Skip directly to content

60-HỌC NGŨ GIỚI TRƯỚC TAM QUY VÌ ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 60-HỌC NGŨ GIỚI TRƯỚC TAM QUY VÌ ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP

LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 60

HỌC NGŨ GIỚI TRƯỚC TAM QUY VÌ ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 15/08/2008

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [44:57]

Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo

1- LUÔN SỐNG VỚI CHÂN LÝ

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay Thầy xin nhắc lại với mấy con, nhớ kỹ trong cái vấn đề mà Thầy chọn cái người tu về pháp Tứ Niệm Xứ, phải xả tâm cho thật rốt ráo. Chứ nếu mà xả tâm không được rốt ráo thì mình vào tu Tứ Niệm Xứ mình sẽ bị ức chế tâm. Ức chế tâm rất là nguy hiểm, nó sẽ đi sai đường mà nó không (đúng) chánh pháp của Phật.

Cho nên vấn đề hiện giờ, lúc nào mình cũng nhớ tu tất cả thời gian xả tâm. Nghĩa là có tâm niệm nào mình làm sao mình biết được cái niệm đó, rồi mình tác ý để rồi cái tâm mình nó trở về sự bất động của nó, thì như vậy nó mới được. Bởi vì mục đích của mình là tu để được giải thoát, để làm chủ sanh, già, bệnh, chết, để chấm dứt luân hồi. Nếu mà tu mà không làm chủ được bốn chỗ đau khổ sanh, già, bệnh, chết thì tu nó có ích lợi gì, cho mất công.

Cho nên cái mục đích mình tu được như vậy là do từng cái tâm niệm ở trong tâm của chúng ta. Do đó bây giờ chúng ta ngồi lại, chúng ta nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, thì mình chú ý cái tâm của mình coi nó còn niệm gì hay không. Nếu có niệm gì thì mình tác ý để rồi cái niệm đó nó sẽ đi, rồi nó để lại cho tâm chúng ta một cái trạng thái thanh thản an lạc, thì điều đó là điều quan trọng nhất của mấy con hiện giờ. Chứ không cần phải tu gì hết.

Bởi vì dù Thầy có dạy mấy con nhiếp tâm trong hơi thở hoặc là an trú tâm, cũng là cái mục đích khởi sự để chúng ta giữ tâm bất động mà thôi. Chứ không phải cái đó là cái chính, mà cái chỗ xả tâm mới là cái chính. Cái chỗ bắt đầu chúng ta vào Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, sanh trưởng thiện, đó là cái pháp mới chính.

Bởi vì nếu mà chúng ta không nhiếp tâm và an trú, thì chúng ta ngồi lại mà xả tâm, thì biết bao nhiêu cái niệm nó khởi ra. Cho nên buộc lòng chúng ta nhiếp tâm và an trú để cái niệm nó hiện ra, nó thưa dần, để rồi chúng ta xả từ từ, xả từ từ. Chứ còn không khéo thì chúng ta ngồi, rồi chúng ta thấy nó tuôn trào quá nhiều. Do cái sự nhiếp tâm và an trú nó làm giảm đi cái sự tuôn trào.

(02:16) Bởi vì mình đã nhiếp tâm và an trú, thì các cái niệm nó có khởi ra, nhưng nó sẽ thưa đi. Chứ còn nếu mà không biết cách đó, thì chúng ta ngồi lại thì niệm này đến niệm khác dẫn chúng ta đi, từ thời gian này đến thời gian khác, mất rất nhiều thì gìờ mà không xả được tâm.

Còn tất cả những trạng thái an lạc, thanh thản đều là bị tưởng hết mấy con. Cái sự an lạc mà chúng ta đang nỗ lực tu tập, là chúng ta thấy nó an lạc. Mặc dù nó đem lại chúng ta cái sự bình an thực sự, nhưng nó cũng bị tưởng mà thôi.

Vì chỉ duy nhất có một cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự của chúng ta, rất bình thường, tầm thường. Cho nên đạo Phật tu không có khó khăn, là tại vì với cái sự bình thường của nó, mà nó làm chủ được từng tâm niệm.

Cho nên khi ngộ rồi thì chúng ta thấy, cuộc đời này đâu có pháp nào là thường hằng, tất cả các pháp đều vô thường, có cái gì của mình đâu nữa mà mình lại dính mắc, mình lại chấp đắm, mình lại để cho dính mắc tâm mình? Cho nên vì vậy mà mọi pháp đến đi tự nó, chúng ta thấy hoàn toàn không bị dính mắc nữa. Chỉ không còn dính mắc các pháp thì ngay đó là chúng ta đã giải thoát rồi.

Chúng ta không dính pháp này, pháp kia, pháp nọ. Thí dụ như quý thầy còn dính pháp, là phải chụp ảnh lưu hình ảnh để ghi lại lịch sử, để thu băng nghe, điều đó hoàn toàn các pháp dính hết mấy con. Buông xuống mà lo cứu mình trước cái đã. Đừng có nghĩ gì. Một cái hình ảnh của Thầy đơn giản thôi, cũng là nói lên được lịch sử của con người. Ngày xưa đức Phật không ghi lại hình ảnh, thì thời nay chúng ta đi tìm cái hình ảnh của đức Phật chân thật rất khó. Còn thời chúng ta cái hình ảnh mà Thầy được ghi không biết bao nhiêu hình chứ đừng nói.

(04:15) Chúng ta sẽ dẹp xuống hết những cái công việc, những cái hình ảnh đi vào lịch sử, thì thôi chúng ta đừng nên lưu. Thầy không phải là một nguyên thủ quốc gia, cho nên chúng ta không cần phải lưu cái hình ảnh đó nhiều. Mà chỉ một cái gương mặt của Thầy tạm đủ để cho người sau người ta chiêm ngưỡng được cái người tu làm chủ được sự sống chết, có vậy cũng đủ. Người ta không còn bị lầm lạc với một cái hình ảnh của người khác.

Cũng như đức Phật bây giờ, người ta tạc biết bao nhiêu hình ảnh đức Phật, hình này thế này, hình kia như thế khác, đủ loại, chúng ta không biết hình ảnh đức Phật như thế nào. Còn riêng Thầy hiện giờ thì máy móc tinh vi hơn, cho nên do đó những cái hình ảnh đơn giản của Thầy, gương mặt của Thầy, thì chắc không ai làm thay đổi được, không ai tạc cái tượng mà với cái gương mặt của Thầy sai được.

Cho nên mấy con yên tâm mà lo tu tập cứu mình, đừng nên lo ghi lại những điều này. Nghe rồi bỏ xuống hết, chỉ có biết giữ tâm bất động thanh thản. Đừng nghe đi, nghe lại lời Thầy nói, rồi nó trở thành một cái bài hát. Để rồi mấy con độc cư cô đơn, mấy con thấy cho nó đỡ bớt cô đơn, thì lại nghe băng. Tâm mấy con bị tâm mấy con bị lừa, bị lừa nhiều quá, cuối cùng thì mấy con hoàn toàn bị động hết, mà không còn ở chỗ thanh tịnh tu tập đến nơi đến chốn.

Nhớ lời Thầy kỹ, nhớ Thầy dạy kỹ, là chúng ta tu không còn có thời gian nữa. Giai đoạn mà được chuyển sang qua một cái giai đoạn khác tu tập, thì vấn đề oai nghi, tế hạnh mấy con phải giữ kỹ lưỡng nhất là trong Tăng đoàn của mấy con. Mấy con đi khất thực, oai nghi, tế hạnh như thế nào, thì khi bước ra khỏi thất mình, thì mình nên cũng đi nhẹ nhàng, đừng nên đi vội vàng.

(06:13) Vì mặc chiếc y áo như mấy con mà đi vội vàng thì nó không có đủ oai nghi, tế hạnh, người ta sẽ đánh giá trị mình. Cho nên mấy con đi nhẹ nhàng như khi mình đi khất thực trong Tăng đoàn của mình vậy. Thầy xin nhắc lại một lần nữa, oai nghi, tế hạnh của một người tu sĩ rất quan trọng. Và cái quan trọng hơn hết là người tu sĩ phải làm chủ được tâm mình, làm chủ từng tâm niệm. Một tâm niệm khởi lên đều tác ý xả, đừng để trong tâm mình một niệm nào cả, mấy con.

Cho nên do như vậy mới thật tu, thật chứng. Tại sao Thầy viết một cái bài, một bức tâm thư Thầy nhắc nhở, đạo Phật tu không khó, khi người ta ngộ rồi thì người ta chứng đạo ngay liền, rất dễ dàng đâu khó. Nó đâu phải luyện thần thông phép tắc gì mà khó, mà chỉ thấy buông xả được không còn dính mắc một pháp nào thì đó là giải thoát, chứ còn gì. Các con thấy không khó đâu mấy con, đạo Phật rất dễ.

Bởi vì chúng ta còn dính mắc, chấp đắm pháp này, pháp nọ, pháp kia, cách sống này, cách sống kia. Cho nên vì vậy mà chúng ta chưa giải thoát mà thôi. Mà muốn được giải thoát thì mấy con nhớ, chỉ có tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự tất cả các pháp đều không tác động được vào đó là giải thoát.

Gia Hạnh có viết một bức thư gửi Thầy, Thầy thấy Gia Hạnh đã hiểu được, cho nên hãy cố gắng con, cố gắng giữ gìn tâm đó, để rồi mấy con sẽ thấy được sự giải thoát hoàn toàn.

Bất cứ mấy con ở đâu, ở gần bên Thầy mà tâm không bất động, thì ở gần bên Thầy cũng chẳng có ích lợi gì. Mà dù các con ở nơi đâu, bất cứ chỗ nào mà tâm bất động thì chỗ đó là gặp được Thầy, giải thoát nơi đó. Không cần thần thông, không cần phép tắc, không cần Tứ Thần Túc, không cần gì. Chỉ cần tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự từ ngày này đến ngày khác.

(08:12) Cuối cùng, Thầy nói cuối cùng, mấy con sống được như vậy, cuối cùng mấy con có đủ nội lực để làm chủ sự sống chết, khi muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống, thì đó là mấy con đã tu tập xong.

Và tu tập xong thì mấy con cũng vẫn ở trong tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự không có sai khác chút nào cả hết.

Nhớ giữ tâm đó, cố gắng giữ gìn tâm đó. Đừng nên nói chuyện bất cứ một người nào, mấy con nói chuyện tức là mấy con bị phóng dật, tránh xa hết tất cả. Bởi vậy Thầy mới bảo mấy con đừng nên thu băng, đừng nên thu hình, đừng nên làm gì hết, thì mấy con mới thấy được đạo. Còn lo lắng điều này điều kia, tức là còn dính mắc, còn phóng dật.

Cho nên mấy con còn tiếp duyên- gặp tới, gặp lui người này, người kia- thì mấy con tu xa lắm. Cho nên không gặp ai hết, coi như độc cư, độc bộ, độc hành. Một người tu sĩ tới giờ đi khất thực thì chúng ta đi khất thực, mà không tới giờ, còn ở trong thất thì giữ gìn tâm đó mà thôi. Cho đến khi được rốt ráo, cho đến khi đủ sức lực mà làm chủ sự sống chết thì chúng ta không cần giữ nữa nhưng chúng ta vẫn sống với nó bình thường.

Nhớ kỹ những lời Thầy nói, chỉ có câu tác ý như lý là cứu khổ các con mà thôi, làm cho tâm mấy con mới bất động, để bảo vệ giữ gìn tâm bình thường. Các con nhớ kỹ điều Thầy dạy, để rồi con đường chúng ta đi tới không có khó khăn, không có mệt nhọc. Con nhớ từ đây về sau đừng tiếp duyên ai hết, đừng nói chuyện gì hết.

Đến lớp học, thì người có trách nhiệm đứng giảng thì người đó sẽ giảng bài cho chúng ta. Sau khi giảng bài thì chúng ta có những cái ý, cái hiểu của chúng ta để góp ý, thì chúng ta đưa tay rồi sẽ đứng dậy góp ý qua cái hiểu của mình. Để cùng truyền đạt với các bạn đồng tu của mình, để cùng tìm hiểu nghĩa lý đạo đức của bài học. Để lần lượt chúng ta thấm nhuần những đức hạnh mà chúng ta đã học được. Mỗi ngày chúng ta học là mỗi ngày chúng ta thấm nhuần thêm những đạo đức làm người.

(10:28) Nếu chúng ta không học thì chúng ta không hiểu, mà trong lớp học chúng ta có nhiều ý kiến khơi dậy cho một hành động đạo đức làm cho chúng ta thấm nhuần nhiều hơn và hiểu biết rõ nhiều hơn. Còn chỗ nào không hiểu thì mấy con sẽ hỏi Thầy, Thầy sẽ giải thích cho mấy con hiểu.

Trước một đoạn trong bài học mà muốn tìm đạo đức, thì chúng ta hãy nhìn cái chữ nào mà nói lên được cái thân hành, khẩu hành và ý hành của nó trong đó, thì nên gạch đít những chữ đó. Để giúp chúng ta lưu ý, để biết hành động đó là hành động đạo đức gì, của ý, của thân, của khẩu, của nghiệp của chúng ta. Do đó nhờ đó mà chúng ta rất cẩn thận kỹ lưỡng và hiểu biết rất tường tận của hành động đạo đức.

Bởi vì hành động đạo đức không phải đi ngoài thân, khẩu, ý của chúng ta mà có. Cho nên thân, khẩu, ý chúng ta hoàn toàn là nơi để thể hiện đạo đức nhân bản, nhân quả. Vì vậy mà chúng ta lưu ý những từ ở trong đoạn văn hoặc là bài học của chúng ta có những từ chỉ cho thân hành, khẩu hành, ý hành thì đó là những hành động đạo đức. Và những hành động phi đạo đức cũng từ chỗ những hành động đó mà ra.

Cho nên lưu ý điều này để làm cho chúng ta thấm nhuần, không còn ai bắt bẻ chúng ta được. Chỗ chúng ta hiểu là đúng, bởi vì những từ đó để chỉ hành động thân hành, ý hành hay khẩu hành cụ thể rõ ràng. Cho nên bài học chúng ta càng ngày càng giúp chúng ta thấu rõ được đạo đức. Nhờ có đạo đức thì chúng ta mới ly dục, ly ác pháp. Nhờ có đạo đức chúng ta mới xả được ác pháp, bởi vì đạo đức là thiện pháp.

Cho nên một mặt chúng ta tu, là ngăn ác, diệt ác bằng tri kiến bằng sự hiểu biết của chúng ta từng tâm niệm. Để đem lại sự bình an cho thân tâm của chúng ta. Đó là cách thức của mấy con hiện giờ tu, các con nhớ kỹ.

2- Y ÁO PHẢI KÍN ĐÁO

(12:40) Và hôm nay thì là ngày rằm tháng bảy, theo tục lệ của Đại thừa thì hôm nay là ngày báo hiếu. Ở trong các chùa thì người ta làm lễ để cầu siêu, chư tăng hôm nay làm cái lễ ra hạ. Cho nên ba tháng an cư kiết hạ, bên Đại thừa người ta nghĩ rằng đó là công đức tu hành trong ba tháng hạ, cho nên công đức rất lớn. Từ đó các thầy sẽ họp lại công đức đó, mà hồi hướng cho những vong linh ở nơi địa ngục sẽ được thoát khỏi cảnh đau khổ của địa ngục. Vì vậy cho nên lấy ngày nay là ngày báo hiếu của những người con, của những người biết thương cha, thương mẹ. Cho nên vì vậy lấy ngày nay mà người ta cầu siêu cho những vong linh hoặc là trai tăng, để cầu những phước của chư tăng. Để đem hồi hướng công đức đó cho cha mẹ mình nơi cõi địa ngục được thoát ra, được thoát khỏi cảnh địa ngục.

Hôm nay chúng ta cũng không phải vì cái duyên đó mà chúng ta lấy ngày hôm nay để làm ngày lễ xuất gia cho mấy con. Mà vì Thầy thấy rằng cái ngày hôm nay cũng là ngày để nhắc nhở mấy con, trước khi để muốn trở thành một tu sĩ Phật giáo.

Theo Đại thừa, thì người ta sẽ làm lễ cạo tóc cho mấy con rồi cho mấy con đắp y, truyền cho mấy con mười giới Sa di, rồi lần lượt tu học.

(14:10) Còn ở đây, không! Thầy làm cái lễ cho mấy con xuất gia, rồi từng đó Thầy sẽ dạy cách thức mấy con sống như thế nào. Để lần lượt trong một tháng, hai tháng, ba tháng mấy con sống đúng, thì chừng đó mấy con sẽ đắp y, mang bát như các sư thầy.

Cho đến hôm nay Tăng đoàn của chúng ta cũng còn một vài người, vì thói quen ở đời mà được xuất gia, được sinh hoạt ở trong Tăng đoàn. Nhưng hành động oai nghi còn có những hành động hơi thô lắm. Cho nên trong Tăng đoàn chúng ta ai có thấy mình còn những hành động thô, thì nên cố gắng mà giữ gìn cho hết thô.

Vả lại Thầy xin nhắc lại, về vấn đề vấn y, thì mấy con nên nhớ rằng, chúng ta bên nam cũng như bên nữ, hầu hết bên nữ thì người ta rất kín đáo hơn, tại vì người ta giữ gìn cái y người ta nó phủ mắt cá, cho nên không thấy một khoảng chân. Còn bên nam thì thô lỗ hơn, cho nên có nhiều sư thầy vấn y cho nó gọn đi, cho nó dễ dàng hơn nó không lệt bệt. Vì vậy mà vấn hơi cao, để một khoảng chân dài ra, nó không được kín đáo lắm.

Và chính như vậy mà chúng ta đi thô lỗ quá, nó không có nhẹ nhàng oai nghi, tế hạnh. Cho nên chúng ta chỉ cần cái y chúng ta đến mắt cá chúng ta là được rồi, không cần phủ mắt cá, mà đến mắt cá được rồi. Đừng để ló một cái chân như thế này, thì trông thấy như mình nhìn thấy những cái bộ lạc mà xưa, người xưa, người ta ở bên Ấn Độ, người ta cũng vấn một cái y, nhưng mà vì muốn gọn gàng làm những công việc, cho nên cái người nam vấn tới nửa ống chân, vì vậy mà trông giống như một cái người đời.

(16:23) Còn người tu sĩ chúng ta thì hãy xả y thấp xuống một chút để kín đáo hơn, bởi vì chúng ta không còn lao động gì. Cho nên các con nhớ, nó gọn một chút, nhưng mà nó hại một chút, nó làm cho chúng ta không có cái vẻ kín đáo của một tu sĩ. Bởi vì da thịt của người nam nó cũng gợi dục cho người nữ, mà da thịt của người nữ cũng gợi dục cho người nam. Và con đường dâm dục là con đường đau khổ nhất của kiếp người, vì đó là con đường sinh tử.

Mà đối tượng để gợi dục là da thịt của người nam cũng như da thịt của người nữ. Cho nên chúng ta càng kín đáo bao nhiêu là càng tốt bấy nhiêu. Cho nên người ta chạy theo dâm dục, cho nên thời đại người ta ăn mặc hở hang. Vì vậy mà chúng ta là những người tu, mục đích chúng ta là chấm dứt con đường dâm dục, con đường nguy hiểm vô cùng, con đường đau khổ vô cùng.

Từ đó chúng ta mới sanh ra làm người, từ làm người chúng ta mới thấy bao nhiêu sự khổ đau trên thân con người, đổ trên thân con người. Bây giờ muốn ra khỏi kiếp người, thì chỉ còn có cái tâm niệm là chấm dứt cái tâm dâm dục. Mà chấm dứt tâm dâm dục thì đầu tiên chúng ta phải làm sao? Ăn mặc kín đáo. Đó là cái oai nghi, tế hạnh, giữ gìn cái giới dâm dục cho trọn vẹn. Vì vậy mà chúng ta cố gắng học tu, đừng để chúng ta sai phạm. Rồi tạo nên những điều không hay cho người khác mà chính cũng cho mình.

3- ĐỘC CƯ, ĐỘC BỘ, ĐỘC HÀNH

(18:25) Những gì Thầy nhắc nhở mấy con, nhớ cái thứ nhất, ở đây là phải độc cư. Vì chúng ta chỉ có thời gian độc cư để quét sạch tâm mình, không nói chuyện với ai hết. Đó là cái thứ nhất quan trọng. Mấy con còn tiếp duyên nói chuyện qua, chuyện lại là Thầy thấy tu không biết bao giờ cho xong.

Bởi vì tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, bởi vì biết được các pháp thì đã giải thoát rồi. Nhưng thanh tịnh, hoàn toàn chưa thanh tịnh mấy con. Bởi vì chúng ta đi tái sanh, luân hồi không phải bằng linh hồn mà bằng nghiệp lực- nghiệp tham, sân, si nghiệp ham muốn- của chúng ta. Cho nên cái nghiệp đi tái sanh luân hồi. Do đó chúng ta hiện giờ quyết định xả bỏ các ác pháp, không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Quyết định, cho nên từng tâm niệm chúng ta khởi ra đều tác ý đuổi đi.

Nhưng nghiệp lực chúng ta vẫn còn. Cho nên gió thì lặng mà biển vẫn còn sóng. Hiện giờ chúng ta như là những cơn gió đã bắt đầu lặng, đó là giải thoát đầu tiên của chúng ta, chúng ta đã biết các pháp. Cho nên không ngộ, không giác ngộ được Phật pháp mà thôi, mà đã giác ngộ được Phật pháp là đã có sự giải thoát, đã có chứng đạo. Nhưng nghiệp chúng ta còn, chưa hết.

Vì vậy chờ thời gian để toàn bộ tất cả các nghiệp này được chuyển hoàn toàn thanh tịnh. Mà chuyển hoàn toàn thanh tịnh thì chúng ta mới đủ Tứ Thần Túc. Vì vậy mà nếu mà chúng ta còn tiếp duyên, còn nói chuyện còn phóng dật, thì làm sao chúng ta thanh tịnh được. Làm sao tâm chúng ta thanh tịnh được, thì sức nội tâm của chúng ta làm sao làm chủ được sự sống chết. Chỉ có tâm thanh tịnh chúng ta mới có đủ nội lực mà làm chủ được sự sống chết.

(20:19) Vậy còn thời gian, thời gian đó quyết định nhanh hay là chậm, là do nghiệp lực của mấy con nhiều hay ít. Có người nghiệp người ta mỏng cho nên nhanh chóng, có người nghiệp dày nó phải lâu hơn mấy con. Nhưng người nào cũng chứng đạo chứ đâu phải là không chứng đạo. Bởi vì chúng ta luôn tu đúng pháp.

Cũng như có một người, người khác vừa chửi mình, thì người ta nhẹ nhàng người ta không giận hờn. Người ta có buồn phiền trong lòng, nhưng cái tâm sân đó- cái nghiệp đó- nhẹ hơn chúng ta. Chúng ta vừa nghe người ta mắng mình thì mình nổi sân ầm ầm, thì người đó nghiệp lực nặng hơn. Các con hiểu điều đó.

Cho nên nghiệp lực nó có thật sự và cũng chính từ cái lực đó mà nó tiếp tục tái sanh từ thân này đến thân khác. Còn bây giờ nghiệp lực lần lượt tan dần, tan dần cho đến không còn nữa thì chúng ta không còn tái sanh. Bởi vì đi tái sanh bằng nghiệp lực chứ không phải bằng linh hồn. Cho nên chúng ta muốn chấm dứt tái sanh thì chúng ta phải dừng tất cả những niệm tham, sân, si, mạn, nghi. Các con hiểu hết rồi, chỉ có tu.

Cho nên không phải bữa nay gặp Thầy, mai gặp Thầy, mốt gặp Thầy, mà chỉ hiểu được pháp thì nỗ lực ở trong thất mà tu. Tu mãi, tu mãi, tu cho đến khi mình làm chủ thôi. Các con đã hiểu rồi.

Gia Hạnh đã viết bức thơ hỏi Thầy và trình bày sự hiểu biết của mình, Thầy thấy Gia Hạnh hiểu rồi. Chỉ cần hiểu như vậy thôi và cuộc đời tu hành sẽ làm chủ được sự sống chết. Thầy tin chắc chắn. Đừng hỏi Thầy gì nữa hết, hỏi Thầy cũng là phá độc cư mấy con, chứ không phải hỏi Thầy để cho mình…​

Bởi vì mình sống một mình mà tiếp duyên, dù là hỏi Thầy pháp đó, nhưng mà chúng ta bị tâm chúng ta lừa gạt để đi phá độc cư. Cho nên khi nhận được pháp rồi, hoàn toàn là không thưa hỏi Thầy nữa. “Chúng con biết đường đi, chúng con tự đi rồi, không cần thưa hỏi nữa”. Đó là cái quan trọng nhất. Khi chưa hiểu biết đường đi, thì thưa hỏi kỹ cho hiểu biết đường đi. Khi đã hiểu biết rồi thì nhất định là không thưa hỏi, thừa.

Thưa hỏi nữa để làm cho tâm chúng ta bớt cô đơn, thì đó là sai rồi. Mấy con nhớ kỹ điều đó. Người nào mà đã nỗ lực thực hiện đúng pháp độc cư, không thưa hỏi. Thì muốn bảo vệ được sự độc cư đó- tuy trong Tu viện của chúng ta nếu mấy con cố gắng từ chối huynh đệ, những bạn đồng tu đừng nói chuyện- thì ai đến thất mình đều khép cửa từ chối một cách rất thẳng thắn. Vì phải tự cứu mình không thể tình cảm được.

Còn nếu mấy con còn tình cảm thì biết chừng nào mới xong. Còn tùy thuận với bạn bè cho vui lòng nhau, thì tu biết chừng nào cho xong, thì luôn luôn tâm bị phóng dật. Đó là điều cần thiết quan trọng nhất cho đời tu hành mấy con là hạnh độc cư, hạnh không phóng dật, mấy con nhớ kỹ.

4- ĐỜI NGƯỜI TU SĨ

( 23:09) Và cái thứ hai là sự tinh tấn tinh cần mấy con, cái phương pháp thứ hai là tinh cần, tinh tấn. Ở trong thất không phải ngủ, mà ở trong thất để ngồi canh gác như người lính canh gác cửa thành. Đem từng tâm niệm của nó để mà xả tâm, quyết định xả cho rốt ráo, để xả cho nó hết. Làm tu sĩ không có sung sướng đâu mấy con. Mấy con cứ nghĩ rằng làm tu sĩ sung sướng, không phải đâu. Mấy con còn phải siêng năng hơn là người học trò đi thi.

Thầy nói như một người lính mà canh gác cửa thành, mà để cho người ra vào thành thì rất là nguy hiểm cho cái thành đó. Mà luôn lúc nào cũng phải tỉnh thì người tu sĩ phải vất vả vô cùng, đêm như ngày, ngày như đêm. Chứ các con đừng nghĩ tu sĩ sướng lắm, vô đây rồi ngày có bữa cơm ăn, có người lo không gì hết, mình ở trong thất chơi cho sung sướng, điều đó là mình rất sai.

Người tu sĩ Đại thừa thì sung sướng thiệt, ăn rồi chơi mà có tiền Phật tử cúng dường đầy đủ không thiếu. Còn người tu sĩ theo Tu viện Chơn Như thì vất vả vô cùng. Ăn không dám ăn nhiều, ngủ không dám ngủ nhiều, phải thức đêm, thức khuya, dậy sớm, siêng năng, cần mẫn để ngăn ác, diệt ác, để tăng trưởng từng tâm niệm thanh thản, an lạc, vô sự, tăng dần tăng dần cho thời gian dài ra.

Cho nên đừng ham xuất gia, ở ngoài đời sung sướng lắm mấy con. Có khổ, nhưng mà sung sướng, không giải thoát, nhưng không khổ như người tu sĩ của chúng ta. Mục đích chúng ta là mục đích quá lớn, làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người, chấm dứt sinh tử luân hồi, là mục đích lớn vĩ đại vô cùng. Cho nên chúng ta phải chịu khổ. Nếu chúng ta thấy mình chưa đủ sức, còn tình cảm tới lui thì không nên xuất gia. Mà đã xuất gia thì mấy con đừng có nên có tình cảm gia đình của mình nữa.

Người ta bảo ly gia, cắt ái thì mới xuất gia. Còn chưa ly gia, cắt ái mà xuất gia, rồi sống ít hôm ở Tu viện chạy về thăm gia đình, cha mẹ con cái. Hoặc là có sự sống chết bệnh đau của gia đình cũng báo tin này, tin nọ, thì điều này là điều nguy hiểm cho người tu sĩ, mang tiếng cho người tu sĩ của đạo Phật. Không có nghĩa là đạo Phật bất hiếu, không có nghĩa là đạo Phật không biết đến những người thân của mình. Nhưng nỗi khắc khoải ở trong tâm của người tu sĩ của đạo Phật là vấn đề sinh tử trước mắt.

(25:46) Cho nên chưa cứu mình thì chắc không cứu ai được hết. Mà không cứu ai được hết, thì nỗi đau khổ nhất của người tu sĩ, thì còn sung sướng gì mà nghĩ đến những người thân của mình. Cho nên mấy con xuất gia rồi nhưng ở đây ít hôm, tháng nửa tháng rồi chạy về thăm gia đình, rồi tới lui, tới lui, thôi cái điều này mấy con đừng làm điều đó đi. Thôi thà mấy con mặc áo cư sĩ đi tốt hơn.

Hôm nay Thầy nhắc nhở một lần nữa, để chúng ta quyết định, tu là tu mà không tu thì chúng ta sẽ mặc chiếc áo cư sĩ để chúng ta còn thăm còn viếng. Bởi vì con đường tu: đi tới mấy con không tới, mà lui, thật sự lui thì mấy con cũng không lui được, nó quá khổ cho mấy con. Tốt hơn là mấy con thay đổi chiếc áo, thay đổi, đừng cạo tóc, mặc đồ cư sĩ thì mấy con dễ dàng hơn.

Chứ còn mấy con mặc chiếc á, cạo đầu như thế này, là một tu sĩ hình dáng của Phật ngày xưa, thế mà rồi cái cách sống của mấy con nó không đúng, không ly gia, cắt ái thật sự, thì như vậy xuất gia để làm gì tốt hơn. Cho nên trong Tăng đoàn của chúng ta hôm nay đây là một lời khuyên thành thật của Thầy. Các con quyết tâm tu giải thoát, thì thật sự phải giải thoát hoàn toàn, bỏ hết buông hết.

Trong giai đoạn này, mấy con nghe kỹ, không còn có những người thân ruột thịt gì của chúng ta cả hết. Chỉ có một hướng là nhắm vào sinh tử luân hồi, có một hướng phải giải quyết, có một hướng đó thôi. Cũng như một người lính ra trận, xung trận, thì một là thắng hai là chết trên mặt trận, chứ không thể nào mà vừa thắng mà không chết thì không thể có được.

Cho nên ở đây phải kỹ lưỡng, người tu sĩ của Phật giáo là phải có sự quyết tâm như vậy mới là tu sĩ. Thầy muốn nhắc nhở như vậy, là nhắc nhở cái Tăng đoàn chúng ta và cũng nhắc nhở cho những người sắp sửa xuất gia. Lượng được thì xuất gia, mà không được thì các con cứ giữ chiếc áo cư sĩ. Không có lẽ chiếc áo cư sĩ mấy con tu không giải thoát sao. Nếu mấy con giữ gìn đúng giới luật, đúng hạnh độc cư mấy con cũng giải thoát như người tu sĩ.

5- GIỚI LUẬT MẤT LÀ PHẬT GIÁO MẤT

(27:57) Mà mấy con mặc chiếc áo tu sĩ là nguy hiểm cho mấy con rất lớn. Nếu hình ảnh tu sĩ mà mấy con làm sai là mấy con đã phỉ báng Phật pháp, sai tức là mấy con phạm giới luật. Cho nên đức Phật nói: “Giới luật mất là đạo Phật mất, mà giới luật còn là đạo Phật còn”. Muốn nói như vậy là chỉ thẳng cho những người tu sĩ mà phạm giới, phá giới là đạo Phật mất. Các con hiểu điều đó.

Cho nên những người mà làm tội lỗi cho Phật giáo, là những người với chiếc áo của người tu sĩ mà phạm giới. Đó là những người tội lỗi rất lớn, làm cho người ta không còn tin tưởng Phật giáo, làm cho con đường của Phật giáo bị mất đi, không còn được sự giải thoát. Tội lớn lắm mấy con. Thà là Phật giáo không có, mà có được một tu sĩ là phải ra một tu sĩ. Chứ đừng có tu sĩ mà Thầy nói, hàng vạn vạn áo vàng đầy hết mà chẳng ra gì hết, thì đó là một hình ảnh đau lòng nhất của Phật giáo.

Thầy đến một trường hạ, một lễ thọ, một tổ chức thọ giới đàn, tu sĩ trùng trùng, điệp điệp. Về thọ giới hẳn hoi hoàn toàn, nhưng oai nghi, tế hạnh chẳng ra gì, giới luật không còn giới nào mà không phạm. Đã thọ giới đàn như vậy mà ăn ba bữa thì mấy con con nghĩ làm sao? Trong cái giới Sa di không được ăn phi thời, thế mà từ vị lớn cho đến vị nhỏ, nghĩa là cái vị mà Hòa thượng, đường đầu tổ chức giới đàn vẫn phạm giới ăn uống phi thời.

(29:34) Cho nên tất cả các tăng sinh, tu sinh đều phạm tất cả hết. Mà hàng ngàn, hàng vạn tu sĩ đều mặc áo vàng lớp lớp. Tăng cũng vậy, ni cũng vậy toàn bộ phá giới, phạm giới hết. Đi đứng, nói cười không có nghiêm chỉnh chút nào. Thậm chí mặc chiếc áo như thế này mà ra quán, ra lều mua thực phẩm, mua thức ăn. Cái giới đàn rất rộng, có cả ngàn người, cái vòng rào rất rộng, thế mà họ đi ra ngoài khỏi giới đàn. Trong khi giới đàn rõ ràng, kiết giới đàn hẳn hoi, hoàn toàn không được ra khỏi giới đàn.

Còn có người thì đứng ở trong hàng rào giới đàn quắc người ở bên ngoài, để người ta đem thực phẩm đến bán cho. Thầy thấy hình ảnh rất đau lòng mấy con. Chính vì có làm chứng minh cho giới đàn, cho nên mắt Thầy đã thấy được cái việc đau lòng nhất của Phật giáo Việt Nam. Cho nên trong Tu viện chúng ta không mấy người, không mấy tu sĩ, còn cái kia hàng hàng, lớp lớp tu sĩ, mà không có một người giới luật nghiêm chỉnh.

Ở đây chúng ta ít, nhưng chúng ta cố gắng giữ gìn trọn vẹn. Vì mục đích của chúng ta là làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi, mục đích của chúng ta. Chứ không phải mục đích của chúng ta vì danh, vì lợi, vì ăn, vì uống, vì vui chơi như người thế tục. Cho nên ở đây xuất gia là phải xuất gia cho thật sự, với tâm huyết làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Cho nên tất cả những gì ở đời đều bỏ xuống hết.

Chúng ta ai cũng có gia đình, ai cũng có cha mẹ, vì có gia đình có cha mẹ mới sanh mình ra. Nhưng đến giờ mà chúng ta đã xuất gia rồi, thì nhất định cắt ái, ly gia, bỏ hết xuống. Chừng nào chúng ta tu xong rồi, chúng ta sẽ về độ gia đình, đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

(31:32) Còn chưa xong thì nhất định còn ngậm, còn đang trên chiến trường của mặt trận sinh tử luân hồi. Nhất định chúng ta phải chiến đấu tận cùng, không đầu hàng giặc, thì như vậy mới xứng đáng là người cư sĩ của đạo Phật. Thà chết dưới cội bồ đề nếu không chứng đạo, chúng ta thà chết tại Tu viện Chân Như nếu không chứng đạo. Đến đây rồi, chỉ còn một chết, một chứng đạo.

Mà nếu như mấy con để Tu viện này mang tiếng như các chùa khác, thì sự đáng trách của mấy con quá đáng trách. Đừng làm giống như các chùa khác, không tốt mấy con. Cho nên nhớ lời Thầy dạy, phải cẩn thận. Bây giờ chúng ta đã làm người tu sĩ rồi thì chúng ta phải cố gắng khắc phục hơn. Còn các con sắp sửa sẽ làm lễ xuất gia thì phải cố gắng.

Cho nên mấy con nhớ kỹ. Bởi vì ở đây là chúng ta ngồi trước mặt Thầy, sắp sửa sẽ là tu sĩ hết của Tu viện. Các con là cư sĩ, các con còn xin Thọ Bát Quan Trai, nhập thất để tập tu mà thôi. Còn những người tu sĩ thì hoàn toàn phải giới luật nghiêm chỉnh, rồi bắt đầu tu tập thật sự, đi sâu vào để làm chủ sự sống chết. Vậy hôm nay mấy con nhớ kỹ chưa? Nhớ những lời Thầy chưa? Phải nhớ kỹ mấy con.

Mấy con sẽ, mỗi người tu sĩ mấy con về ghi lại một bức thư gửi cho Thầy, cách thức tu hành như thế nào, xả tâm như Thầy đã nói. Mấy con về tập, hễ làm được hay chưa là làm được, đều ghi lại một bức thư gửi đến Thầy. Thầy sẽ xét thấy mấy con đúng hay là chưa đúng, để xác định cho mấy con lấy đó, lấy cái chỗ mấy con nghĩ ra mà viết ra. Đúng, thì mấy con phải theo đó mà tu tập cho tốt, mà sai, thì Thầy xác định sai để Thầy hướng dẫn kỹ lại. Pháp tu, coi vậy, lời nói người hiểu thế này người hiểu thế khác.

Cho nên cái hiểu của mấy con mấy con viết ra để mà hỏi Thầy, để rồi Thầy xác định được cái phương pháp, cái hành động tu tập, để giúp cho mấy con đi tới nơi tới chốn. Chỉ một lần hỏi để rồi giác ngộ được điều mình tu tập, thì chỉ lo tu thôi, không hỏi nữa, có vậy thôi. Thầy cũng không mất thì giờ, mà mấy con cũng không mất thì giờ, mà cũng không phá hạnh độc cư, chỉ có ráng tu mà thôi, đi tới nơi tới chốn.

6- THẦY ƯỚC MONG TẤT CẢ TU CHỨNG HẾT

(34:08) Thầy chỉ trông trong số mấy con, cái ước mong của Thầy là tu chứng giải thoát hết, làm chủ được sự sống chết hết. Cái ước mong của Thầy, cái ước muốn của Thầy là chỉ vậy.

Nhưng được một người nào là nỗi mừng của Thầy. Nghĩa là trong số mấy con được một người cũng là một cái nỗi mừng của Thầy. Bởi vì chánh pháp của Phật đã dựng lại được, có người tu chứng. Còn mà được hết, đó là nỗi mừng vô cùng, không phải nỗi mừng riêng của Thầy mà cả nhân loại mấy con.

Con người trên hành tinh này người ta đau khổ lắm mấy con, vì sanh, già, bệnh, chết, vì tái sanh luân hồi, không làm sao người ta biết đường để mà chấm dứt. Người ta ham tu lắm, người ta muốn giải thoát lắm. Cho nên vì vậy mà người ta tu pháp môn này, pháp môn khác, chạy loanh quanh như con kiến bò miệng lu mấy con. Không có lối ra.

Còn ở đây chúng ta biết lối ra, chúng ta vượt ra khỏi sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta làm chủ được sự luân hồi, chấm dứt được luân hồi tái sanh, chúng ta có lối hẳn hoi hoàn toàn. Chỉ cần chúng ta phải giữ hạnh đúng độc cư trọn vẹn, thì chúng ta làm mới được. Có như vậy thì chúng ta mới làm xong công việc, Mà làm xong công việc là một nỗi mừng của nhân loại. Vì người ta chưa biết đường, còn mình đã làm được là con đường sáng tỏ.

Các con làm được, là các con đã cứu nhân loại thoát ra nỗi khổ của họ. Hễ con người sanh ra hành tinh này là người nào cũng chịu cái khổ, bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết và luân hồi mấy con. Không có người nào mà thoát ra khỏi hết. Mà bây giờ mấy con đã làm chủ bốn chỗ đau khổ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, là một tin vui của cả thế giới.

Một mình Thầy chưa đủ nói lên điều này, mà các con cùng Thầy sẽ nói lên được điều này cho thế giới. Phật pháp sẽ sống lại. Chứ còn không khéo thì Phật pháp sẽ bị mất đi, rất đau lòng. Khi nhìn hình ảnh của đức Phật mà chúng ta đau lòng. Đức Phật thương chúng sanh, mới dạy cho chúng ta những phương pháp, cách thức để làm chủ sự sống chết đó. Thế mà chúng ta đã phụ lòng Người, từ mấy ngàn năm nay chứ không phải ít, 2552 năm rồi.

Thầy là người đã đền đáp ơn Phật được, để nói lên được tiếng nói của Phật giáo, để dựng lại nền đạo đức của Phật giáo. Còn từ xưa đến giờ mấy con đã thấy có giáo pháp nào dựng lại nền đạo đức của Phật giáo không? Không. Có pháp nào mà nói để làm chủ sanh, già, bệnh, chết không?

(36:42) Đã phủ chụp lên Phật giáo- giáo pháp của đức Phật- một lớp màn của ngoại đạo, làm cho Phật giáo không còn. Làm cho mọi người không còn biết đường lối của Phật giáo như thế nào. Hôm nay mấy con tin Thầy, mấy con về đây, thì mấy con phải thực hành đúng mấy con. Thương mình, thương mọi người đang đau khổ khắp nơi trên thế giới. Là con người ai cũng đau khổ trong bốn sự đau khổ này cả.

Cho nên phải ráng cố gắng mấy con. Đến đây mấy con, theo Thầy thấy mấy con ghi nhận về, mấy con sẽ trở về, tu sĩ mấy con trở về, còn cư sĩ muốn xuất gia thì ở lại đây. Còn người nào không muốn xuất gia, thì mấy con hãy ra về và trở về nhà khách, nhà thất của mình, còn những người mà muốn xuất gia ở đây, Thầy còn căn dặn vài điều nữa mới làm lễ xuất gia.

Có quyết tâm hẳn hoi, chứ không phải như trước kia, chỉ nói suông mà thôi. Ở đây, hàng ngày càng rút tỉa kinh nghiệm, càng thấy được tâm lý, tình cảm của con người, rất là khó bỏ. Cho nên Thầy nhắc nhở khéo léo để cho các con trước khi xuất gia xuống tóc đắp chiếc y của Phật, thì phải làm như thế nào cho đúng. Còn mấy con đã là tu sĩ thì hiện giờ mấy con về tập lo tu tập. Tới giờ học mấy con lên học thêm đạo đức.

(38:13) Sau khi mà tâm mấy con được thanh thản, an lạc, vô sự để bước vào trong giai đoạn của thiền định Tứ Niệm Xứ, thì lúc bây giờ không có học tập gì nữa cả. Thầy sẽ cho mấy con ở vào một cái khu riêng, rồi sống ở đó mà tu tập. Còn bây giờ đang học, mà tâm thì chưa xả hết được, để có những đối tượng để nhìn xét tâm mình, để tiếp tục xả.

Khi nào được tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự với pháp Tứ Chánh Cần, được ba mươi phút, một giờ hoặc một giờ rưỡi, chừng đó là riêng được tiến tu tới giai đoạn khác. Thì Thầy sẽ rước mấy con vào khu vực chuyên tu về vấn đề Tứ Niệm Xứ, con nhớ kỹ. Thầy đã lưu ý một số người, để chuẩn bị cho mấy con và đồng thời mấy con cố gắng học giới luật trong giai đoạn này, giới luật đức hạnh.

7- HỌC NGŨ GIỚI TRƯỚC TAM QUY VÌ ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP

(39:19) Chỉ còn mấy giới nữa là hết năm giới, tức là năm đức nhân bản và đồng thời chuyển qua, mấy con học Tam Quy, quy y Phật. Nghĩa là thay vì quy y Phật, Pháp, Tăng thì mấy con học trước, nhưng vì cái bộ sách đó chưa soạn, cho nên mấy con học Ngũ Giới trước. Bởi vì Ngũ Giới là những đức hạnh của con người, cho nên được viết ra, được phổ biến khắp mọi người, để trong giai đoạn đạo đức xuống cấp, để giúp cho mọi người, người ta biết đạo đức để người ta sống, cho nên bộ sách đạo đức được viết trước.

Còn bộ sách Tam Quy được viết sau, là khi mấy con học đạo đức nhân bản xong, tức là năm giới xong thì mấy con sẽ học Tam Quy. Học Tam Quy tức là học, đầu tiên mấy con học những oai nghi, tế hạnh, đời sống của đức Phật, gọi là Quy Y Phật. Mấy con phải thông suốt những cái bài kinh nào nói về oai nghi, tế hạnh của đức Phật, đều được Thầy trích và chỉ dẫn cho mấy con thấy, trong thời đó đức Phật sống như vậy, làm như vậy. Cho đến khi mà đức Phật nhập Niết Bàn, cái hành động nhập Niết Bàn của đức Phật cũng là một cái hành động để chúng ta học.

Tất cả những bài kinh này được Thầy trích và lược và giải thích để thấy được oai nghi tế hạnh, những hành động sống của đức Phật ngày xưa. Chúng ta thông suốt hết những đức hạnh, oai nghi giải thoát của đức Phật. Chứ còn hiện giờ mấy con thấy, Quy Y Phật là nói ông Phật nào vậy thôi, chúng ta theo ông Phật nào thôi, chứ còn sự thật mấy con chưa hiểu hết những cái đức hạnh của đức Phật sống, được giải thoát như thế nào, thì mấy con chưa học.

Cho nên bộ sách Tam Quy có ba tập, tập thứ nhất là Quy Y Phật, tập thứ hai là Quy Y Pháp, tập thứ ba là Quy Y Tăng. Và những bậc Thánh Tăng mà các con được học, đó là những đệ tử của đức Phật ngày xưa. Những hành động sống của các Ngài, những oai nghi, tế hạnh của các Ngài, người đã tu chứng quả A La Hán họ sẽ sống như thế nào.

(41:35) Chúng ta chỉ nghe một bậc Thánh Tăng, ngài Phú Lâu La. Người ta chửi Ngài, Ngài cũng vẫn nói người ta thương Ngài. Người ta đánh Ngài, Ngài cũng nói người ta thương Ngài. Cho đến thậm chí người ta giết Ngài, Ngài cũng nói người ta thương Ngài. Mấy con thấy cái hạnh vô cùng, giữ Đức Hiếu Sinh tuyệt vời mấy con. Đó là cái gương hạnh của Ngài Phú Lâu La, cái Đức Hiếu Sinh tuyệt vời.

Ngài thấy không ai mà ghét Ngài, nhiều người ta thương Ngài. Đó là cái Đức Hiếu Sinh. Mấy con thấy nếu mà mình học tất cả những gương hạnh của những bậc Thánh Tăng trong thời đức Phật, thì những bậc mà đã chứng quả A La Hán, mình thấy gương hạnh tuyệt vời. Chúng ta là những người sẽ học theo gương hạnh đó, sẽ cố gắng sống theo gương hạnh đó, nhưng những bộ sách đó lại không có. Ai ngồi đây viết những bộ sách đó.

Nếu viết những bộ sách đó, thì tất cả những chúng tăng hiện theo Phật giáo tu học bây giờ, thì còn gì nữa. Nếu bộ sách Tam Quy ra đời, thì tất cả tu sĩ Phật giáo hiện giờ thì còn gì mà để nói. Oai nghi, tế hạnh không có, những hạnh Thánh Tăng không có chút nào. Cho nên bộ sách rất quý mấy con. Thầy đang cố gắng ngày đêm soạn thảo, cho những người tu sĩ biết được những oai nghi, tế hạnh, những đức hạnh của Phật, của Pháp, của Tăng.

Tất cả những này đều nằm trong tạng kinh Pali, tạng kinh mà Phật đã thuyết giảng mà vua A Xà Thế, ông vua A Dục đã có công kết tập lại, đã cố công ghi lại trên những bia đá mấy con. Nếu mà không có công như vậy thì hôm nay kinh sách đó cũng không còn. Những bài kinh Lậu Hoặc của đức Phật cũng không còn. Hôm nay chúng ta cũng nhớ ơn nhà vua đã có công, đã biết được pháp bảo quý báu, đã cố gắng ghi vào những bia đá, mà chúng ta ngày nay còn.

(43:45) Vì vậy mà hôm nay Thầy tu hành được làm chủ sự sống chết của mình, Thầy nhớ ơn. Nhớ ơn Phật, nhớ ơn nhà vua đã có công để lại những Pháp bảo quý giá như thế này. Thì bây giờ bắt đầu mấy con cũng vậy. Khi mà mình biết ơn, mình nhớ ơn thì hãy nỗ lực tu tập để đến đáp công ơn đó, để xứng đáng với công ơn của những người đó.

Họ đã dày công để không mất bỏ giáo pháp của đức Phật, lời dạy của đức Phật. Còn chúng ta tu hành chỉ chơi chơi, tức là chúng ta phụ công ơn của những người đó. Gần đây thì chúng ta cũng nhớ ơn được Hòa thượng Minh Châu, người đã từ tiếng Pali, người đã dịch sang ra Việt ngữ, làm cho người Việt chúng ta đọc dễ dàng, không có khó khăn.

Chứ nếu còn ở trong tạng Pali thì chúng ta làm sao hiểu được. Thế công ơn của Hòa thượng đối với chúng ta rất là lớn. Đó là từng cái ơn của người này cho đến cái ơn của người khác, chúng ta nhớ ơn lắm mấy con. Càng nhớ ơn thì phải càng nỗ lực tu để chứng tỏ cái hạnh…​(44:57)

HẾT BĂNG