta cũng sẵn sàng, người ta cũng tạo cái điều kiện. Mà hiện giờ thì như mấy con cũng biết rằng Thầy đã có giấy xuất cảnh rồi, Thầy đã xin phép sẵn rồi. Chỉ cần ở bên đó có cái giấy mời Thầy thì ở đây Thầy đi qua rất dễ dàng, không có gì khó hết, đâu có gì. Cho nên Thầy đã xin giấy tờ hẳn hoi hết rồi.

Cho nên Thầy nói như vậy để cho mấy con thấy rằng bên nam cũng như bên nữ, mà khi mà Thầy rời khỏi đây mà Thầy đi ngoại quốc thì mấy con không bao giờ mấy con có đủ duyên mấy con đi qua bên đó đâu. Thứ nhất là về tiền bạc mình đi, thứ hai là mình xin phép tắc cũng đâu phải dễ đâu, rất khó. Cho nên tất cả những cái này Thầy đã thấy xa, Thầy hiểu biết.

(18:12) Nếu mà còn đủ duyên các con nghe lời Thầy, thì yên ổn Thầy ở Tu viện Chơn Như Thầy hướng dẫn. Mà cứ cái tình trạng này thì chắc chắn là Thầy phải đi mà thôi. Thì lúc bấy giờ thì chắc chắn mấy con có muốn cũng không được nữa rồi. Nếu mà điều kiện ở trong nước của chúng ta mà những giấy phép mà xin không được, ở ngoại quốc thì rất dễ rồi. Vấn đề mà tôn giáo thì rất dễ, họ thành lập rất dễ, không có khó khăn.

Thầy không ham tiền mà cũng không ham danh. Mà Thầy chỉ mong làm sao đem lại cái nền đạo đức nhân bản nhân quả cho mọi người, Thầy chỉ mong điều đó thôi. Và đồng thời để chứng minh sự thật rằng đạo Phật có người tu làm chủ được bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết với Tứ Thần Túc. Cái mục đích của Thầy chỉ có bao nhiêu đó, chứ không có gì khác hơn hết.

Thì dù Thầy có đi ra nước ngoài, bất cứ nơi đâu thì cái mục đích đó vẫn…​ Thầy sẽ cố gắng, Thầy truyền đạt lại những gì của đạo Phật để làm cho người ta sống đạo đức, để làm cho người ta sống, người ta làm chủ được sự sanh, già, bệnh, chết. Thì trong nước mấy con nữa, chỉ là cái những người, những con người mà được theo Thầy, mà chính mấy con đã tự phá hoại nó, thì cho nên mấy con sẽ chịu thiệt thòi mà thôi.

Bây giờ mấy con về gia đình của mấy con sống thì mấy con cũng chỉ một cách tầm thường thôi, chứ cũng không đi tới đâu hết. Sự thật ra mấy con cũng, nếu mà không có Thầy thì cũng chắc chắn mấy con không đi tới đâu hết. Nghĩa là mấy con cũng xả được một ít tâm, rồi cũng nhiếp tâm được, an trú được. Nhưng mà tới nữa thì chắc chắn mấy con không tới.

Như vừa rồi kiểm điểm tất cả những sự tu tập của mấy con đó, đều sai. Mà buộc lòng Thầy phải cho ra hai tập giấy, hai tập sách mỏng để cho mấy con thấy tu tập của mấy con nó không đúng. Để biết rằng con đường của đạo Phật nó không phải khó mà cũng không phải dễ. Nhưng mà phải có người hướng dẫn, có kinh nghiệm hướng dẫn để cho mình tập đúng. Bởi vì mỗi người có một đặc tướng khác nhau, mà nếu mà không có người hướng dẫn thì mình sẽ tu sai, tu không đúng.

(20:17) Đó thì hôm nay Thầy nói như vậy, thì mấy con biết rằng Thầy đã có sự chuẩn bị. Và đồng thời thì ở trên mạng đó, thì ở bên Úc người ta đã gửi thư qua, người ta xin mời Thầy về bên đó. Cho nên vì vậy mà, Thầy hiện giờ có giấy tờ để xuất cảnh. Thì tức là Thầy chỉ đồng ý, thì người ta làm một cái bức thư, một cái giấy mời thì coi như là chấp nhận. Thì Thầy đưa vào xin phép ở đây, bây giờ có người mời Thầy đi qua bên Úc, thì Thầy có quyền Thầy đi rồi, vì có người ta nhận rồi. Nơi người ta nhận mình nhập cái nước người ta, thì Thầy sẽ đi được, không có gì khó khăn. Cho nên đối với Thầy hiện giờ thì trong nước không yên thì Thầy đi ngoại quốc, có vậy thôi. Thầy không phải ham tiền, ham bạc, ham danh đâu mấy con.

Vì ở trong nước dựng lại cái nền đạo đức của Phật giáo cho dân tộc cho quê hương này không được thì mình ra đó. Mình duy trì được cái gì của Phật giáo được phần nào tốt phần nấy. Đó là cái thiệt thòi của mấy con thôi. Là tại mấy con đến đây, mấy con không nghe lời Thầy. Mấy con tập trung nói chuyện nhiều, rồi xảy ra chuyện này, chuyện khác làm cho nó không có yên, không có yên, Thầy yên. Cho nên Thầy ở đây mà làm gì? Nó càng thêm những cái chuyện càng đau khổ hơn.

Mấy con biết rằng Thầy cố gắng để mà xin phép từng cái bộ sách của Thầy viết, để cho đạt được, nó cũng không phải là dễ. Nó cần đòi hỏi mình phải cố gắng lắm nó mới được. Chứ không phải là khi không mà người ta chứng cho mình đâu. Mình phải xin hẳn hoi, đàng hoàng và mình phải có những sự thuyết phục người ta. Chứ từ lâu tới giờ người ta có hiểu đâu.

(22:06) Thí dụ như bây giờ nói về Đạo Đức Hiếu Sinh, cái lòng yêu thương sự sống của muôn loài. Thì trong đó, khi đó người ta triển khai về phải đào ao nuôi cá nè, rồi người ta phải triển khai là những cái trại chăn nuôi nè gà, vịt, heo, dê nè, để làm giàu cho đất nước. Trong khi đó, Thầy bảo thương yêu đừng có giết hại chúng sanh. Thì những cái ngành nghề mà nuôi dưỡng nuôi cá, nuôi tôm hoặc là nuôi heo, nuôi gà, vịt, heo, dê thì người ta phải đình lại hết. Bởi vì có ai thèm ăn thịt nữa đâu. Cho nên cái phát triển về cái sự làm giàu cho đất nước bằng cái ngành chăn nuôi thì không còn nữa. Thì như vậy mà mình đi xin phép cái điều này thì nhà nước có chấp nhận? Người ta đang triển khai cái điều đó mà. Thế mà người ta chấp nhận, người ta cho, cũng là, mình thấy cũng là hết sức chứ đâu phải là dễ. Ít ra mình cũng phải thuyết phục được cái điều đó.

Cho nên trong cái vấn đề mà hiện giờ mà chúng ta được những cái bộ sách có giấy phép hẳn hoi, được phổ biến mà không ai rầy rà mình, không ai bắt tội mình được. Thì do đó nó cũng không phải là chuyện dễ mà chúng ta vượt qua từng bước. Mà chúng ta đạt được những kết quả tốt đẹp, mà không bỏ một cái câu, không bỏ một chữ nào hết, như vậy là chúng ta quá là hoàn thành được.

Thế mà trong khi tu tập thì các con lại không tu mà hoàn thành, trái lại không có thực hiện được. Nay thì tập hợp nói chuyện này, mai tập hợp nói chuyện kia, làm cho Tu viện lúc nào cũng xáo động. Thì thử hỏi rồi Thầy ở đây, Thầy dạy làm gì nữa mấy con?

Nếu mà cái trung tâm An dưỡng Từ thiện ở Hà Nội không xin phép được hoặc là ở thành phố Hồ Chí Minh quý Phật tử không xin phép được. Tu viện Chơn Như thì đóng cửa, không còn dạy nữa. Mà có dạy nữa, còn làm cái gì được? Bây giờ dạy mà có dạy làm gì được? Mà khi mấy con luôn luôn tập trung làm chuyện này, chuyện khác. Nay có chuyện này, mai có chuyện khác, lúc nào nó cũng có chuyện động hết, thì thử hỏi Thầy có yên ổn đâu mà ngồi đó. Để mà sử dụng cái đầu óc của mình, để mà soạn thảo những cái chương trình giáo dục, để mà dạy đạo đức, dạy pháp mấy con tu. Bởi vì lúc nào cũng bị động thì thử hỏi…​

May là Thầy là người tu chứng, chứ cỡ một người mà tu chưa xong thì cái đầu óc mà nó bị động như vậy, thì mấy con biết họ làm cái gì được giờ đây? Luôn luôn lúc nào họ cũng không bình an, họ cứ lo đối phó. Do đó làm sao họ nghĩ ra được những điều gì, mà họ viết thành cái giáo trình, giáo án để hướng dẫn cho mấy con tu tập? Thì đương nhiên là họ không thể làm được rồi.

(24:49) Nó có cái sự bình an, người ta mới tư duy, phải là dạy như thế này, cái bài đầu đến cái bài cuối nó như thế nào. Người ta sẽ tư duy, người ta đầu tư bằng cái đầu óc người ta vào đó, người ta mới viết ra cái giáo trình cho mình học tập. Chứ còn nếu không thì mình biết đâu mà học tập? Mà bây giờ không được yên thì thôi, thì mình nghỉ chứ làm sao?

Không lý mà Thầy là con người bằng xương bằng thịt, chứ đâu phải bằng sắt đá. Mọi mắt thấy, tai nghe đều biết hết, những tâm lý tình cảm cũng đều hiểu hết, đâu phải là cây đá trơ trơ. Nó biết hết, nhưng nó chỉ nhờ có cái lực ở trong tâm của nó mà nó không bị dao động thôi. Chứ nó nghe nó biết, hiểu hết, nó hiểu tất cả hết. Nó biết sai, biết đúng, chỗ nào đúng, chỗ nào sai hết, nhưng nó không nói thôi. Nó biết là nói cũng không lợi ích gì và còn làm thêm sự rắc rối thêm mà thôi.

Cho nên vì vậy mà hôm nay mấy con còn đủ những cái ngày mà gặp lại Thầy. Những cái ngày mà coi như là không còn bao lâu, thì mấy con cố gắng mà giữ cho trọn những cái đức hạnh, may ra nó còn duy trì được một chút. Còn nếu không thì chắc chắn là nó sẽ không trọn.

(26:12) Vì từ bữa mà Thầy tuyên bố cho mọi người ra về. Thì trước khi mà mọi người khăn gói, người xách hành lý lên xe đi, thì cái tình thầy trò nhiều khi nó cũng rất thấm thía, sau những ngày tháng gần gũi bên nhau để mình truyền đạt những cái điều hay lẽ phải cho nhau. Mà bây giờ cái chương trình học nó chưa có hoàn chỉnh, mà lại xách gói ra đi. Thì mấy con thấy là con người, chứ đâu phải sắt đá, đâu phải không thương những người đệ tử của mình? Thương lắm chớ, nhưng biết làm sao hơn? Phải chịu chia tay mà thôi. Thì mấy con hiểu được cái điều này lắm chứ.

Mấy con thấy những người bạn đồng ở chung trong cái khu vực của mình, hôm nay nhìn thấy ngôi nhà vắng bóng mình cũng thấy nao nao trong lòng chứ, đâu có phải sung sướng gì lắm sao? Các con hiểu, con người mà, đâu phải sắt đá. Nhìn cái thất kia bữa đó có cô nào đó đang ở, bữa nay lại vắng. Nhớ cái hình dáng của cô ngồi đó mà làm bài hoặc đi kinh hành, hoặc ngồi thiền. Hôm nay vắng vẻ, không còn thấy nữa thì thử hỏi lòng chúng ta đâu phải sắt đá mà không nhớ bạn mình.

Cho nên tất cả những cái điều này đều là chúng ta không kỹ lưỡng từ ngay lúc đầu. Cho nên giờ phút này chúng ta phải chịu những cảnh chia ly như vậy. Rồi giữa tình thầy, tình trò mà khi chia ly thì chúng ta cũng thấy nao nao trong lòng lắm, biết chừng nào có đủ cái duyên mình gặp lại.

Phật tử thành phố Hồ Chí Minh xin Thầy cố gắng giữ gìn những quý thầy, quý cô. Để rồi chúng con sẽ cố gắng tìm cách, chúng con tạo cho được để quý thầy, quý cô trở về tu học, để rất tội nghiệp, người ta quyết tâm tu. Đó là một cái người Phật tử ở ngoài đời thôi, người ta bôn ba sự đời thôi. Nhưng người ta nghĩ đến cái nỗi tu tập của mình mà nó dở dang, người ta còn kêu gọi, người ta còn tha thiết. Huống hồ là mình là những người tu ở trong Tu viện mà mình không đau lòng sao. Khi mình giải thể mình rất đau lòng lắm chớ, chứ đâu phải là không.

(28:29) Cho nên mình nhìn trước nhìn sau mình thấy rất buồn. Cái Tu viện ngày nào đông đảo, bây giờ vắng trước, vắng sau. Rồi đây, rồi không còn một bóng người, rồi chúng ta mỗi người mỗi nơi. Nếu có đủ duyên thì chúng ta còn tập hợp lại, mà nếu không đủ duyên thì chúng ta biết tập hợp ai đây? Đâu phải dễ. Tưởng đâu là cái Tu viện Chơn Như là cái nơi để chúng ta tập hợp về, để mà chúng ta tu hành. Nhưng không ngờ nó lại đến cái giờ phút này, nó phải mỗi người mỗi nơi.

Nhưng dù sao, sau bốn tháng mà tu học, Thầy cũng trang bị cho mấy con cũng đủ cái cách thức để mà tu tập rồi. Do trang bị cho mấy con đủ cách thức tu tập rồi, thì Thầy nghĩ rằng dù bất cứ ở đâu, thì mấy con cũng sẽ tu tập được, cũng sẽ được giải thoát. Nhưng trọn vẹn thì chắc là không được trọn vẹn hoàn toàn, nhưng nó cũng được phân nửa. Nghĩa là mấy con sống ở bất kỳ ở đâu mà khi mà học được pháp của Thầy rồi, thì mấy con cũng được phân nửa rồi mấy con.

Cho nên tiếc vì nó không được gần Thầy suốt cái thời gian, như đức Phật đã nói bảy ngày, bảy tháng, bảy năm. Nghĩa là suốt cái thời gian dài đúng lớp, đúng pháp, hướng dẫn đúng cách thì suốt cái thời gian mà bảy năm, thì chắc chắn là trong số mấy con phải có người làm chủ sanh, già, bệnh, chết, tức là phải làm chủ được. Nhưng bây giờ thì không còn nữa rồi. Giờ phút này không còn nữa rồi, bởi vì chúng ta không làm cách nào khác hơn hết.

(30:11) Vì chúng ta biết ngừa bệnh hơn là trị bệnh, đừng để tới bệnh, cho nên Thầy ngừa trước hết. Cho nên nó không có cái gì mà xảy ra. Nhưng ung nhọt nó sẽ ung nhọt mấy con. Cái ung nhọt nó sẽ là còn ung nhọt, nó chưa phải là hết. Cho nên từ đây về sau chúng ta cố gắng, cố gắng đừng có để cho ung nhọt đó nó phát triển lớn lên. Mà nó phát triển lớn ra thì nó sẽ thành một cái bệnh nặng, đau khổ nhiều. Mặc dù hiện giờ chúng ta còn ít, nhưng cái ung nhọt đó nó cũng vẫn còn, chứ nó chưa hết mất. Rồi mình phải giải quyết như thế nào để cho cái ung nhọt nó sẽ bị diệt đi, thì nó hay quá. Còn nếu mà mình không khéo, không giải quyết được thì cái ung nhọt nó sẽ lở loét, nó thành một cái bệnh ghẻ quá nặng, nhìn nó rất là đau khổ.

Thầy mong rằng đừng có xảy ra những cái chuyện gì nữa. Mà nếu có xảy ra những chuyện gì nữa thì chắc chắn là cái điều kiện mà các con biết rằng Thầy có nơi có chốn hết rồi. Là như Thầy có một cái cơ sở bên Úc mà các Phật tử bên đó người ta đã lo rồi. Người ta đã kêu Thầy năm rồi lận, người ta mời Thầy qua năm rồi. Nhưng mà Thầy không có đi đâu. Thầy nói hoàn toàn là ở Tu viện Chơn Như còn có thể xây dựng được, còn có thể là nơi tu tập được, không có đến nỗi mà phải bỏ. Chứ cái sự việc ở trong đất nước, ở Tu viện của mình xảy ra như thế nào thì Phật tử ở ngoại quốc người ta biết hết, không có cái gì mà người ta không biết đâu mấy con.

Cho nên người ta đã chuẩn bị cho Thầy, người ta rất mến Thầy, người ta thương Thầy. Người ta muốn cho Thầy được cái chỗ bình an để cho Thầy hướng dẫn cho mọi người tu thôi, chứ người ta cũng không mong muốn gì hơn. Nhưng mà Thầy thì rất thương mấy con mà Thầy không nỡ bỏ mà thôi. Chứ còn sự thật ra mà Thầy muốn đi hồi nào thì quá dễ rồi, không có khó khăn.

Thầy báo cho mấy con biết rằng con đường của Thầy nó dễ, con đường của thầy nó rất thênh thang. Và cái cuối cùng mà Thầy ra đi mà để mà vào Niết Bàn thì rất là tiện lợi nhất. Thầy chẳng đi đâu hết, Thầy chỉ cần tịnh chỉ hơi thở, Thầy vào Niết Bàn thì an ổn nhất, không còn ai động được Thầy gì nữa hết. Vào đó thì không còn ai mà, mà Thầy cũng không còn cực khổ nữa. Đối với Thầy đó là cái nhiệm vụ đã xong.

3- LỊCH SỬ ĐƯỢC GHI LẠI

(32:31) Như Phật đã tám mươi tuổi rồi thì Phật cũng tịch, Thầy tám mươi tuổi rồi Thầy tịch cũng vừa rồi, đâu còn gì đâu. Đối với Thầy, thì với Phật thì Thầy thấy rằng đức Phật đã tu chứng mà tới tám mươi tuổi, đức Phật cũng khổ hạnh. Còn Thầy cũng trải qua những năm tháng ăn rau, sống để cũng khổ hạnh ghê gớm lắm chớ. Cho nên đức Phật tịch tám mươi thì Thầy tịch tám mươi cũng được, nhưng vì không có người tu chứng, cho nên Thầy cố gắng.

Và nền đạo đức chưa dựng lại trọn vẹn, cho nên Thầy kéo thêm cái tuổi già của Thầy thêm. Để mà mong để dựng lại những cái nền đạo đức của Phật giáo cho nó xong. Và nhất là cái giáo trình tu học tám cái lớp của đạo Phật, Bát Chánh Đạo. Nhưng mà nếu mà đủ duyên thì mình dựng, mà không đủ duyên thôi chứ sao. Đây là để cho cái người sau, cái người nào mà đủ duyên hơn, đủ phước hơn thì họ lại dựng lại.

Cũng như 2550 năm mà đến cái thời của Thầy, Thầy dựng lại cái chánh pháp của Phật. Thì sau đó ba ngàn năm hay là năm ngàn năm sau nữa thì có người họ cũng dựng lại cái chánh pháp này. Bởi vì đó là cái chân lý của loài người rồi, không thể mà nói rằng bỏ. Bỏ cũng đâu được, bởi vì nó là chân lý mà, cũng không phải bỏ được. Nhưng mà dựng lại được hay là không dựng lại mà thôi, chứ nó sẵn sàng nó ở trong mọi người rồi.

(33:59) Cho nên vì vậy mà biết rằng 2550 năm, thì cách đức Phật 2550 năm, thì Thầy ra đời để nỗ lực thực hiện cái con đường của đạo Phật, rồi dựng lại. Bây giờ mà dựng lại không được, mới nửa đường, nhưng dù sao đi nữa những cái lời Thầy dạy nó cũng đâu mất mấy con, nó không mất. Thì do đó, thì sau này có những người kế tiếp. Một ngàn năm, hai ngàn năm hay là ba ngàn năm, năm ngàn năm sau thì vẫn phải có người, họ sẽ thắp sáng cái ngọn đuốc này lên.

Mà đối với chư Phật, đối với cái sự tu chứng của Thầy thì một ngàn năm, hai ngàn năm, hay là năm ngàn năm mà dựng lại, Thầy thấy như là chớp mắt, đâu có gì đâu mà gọi là lâu. Cũng như đối với đức Phật Thích Ca hiện giờ, mà 2550 năm mà Thầy dựng lại cái chánh pháp của đức Phật thì đối với đức Phật Thích Ca, thì Ngài thấy đâu có lâu. Thâu cái thời gian đó Ngài thấy không có lâu.

Còn đối với chúng ta thì thấy hai ngàn mấy trăm năm quá lâu, quá dài, nhưng mà đối với đức Phật thì không có lâu. Mà cho nên đối với Thầy khi mà vào Niết Bàn rồi, thì cũng chẳng có lâu. Cho nên đối với người sau mà một ngàn năm, hai ngàn năm sau người ta dựng lại thì cũng đâu có lâu đâu, có khó. Nhưng mà mấy con phải chết bao nhiêu lần? Nghĩa là cuộc đời của mấy con phải trôi lăn ở trong lục đạo bao nhiêu lần? Bao nhiêu trăm lần, chứ không phải một lần. Đó là cái thiệt thòi cho con người thôi, chứ còn đối với chư Phật, đối với Thầy thì nó thiệt thòi, nó hết rồi.

Cho nên hiện giờ thì mấy con cũng nhớ rằng mấy con phải cố gắng, cố gắng mà tu tập, mình tu tập cho được. Thứ nhất là để đền đáp cái công ơn của Phật, công ơn của Thầy. Còn mấy con không nỗ lực, mấy con nói chuyện, thì mấy con tập trung, thì tự mấy con đã hoại diệt. Và hoại diệt thì mấy con sẽ trở thành người có tội, có tội với con người. Tại vì chính mấy con họp nhau nói chuyện này, chuyện kia, bàn bạc rồi cách này, cách kia cách nọ, thì đó là mấy con có tội với loài người rồi.

(36:05) Thì những cái trang sử của hôm nay, nó sẽ vạch tội những cái người mà đã làm mất đi cái nền đạo đức của con người, thì họ sẽ…​ Hiện giờ những cái phương tiện mà nó lưu giữ lại những cái tài liệu này nó có hẳn hoi, nó không mất. Và đồng thời bước vào cái trang sử của nó, thì nó sẽ vạch tội cho những người mà phá hoại cái Tu viện này.

Mấy con chạy không khỏi đâu, không có người nào tránh khỏi. Nó không tha thứ người nào đâu. Người nào làm cái gì gì đó, nó đều ghi chép hết trong lịch sử hết. Từng cái lời nói của Thầy, những cái điều kiện mà của mấy con làm, nó đều ghi chép trong lịch sử hết, không có bao giờ nó bỏ đâu. Bởi vì đây là cái lịch sử dựng lại cái nền đạo đức cho loài người mà.

Cho nên loài người đâu có bỏ được, nó sẽ đem lại, nó sẽ nói lên những cái lỗi lầm, cái tội lỗi của những người đã phá hoại cái nền đạo đức của con người. Mà hai ngàn mấy trăm năm đức Phật tịch, bây giờ đến cái đời Thầy dựng lại mà mấy con tự vô tình, vì ích kỷ cá nhân của mình, vì bỉ thử mà mấy con tự họp nhau để mấy con tự phá hoại, thì mấy con phải chịu lấy hậu quả đó. Và lịch sử sẽ ghi chép, mấy con không tránh khỏi.

Nó biết hết, người nào nó biết hết. Nghĩa là mọi người ở đây, thật sự cái người nào nó cũng biết hết. Mấy con làm gì nó cũng biết hết. Tên, tuổi, họ của mấy con, từ cái bức thư, từ nói qua, nói lại bàn bạc những cái gì gì, để mà phá hoại cái nền đạo đức của Phật giáo mà Thầy đã cố công dựng lại, thì mấy con không tránh khỏi cái điều đó. Họ sẽ ghi hết vào hết. Họ biết hết ở trong này, bên nữ mấy con, họ làm công việc của bên nữ. Bên nam họ sẽ làm công việc của bên nam, họ ghi hết.

(37:50) Cho nên thí dụ như mấy con, khi mà Thầy giải thể, một, Thầy ở đây mà đi dạo, đi chơi họ cũng ghi lại hết rồi. Nghĩa là đi dạo đi chơi, đi ra ngoài xóm chơi nữa, chứ không phải là ở trong Tu viện đâu mấy con. Chứ không phải là nói bình thường đâu, Thầy nói thật sự. Chính ở trong Tu viện mình, ở trong Tu viện như vậy chứ có người đi ra xóm nói chuyện nữa. Người nào coi, Thầy cũng biết hết, chứ đâu phải là Thầy không biết đâu, biết rất rõ. Đi ra tâm tình với hàng xóm ở ngoài để làm gì? Có gì đâu. Đó là những điều mà đã, nó sai cái luật ở cái quy ước, cái luật ở trong Tu viện của chúng ta nhiều quá.

Cho nên ở đây hôm nay thì lần lượt mấy con thấy rằng chắc chắn là những trang sử mà về đạo Phật, về đạo đức của loài người nó sẽ ghi và các con cũng sẽ. Những người được đứng trong trang sử xấu tốt thì mấy con sẽ biết, ngày sau con cháu chúng ta sẽ lên án.

Cũng như bây giờ những trang sử về lịch sử đất nước của chúng ta, những người bán nước như thế nào, những người làm tay sai cho giặc như thế nào thì người ta vẫn ghi hết, không còn bỏ sót người nào mấy con. Thì hôm nay cái nền đạo đức của đạo Phật mà Thầy dựng lại, mà nó gặp những cái khó khăn bằng cách những con người mà phá hoại nó thì mấy con sẽ thấy. Mấy con cũng sẽ đứng tên ở trong cái trang sử của nó.

Nó thuộc về trang sử của tinh thần, của đạo đức mà. Nó thuộc về tôn giáo rồi, nó thuộc về đạo đức tinh thần rồi. Còn cái kia là vì giải phóng quê hương đất nước, nó thuộc về bảo vệ một cái đất nước của nó thôi. Còn ở đây là cái tinh thần, cái đạo đức của nhân loại rồi, nó sẽ bảo vệ. Vì vậy mà nó không nước này nó giữ gìn thì cũng nước khác, nó giữ gìn cái lịch sử đó.

Cũng như đức Phật không phải là một đức Phật Ấn Độ đâu mấy con, đức Phật nó ở khắp mọi nơi. Nhưng mà cái nền đạo đức của nó, nó sẽ là rộng rãi hơn tất cả mọi nơi nữa. Cho nên nó không còn đứng ở trong cái vị trí của một quê hương, của một đất nước nữa, mà nó rộng rãi trên hành tinh. Và cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, nó đem lại hạnh phúc cho loài người ở trên hành tinh này, thì chắc chắn là con người phải được bảo vệ nó.

(40:15) Và những người nào mà làm những cái điều gì mà không hay cho cái giai đoạn đó thì sẽ được ghi lại lịch sử. Như Đề Bà Đạt Đa trong thời đức Phật vẫn ghi lại lịch sử. Rồi những tên người nào mà đã vu khống đã vu oan cho đức Phật như thế nào, thì những cái người đó họ vẫn ghi lại tên ở trong những cái bài kinh rất rõ ràng, tên tuổi hẳn hoi mà. Đâu có phải đặt bịa đặt ra đâu, đó là những trang sử rồi.

Thì trong cái thời Thầy, thì những cái mà máy móc đã ghi lại và những mà bài viết của họ bằng chữ, bằng đĩa họ ghi lại từng tên tuổi mọi người hết, tất cả mọi cái. Họ đang làm một công việc ghi lại lịch sử. Nhưng mấy con đâu có hiểu, mấy con đâu có biết người ta đã làm công việc đó. Người ta biết rằng cái vấn đề mà Thầy chấn chỉnh lại cái đạo đức nhân bản, dựng lại cái chánh pháp của Phật, Bát Chánh Đạo là người ta biết, người ta đã hiểu nó là như thế nào rồi.

Cho nên từ ngay đầu tiên họ xin Thầy từng cái hình ảnh, từng cái sự việc ở từ lúc nhỏ Thầy như thế nào họ đều ghi lại, để cho họ lập thành sau này một trang sử đạo đức cho nhân loại. Họ đang làm công việc này. Cho nên bây giờ họ hỏi thăm tới như thế này, họ mong rằng Thầy sẽ có dịp nào sẽ đi đưa họ về thăm quê ngoại của Thầy, nơi mà Thầy được sanh trưởng và Thầy được lớn lên và được đi học ở nơi đó. Họ mong muốn rằng đó là cái nơi của Thầy bắt đầu ra đời. Họ muốn ghi lại coi trên cái mảnh đất đó như thế nào? Ở đâu? Đó là người ta muốn ghi lại cái lịch sử.

Bởi vì người ta biết cái việc làm của Thầy rồi. Thì bắt đầu bây giờ từ cái chỗ như hạ Hòn Sơn mà Thầy ở tu. Người ta cũng muốn đi lên đó, người ta ghi lại những cái nơi mà Thầy đã từng ở, từng sống chín tháng trời trên đó. Coi Thầy ở như thế nào? Cái hang như thế nào? Cái tảng đá Thầy ngồi thiền như thế nào? Cái hồ, cái mương mà Thầy trồng rau như thế nào?

(42:31) Mặc dù hiện giờ tuy rằng nó không còn, nhưng mà những cái tảng đá, những cái di tích đó nó vẫn còn, nó không mất. Không ai khiêng những cái tảng đá bự bằng cái nhà hơn, bằng hai ba cái nhà chúng ta thì chắc không ai khiêng nổi. Và cái tảng đá mà nó bằng phẳng như cái nền nhà ở chúng ta, nó lớn hơn cái thiền đường của mình ở đây, cái tổ đường của mình đây. Nó rộng lớn mà bằng phẳng, mà một cái tảng đá lớn như vậy. Thì chắc cái điều đó chắc không ai mà đục phá nó được, chắc nó cũng còn. Cho nên những cái di tích đó nó còn lại.

Họ mong muốn rằng có dịp về Hòn Sơn quay lại cái hình ảnh đó, ghi lại những dấu tích đó. Của một con người bằng xương, bằng thịt dám sống nơi đèo heo hút gió, một bóng, một thân ở nơi đó một mình như vậy, mà trong cái giai đoạn đó, ít người. Vì vậy mà mấy con thấy rằng người ta muốn ghi lại cái lịch sử nơi Thầy đến chỗ nào đó là họ muốn ghi lại chỗ đó.

Thì mấy con biết rằng những cái việc gì mà Thầy muốn nhắc hôm nay là những cái sự việc gì mà xảy ra trong Tu viện, thì không ai bỏ sót mà ta ghi lại hết mấy con, ghi lại. Để nói lên được một cái giai đoạn chấn chỉnh Phật giáo khó khăn như thế nào? Dễ dàng như thế nào? Và Thầy là người chịu cực khổ như thế nào? Để người ta nói hết. Để sau này nhân loại mà khi tiếp nhận được cái trang sử này, họ bằng nước mắt của họ. Họ đọc, họ thấy rằng Thầy sẽ đem lại một cái gì hạnh phúc cho con người mà Thầy phải đổi lấy bằng nước mắt quá nhiều, mà không thể có được. Mà chính những người đệ tử của Thầy, đang theo Thầy, đã làm công việc đó ra. Chứ không ai hơn là những người đệ tử của mình!

(44:25) Họ đã vô tình, họ đã nghĩ tưởng rằng làm cái điều đó tốt. Nhưng mà sự thật họ quên những gì mà Thầy dạy bảo họ phải giữ độc cư trọn vẹn, đừng tiếp duyên, đừng nói chuyện nhau thì chắc chắn nó sẽ tốt hơn. Do cái sự tiếp duyên nói chuyện nhiều của mấy con thì nó lại là không tốt, nó không tốt. Nó làm cho đổ vỡ, tại vì mấy con không nghe lời Thầy thôi. Thì đó là cũng là duyên của chúng sanh.

Cho nên mấy con cũng, Thầy nói hết để cho mấy con biết rằng những cái điều kiện xảy ra ở đây không phải bên nữ không, mà nó cả bên nam nữa mấy con. Nghĩa là trước mắt của Thầy hầu hết là hoàn toàn mấy con đang ở trong động, chứ không phải là trong tịnh. Mà chính cái động đó là do mấy con tạo nên, mấy con không nghe lời Thầy.

Chứ cỡ mấy con nghe lời Thầy, thì chắc chắn là người nào mà đến thất nói chuyện thì mấy con đóng cửa liền tức khắc, không thân sơ với ai hết, thì chắc hôm nay nó bình an biết mấy. Còn này mấy con tập trung nói chuyện này đến bàn luận chuyện kia, chuyện phải có, chuyện trái có, chuyện đúng có, chuyện sai có, đủ loại. Hiện giờ thì mấy con thấy cái tư tưởng của mấy con, cái hiểu biết của mấy con biết cái gì đúng mà sai, chỉ có toàn là nhân quả mà thôi. Càng tập hợp bao nhiêu thì tạo thêm nhân quả khó khăn bấy nhiêu chứ làm gì? Chứ đâu có gì lợi ích đâu.

Cho nên lần lượt mấy con thấy cái lớp của chúng ta hôm đó thì ngồi hai dãy bàn, riêng hôm nay thì chúng ta gồm lại bao nhiêu người đây. Mà còn may đó, rồi đây rồi mấy con sẽ lần lượt, sẽ rời khỏi Tu viện rồi ra đi nữa, chứ không phải là còn giữ lại bấy nhiêu đây đâu. Rồi mấy con sẽ ra đi, rồi mấy con sẽ tìm cái nơi yên ổn tu hành hơn, tốt hơn. Thầy tin rằng, mong rằng có những cái nơi mà yên ổn hơn đây, để rồi mấy con sẽ được yên ổn mà tu tập.

Còn Thầy thì chắc chắn là sẽ ở chỗ này không được thì ở chỗ khác. Còn cuối cùng mà nếu mà không được nữa thì Thầy vào Niết Bàn dễ dàng. Đối với Thầy cái thân tứ đại này chẳng có nghĩa lý gì đối với Thầy đâu. Thầy sẽ ra đi một cách rất tự tại, không có khó khăn đâu. Đối với Thầy, Thầy muốn đi hồi nào cũng được.

Thí dụ như bây giờ muốn cho cái thân xác của mình đừng có phiền não ai, thì quá dễ đối với Thầy rồi. Chỉ cần một cục đá neo thôi, thì Thầy đi ra biển, Thầy tịch. Thì ngay ở trên mặt nước, Thầy ngồi xếp bằng trên mặt nước. Thầy tịch rồi, thì neo đá xuống biển, thì cái thân của Thầy chỉ làm thực phẩm cho cá ăn thôi. Chứ không bao giờ nó nổi trên bờ được, bởi vì cục đá đã neo nó rồi mà. Cho nên nó nằm ở dưới đáy biển rồi thì mặc tình cho loài cá mà tha hồ mà đánh tiệc, có gì đâu. Thầy bố thí một bữa tiệc cho chúng thì có gì đâu, đối với Thầy thì quá bình thường. Thì như vậy người ta cũng không biết Thầy Thông Lạc đi đâu và ở đâu nữa, bây giờ mất tích mất rồi. Nhưng không ngờ Thầy đã ngồi ở dưới đáy biển rồi, đâu còn ở đây.

(47:30) Nếu mà Thầy ở trên đất bằng mà Thầy tịch thì cái mả của Thầy chỉ làm một cây xoài mà trồng để cho người ta có trái mà ăn. Để ban lại những cái quả, trái đó cho người khác, ăn được cái trái xoài ngon. Còn nếu mà không đủ duyên thì Thầy cũng sẽ làm mồi cho loài cá dưới biển, nó đánh tiệc một vài ngày thì cũng là nó cũng mừng rồi, chứ nó…​ Đó là cũng là cái lợi ích chung mấy con. Nó không lợi ích cho loài người thì ít ra nó cũng lợi ích cho loài cá chứ. Đối với Thầy thì cái chuyện đó là cái chuyện quá tầm thường dễ dàng thôi.

Bây giờ Thầy ra đó Thầy tịch, thì bắt đầu đó Thầy chỉ cần tịnh chỉ hơi thở xong. Thì tảng đá Thầy neo, thì coi như là thân Thầy không bao giờ nổi lên trên nữa. Đó là nói về tầm thường, còn nói về cái sự dùng thần thông thì chắc chắn là Thầy ngồi dưới đáy biển ngàn năm, chưa có ai mà làm sao móc đưa lên được. Đó là cái dễ dàng mà thôi.

Đối với Thầy cái gì bây giờ, trong cuộc sống bây giờ không còn cái luật nhân quả chi phối Thầy được. Thầy sai xử cái thân Thầy như thế nào nó làm theo như thế nấy, cho nên Thầy dễ dàng lắm. Vậy mà Thầy tiếc rằng Thầy không trao được mấy con những cái bí quyết thành công này, nó rất uổng cho mấy con thôi. Bởi vì nó cũng không khó, mà Thầy đã nói ở trong những cái bài giảng để dạy cho mấy con tu tập rồi. Nhưng mà vì sợ mấy con chưa biết mà mấy con tu tập sai thôi. Chứ còn có Thầy mà hướng dẫn thì chắc không đến nỗi sai, có gì Thầy sửa lại thì không sai.

Đến đây hôm nay thì mấy con đã hiểu biết hết rồi, thì mấy con còn hỏi gì Thầy không con? Rồi lần lượt người nào thấy tu nó không yên thì mấy con cứ về. Chứ còn ở đây thì chắc cũng không có, Thầy cũng không có dạy gì hơn hết. (49:40)

HẾT BĂNG