22-HƯỚNG DẪN LÀM BÀI MẪU VÀ ÁP DỤNG ĐỨC DŨNG CẢM
LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 22-HƯỚNG DẪN LÀM BÀI MẪU VÀ ÁP DỤNG ĐỨC DŨNG CẢM
LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 22
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI MẪU VÀ ÁP DỤNG ĐỨC DŨNG CẢM
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh Nữ
Thời gian: 06/03/2008
Thời lượng: [00:45:34]
Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo
Số lượng: 65 pháp âm
1- TU TẬP NHIẾP TÂM VÀ ĐẨY LUI BỆNH
(0:00) Trưởng lão: Thầy chỉ chờ cho đủ hết đặng Thầy kiểm coi hôm rày mấy con tu tiến tới đâu. Coi chứng quả A La Hán chưa đây?
Người nào chứng rồi Thầy chấm điểm cho đậu cho rồi, còn người nào rớt thì cho ở lại. Thầy xét qua mấy tuần nay mấy con tu tập ra sao đây? Coi đứa nào nhiếp tâm giỏi, đứa nào nhiếp tâm dở, thì theo đó Thầy hướng dẫn cho tập.
Lẽ ra bữa nay, buổi chiều Thầy còn kiểm bên nam nhưng mà Thầy nói thôi bây giờ kiểm bên nữ cho thình lình, cho mấy con tập trung không kịp, không có chuẩn bị bài vở copy, chứ không nó copy nhau hết. Thầy kiểm tra thình lình không à, không có kiểm tra để cho chuẩn bị sẵn sàng. Có mấy con sẵn sàng bài vở đồ này kia, mấy con lập luận, lý luận đồ hay đó, nhưng mà rớt hết. Ở bên nam, hồi sáng này Thầy kiểm mới được phân nửa, chứ chưa được. Đông quá! Kiểm không hết. Tính một buổi cho nó xong, đặng rồi sẽ làm công việc. Nhưng mà rồi nó không hết, công việc lúc này nhiều quá!
Tu sinh: Con thưa Thầy, lấy giấy bút viết bài chứ ạ?
Trưởng lão: Bút hả con?
Tu sinh: Có phải lấy giấy bút viết bài không ạ?
Trưởng lão: Coi như là Thầy sẽ hỏi, hỏi từng người một. Cô Út có ghi những người mà tu tập Tứ Niệm Xứ để Thầy xem coi Tứ Niệm Xứ mấy con, Tứ Niệm Xứ hay sáu niệm xứ đây không biết? Để coi thử coi tu tứ hay là tu sáu, hay là tu ba đây. Thầy có kiểm tra cho kỹ lại.
Mấy con lần lượt vô hết đi con, vô hết. Xá Thầy thôi! Cô này chắc tu giỏi lắm! Cứ vô cửa mấy con xá cái hình của Thầy thôi, là xong đó. Coi như Thầy đang ngồi đó đó, con đứng đó đó. Như vậy là yên trí, rồi cứ vô ghế ngồi đàng hoàng. Còn ai sót không con? Còn người nào không?
Tu sinh Hải Tâm: Vô hết đủ rồi.
Trưởng lão: Vô hết rồi phải không? Để nghe cho kỹ để biết cái pháp tu, chứ không khéo nghe không kỹ lại không biết pháp tu á! Cái lớp học mình lạ lùng lắm, hai giờ mà Thầy giáo phải vô trước, học trò vô tới hai giờ mấy, vô hết chưa con? Còn thiếu ai nữa không?
Tu sinh: Dạ không ạ! Chờ cô Út đi kêu rồi ạ.
Trưởng lão: Rồi, rồi chờ cô Út kêu xong đủ hết con. Còn mấy người nữa, hết chưa con?
Cô Út: Họ đang ra gần tới rồi Thầy.
(02:27) Trưởng lão: Mấy con lắng nghe, bởi vì trong cái vấn đề tu tập, là phải mình phải tu tập từ cái căn bản. Từ cái cơ bản, để rồi mới đi sâu vào những cái giai đoạn khác nữa, chứ không phải tu thế này. Cho nên, từng cái bước đi nó phải vững chắc. Cho nên từ hôm mà Thầy vào đây, dạy mấy con cách thức nhiếp tâm. Nhưng mà trong cái sự nhiếp tâm thì nó phải có cái sự ức chế tâm, chứ không phải là thiếu sự ức chế.
Nhưng mà nhiếp tâm mà đúng pháp và nhiếp tâm không đúng pháp.
Nhiếp tâm không đúng pháp, thí dụ mấy con nương vào hơi thở mấy con chỉ biết hơi thở ra vô, thì đó là mấy con tập trung ức chế tâm không đúng pháp.
Còn đúng pháp, thì đạo Phật nó có cái pháp Dẫn Tâm vào cái chỗ mình mong muốn, dẫn tâm vào cái chỗ mong muốn.
Cho nên vì vậy mà Thầy, đầu tiên Thầy hỏi mấy con đó, là người nào mà nhiếp tâm được trong ba mươi phút? Thì ở đây chỉ có một người nhiếp tâm được trong ba mươi phút. Thì trong khi đó nó không phải nhiếp tâm trong ba mươi phút là khó. Tại vì khó là do mấy con tu tập không có pháp. Ngồi, ví dụ như ngồi biết hơi thở ra, biết hơi thở vô kéo dài ba mươi phút, thì thiệt ra cái đó là cái khó. Chứ còn nhiếp tâm trong ba mươi phút rất dễ dàng không có khó. Có pháp mà mấy con, dẫn nó từng bước, thì làm sao mà nó có niệm khởi được? Có phải không mấy con? Thấy có pháp. Mà pháp đó là Như Lý Tác Ý chứ gì? Pháp Như Lý Tác Ý có gì đâu. Nương cái hơi thở thì tác ý nó thôi chứ gì? Tại vì nó thở ra thì mình bảo "Thở ra", thở vô thì bảo "Thở vô" thôi. Nó sẵn có cái pháp của nó rồi, mà cái pháp của nó là Thân Hành Niệm phải không, mấy con thấy không?
Mà mình đây là mình tu Nhiếp Tâm, mình nhiếp tâm. Cho nên trong khi mình nhiếp tâm, nó kỹ lưỡng, nó hẳn hòi, nó nhiệt tâm. Nó quyết tâm tu tập, đem hết cái khả năng, cái sức lực của mình ra để mình dẫn nó trong ba mươi phút. Ba mươi phút mà đâu có lâu mấy con? Thầy nói thật sự đâu có lâu đâu. Sợ mình vận dụng cái sức lực của mình cầu một giờ cũng chưa nhằm nhò gì.
(04:29) Các con thấy nãy giờ, Thầy vô đây mà giờ là, coi như là vô đây là hồi cây kim dài chỉ số sáu mà bây giờ ba giờ rưỡi. Rồi bây giờ là bốn mươi lăm phút rồi, còn có mười lăm phút nữa là, các con thấy còn mười lăm phút nữa là một giờ rồi chứ gì? Mà một giờ trong chớp mắt như vậy. Từ hồi Thầy vô đây Thầy ngồi cho tới bây giờ, còn mười lăm phút nữa là một giờ đồng hồ, thì như vậy ba mươi phút mình chớp mắt chứ gì? Đâu có khó khăn! Vậy mà nhiếp tâm có năm phút, mười phút thì quá dở! Như vậy là không phải mấy con dở. Cái đó không phải dở, mà tại mấy con chưa biết pháp, chưa biết pháp dẫn nó. Chứ biết pháp dẫn nó thì ba mươi phút không có khó khăn.
Cho nên ở đây, Thầy nói ví dụ như các con đầu tiên, các con tác ý dài: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra", rồi hít vô thở ra chứ gì.
Thì bảo "Hít, thở", hay là "Hít vô, thở ra, hít vô, thở ra”, hay là "Hít, thở, hít, thở”, mình cứ dẫn. Mình dẫn từng kỹ lưỡng từng hơi thở, "Hít" thì phải hít, "Thở", thở. Đó là mình dẫn trước, cái ý thức của mình chủ động dẫn trước. Chứ không phải mình hít, thở, hít, thở, mình cứ nói lia lịa một hơi cái mình hít thở, cái nó vọng tưởng nó xen vô. Không phải. Làm từng hơi thở, làm từng tác động, nhắc tâm thật sự, tu tập thật sự. Một việc làm của mấy con đó là một cái sự dũng cảm đối với tâm của mình. Làm cho được một cái điều mình làm, đó là một cái sức dũng cảm.
Cũng như người ta xông vào lửa để cứu một đứa bé ở trong nhà bị cháy. Hay hoặc người ta bị cháy trong nhà, mà con xông vào nhà lửa để cứu người ta thì phải có cái Đức Dũng Cảm. Còn hiện bây giờ cái tâm của mình nó, mình muốn cho nó nhiếp cho được ở trong cái hơi thở của mình, mình cũng phải hết sức dũng cảm với nó. Chứ còn nếu mình không dũng cảm với nó thì mình nhiếp không được.
Mà mình có pháp. Mình có pháp chứ đâu phải mình khó khăn cũng như là lửa cháy, hoặc là nhảy xuống nước cứu người chết đuối đâu? Nó đâu có khó khăn đâu? Nhưng mà mình phải cẩn thận, kỹ lưỡng từng cái "Hít" thì mình hít, "Thở" mình thở, hít, thở. Cũng như mấy con thấy không?
(06:35) Không dùng hơi thở thì mấy con dùng cánh tay. Phải không? Thì mấy con thấy nó rất rõ ràng: "Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra, đưa tay vô tôi biết tôi…", dễ dàng quá! Ai làm cũng được hết. "Đưa ra!” thì mình đưa ra, "Đưa vô!” mình đưa vô, "Đưa ra!” mình đưa ra, "Đưa vô!” mình đưa vô, có cái đó đơn giản thôi! Nhưng mà khi mình nhắc: "Đưa ra!”, thì mình tập trung rất kỹ trong cái bàn tay đưa ra, mình chú ý bằng mắt. Và đồng thời khi cái lệnh mà các con thấy, nó dễ dàng khi mình còn sức tỉnh táo thì mình nhắc thầm: "Đưa ra!”, mình nhắc thầm, không có phát cái âm.
Nhưng mình thấy cái tâm của mình bây giờ nó hơi lờ mờ, nếu mình nhắc thầm thì nó sẽ không có hiệu quả bằng, cho nên mình nhắc bằng cái âm thanh có tiếng ra thì cái nhà gần bên đó người ta nói “chắc cái cô này hôm nay cô điên cô hay gì? Ở đẵng mà cô la đưa ra, đưa vô um xùm”. Chắc người ta nói mình điên chứ gì? Nhưng sự thật không phải đâu mấy con. Cái người ở gần bên mình biết cái người đó lúc bấy giờ cái tâm nó lờ mờ rồi, người ta mới nói. Nói như vậy, phát âm ra như vậy để làm gì mấy con biết không?
Cái âm đó là cái âm thinh. Mà cái âm thinh nó làm cho cái lỗ tai mình nó tập trung vô đó, để nó biết cái lệnh của nó bảo phải đưa tay ra, có phải không? Cái lỗ tai mình nghe nữa mà. Rồi con mắt mình lại nhìn ở trong cái cánh tay của mình. Hoặc là mình cảm nhận rất kỹ cái hơi thở khi mà thở ra, phải không? Hay hoặc là hít vô. Các con thấy mình làm cho thật, thật sự tu tập, thật sự nhiệt tâm thì nhiếp tâm trong ba mươi phút không khó khăn.
Nhưng mà khi đã nhiếp tâm được bằng cái phương pháp ba mươi phút rồi, thì theo Thầy thiết nghĩ trong một tuần nay thì mấy con sẽ từ cái người mà nhiếp tâm ba mươi phút cho đến cái người mà ba mươi phút thì các con sẽ, người nào cũng nhiếp được đúng y như nhau hết. Không có người nào mà còn năm phút, ba phút mà còn vọng tưởng ra vô. Tại vì mấy con còn thích để vọng tưởng ra vô cho nên nó mới có, chứ còn cỡ mà không thích thì không bao giờ có, phải không?
(08:33) Mình quyết tâm mà. Quyết tâm là mình làm cho cái tâm của mình dính vào trong cái hơi thở, dính vào trong cánh tay. Đây Thầy nhắc, bây giờ ở trong cái lớp của chúng ta có nhiều người có bệnh đau, chứ đâu phải là không có bệnh đau, phải không? Nhưng mà bệnh đau mà chưa đến đỗi mà chúng ta đi không nổi, chưa đến đỗi mà chúng ta phải nằm viện, cho nên chúng ta còn đến lớp dự được nhưng mà trong thân có bệnh đau. Vậy thì những người mà có bệnh đau cũng đâu có khó gì đâu! Rất là dễ dàng khi chúng ta dùng cánh tay, hoặc hơi thở chúng ta cũng đẩy lui bệnh được.
Nhưng mà chúng ta đừng có sợ! Chúng ta đã biết, Đức Phật đã dạy, các con lưu ý Đức Phật đã dạy: "Các pháp đều vô thường", thì cái cảm thọ chúng ta cũng là vô thường chứ đâu phải là thật có đâu. Cái đau bệnh trong thân chúng ta cũng đều vô thường. Không có pháp, cái cảm thọ đâu phải là của ta, đâu phải là ta, đâu phải của ta, bản ngã của ta đâu mà chúng ta sợ. Cho nên chúng ta không sợ bệnh đau đâu. Không có sợ bệnh đau, chúng ta sẽ đuổi được. Khi mà không sợ thì cái tâm của mấy con nó rất vững vàng. Còn cái tâm của mấy con sợ bệnh, sợ đau, sợ chết thì mấy con chấp, bị chấp ngã rồi. Mà chấp ngã thì mấy con, cái ý chí của mấy con nó cùn nhụt, nó sợ hãi. Nó cùn nhụt, nó không còn mạnh mẽ nữa.
Cho nên chúng ta biết cái câu nói của Đức Phật dạy: "Các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta". Vốn để chúng ta biết rằng cái thân này không phải ta, mà cái cảm thọ đau đớn này không phải ta, cho nên chúng ta chẳng sợ nó đâu! Do chúng ta không sợ đó thì cái tinh thần của chúng ta rất là vững vàng. Cho nên chúng ta mới ôm vào cái pháp và đồng thời chúng ta tác ý rất dễ dàng, đẩy lui cái bệnh rất dễ dàng.
Ví dụ như bây giờ cánh tay Thầy nói: "Cái thân bệnh này phải theo cánh tay mà ra", Thầy đưa ra. "Cái thân không bệnh này theo cánh tay mà vô" Thầy đưa vô. Có bấy nhiêu! Thầy nhiếp ở trong cánh tay này, Thầy đưa ra, đưa vô. Mà khi mà Thầy nhiếp được ở trong cánh tay này bằng cách đưa tay ra, đưa tay vô được. Bây giờ, Thầy không dùng cái pháp tác ý đưa tay ra vô mà Thầy dùng cái pháp đẩy bệnh: "Cái thân bệnh này theo cánh tay này mà ra”, Thầy đưa ra; "Cái thân không bệnh này theo cánh tay mà vô", có gì đâu mấy con!
Và suốt cái thời gian mấy con dùng cái pháp Như Lý Tác Ý đó, tác ý bệnh mà, thì trong thời gian ba mươi phút bệnh gì cũng đi hết, cũng đi. Có gì đâu. Mình có pháp mình đẩy lui bệnh, mình có pháp mình nhiếp tâm mà, mình có pháp không làm thân mình bệnh mà. Có gì đâu mình không tập luyện mà mình để cho cái thân của mình phải bị mỏi tay, mỏi chân, đau lưng, đau bụng, nhức đầu. Dễ dàng mà! Các con thấy, cái thọ có phải của mình không?
Đâu có cái nào là của mình đâu? Đâu có cái nhức đầu này là của tôi, đâu có đau bụng này là của tôi đâu? Nó là các pháp vô thường mà. Mà vô thường nó của Nhân quả thì mặc của Nhân quả, nhưng mà bây giờ mày bén mảng đến đây tao đuổi ra, không có gì hết. Đuổi ra bằng cái pháp Như Lý Tác Ý, thì làm sao mà thân mình có bệnh? Đó là nhân quả. Đó là Thầy nói về cái vấn đề tu tập Nhiếp Tâm và đẩy lui bệnh.
(11:31) Bây giờ mấy con, khi mà mấy con nhớ để ý là bây giờ cái người nào chưa nhiếp tâm được thì mấy con nhiếp tâm và người nào mà dùng hơi thở mà nhiếp tâm, mà bị chướng ngại, bị hôn trầm thùy miên, bị chướng ngại.
Mấy con lưu ý đây, bắt đầu Thầy nói từ căn bản đi vô, từ cái hơi thở, từ cánh tay đưa ra, từng cái bước đi kinh hành phải không? Đó là cái Nhiếp Tâm trong Thân Hành Ngoại, trong Thân Hành Nội. Nhưng mà về hơi thở thì có người bị tức ngực, có người bị nhức đầu, có người bị khó thở mà mệt, hay hoặc này kia. Thì tất cả những chướng ngại của Thân Hành Nội, thì chúng ta sử dụng Thân Hành Ngoại.
Nhưng mà ngồi đưa tay ra vô như thế này một hơi tôi cũng mắc buồn ngủ, hay hoặc tôi ngồi tôi hít thở tôi cũng bị buồn ngủ. Thì do đó bây giờ buồn ngủ tôi biết là, đó là cái trạng thái lười biếng, cái trạng thái si. Vì vậy mấy con sẽ đi kinh hành. Đi kinh hành cho nó ngủ, cho nó té, cho nó chết cho rồi, phải không? Cho nên vì vậy nó sợ lắm, cho nên nó đâu dám ngủ, ngủ nó té xuống nó chết sao?! Cho nên đi kinh hành.
Mà nếu mà cái người đó mà đi kinh hành năm hơi thở, đứng lên ngồi xuống năm hơi thở mà nó còn hôn trầm thùy miên nữa. Thì thiệt ra cái người mà tu tập cái pháp mà rèn luyện cái nghị lực: Đi mười bước ngồi xuống hít thở năm hơi thở mà còn hôn trầm thùy miên thì mấy con sẽ dùng cái pháp Thân Hành Niệm.
Mấy con có biết pháp Thân Hành Niệm không? "Dở Chân lên, đưa Chân tới, hạ Chân xuống, hạ Gót xuống" đó là cách thức phá con, mỗi hành động đều tác ý hết mà. Đây là Thầy muốn nói từ cái căn bản để nhiếp tâm. Cho đến khi mà chúng ta dùng cái lực, để mà chúng ta đuổi cái hôn trầm thùy miên khi bị hôn trầm thùy miên.
Còn bây giờ mấy con hoàn toàn, mấy con nhiếp tâm được dùng cái pháp Thân Hành Niệm hoặc là dùng cái pháp Rèn Luyện Nghị Lực, đi mười bước ngồi xuống hít thở năm hơi thở, mà không có hôn trầm thùy miên rất là tỉnh táo. Không có niệm bằng cái phương pháp tác ý nhắc từng hành động, từng hơi thở mà hoàn toàn thời nào mình tu cũng không có niệm. Suốt ba mươi phút không có niệm, thì bắt đầu chúng ta thay đổi cái cách thức tu, thay đổi cách thức tu.
Thay vì trước kia chúng ta tu về cánh tay thì chúng ta: “Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra, đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô”, hay “Hít ra tôi biết tôi hít ra, thở vô tôi biết tôi thở vô”, hay là “Chân trái bước, chân mặt bước, chân trái bước, chân mặt bước”, phải không? Mấy con sẽ nhắc như vậy.
(13:53) Nhưng bây giờ nó không còn nhắc như vậy nữa, mà đã nhắc cái giai đoạn, cái phương pháp tập thứ hai thì mấy con phải nhắc: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Trước kia thì mấy con thấy nè: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra", rồi hít thở đếm một, hít thở đếm hai, hít thở đếm ba… cho đến năm rồi tác ý: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Lúc nào cũng có cái pháp tác ý kèm một bên, tức là dẫn tâm vào cái hơi thở. Cánh tay nó cũng vậy và bước đi kinh hành cũng vậy.
Còn cái pháp mà Thân Hành Niệm thì mỗi hành động đều tác ý, nó cũng vậy. Nhưng bây giờ thì nó tới cái phương pháp thứ hai. Phương pháp thứ hai thì hít thở nó cũng giống nhau, nhưng mà nó có khác là vì cái câu tác ý khác. Hồi đó thì: "Đưa tay ra", hay hoặc: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra".
Còn bây giờ: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra", thì câu tác ý khác phải không mấy con? Khác rồi!
Để giúp cho thân tâm chúng ta ngồi thiền cho nó an ổn, nó không còn bị dao động, nó không còn đau nhức, nó không còn tê mỏi mệt, hoàn toàn nó rất an. Mà khi nhắc như vậy, thì chúng ta muốn để cho nó được an. Chứ nếu mà các con cứ nhắc cũng như là giai đoạn đầu mấy con dẫn nó hoài, thì nó sẽ không có an. Cho nên vì vậy mà khi mà nhắc thì các con nhắc: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra", rồi mấy con hít vô thở ra. Hít vô thở ra mấy con không tác ý “hít - thở, hít - thở” như hồi nãy nữa.
Bởi vì mấy con tập nhiếp tâm nó quen rồi, cho nên bây giờ đó, đến cái giai đoạn này thì các con đếm đúng năm hơi thở thì các con mới tác ý: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Rồi mấy con chú ý trong hơi thở: Hít vô - thở ra các con đếm một, hít vô - thở ra đếm hai. Nhưng mấy con không có tác ý: "Hít, thở, hít, thở", phải không? Cái câu tác ý "hít, thở" không có tác ý nữa.
Nhưng khi mà thở, hít vô thở ra, mấy con lắng lặng mà nghe cái sự an ổn của thân tâm mấy con có ở trong cái hơi thở vô ra không? Và khi mà hít thở năm hơi thở vậy đó, nó chưa an, thì mấy con lại nhắc: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra".
(16:19) Thì khi mà thấy nó, cái thân của mình ngồi mà nó an ổn một cách lạ lùng, mà nó tỉnh táo một cách kỳ lạ, thì do đó nó đã an rồi, nó đã được nghe lời mình rồi. Do đó thì mấy con không cần nhắc nó nữa để coi nó an được bao nhiêu? Khi mà nó kéo dài được ba mươi phút, thì mấy con nghe chuông đồng hồ mà báo ba mươi phút, thì mấy con xả ra đừng thêm nữa, thêm nữa nó sẽ lọt vô trong tưởng.
Khi mà tu đúng ba mươi phút rồi, thì hôm nay những người, các con người nào mà đã tu ba mươi phút mà nhiếp tâm không vọng tưởng, mà trạng thái bất động, an ổn thì mấy con sẽ tiến tới.
Thôi, bây giờ Thầy nhắc như:
Cô Liễu Châu. Con nhiếp tâm trong ba mươi phút phải không con? Con cứ ngồi đi con! Con cứ ngồi đừng đứng con. Ba mươi phút mà không niệm.
Trong khi Mỹ Châu, Mỹ Châu con, con ngồi yên tại chỗ, Thầy hỏi thôi. Con nhiếp tâm trong ba mươi phút hơi thở, nó không niệm phải không con? (Dạ) Ờ.
Nguyên Hạnh Một. Nguyên Hạnh Một đâu con? (Con thưa Thầy ạ!) Con cũng nhiếp ba mươi phút, không niệm phải không con?
Ngọc Bình, ba mươi phút cũng không niệm phải không con?
Cô Thảo. (Dạ) Cũng nhiếp tâm trong hơi thở ba mươi phút phải không con? Hay là nhiếp tâm?
Cô Thảo: Con hiện nhiếp thêm ba nhăm phút cũng được, cũng không khó.
Trưởng lão: Ba mươi phút thôi, cứ căn bản giờ ba mươi phút thôi con.
Rồi, cô Lâm, Lâm đâu con? Cũng vậy phải không con? (Dạ)
Cô Huệ Ân, cũng vậy phải không con?
Rồi, cô Tuyền, Tuyền ở đâu con? Ờ, Cũng ba mươi phút.
(17:58) Bây giờ mấy con nghe đây, nghe đây. Bây giờ khi mà các con thấy, các con tu ở trong ba mươi phút này, nó có nhiều cái dạng, cách thức mấy con nhiếp hơi thở cũng được ba mươi phút. Có người nhiếp hơi thở trong cánh tay đưa ra - đưa vô ba mươi phút cũng không niệm. Có người đi kinh hành, bước đi kinh hành vẫn tập trung trên bước đi kinh hành ba mươi phút không niệm. Cũng đều là nhiếp tâm ở trong cái Thân Hành Nội và Ngoại thôi, không có gì hết.
Thì mấy con lưu ý trong cái vấn đề mà ba mươi phút, để rồi Thầy sẽ nâng đưa mấy con lên một cái pháp nữa. Và trong ba mươi phút mà người nào thấy, các con thấy trong ba mươi phút này, ai thấy rằng mình ngồi cái thân mình nó luôn luôn nó an ổn. Nó an ổn ở đây nó không phải là có, như ai mà trời nóng nực mà đem nước mà phát cho mát mẻ mình, nó không phải kiểu cảm giác như vậy. Hoặc là trong khi nó nực nội có người đem quạt máy quạt cho mình mát mẻ thì nó không phải vậy.
Mà nó an ổn là cái thân nó, nghe nó bất động, yên lặng phăng phắc. Mấy con, cả cái cảm nhận của mấy con, bây giờ cái thân của nó không chịu nhúc nhích, nó động đậy nữa, mà nó ngồi im lặng như thế này, mình cảm nhận được những cái bất động của nó, cái thân thanh tịnh của nó. Rồi cái tâm của mình sao lại nó tỉnh táo vô cùng? Tức là nó an trú đó, bởi vì mới nói an trú mà. Mà cái tâm nó thanh tịnh, nó mới an tịnh. Còn bây giờ nó an trú được, tức là cái tâm nó thanh tịnh được.
Khi mà nó an trú được như vậy đó, thì lúc bấy giờ thì các con chỉ vào tu, thì mấy con không cần nhắc nó: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra" nữa. Mà mấy con chỉ cần nhắc: "Cái tâm phải bất động, cái tâm phải bất động, an trú trong thân tâm".
Cái tâm của con bất động, phải an trú trong thân tâm, hay hoặc là: "Tâm Bất Động, thanh Thản, an Lạc, vô Sự". Rồi mấy con ngồi đó thì mấy con thấy cái hơi thở ra vô và cảm nhận toàn thân của mấy con với một cách bất động. Cái thân nó không nhúc nhích, nó ngồi yên lặng. Cái yên lặng là cái tâm mấy con rất là nhẹ nhàng thoải mái, nó không có khó khăn gì hết. Thì lúc bấy giờ trong khi mà các con nhận ra được như vậy, đó là cái sự an ổn của mấy con. Thì mấy con sẽ tu tập không còn tu ở trong cái hơi thở nữa mấy con. Không còn tu ở trong cái Thân Hành Niệm nữa. Nhưng mà khi mấy con còn thấy có cái dạng buồn ngủ hôn trầm, ở đây bây giờ khi mà nó tu được vậy đó, thì nó dễ lọt vào cái hôn trầm thùy miên lắm.
2- NHIẾP TÂM BƯỚC ĐI PHÁ HÔN TRẦM THÙY MIÊN
(20:28) Có lúc thì nó tỉnh suốt ba mươi phút. Nhưng mà có lúc thì trong khoảng chừng năm, mười phút nó yên ổn, cái bắt đầu nó lặn mất, nó quên nó không nhớ gì nữa hết. Thì cái trường hợp đó là cái trường hợp các con chưa đạt được ba mươi phút, ba mươi phút tỉnh táo. Nó còn bị hôn trầm thùy miên đánh vào. Cho nên hầu hết là mấy con nên, giai đoạn này, khi mà ba mươi phút như vậy, mà ngồi được mà nó không có. Từ buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, buổi khuya, thời tu nào mà cũng ba mươi phút rất là an ổn, rất là tốt, thì sẽ tu một cái pháp khác.
Mà có thời thì rất an ổn, mà có thời thì bị hôn trầm thùy miên; còn bị hôn trầm thùy miên, các con lưu ý. Đây không nói về mình nhiếp tâm được rồi thì nó không còn cái niệm khởi, không còn cái vọng tưởng nữa, nhưng mà nó còn những cái hôn trầm thùy miên, mấy con.
Mà khi bị hôn trầm thùy miên, thì mấy con nên tập nhiếp tâm ở trên cái bước đi, mình cũng có thể. Nếu mà mình tu hơi thở, thì mình đi mình nương hơi thở, mình tu tập cũng được, chứ đâu phải là cần phải nương dưới bước đi đâu. Nhưng mà vốn mục đích đi để cho mình đừng có bị hôn trầm thùy miên. Cũng giữ cái Tâm - Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự rồi mấy con đi. Mấy con nương vào cái hơi thở mà bước đi với cái Tâm - Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự đó.
Cho nên trong cái khoảng thời gian đó thì mấy con sẽ đạt được ba mươi phút, nếu mà không có hôn trầm thùy miên. Còn người nào không có hôn trầm thùy miên thì lắng nghe Thầy dạy tiếp, Thầy dạy cái phương pháp kế tiếp để tu cao hơn.
Khi đó thì nếu mà cái tâm của mấy con hoàn toàn mà bất động trong ba mươi phút, nhiếp tâm được ở trong hơi thở, hoặc ở trong cánh tay đưa ra vô, hoặc ở dưới bước chân đi. Hoàn toàn mấy con thấy là không có niệm, hoàn toàn theo cái cái… và an trú được. An trú tức là nó an ổn trong khi bước đi, mà nghe nó nhẹ nhàng thoải mái, không có bị mệt mỏi. Ngồi thì nó nghe tỉnh táo, nó không bị hôn trầm thùy miên.
3- NHIẾP TÂM AN TRÚ PHẢI GIỚI LUẬT - ĐỘC CƯ NGHIÊM CHỈNH
(22:28) Thì lúc bấy giờ đó, mấy con sẽ tiến tới, mấy con tu một cái giai đoạn cao hơn. Tức là mấy con bắt đầu, mấy con đi vào Tứ Niệm Xứ. Nhưng lúc bấy giờ Thầy khuyên mấy con là:
Luôn luôn nhiếp tâm và an trú tâm là phải giới luật nghiêm chỉnh. Người nào mà giới luật không nghiêm chỉnh thì mấy con sẽ không vào được Tứ Niệm Xứ
Tại vì nó sẽ sanh ra hôn trầm thùy miên, nó sẽ sanh ra những cái tâm mấy con nó không bao giờ an trú. Tức là cái thân tâm của con nó sẽ bị động đậy, nó không bao giờ nó yên ổn được. Cho nên giới luật nghiêm chỉnh, mà trong giới luật thì có cái giới Độc Cư, phòng hộ sáu căn mắt - tai - mũi - miệng - thân - ý rất là quan trọng.
Nếu mấy con tu tập tới cái giai đoạn nhiếp tâm ba mươi phút mà không niệm khởi, mà còn đi nói chuyện thì mấy con không đi tới, đi xa được nữa, không có tới xa được nữa. Cho nên tránh cái duyên nói chuyện, làm sao mà sống độc cư trọn vẹn. Bởi vì theo Thầy thiết nghĩ: Cuộc đời bỏ hết mà đi tu là cái mục đích phải đạt được Làm Chủ Sanh - Già - Bệnh - Chết. Mà hôm nay thì dùng cái pháp đẩy lui được bệnh chứ chưa phải, đây còn dùng cái pháp chứ chưa phải dùng cái nội lực của chúng ta mà đẩy lui bệnh, các con thấy chưa? Cho nên chúng ta còn phải tu nhiều, nhưng mà tu nhiều thì các con thấy phải phân chia cái giờ giấc cho nghiêm chỉnh. Giờ giấc nghiêm chỉnh.
Ví dụ như buổi sáng mấy con tu ba mươi phút nhiếp tâm, an trú ba mươi phút. Thì trong những cái giờ mà còn lại đó, mấy con sẽ làm gì?
Nếu mà cái buổi sáng mấy con không có lên lớp học, thì mấy con sẽ tu tập ba mươi phút. Còn những giờ đó thì con dồn lại cái sự mà tập trung vào những bài làm, những cái bài mấy con học. Phải có những bài làm, mấy con tập trung trong những cái bài làm để triển khai cái tri kiến. Nhờ cái tri khiến thông suốt cái Giới luật Đức hạnh đó, tự nó nó thấm nhuần, nó cũng xả những cái ác pháp, cũng ly những cái dục, cái ác pháp của mấy con nhiều.
Cho nên lúc này là lúc mấy con nhiếp tâm và an trú tâm là vốn giữ gìn Giới luật Đức hạnh. Nghiêm chỉnh chừng nào thì mấy con nhiếp tâm tốt chừng nấy. Và đồng thời giữ gìn Giới luật Đức hạnh, thì nó sẽ không vi phạm. Nó không vi phạm từ ở trong ý của chúng ta, thì do cái sự mà học hiểu, nó thông suốt được cái lý của Giới luật Đức hạnh.
4- CÁCH LÀM BÀI VÀ ÁP DỤNG ĐỨC DŨNG CẢM
(24:49) Cho nên nó càng, mấy con càng làm bài mà gởi về Thầy đọc, thì Thầy thấy có người thì làm đầy đủ, nhưng có người thì còn làm thiếu. Bởi vì, các con thấy như cái đáp án nó đã để Đức Dũng Cảm. Cái Đức Dũng Cảm, mà về dũng cảm như thế nào? Một người mà xông vào nhà lửa đang cháy để cứu người khác cũng là dũng cảm. Một người mà nhảy xuống sông để cứu người chết đuối cũng là dũng cảm.
Các con đọc thấy cái câu chuyện một cái đứa bé mà nó đứng lên, nó chịu lỗi trước thầy giáo trong khi nó không lầm lỗi. Mà nó chịu trước thầy giáo rằng, nó chịu rằng nó nhận là nó không đem tập sách theo, để thầy giáo đuổi nó ra ngoài lớp. Thì nó đứng dậy mà nó chấp nhận, thì nó phải là dũng cảm, nó mới làm được. Chứ còn không khéo: "Không, không, không đâu! Bạn này không đem chứ không phải là em, không phải là con không đem sách, bạn này chứ không phải là con". Còn cái cậu bé này đứng lên chịu nhận cái chuyện không đem sách. Vậy mà trong khi Thầy giáo đuổi ra khỏi lớp, thì cậu bé vẫn lẳng lặng chịu đựng mà đi ra khỏi lớp. Đó là một cái hành động dũng cảm mấy con.
Đó, nghe nói cái chuyện đó mà ví dụ như nghe người ta nói cái chuyện đó thì mình nói ngay liền cái người nào lỗi là mình chỉ liền người đó. Chứ ít có khi mình chịu lắm, mình chịu lỗi cho cái người khác. Vì vậy cho nên cái Đức Dũng Cảm mình ít có lắm. Nhưng mình phải thấy rằng, mình phải tu tập làm một cái dũng cảm chứ không phải là thiếu dũng cảm. Đối với mình, cái tâm mình lăng xăng, mà hôm nay mình nỗ lực, mình tu tập nhiếp tâm cho được ở trong hơi thở, không làm lăng xăng cũng là dũng cảm, chứ đâu phải là chuyện. Như người ta chửi mình mà mình nhẫn được, mình không nói lại một tiếng nói nào với ai, mình không nói nặng, nói nhẹ người khác. Hoặc là mình không để cho tâm mình buồn giận người khác, cũng là một cái hành động dũng cảm, chứ đâu phải là thiếu dũng cảm mà làm được mấy con. Cái chuyện mà mình làm ngược lại với cái chuyện đời là một cái Đức Dũng Cảm của chúng ta tại đó.
(26:56) Cho nên khi mà viết cái bài thấy đề, thấy đáp án là Đức Dũng Cảm thì mấy con phải nói dũng cảm của bản thân. Mình có những hành động dũng cảm hàng ngày của mình, chứ đâu đợi mà mình nhào trong nhà lửa cứu người khác là mình mới nói dũng cảm đâu, có phải không? Mình dũng cảm trước cái hành động. Nhưng mà mình nói ra được cái điều đó, nó cũng là nhắc mình một lần để dũng cảm với cái sự tu tập của mình mấy con.
Bây giờ buồn ngủ gần chết như thế này, mà còn phải đi kinh hành, mà phải bắt buộc mình phải tác ý từng hành động, thiệt nó mệt nhọc, nó tức tối. Thay vì giờ này đi ngủ không phải sướng sao, mà bây giờ hành hạ mình như thế này? Nếu một người không dũng cảm thì người ta sẽ tìm cách “thôi, giờ này chắc ai cũng ngủ hết, thôi chui ngủ cho sướng, ai mà thấy được đâu”. Đó là mình thiếu dũng cảm! Còn mình dũng cảm với mình, “phải thắng được cái thằng giặc buồn ngủ này mới được”. Do đó mình dũng cảm.
Cũng như bây giờ cái đầu nhức quá, thì bây giờ đó mình chỉ còn nằm. Hay hoặc chóng mặt quá, mà bây giờ ngồi dậy thì trời đất nó xoay vòng vòng như thế này thì khổ quá. Cho nên thôi, thà là nằm hay đi Bác sĩ chích thuốc hay gì đó, hay uống thuốc gì đó, thì đó là không dũng cảm. Một người dũng cảm là người ta ngồi sừng sững lên, người ta ôm pháp người ta tu là người ta dũng cảm mấy con. Đó là dũng cảm.
Cho nên mấy con làm bài, là mấy con mục đích để mấy con nói được cái Đức của Đức Hạnh về bản thân của mấy con. Nhưng mà về bản thân của mấy con, nói xong rồi về bản thân của mấy con phải dũng cảm như thế nào? Thì lúc bấy giờ gia đình của mấy con nó có liên hệ với gia đình của mấy con.
Có nhiều người gia đình không cho mình đi tu mấy con, phải không? Nhưng mà mình dũng cảm như thế nào, để cho gia đình mình, phải nhiếp phục gia đình mình mà mình mới đi tu được. Đó cũng là dũng cảm. Chứ còn nếu mà mình mà hèn nhát một chút xíu, mình không dũng cảm thì thôi. Giờ cha mẹ không cho thôi, để chờ chờ cho Ổng, Bả, chừng nào Ông sắp chết hoặc chết đi, mình đi tu lúc đó không ai cản mình nữa. Nhưng mà chờ Ổng chết chắc là mình chết theo mất rồi đâu còn nữa, vậy đâu phải dũng cảm. Cho nên cái dũng cảm khi mà biết thì mình phải nghĩ nhớ, nghĩ nhớ về bản thân, rồi nghĩ nhớ đến gia đình của mình, trong những cái khó khăn mà mình vượt ra được.
(28:57) Có nhiều, ở đây các con có nhiều cái hoàn cảnh mà mình không nên nỡ bỏ con mình, mà mình hôm nay, mình đến đây được mình tu là phải có sự dũng cảm. Tình cảm con người mình dứt khoát được, mình đi tu đâu phải dễ. Đó là một sự dũng cảm mấy con! Mình phải nói hết. Thì trong gia đình, trong bản thân của mình, rồi trong bao gia đình, thì khi mà gia đình như vậy nó còn liên hệ với những người khác, xã hội nữa. Cho nên khi mà nói đến cái Đức Dũng Cảm thì mình nói được bản thân, nói được gia đình, rồi nói được xã hội, thì như vậy rõ ràng cái bài mình mới đủ. Còn có khi mấy con nói sơ sơ thôi, rồi coi như là mình làm cho có, coi như là có trả bài thôi, đặng có mình viết. Thầy nói mình siêng mình làm vậy thôi, chứ sự thật ra Thầy đọc có nhiều bài chỉ nói sơ sơ thôi, chớ cũng chưa có gì hết.
Cho nên khi mấy con nói lý luận qua lại thì Thầy tìm ở trong đó, coi cái thực hành của mấy con có không? Nhiều khi Thầy tìm không thấy cái pháp thực hành mà lý luận không, nói hay lắm, nhưng mà sự thật cái pháp thực hành không có. Cho nên trong cái sự tu tập của mấy con như vậy. Khi mà bài vở mấy con viết là mấy con nhớ mỗi một cái Đạo Đức thì nó có bản thân, gia đình và xã hội, nó mới đầy đủ cái Đạo Đức, đó là mình viết.
Mình viết như vậy để làm gì mấy con? Mình để triển khai cái Tri kiến, cái sự hiểu biết của mình để giải thoát. Đó là kèm theo, như hồi nãy Thầy nói mình nhiếp tâm, an trú, giữ giới thì mình sẽ càng ngày mình tăng lên cái sự nhiếp tâm, an trú.
(30:31) Trưởng lão: Con khỏi rót con. Thầy uống bây nhiêu nước là đủ rồi, Thầy sẽ về. Chứ mà còn rót thêm nữa chắc phải uống hết con, chiều nay chắc Thầy đi không nổi! Nó vừa đủ thôi. Cho nên Thầy ráng phân chia ra từ từ uống, để cho nó thấm giọng đặng nói chuyện với mấy con thôi, đặng cho nó vừa hết nước là về, là đủ. Chứ mà còn thêm nữa, Thầy thì không bao giờ mà uống nước thừa bỏ. Mà nếu nước mà đầy như thế này thì thôi Thầy chắc chịu khát Thầy về chứ Thầy không uống! Uống bỏ ly nước thừa, phí bỏ uổng! Mà cho mấy con uống thừa, mấy con tội chết. Uống thừa Thầy ngu lắm mấy con!
5- TU TỨ CHÁNH CẦN VẪN TIẾP DUYÊN LÀM MỌI VIỆC
(31:09) Cho nên trong khi đó mấy con thấy này: Nhiếp Tâm, An Trú thì Giới luật cũng nghiêm chỉnh. Trừ ra có những người nào tu Tứ Chánh Cần, thì người ta "Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện", thì pháp thiện người ta sử dụng được. Tại sao vậy?
Bây giờ Thầy nói như thế này nè, các con tu cái pháp hồi nãy là Nhiếp Tâm An Trú chứ gì? Để mình đi vào Tứ Niệm Xứ gì? Còn người ta tu ở trên Tứ Chánh Cần thì người ta ngăn ác - diệt ác, sanh thiện - tăng trưởng thiện. Thì những cái niệm ở trong đầu người ta, người ta thấy những cái niệm đó ác thì người ta dùng cái tri kiến người ta quán xét, người ta xả cái niệm đó đi. Rồi trong đầu người ta nó khởi lên cái niệm, nhưng mà niệm thiện, thì người ta đâu có xả.
Bây giờ đó trong nhà bếp, nó cần thiết phải phụ cô Út lặt rau, làm này, đó là niệm thiện mà. Để giúp cho chúng có thực phẩm ăn mà, đó là niệm thiện. Hay hoặc cần là dọn dẹp nhà bếp cho sạch sẽ này kia, đó là những việc thiện mà.
Thì cái niệm thiện đó đó thì chúng ta tăng trưởng lên, thì rõ ràng là cái người này đâu có nhiếp tâm trong, đâu có nhiếp tâm đâu? Nhưng mà họ ngăn ác diệt ác, ngăn ác diệt ác. Cho đến khi tất cả những cái niệm ác không còn có nữa, thì cái niệm thiện đó toàn còn cái niệm thiện, nó không có. Nhưng trong cái niệm thiện, nó có cái giữa thiện và giữa ác mấy con. Cho nên về vấn đề mà tu Tứ Chánh Cần phải sáng suốt lắm, nó có nửa thiện nửa ác. Mình thấy thì thiện, nhưng mà rồi nó có cái ác ở trong đó, nó rất là nguy hiểm.
Cũng như bây giờ đó, mình thấy như thế này, trong cái lớp học này mình có một người bạn của mình, có người đồng tu của mình mà họ không hiểu, họ tu như vậy sai. Thôi để yên, mình đến thất đó, mình khéo léo, mình nói để mình hướng dẫn cho cái người bạn của mình biết pháp tu. Thiện rõ ràng mà, cái người tu Tứ Chánh Cần mà nghĩ như vậy thiện chứ gì?!
Nhưng mà không ngờ khi mà mình đến thất, thì cái người họ đang làm bài, cái người bạn mình đang làm bài. Họ phải dừng lại nói chuyện với mình, thì như vậy là mình đã làm cho người ta mất độc cư, thì đó là ác rồi phải không, mấy con thấy không?
(33:10) Tính thì tốt, nghĩ thì tốt, nhưng mà lại giúp người ta. Cho nên giúp người, thì mình phải biết thiện, thì nó phải trong cái hành động thiện nó phải tư duy suy nghĩ rất kỹ: “Giờ này mọi người như vậy mà mình đến thất nói chuyện, không được”. Hoặc là mình tìm cách để mình đón, mình gặp cái người đó ở ngoài đường để mình nói cho họ, nhắc cho họ về vấn đề tu, để cho nó tốt chứ gì? Nhưng mà ở giờ này mà nói chuyện vậy, thì những người kia: “Hai người này lén lén nói cái gì đây?” Họ cũng cho là mình phá độc cư rồi, tức là nó không thiện rồi, làm cho người ta bị chướng ngại rồi chứ gì.
Cho nên trong khi đó muốn như vậy thì không được. Mình phải tư duy, suy nghĩ: Như vậy là cái pháp thiện này có thiện mà có ác ở trong này, thì nó chưa phải là mình triển khai cái này được, chưa có tăng trưởng cái thiện pháp này được, chưa có làm được. Do đó thì cái pháp này phải dừng. Nhưng mà mình chờ lúc, đúng cái thời điểm để mình hướng dẫn cho người bạn mình, nhắc khéo chỗ này. Trong khi, trong cái giờ thỉnh nguyện, mình chờ mà, chờ cơ hội giúp bạn mình, đó là cái niệm tốt. Cái người tu Tứ Niệm Xứ là luôn luôn họ vẫn tăng trưởng cái niệm thiện họ, nhưng mà họ phải đúng thời điểm để triển khai cái niệm thiện đó mình giúp người khác. Làm cho người ta được an vui, làm cho người ta tu đúng pháp, đó là cái người tu Tứ Chánh Cần.
Cho nên các con hiểu, Tứ Chánh Cần nó không dễ đâu. Nhưng mà tu Tứ Chánh Cần rất dễ là vì ngồi tu rất dễ. Nhưng mà cái người đó phải tỉnh, nếu mà không tỉnh thì nó sẽ bị rớt trong hôn trầm thùy miên. Người tu Chánh Cần không có nhiếp tâm, ức chế tâm. Người ta chỉ nhắc: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự", rồi người ta ngồi im lặng, ta chờ ta ngồi im lặng. Người ta không phải ngồi đây mà để người ta tìm cái an lạc gì hết, mà người ta tỉnh táo hoàn toàn, người ta nhìn coi cái tâm mình nó muốn nghĩ cái gì? Thì một chút xíu nó sẽ khởi một cái niệm ra, người ta đem cái niệm đó ra người ta tư duy suy nghĩ. Nếu là ác người ta xả bỏ. Nếu là thiện thì người ta sẽ làm gì?
Ví dụ như cô Út cô có dặn: “Chiều nay đó là Mười nhớ đánh vi tính cho Út cái bức thơ gởi cho cái người nào đó”. Bây giờ ngồi đây cái bắt đầu nó nhớ, thì trong khi đó nó là một cái điều thiện chứ đâu ác. Nhưng mà giờ này chưa phải, cho nên vì vậy, thì Mười sẽ trả lời với tâm mình: “Giờ này là giờ tu, tới cái giờ lao động, lao tác thì mình sẽ làm công chuyện đó, thì cái niệm này, không được ngay, không được xen vào đây, một chút nữa tao sẽ làm việc này”. Thì trong khi cái niệm đó, nó sẽ đi liền tức khắc. Nó là thiện nhưng mà đợi cái thời điểm để làm. Chứ không phải thiện mà trong khi mình đang ngồi im lặng như thế này, mà nó khởi cái niệm thiện đó như vậy, rồi bắt đầu đó mình bỏ cái giờ tu, mình chạy ra đi đánh cái vi tính thì không được, làm như vậy là sai. Cho nên mình tác ý ngay liền: "Đây là việc thiện, nhưng mà giờ này không phải là giờ làm việc đó, giờ này là giờ tu", phải không? "Giờ tu Tứ Chánh Cần ngăn ác diệt ác, bây giờ mà làm cái điều thiện này để mà giúp cô Út thì một chút nữa hãy làm. Cái giờ làm việc phải là giờ lao tác".
(36:12) Cho nên cái người mà làm tu tập Tứ Chánh Cần, người ta vẫn lao động, người ta vẫn làm tất cả những công việc. Cho nên cái đầu óc người ta luôn luôn là ngăn những cái pháp ác, ngăn những cái niệm ác, không có cho niệm ác. Đó là tu Tứ Chánh Cần.
Ở đây có người nào tu Tứ Chánh Cần không? Mấy con có người nào tu chưa? Đó, tu Tứ Chánh Cần thì mấy con nhớ luôn luôn lúc nào không để niệm ác xen vào trong tâm của mình.
Để làm gì? Để khi mà toàn bộ những cái niệm ác nó không còn khởi ra nữa, nhưng mà cái người này hoàn toàn phải đầy đủ cái Tri kiến giải thoát. Thiếu cái Tri kiến là mấy con không làm sao mà mấy con thắng nó được. Cái Tri kiến phải sáng suốt lắm! Phải sáng suốt, rất là sáng suốt! Để luôn luôn lúc nào cũng nhận thấy lỗi mình không thấy lỗi người. Nghĩa là những cái chướng ngại pháp, trong khi lao tác chung đụng với nhau tất cả mọi cái đều là nhận ra cái lỗi của mình. Còn tất cả những cái lỗi của người khác đều là thấy Nhân Quả chứ không thấy lỗi người: “Đây là Nhân Quả. Không phải người đó có lỗi mà đây là Nhân Quả, cái Nghiệp Nhân Quả. Người ta làm việc đó là cái Nghiệp Nhân Quả, đáng thương chứ không đáng ghét”. Cho nên vì vậy mà luôn lúc nào cái tâm của mình nó cũng được bình an, mấy con nhớ về tu Tứ Chánh Cần.
Tứ Chánh Cần sau này khi đó thì các con thấy trong cái giáo pháp của Đức Phật xác định rất rõ: Tứ Chánh Cần tức là Chánh Tinh Tấn. Cái pháp tu nó là cái trong Bát Chánh Đạo, nó là Chánh Tinh Tấn. Thì Chánh Tinh Tấn là cái lớp thứ sáu, mà cái lớp thứ bảy nó là Chánh Niệm Tứ Niệm Xứ, các con thấy không? Khi mà tu Tứ Chánh Cần xong rồi, các con thấy cái tâm của mình luôn luôn Bất Động, không ác pháp nào tác động vào được cái tri kiến của mình. Ai nói gì, làm gì tâm mình vẫn nhẫn nhục, thương yêu, xả hết. Đức Hiếu Sinh là làm đầu của một cái người tu Tứ Chánh Cần.
(38:04) Đó, thì mấy con thấy cái pháp tu Tứ Chánh Cần này mấy con, coi như là mấy con giữ độc cư là không đi nói chuyện phi thời, giữ độc cư là mấy con không có làm động người khác. Chứ luôn luôn mấy con tiếp duyên với những cái điều kiện cần thiết, cái thời điểm tiếp duyên với người khác đều là mấy con tiếp duyên được hết, không phải như người nhiếp tâm và an trú.
Cho nên hai cái pháp này mấy con thấy rất rõ. Nhưng mà cái người mà nhiếp tâm, và an trú thì không được nói chuyện với ai hết. Hoàn toàn mấy con mà ra nhà bếp, thì cứ ra đó, thì mọi người ta chỉ con lặt rau là lặt rau, hay hoặc là rửa bát là rửa bát. Hay hoặc là làm cái chuyện gì đó, làm rồi thì mình vào thất của mình lo tu tập. Chứ không có bao giờ mà hỏi chuyện này, hỏi chuyện kia, hỏi chuyện nọ. Ai dạy gì thì mình lắng nghe, ai nói gì thì lắng nghe, để cho mình tự ngầm mình sửa được những lỗi lầm của mình, "Thấy lỗi mình, không thấy lỗi người". Cái người tu Tứ Chánh Cần họ phải vào tu, họ phải nhẫn nhục, họ rất an, rất an, đó là tu Tứ Chánh Cần.
6- HAI CON ĐƯỜNG ĐI VÀO TỨ NIỆM XỨ
(39:10) Sau khi tu Tứ Chánh Cần mà đến cái mức độ mà thấy tâm nó bất động hoàn toàn, thật sự. Không ai làm cho mình giận hờn, phiền não. Mình thấy từng cái, cái này, cái kia mà tâm mình nó cũng không có thèm ăn, không ham muốn gì hết, thì biết là nó đã chứng rồi, nó thanh tịnh rồi. Thì lúc bấy giờ đó, thì mình đi vào Tứ Niệm Xứ, thì Thầy sẽ hướng dẫn cách thức để trên Tứ Niệm Xứ để đi. Để giữ cái Tâm Bất Động của mình suốt cái thời gian, để đúng cái thời gian của nó, để mình luyện Tứ Thần Túc.
Khi mà trên Tứ Niệm Xứ rồi, thì mấy con thấy là nó thanh tịnh rồi, thì trong khi đó nó không bao giờ nó còn một cái niệm nào mà xẹt ra, xẹt vô hết, nó không còn nữa. Mà nó không còn nữa từ ba mươi phút cho đến sáu tiếng đồng hồ, mà nó ở trong cái trạng thái bất động như vậy đó, thì được Thầy chỉ cách thức cho mấy con tu tập, luyện Tứ Thần Túc.
Khi có Tứ Thần Túc rồi thì mấy con mới nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, tức là mới qua cái lớp Tứ Thánh Định. Nghĩa là Tứ Niệm Xứ, trên Tứ Niệm Xứ mà kéo dài được cái trạng thái Bất Động Tâm - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự của nó. Nó kéo dài được sáu tiếng đồng hồ, thì nó mới đủ Bảy cái năng lực của Giác Chi. Mà bảy năng lực của Giác Chi đó là Tứ Thần Túc, bốn cái lực như Thần. Do đủ bốn cái lực như Thần thì mấy con mới vào cái lớp Chánh Định. Tức là nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, tức là Tứ Thánh Định. Tức là cái lớp Chánh Định ở trong Bát Chánh Đạo. Thì Chánh Định xong rồi thì mấy con sẽ thực hiện Tam Minh, tức là Tuệ Tam Minh.
Như vậy thì, mấy con tu từ cái pháp Tứ Chánh Cần ngăn ác diệt ác mấy con cũng đi tới Tứ Niệm Xứ chứ gì? Còn cái người nhiếp tâm như nãy giờ mà Thầy nói Nhiếp Tâm và An Trú Tâm để rồi mấy con cũng bước qua cái giai đoạn tu Tứ Niệm Xứ mà không cần phải xả tâm, bởi vì nhiếp tâm mà.
Nhiếp tâm làm cho nó dính vào trong cái cánh tay đưa ra vô, nhiếp tâm làm cho nó dính vào trong cái hơi thở, nó không còn có một niệm gì, mấy con nhiếp mà. Rồi nó an trú nữa, thành ra đâu có niệm gì khởi ra được, các con hiểu không? Nó không có cái niệm gì mà khởi.
Còn cái kia người ta ngồi chờ cái niệm đến để mà người ta dùng cái Tri kiến người ta xả. Người ta xả cho đến khi cái tâm người ta cũng bất động hoàn toàn người ta đi vào Tứ Niệm Xứ. Người ta ngăn ác diệt ác cho đến khi mà người ta đi vào Tứ Niệm Xứ. Nó khác.
Hai cái pháp này nó khác, nhưng mà nó đi đến Tứ Niệm Xứ thì nó giống nhau.
Bên đây, nhiếp tâm rồi an trú để rồi chúng ta cũng bước vào Tứ Niệm Xứ. Bởi vì nhiếp tâm được, an trú được ở trong ba mươi phút. Mà trong ba mươi phút thì bắt đầu mấy con mới vô Tứ Niệm Xứ, mấy con thực hiện cái trạng thái Bất Động của Tứ Niệm Xứ để đi đến sáu tiếng đồng hồ Tứ Niệm Xứ. Rồi mới đi đến cái chỗ mà luyện Tứ Thần Túc. Các con thấy không? Từ hai cái pháp này nó sẽ gặp nhau trên Tứ Niệm Xứ, thì mấy con chọn lấy cái pháp nào mà hợp với mình để mình tu tập, để mình tu tập.
(42:13) Bây giờ mấy con nhiếp tâm, an trú thì phải chọn lấy cái pháp này. Nhưng cái pháp này phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh độc cư trọn vẹn. Chớ không phải là cái pháp như người ta tu Tứ Chánh Cần.
Tu Tứ Chánh Cần, thì người ta còn tiếp duyên, mà người ta tiếp duyên bằng cái Tri kiến hiểu biết, chứ người ta tiếp duyên trong ác pháp là người ta cũng phạm giới nữa. Người ta tiếp duyên, người ta coi như là phá Hạnh Độc Cư. Nhưng mà cái hạnh độc cư, người ta ở trên cái không độc cư của người ta, ở trên cái pháp thiện chứ không phải như mình.
Cho nên trong cái sự tu tập của mấy con thì lắng lặng mà thấy được hai cái pháp đều nó sẽ đi đến cái Tứ Niệm Xứ. Từ ở trên cái Tứ Niệm Xứ đó nó mới có thể mà tu tập cái Thần Túc. Từ cái Thần Túc đó nó mới nhập các Định. Con đường của đạo Phật nó cụ thể, nó rõ ràng, nó có pháp môn hẳn hòi.
Đầu tiên thì mấy con thấy, nó đâu có khi không mà ngồi đây hít thở mà đi vào định, mà nó ngồi nó hít thở bằng cái phương pháp Như Lý Tác Ý. Dẫn nó vào từng hơi thở, dẫn nó vào từng bước đi, dẫn nó vào từng cái hành động đưa tay ra vô. Các con thấy, nó làm cho mấy con rất dễ dàng tu tập chứ đâu phải khó.
Nhưng mà nhiếp tâm được rồi thì phải dùng cái pháp tác ý an trú tâm. Mà an trú tâm được rồi thì mới tu Tứ Niệm Xứ. Còn cái pháp Tứ Chánh Cần thì ngăn ác - diệt ác, hàng ngày ngồi giữ tâm bất động, tức là mình đi vào cái chỗ mà thư giãn, cái chỗ Định Thư Giãn, Định Sáng Suốt. Cho nên mình nhắc: "Tâm thanh thản, an lạc, vô sự" rồi ngồi đây. Ngồi đây không có nghĩa là giữ cái tâm ở trên Tứ Niệm Xứ mà thanh thản, an lạc, vô sự như Tứ Niệm Xứ đâu. Mà ngồi đây để chờ cho những từng cái tâm niệm của nó xảy ra, nó hiện ra. Bởi vì cái vọng tưởng của mình còn nhiều lắm. Mình ngồi im lặng một hơi là nó lòi mặt nó ra hết, nó nhiều lắm. Nó có thể nói rằng cái chuyện này nó hiện ra rồi nó chưa xong, nó chưa có nghĩ xong hết cái chuyện này nó sẽ có cái chuyện khác nó kế tiếp, nó nối tiếp nhau.
Từ cái chuyện tu tập, từ các pháp tu tập cho đến chuyện gia đình, rồi chuyện gì mà hồi nhỏ này kia, đi ăn cắp mận bị người ta đánh hay này kia, bây giờ cũng nhớ hết. Cái chuyện mà ở trường mà này kia, khỉ khọt này kia, cô giáo bắt phạt quỳ gối hay chép phạt cũng có nhớ ra hết, không có cái gì mà không quên. Đó, tất cả những cái chuyện từ quá khứ, vị lai gì nó sẽ hiện ra hết. Và đồng thời cái người đó mà nỗ lực tu Tứ Chánh Cần thì "Ngăn ác diệt ác". Mỗi niệm đều là đem đến, đều là nhớ quán xét cái đúng, cái sai, cái không đạo đức, cái vô đạo đức gì cũng biết. Rồi từ đó nó có những cái phương pháp nhắc tâm nó. Chứ xả tâm thì nó nhắc tâm nó phải chấn chỉnh, sửa mình lại những cái điều đó. Thậm chí như nó thèm ăn cái bánh cái trái, cái này, kia nọ nó đủ cách ở trong này, nó cũng hiện ra hết.
Bữa nay sao có Phật tử cúng dường, cô Út cho ăn cái bánh này ngon quá: “đây đây đây đây, biết rồi, cái mặt mày là tham ăn đây”, mình ngăn diệt nó liền. Tất cả những cái này nó đều lòi ra hết trong khi chúng ta ngồi yên một mình. Rồi, “phải chi mà có Phật tử cúng dường cái này được ăn nữa” thì đó là cái tâm tham nó lòi ra đó. Cho nên vì vậy mà luôn luôn mấy con phải dùng, sử dụng cái pháp đó mà ngăn mà diệt nó. Cho nên gọi là tu Tứ Chánh Cần. Bốn cái điều cần mẫn siêng năng để mà tu tập nó, đó là tu Tứ Chánh Cần.
Cho nên Giới Luật của nó thì về cái Hạnh Độc Cư.
HẾT BĂNG