55-ỨC CHẾ TÂM KHÔNG XẢ ĐỜI SAU LÀM ĐỒNG CỐT
LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 55-ỨC CHẾ TÂM KHÔNG XẢ ĐỜI SAU LÀM ĐỒNG CỐT
LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 55
ỨC CHẾ TÂM KHÔNG XẢ ĐỜI SAU LÀM ĐỒNG CỐT
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Ngày giảng: 05/07/2008
Người nghe: Tu sinh
Thời lượng: [36:06]
Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo
Số lượng: 65 pháp âm
1- TƯỚNG CỦA ĐỊNH TƯỞNG
(00:00) Tu sinh 1: Kính bạch Trưởng lão, con thấy cái đặc tướng, cái định tướng, đặc tướng đó thường nó hiện ra cái màu trắng, nhưng mà trường hợp cái màu xanh mà hơi tím, như vậy trường hợp đó là cái gì ạ?
Trưởng lão: Hiện tượng đó là tưởng con- sắc tướng.
Tu sinh 1: Hay là cái màu trắng mới đúng của nó?
Trưởng lão: Không phải, tất cả những cái hình sắc của nó hiện ra là bị tưởng hết. Bởi cái tưởng của con nó lưu xuất ra cái sắc tướng người ta gọi là định tướng, thì đó là biết là bị ức chế tâm mà đi vào không, liệt … ý thức không khởi thì cái tướng định của tưởng phải xuất hiện. Định tưởng tức là xuất hiện cái tưởng, cái định tưởng của nó. Nó bị tưởng hết.
Tu sinh 1: Thưa Thầy, con nghe có một vị Thiền sư Brahmavamso, người Anh nói là khi mình luyện hơi thở mà trong vòng ba bốn trăm hơi thở mà không có vọng tưởng thì cái định tướng xuất hiện?
Trưởng lão: Đúng rồi, vì không có vọng tưởng là ý thức nó bị chìm rồi, cái tưởng thức nó sẽ hoạt động. Cho nên nó hiện ra mười tám cái loại tưởng chứ không phải một cái tưởng. Cái định tướng của tưởng mà, nó sẽ xuất hiện ra, Thầy biết cái này rõ mà.
Tu sinh 1: Trường hợp các màu sắc nó khác nhau thì sao, bạch Thầy.
Trưởng lão: Thì cái màu sắc nó khác nhau là nó chứng tỏ cái người đó tu sâu về tướng định, tướng định tưởng. Định tưởng chứ không phải là Chánh Định của Phật. Cái định đó là định của ngoại đạo. Còn cái Chánh Định của đạo Phật là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, nó là Chánh Định. Còn mấy ông này không có Tứ Thần Túc làm sao mà nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền được.
Chỉ ức chế ý thức của mình, rồi cái tướng mà gọi là tướng định nó hiện ra màu xanh, màu trắng này kia, rồi cho nó là cái cấp của định của mình thì đó là bị tưởng hết. Sai rồi, nó không đi tới đâu hết, tu tới đó mấy người đó bị chết ở trong cái tưởng hết.
Tu sinh 2: Kính bạch Thầy, còn trường hợp có một cái điểm sáng hoặc một vài điểm sáng cứ bay vòng vòng?
Trưởng lão: Cái đó cũng tưởng luôn. Bởi vì mười tám cái loại tưởng của tưởng định xuất hiện. Cho nên Đức Phật tu nhập vào Không Vô Biên Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng, Đức Phật thấy tâm mình vẫn còn tham, sân, si, diệt bỏ luôn, không theo. Đức Phật nhập được các thứ định tưởng chứ đâu phải không.
Mà các sư, các Thầy không hiểu nhập vô Tưởng, tưởng đó là cái định tướng chứ gì? Thấy cái màu sắc nó hiện ra như vậy cho nó là định tướng, cái tướng định của Tưởng. Chứ Định của Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền của Phật đâu có cái tướng định kỳ vậy? Không có tướng định! Đức Phật nói nhập Sơ Thiền có năm chi thiền: "Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm", chứ đâu có nói tướng định nó hiện ra. Con có nghe nói Sơ Thiền tướng định bao giờ hiện ra? Ai có nói Nhị Thiền- Diệt tầm, tứ nhập Nhị Thiền, có nói cái tướng định nó hiện ra đâu? Mà tới Tam Thiền thì ly tất cả các trạng thái tưởng ra mới nhập được Tam Thiền- Ly hỷ, trú xả. Rồi phải nhập Tứ Thiền- Tịnh chỉ hơi thở, chứ đâu có nói mà tướng định gì đâu?
2- TRẠNG THÁI TỨ NIỆM XỨ VÀ SƠ THIỀN
(02:44) Tu sinh 2: Bạch Thầy trường hợp người đắc được Sơ Thiền là họ đã đắc được Tu Đà Hoàn chưa?
Trưởng lão: À bây giờ nói về cái quả tức là cái người mà nhập được Sơ Thiền là người đã ly dục, ly ác pháp là đã đắc cái quả nhập lưu rồi.
Tu sinh: Như vậy là Tu Đà Hoàn?
Trưởng lão: Tu Đà Hoàn chứ sao con. Bởi vì người ta ly dục, ly ác pháp mà. Mà ly dục, ly ác pháp trong cái Sơ Thiền, chứ không phải ly dục, ly ác pháp trong Tứ Niệm Xứ. Con phải hiểu ở trong Tứ Niệm Xứ- cái Tứ Chánh Cần đều là người ta tập, người ta ly dục, ly ác pháp nhưng nó chưa trọn vẹn- đến Tứ Niệm Xứ nó trọn vẹn nhưng mà nó còn ở trên Tứ Niệm Xứ, chứ chưa sử dụng được Định Như Ý Túc.
Cho nên Tứ Niệm Xứ nó hoàn thành được, nó có Định Như Ý Túc, tức là Tứ Thần Túc rồi. Nó dùng Định Như Ý Túc, nó mới nhập vô Sơ Thiền, nó mới năm chi thiền của nó hiện ra. Nếu mà nhập Sơ Thiền thì nó có năm chi: "Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm".
Còn trên Tứ Niệm Xứ nó cũng ly dục, ly ác pháp, nó nhập trên cái trạng thái bất động của nó, nhưng mà nó không có năm chi thiền.
Cho nên khi mà nó nhập vô Sơ Thiền rồi, nó mới xuất ra ở trên trạng thái của Tứ Niệm Xứ. Trạng thái ly dục, ly ác pháp của Tứ Niệm Xứ, rồi mới nhập Nhị Thiền.
Nó nhập Nhị Thiền rồi, nó mới xuất ra khỏi Nhị Thiền ở trên Tứ Niệm Xứ, trạng thái của Tứ Niệm Xứ nó mới nhập vô Tam Thiền.
Chứ nó không phải là nhập vô Nhị Thiền, rồi nó ở trên trạng thái Nhị Thiền, nó nhập vô Tam Thiền, không có. Con có nghe Đức Phật nói nhập vô Sơ Thiền, rồi xuất Sơ Thiền. Rồi nhập Nhị Thiền, rồi xuất Nhị Thiền. Rồi nhập Tam Thiền, rồi xuất Tam Thiền, rồi nhập Tứ Thiền không? Vậy thì khi xuất ra ở chỗ nào? Ở trên Tứ Niệm Xứ, các con hiểu chưa! Nó có cái chỗ xuất ra, để ở trên cái trạng thái đó, để rồi nhập vô cái định khác.
Cho nên Tứ Niệm Xứ là quan trọng vô cùng. Cái trạng thái ly dục, ly ác pháp của Tứ Niệm Xứ rất là quan trọng. Còn cái kia nhập Sơ Thiền nó phải có năm chi thiền của nó mới gọi là Sơ Thiền. Còn Tứ Niệm Xứ nó không có năm chi thiền, nó cũng ly dục, ly ác pháp mà không có năm chi thiền mấy con.
3- NHẬP THIỀN, XUẤT THIỀN
(04:18) Tu sinh 3: Kính bạch Thầy, như vậy tụi con tu Định Niệm Hơi Thở để dùng kỹ thuật đó đi vào Tứ Niệm Xứ được không?
Trưởng lão: Không được. Bởi vì Định Niệm Hơi Thở chỉ nó trợ giúp cho tu tập Tứ Chánh Cần. Trợ giúp cho cái giai đoạn mà học giới luật để triển khai tri kiến, để tạo cho nó một cái sức tỉnh thức mà thôi. Tức là các cái đề mục của nó để trợ giúp cho chúng ta tu tập những pháp khác, chứ nó không thể tu riêng nó được.
Tu sinh 3: Bạch Thầy, Thầy dạy kỹ thuật diệt tầm, tứ?
Trưởng lão: Bây giờ muốn mà diệt tầm, tứ của nó, để mà ly dục, để mà nhập Sơ Thiền của nó, thì con phải học giới luật, đức hạnh. Triển khai cái tri kiến của con hiểu biết, để mỗi tâm niệm của con khởi lên trong đầu con, nó phạm cái giới nào, con biết liền, ngăn diệt bằng pháp Như Lý Tác Ý để tu tập cái tâm vô lậu. Cho nên Đức Phật nói: "Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt", phải dùng pháp Như Lý Tác Ý hết. Thì sau khi tâm không có lậu hoặc, thì bắt đầu mới đi vào Tứ Niệm Xứ được. Nghĩa là nó hoàn toàn nó không còn niệm nữa thì đi vào Tứ Niệm Xứ kéo dài ra để luyện Tứ Thần Túc, bốn cái lực như Thần, rồi mới vào được.
Tu sinh 3: Bạch Thầy, như vậy là có Tam Thiền rồi mới tu qua Tứ Thiền. Chưa có Tứ Thần Túc thì chưa tu qua Tứ Thánh Định được?
Trưởng lão: Không được. Chưa có Tứ Thần Túc thì không nhập Tứ Thiền được. Bởi vì Đức Phật nói món ăn của Tứ Niệm Xứ là Thất Giác Chi. Mà bảy năng lực của giác chi là Tứ Thần Túc. Cho nên tu tập trên Tứ Niệm Xứ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự sẽ có Tứ Thần Túc. Từ đó mới bước vào Chánh Định. Ở trong Bát Chánh Đạo mà Chánh Niệm tức là Tứ Niệm Xứ, mà Chánh Định tức là Tứ Thiền, con hiểu không?
(06:02) Bây giờ ở trên cái Chánh Niệm của nó thanh tịnh thì nó có Tứ Thần Túc. Dùng Tứ Thần Túc, tức là dùng Định Như Ý Túc nhập vào Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Nhập xuất ra, nhập xuất ra, xuất ra ở trên Tứ Niệm Xứ hết, rồi nhập vô. Cho nên khi mà nhập Tứ Thiền cũng ở trên Tứ Niệm Xứ mà nhập vô Tứ Thiền, con hiểu chưa. Mà sử dụng Tứ Thần Túc, tức là Định Như Ý Túc đó, định như ý mình muốn mà.
Còn mình chưa có Định Như Ý Túc thì thôi đừng có rớ tới Tứ Thánh Định của Phật. Không ai mà rớ vô được hết. Mấy người đừng có ngồi mà nhiếp tâm, mà để gọi là: "Ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền" hay hoặc: "Diệt tầm tứ để nhập Nhị Thiền". Không bao giờ có điều đó đâu, mấy người không hiểu đâu. Mấy người phải tu từ Tứ Niệm Xứ để có Tứ Thần Túc. Từ Tứ Thần Túc rồi thì mấy người mới nhập được bốn Thiền, Chánh Định của Phật. Nhập được Chánh Định của Phật rồi thì mới thực hiện Tam Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh. Đó là con đường của đạo Phật nó phải đi như vậy thôi, chứ không có gì hết.
Cho nên Tứ Thần Túc nó nằm ở trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo mấy con. Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc… Đều là bốn cái bốn pháp, mà năm cái bốn pháp đó nó mới gọi là hai mươi pháp. Cộng với Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề là mười bảy cái nữa, cộng lại là ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Còn nói về Tứ Diệu Đế là bốn cái chân lý để xác định một sự thật của con người chứ Tứ Diệu Đế không phải là pháp tu. Mà nó xác định cái chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo, chứ không phải là pháp tu. Ai nói mà Tứ Diệu Đế là pháp tu là sai, không hiểu. Cái Chân lý người ta xác định mà. Còn pháp tu là phải ở trên đạo đế. Cái Chân lý đạo đế là cái pháp tu, tám cái lớp học người ta. Cho nên mới rõ ràng cái chương trình đạo Phật: Giới, Định, Tuệ. Giới nó phải tu năm cái trong Bát Chánh Đạo là phải tu năm lớp.
Nội cái Giới không phải tu năm lớp, từ Chánh Kiến tới Chánh Mạng. Chánh Tinh Tấn là tu Tứ Chánh Cần. Mà Chánh Niệm là tu Tứ Niệm Xứ. Mà Chánh Định là tu Tứ Thánh Định, bốn Thánh Định. Mà thiền nhập định rồi thì Tuệ nó có, đâu cần phải tu Tuệ đâu. Giới, Định, Tuệ nó đủ.
Tu sinh 4: Thưa Thầy, con tu tập nhưng không biết rõ như vậy. Nói mình tu hơi thở sung mãn làm cho Tứ Niệm Xứ sung mãn, Tứ Niệm Xứ sung mãn làm cho Thất Giác Chi sung mãn, Thất Giác Chi sung mãn làm cho Minh được giải thoát. Con hiểu như vậy có đúng không ạ?
(08:23) Trưởng lão: Đúng vậy. Nếu mà con tu Tứ Niệm Xứ mà không có Định Niệm Hơi Thở, làm sao con vô Tứ Niệm Xứ!? Cho nên cái câu Định Niệm Hơi Thở: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", không phải là trên Định Niệm Hơi Thở sao? Mà xác định chúng ta phải sung mãn được cái hơi thở bằng cảm giác đó thì chúng ta mới ở trên Tứ Niệm Xứ mới được chứ, nó rõ ràng mà.
Tu sinh 4: Con muốn hỏi cái động của nó là con muốn ở trên tướng định con muốn thấy mình làm thế nào phải tu Tứ Thần Túc để nhập Tứ Thiền?
Trưởng lão: Lẽ đương nhiên là con phải ở trên cái trạng thái bất động của Tứ Niệm Xứ, rồi con mới luyện pháp Thân Hành Niệm. Con đọc cái bài kinh pháp Thân Hành Niệm nó mới luyện Tứ Thần Túc mới được. Chứ không phải là ngoài pháp Thân Hành Niệm mà con luyện Tứ Thần Túc, làm sao có?
Tu sinh 4: Con thấy bài Thân Hành Niệm không biết cách tu, kỹ thuật thế nào, chứ còn cách tu giống như bài Định Niệm Hơi Thở bằng toàn thân.
Trưởng lão: Thì hơi thở là Thân Hành Niệm nội, có phải không? Bài pháp Thân Hành Niệm thì phải có Thân Hành Niệm nội và Thân Hành Niệm ngoại. Nó Luyện Tứ Thần Túc, nó phải có nội và ngoại. Chứ không phải nội hơi thở mà nó được, con hiểu không? Cho nên vì vậy Thầy nói pháp từ ở trên pháp Thân Hành niệm mà cái tâm con bất động ở trên Tứ Niệm Xứ con mới luyện được cái pháp Thân Hành Niệm, nó mới có đủ cái Tứ Thần Túc.
Chứ tâm của con còn vọng động, còn hôn trầm, thùy miên, còn này kia thì luyện Tứ Thần Túc mà luyện sao cho được? Đó đâu phải là cái đất đứng của nó. Cũng như bây giờ khi không mà con luyện Tứ Thần Túc thì làm sao có được? Buộc lòng cái tâm của con nó phải ở trên Tứ Niệm Xứ, mà con phải trải qua ở trên Tứ Chánh Cần để ngăn ác, diệt ác; sanh thiện tăng trưởng thiện. Nó thanh tịnh hoàn toàn mới vào được Tứ Niệm Xứ.
3- GIỚI ĐỨC, GIỚI HẠNH, GIỚI HÀNH
(10:15) Tu sinh Phước Từ: Dạ con hiểu rồi. Kính bạch Trưởng lão dạy cho chúng con biết các bí quyết để thực hiện tầm tứ?
Trưởng lão: Bí quyết để thực hiện tầm tứ thì bây giờ bắt đầu phải học giới luật, đức hạnh. Bí quyết để mà thực hiện cái tâm thanh tịnh này thì phải trở về học giới luật đức hạnh hết. Bởi vì trong một cái giới thì nó phải có cái đức, rồi cái hạnh, rồi cái hành. Giới Đức, Giới Hạnh, Giới Hành, một cái Giới.
Thí dụ bây giờ giới Sát Sanh thì con phải học cái đức của giới Sát Sanh là cái đức gì, phải không? Con phải học, nó là cái Đức Hiếu Sinh. Cái lòng thương yêu, không sát sanh nó mới lòng thương yêu. Rồi cái hạnh của lòng thương yêu là oai nghi, tế hạnh của người tu sĩ đi phải tỉnh giác, đừng có đạp con kiến, côn trùng dưới chân chết. Làm cái gì phải cẩn thận để không mà giết hại chúng sanh thì như vậy rõ ràng là cái Giới Hạnh. Rồi cái Giới Hành nữa, là pháp Như Lý Tác Ý của cái giới đó, để thực hiện cho cái giới đó thanh tịnh bằng cái pháp như ý tác ý.
Cho nên mới gọi là Giới Đức, Giới Hạnh, Giới Hành, mà không thông suốt thì bắt đầu căn bản nhất là phải trở về học giới luật. Bởi vì Đức Phật nói Giới, Định, Tuệ ba cấp. Giới chưa xong thì làm sao tu Thiền Định được? Con phải trở về Giới.
Bây giờ Thầy nói cái giới như giới Sát Sanh, ba cái đức giới này. Thì bây giờ cái Đức Hiếu Sinh thì ai cũng biết rồi. Nhưng mà cái người đó gan dạ, nhảy xuống sông cứu vớt một người bị chết đuối thì cái đó là dũng cảm. Vậy thì người đó phải có Đức Hiếu Sinh mới thương người, mới nhảy xuống sông cứu người chứ. Nếu mà không thương thì họ nhảy xuống để làm gì, con hiểu không? Thì phải có Đức Hiếu Sinh Dũng Cảm, đó thì mình phải hiểu bao nhiêu cái hành động.
Bây giờ con thấy người đó nghèo đói, con đem cho họ một bát cơm thì đó cũng phải Đức Hiếu Sinh chứ, mà Đức Hiếu Sinh Bố Thí, con hiểu không?
(12:12) Bây giờ thấy một cụ già đi trên xe buýt mà cái xe cứ giật tới, giật lui. Mình đang ngồi trên một cái ghế này, đứng dậy nhường chỗ cho cụ già, đó là Đức Hiếu Sinh Nhường. Bởi vì Đức Hiếu Sinh nó nhiều lắm mấy con. Nó có thương cụ già này, nó thấy tội quá, đứng dậy nhường chỗ cho cụ già ngồi, đó là đức Hiếu Sinh. Con thấy chưa?
Tất cả những hành động sống hàng ngày của chúng ta đều thực hiện Đức Hiếu Sinh. Một người chửi mắng mình, mình thương, mình hiếu sinh, mình thương người thì phải có Đức Tha Thứ, tức là tha thứ ngay chỗ hiếu sinh. Con phải học hết chứ, mà Thầy mới nói có giới Sát Sanh thôi, chứ chưa nói cái giới mà tham lam trộm cắp.
Giới tham lam trộm cắp là Đức Ly Tham. Mà phải học Đức Ly Tham thì nó phải có giới đức, giới hạnh, giới hành của nó chứ. Nếu không có thì tâm tham của chúng ta một đống vậy, đụng cái gì nó cũng tham hết thì làm sao cho được đây? Mà tu hoài tới chừng nào mà cho nó thanh tịnh? Bây giờ phải học trở về giới đi, học về giới đức, giới hạnh, giới hành hết. (Cái gì con?)
Các con thấy nhờ có sư Phước Từ hỏi thì mấy con càng thông suốt thêm. Thấy cái sai của người ta không hiểu Phật pháp mà Thầy là một nơi để mà giải thích rất rõ ràng nhất. Không có chỗ nào lừa dối, qua mặt Thầy được hết, không có gạt Thầy được. Không có tu riêng cái pháp Định Niệm Hơi Thở được. Cho nên Thầy kèm vô cái pháp Định Niệm Hơi Thở là Thầy kèm vô các pháp khác. Như vậy mới đúng trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Cho nên có nhiều người … Vừa rồi Thầy đem cái bài thi, bài làm của mấy con, cho lớp hạ ở ngoài kia vô thi, nói: “Tám mươi bốn ngàn pháp môn”. Thầy bảo kể cho Thầy nghe tám mươi bốn ngàn pháp môn, cái pháp nào, kể hết cho Thầy nghe… Niệm Phật làm sao kể hết cho Thầy coi. Nội Niệm Phật không, bao nhiêu pháp? Có làm sao mà kể tám mươi bốn ngàn pháp được. Thầy nói gom hết các tôn giáo ở trên thế gian này lại cũng không có đủ tám mươi bốn ngàn pháp nữa chứ đừng nói, có phải không?
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo kia người ta rõ ràng cụ thể tại sao không nói, mà nói Phật pháp tám mươi bốn ngàn pháp môn? Quý vị bộ điên hay sao mà đi theo tập nói láo? Thầy bảo kể giùm cho Thầy coi pháp nào, pháp nào… Có kể được đâu, có phải không, mấy con thấy chưa?
(14:12) Người ta nói láo, rồi người ta dạy mình nói láo, rồi mình cũng nói láo theo à? Mà khi người ta cật vấn bảo mình kể tám mươi bốn ngàn pháp môn coi thử coi Pháp nào đây, kể ra dùm Thầy tám mươi bốn ngàn pháp môn, kể cho hết Phật pháp đi, coi thử coi, kể đi. Thầy cho bây giờ tụng Di Đà cho một pháp đi, tụng Phổ Môn một pháp đi, thì cũng được nữa. Cũng tụng, Thầy cho một pháp, một pháp đi hết đi. Kể đi thử coi tám mươi bốn ngàn được không? Chắc không bao giờ! Người ta nói láo, rồi mình cũng tập nói láo theo à? Dám viết bài vô, làm bài đàng hoàng, tám mươi bốn ngàn pháp môn đủ để quý vị tu.
(Rồi con, thưa Thầy gì đây?)
4- ỨC CHẾ TÂM KHÔNG XẢ ĐỜI SAU LÀM ĐỒNG CỐT
(14:46) Tu sinh 5: Kính bạch Trưởng lão, con muốn hỏi là những người sống trong giới luật ăn ngày một bữa, ngủ bốn tiếng, rồi cũng không nói chuyện nhưng mà bị ức chế. Rồi hiện ra tướng này tướng kia, sai với pháp của Thầy. Thì hậu quả của những người đấy sau này sẽ không chứng được mà lọt vào những chỗ không làm sao mà ra được nữa, người ta cứ ở trong trạng thái như thế, thì sau này khi chết họ sẽ đi về đâu? Một người bình thường họ cũng còn có thân xác mà người tu rõ ràng như vậy là không đạt được cái thanh thản, nó tương ưng với chỗ nào?
Trưởng lão: Con muốn hỏi những người tu chứ gì? (Dạ) Hồi đó họ chưa tu, có người chửi họ cái chửi lại liền, họ ăn thua đủ chứ họ đâu có nhịn. Bây giờ họ đã tu rồi, họ không chửi lại, nhưng mà họ cũng còn ấm ức trong bụng họ, tức là họ muội lược được nửa phần. Họ không chửi lại tức là bớt được rồi đó chứ. Mà bớt được thì mọi người, người ta còn chửi lộn nhau được, còn mình không chửi lộn thì đó là khá rồi. Bây nhiêu đó thôi chứ Thầy chưa nói cái tâm bất động, thanh thản của mấy con giữ được đâu. Nhưng mà mấy con muội lược được cái tham, sân, si.
Hồi đó mình muốn tiền được cho nhiều, muốn mua vé số trúng hàng tỷ bạc, trúng ít thì không mê đâu mà trúng nhiều thì mê. Nhưng bây giờ thì thôi hết muốn mua vé số rồi, thấy đó là tham. Thì bây giờ đây cũng muội lược rồi, bớt cái tâm tham rồi, nhưng nó vẫn còn tham chứ chưa phải hết. Cho nên chết rồi không đi đâu nữa hết.
Tu sinh 5: Kính bạch Thầy, tại vì họ ức chế trong lòng, mà ức chế thì dứt khoát không có trạng thái thanh thản, trong khi ức chế thì làm sao có thanh thản được. (Đúng vậy) Mà không có thanh thản thì họ tương ưng cái chỗ nào mặc dù họ sống trong giới luật?
(16:31) Trưởng lão: Bởi vì họ không tương ưng thì họ … Bây giờ ví dụ con bị ức chế, ông kia cũng bị ức chế kiểu đó. Hai người giống nhau phải không, thì hai người này sẽ sanh con đẻ cái ra chứ sao, chứ đâu đi mất được? Tại vì mấy con ức chế chứ đâu phải mấy con xả sao? Thay vì tham mười hay là sân mười, bây giờ nhờ mình biết Phật pháp, mình chỉ dằn cái cơn sân của mình xuống, mình không chửi lại họ. Nhưng mà cái sân của mấy con nó cũng vẫn còn nguyên, chứ nó đâu có giảm chỗ nào đâu, có phải không? Nếu nó giảm thì nó phải thanh thản, an lạc, vô sự chứ. Còn như con trình cho Thầy là nó còn nguyên, nó chưa có thanh thản được, nó bị ức chế.
Tu sinh 5: Mà rõ ràng họ vẫn giữ giới, nhưng nhìn mặt là thấy trạng thái cái tâm của họ liền. Thí dụ như chỉ cần nhìn thấy họ nói chuyện thế này thế khác, là biết tâm từ không thể có được rồi. Mà những người như thế dứt khoát không thể có trạng thái thanh thản được. Như vậy là những quả tu của họ hay là những kiếp sau thì…?
Trưởng lão: Nó sẽ tương ưng theo cái vấn đề của họ, tức là tham, sân, si họ còn nguyên, chứ họ không muội lược. Bởi vì họ không thanh thản được phút giây nào hết thì tức là chưa có muội lược. Mà chưa có muội lược thì họ phải tiếp tục tái sanh. Mà họ tái sanh, họ bị ức chế còn khổ sở hơn nữa. Cái nghiệp, thay vì cái đời sống họ bị ức chế, họ chịu đựng đó, họ không dám nói ra, họ giả vờ như là mình giải thoát, nhưng mà trong bụng mình ấm ức. Cái lực ấm ức nó cũng giống như một người khác, người ta sân mà người ta có thể chửi mắng nhau hơn, người ta còn hả hơi ra. Còn mình ấm ức, suốt ngày nó cứ ấm ức trong lòng hoài thì cái người này còn khổ hơn.
(18:07) Tu sinh 5: Kính bạch Thầy, người ta không tu mà còn có những cái trạng thái thanh thản. Cho dù trạng thái thanh thản có lúc họ hiểu hay không hiểu thì họ cũng được ở trong cùng một trạng thái đó. Còn người tu giữ giới nhưng mà bị ức chế như vậy thì con thấy cái quả tu của họ sau này…?
(18:22) Trưởng lão: Cái quả tu của họ không có cái gì hết. Hoàn toàn là họ cũng biết Phật pháp, bởi vì tâm tham, sân, si còn nguyên, họ không muội lược. Còn họ muội lược thì họ có thanh thản.
Tu sinh 5: Kính bạch Thầy, nhưng mà khi ra đi họ có cái duyên với Phật pháp để sau này họ có nối được cái duyên không?
Trưởng lão: Không. Họ không nối duyên, bởi vì họ theo Thầy mà họ tu cái trạng thái khác. Mà Phật bảo: "Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh mà đã sanh thì bị diệt". Nhưng mà họ quên tác ý, cho nên họ không giữ được cái tâm bất động thanh thản của họ. Cho nên sân họ chịu đựng, họ kham nhẫn ở trong lòng của họ. Do đó mình sống gần họ, mình thấy ông này bị ức chế, chứ sự thật ra chưa có xả tâm, thì biết họ còn tái sanh luân hồi. Bởi vì cái nghiệp nhân quả của họ nó còn nguyên, nó đâu có muội lược. Còn ít ra con cũng phải được một phút giây, hoặc là một ngày nó cũng được năm ba giây, mười giây hay là một phút, hai phút thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là chân lý thật sự giải thoát mà, Mà con có được thì nó có muội lược chứ.
Tu sinh 5: Kính bạch Thầy, thí dụ có người không đạt được trạng thái của Tứ Niệm Xứ mà lại lọt vào Không Tưởng, cũng có một trạng thái thanh thản như vậy thì sau này sẽ đi về đâu?
Trưởng lão: Nó sẽ lên làm đồng cốt. Nó bị tưởng thì nó phải làm đồng cốt chứ sao? Nó lên nó sẽ nhập đồng, nhập cốt. Hồi đó nó có tu làm đồng cốt bao giờ đâu? Mà giờ nó lên lắc lư một hơi, cái bắt đầu nó nói cái chuyện ông bà này kia nhập nó. Bị tưởng, thì đã nói tu sai bị tưởng thì mấy người đó sau này sẽ làm đồng cốt. Họ chỉ uổng cuộc đời, cũng chỉ làm đồng cốt để nói cái chuyện đâu đâu cho người ta nghe. Người ta tin rồi cúng xôi, cúng chè, cúng cháo cho mình ăn thôi chứ có làm cái gì. Mấy ông đồng bà cốt thì có vậy thôi đâu chứ có gì xa hơn, có phải không?
5- TU TIẾP TRONG TƯỞNG SAU KHI CHẾT
(20:02) Tu sinh 6: Kính bạch Thầy, cho con hỏi về những người tu mà trước khi chết có làm giấy để hiến nội tạng cho bệnh viện. Họ cho đấy là tâm từ. Việc đó đúng hay là sai?
Trưởng lão: Họ làm như vậy, họ cũng háo danh mà thôi.
Khi nào mà mình thấy bây giờ bệnh viện cần thiết, người ta kêu gọi tất cả mọi người: "Ai chết mà có cái thân còn được, sẵn sàng giúp đỡ cho những người còn sống mà đang mang bệnh đó, lỡ cái thận hoặc gan hoặc tim đã bị hư hoại mà chỉ cần thay vô để người ta sống được". Thì mình được nghe cái tin đó, thì mình phát nguyện để trợ giúp: "Sau khi tôi chết để tôi sẽ hiến cái thân này cho" thì cái đó được.
Còn mình không nghe, mà mình nghe người ta nói, rồi mình háo danh mình cũng đi, làm như vậy coi như từ thiện. Coi như là tui thì sự thật ra mình cũng còn cái danh từ thiện. Bởi vì ở trong cái chỗ từ thiện, chứ nó sự thật ra nó không có làm thiện, mà nó làm cái danh của nó, coi như mình từ thiện.
Cho nên Thầy nói cái Đức Hiếu Sinh, thật sự trong hiếu sinh mà bố thí dù cái giọt máu mình bố thí cho người khác là vì lòng thương yêu mình thật sự. Chứ không phải vì cái danh của mình làm để cho người ta thấy rằng mình là người hiến máu cho những cái người không có máu đó. Thì mình cũng vẫn bị cái danh, đó cũng là ác pháp thôi, nó không từ thiện đâu.
Tu sinh 6: Kính bạch Thầy, như vậy khi chết mà tu chưa xong thì họ còn có cái phước nào? Tu tập như thế mà chết thì cái tưởng nó có hoạt động không Thầy?
Trưởng lão: Thầy nói bây giờ con tu mà con muội lược được tham, sân, si. Bây giờ ở trong gia đình con có muốn đem xác con hiến nó, có người họ cũng không cho nữa, có người bảo thôi bây giờ đem thiêu đốt đi.
Con đã tu muội lược rồi, nó có cái từ trường để bảo vệ thân con. Nó buộc lòng có người ở trong gia đình con không cho đem chôn. Tự nó, nó bảo vệ, con khỏi lo điều đó đi. Chứ bây giờ bao nhiêu người chết đều đem đi thiêu hết, bởi vì nói đất không có, nó không có cho chôn đâu. Nhưng mà con tu muội lược rồi, thì cái từ trường của con, nó bảo vệ cái thân con để nó tiếp tục tu. Bởi vì nó không tái sanh được, nó phải tiếp tục nó tu trong tưởng.
(22:24) Cho nên cái từ trường nó phóng ra, nó khiến cho một người thân nào của con nói: “Tôi không đồng ý cho thiêu đốt cái thân của bác tôi hay của chú tôi hay của anh tôi, mà tôi hoàn toàn tôi xin chôn cất vì anh tôi sẽ tu tới đó, ảnh sẽ tiếp tục tu nữa”. Cả gia đình đều phải nghe hết, không ai dám cải hết, đem chôn. Con yên tâm, để tự thân con nó lo. Nếu mà con muội lược thì nó lo, chớ con khỏi có lo cho nó.
Còn con tu mà không muội lược thì con khỏi đi, nó đem đốt sạch hết chớ đừng nói chuyện nó để, để đi đầu thai cho rồi. Thầy nói mấy con tu muội lược thì nó lo cho mấy con, chứ khỏi có cần mấy con lo cái gì hết.
Tu sinh 6: Bạch Thầy (…)
Trưởng lão: Nói ông háo danh dữ tợn lắm, bộ có mình ông hiến hay sao mà ông ham dữ vậy?
Con có gì trình lên Thầy, con nói đi!
Tu sinh 7: Thầy cho con hỏi (…)
Trưởng lão: Không, con chỉ tu hai cái đề mục đó thôi rồi xả tâm cho Thầy. Nghĩa là trên Tứ Niệm Xứ rồi nếu mà được, Thầy sẽ đưa vào cái khu vực của Thầy. Thầy sẽ hướng dẫn cho đi tới để làm chủ sự sống chết, chớ đừng có tu các cái đề mục khác, chỉ có ba cái đề mục đó thôi.
Về hơi thở, con tu ba đề mục thôi: "An tịnh tâm hành…", "An tịnh thân hành…" và "Với tâm định tỉnh…" để cho phá vọng tưởng, phá cái thân đau nhức mỏi, phá cái hôn trầm, thùy miên. Ba cái này xong được rồi thì Thầy sẽ đưa con tu Tứ Niệm Xứ.
Rồi được rồi, tiếp tục cho tâm bất động được cái đã rồi một hôm nào đó Thầy sẽ kiểm riêng mấy con. Thầy sẽ cho mấy con qua bên Thầy, Thầy sẽ kiểm coi có không. Rồi bây giờ mấy con yên tâm. Bây giờ ở đây có một cái lớp chúng ta có hai người, Thầy sẽ kiểm. Mà nếu được Thầy sẽ cho ở bên Thầy, Thầy sẽ lo cho mấy con lần lượt đi vào Tứ Niệm Xứ tu cho thành công.
6- ÔM CHẶT CÂU TÁC Ý
(24:50) Tu sinh 7: Kính bạch Trưởng lão, con tu ba mươi phút Tứ Chánh Cần, rồi ngồi chơi xả tâm. Bây giờ con tu qua Định Niệm Hơi Thở thì thấy thở khè khè. Do viêm xoang, một bên thở ra, một bên thở không ra.
Trưởng lão: Không được! Bây giờ nó như vậy là con đã bị viêm xoang rồi, thì con dừng cái hơi thở, mà dùng cánh tay đưa ra, đưa vô để thay thế cái hơi thở của con. Con nhiếp tâm ở trong một phút của cánh tay đưa ra, đưa vô: "Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra. Đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô", con nhiếp tâm. Rồi sau này đuổi bệnh cũng bằng cánh tay luôn. Bởi vì cái viêm xoang, cái mũi của con rồi thì con dùng hơi thở thì nó sẽ làm cho con khó khăn. Cho nên vì vậy mà bỏ hơi thở đi. Rồi chừng nào mà đuổi hết bệnh viêm xoang rồi thì nó tu tập, mà không cần hơi thở cũng không sao hết. Nó có những cái điều kiện đó thôi, chỉ có ăn thua ở chỗ mà xả tâm thôi. Đưa cánh tay ra vô là tập sức tỉnh thức, để cho con được định tỉnh, để mà nhìn thấy từng tâm niệm mà xả. Giai đoạn căn bản là như vậy.
Tu sinh 7: Con tác ý: "Hít vô tôi đưa tay vô"?
Trưởng lão: Không phải: "Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra. Đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô".
Tu sinh 7: Dạ. Chứ không phải: “Bệnh viêm xoang theo cánh tay đi ra!” ?
(26:30) Trưởng lão: Còn con tập: "Bệnh viêm xoang này theo cánh tay mà ra!", cho cái viêm xoang con nó hết, có vậy thôi. Hễ con đưa tay ra thì: "Bệnh viêm xoang này theo cánh tay mà ra!" thì con đưa ra. "Thân không bệnh này theo cánh tay mà vào!" thì con đưa vào. Rồi "Bệnh viêm xoang này theo cánh tay mà ra!", cứ như vậy mãi thì cái bệnh viêm xoang của con sẽ ra. Khoảng độ nửa tiếng đồng hồ thôi, vừa nhiếp mà vừa đuổi bệnh.
Tu sinh 7: Còn những lúc khác thì ngồi chơi…?
Trưởng lão: Ngồi chơi xả tâm, nhìn ý niệm của mình có niệm nào mình quán xả, tác ý, luôn luôn tác ý xả ra.
Tu sinh 7: Ví dụ như con có những niệm nhớ nhà, đó là Ái kiết sử thì con nên tu như thế nào?
Trưởng lão: Đơn giản: "Ái kiết sử đi đi. Ở đây tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự".
Tu sinh 7: Vậy nó tới nữa thì mình nói nữa…?
Trưởng lão: Rồi tới nữa thì cũng tác ý nữa. Cứ như vậy tác ý hoài, đuổi hoài, đuổi chừng nào mà tụi nó đi hết thì con sẽ chứng đạt.
Tu sinh 7: Thưa Thầy, thời gian từ bây giờ đến bảy giờ thì cũng nghỉ ngơi, xả tâm?
Trưởng lão: Cũng xả tâm luôn, tu liên tục như vậy mới mau con.
Tu sinh 7: Thì con cũng phải đọc sách?
Trưởng lão: Đúng rồi, đọc sách tức là làm triển khai cái sự hiểu biết của mình hạn chế bớt để mình tập tu nhiều hơn. Và đồng thời cũng đừng bỏ cái giờ của mình triển khai cái sự hiểu biết của tri kiến của mình. Cố gắng tu tập đủ mọi mặt hết chứ không phải tu có một pháp. Rồi, con về con. Xong rồi mấy con?
Lên đi con, cứ nói, xá Thầy thôi con!
Tu sinh 8: Kính thưa Thầy con (…)
(29:13) Trưởng lão: Ráng cố gắng học, học để triển khai tri kiến, tức là Định Vô Lậu đó con, để cho con xả tâm, làm cho học để hiểu biết.
Gần đây thì mấy con sẽ học những cái bộ sách Đạo Đức, Thầy đưa vào những cái mẩu chuyện thật sự gây cho nhiều cái hành động đạo đức làm cho chúng ta rất xúc động. Thầy cố gắng, Thầy đưa vào những cái mẩu chuyện đời mà nó gây chúng ta rất nhiều cái xúc động, cái hành động đạo đức của nó nói lên. Những cái chuyện nho nhỏ thôi mà nó nói lên được đạo đức của con người của chúng ta, mà nằm ở trong cái Đức Hiếu Sinh mấy con. Lòng thương yêu của chúng ta mà nó thực hiện được những cái hành động rất là đạo đức.
Như hồi nãy Thầy nói nhường chỗ ngồi cho một bà cụ, một người phụ nữ có con nhỏ ở trên xe buýt có chỗ ngồi là một hành động đạo đức. Chúng ta đứng xếp hàng để mua đồ mà chúng ta đứng trước, thấy một người ẵm con đứng sau, chúng ta nhường cho họ đứng trước chúng ta cũng đều là thực hiện đạo đức hết. Đó là đạo đức của con người, chúng ta biết thương người, cho nên phải ráng học nó.
Tu sinh 9: Con xin hỏi Thầy là tu Định Niệm Hơi Thở thì khi có niệm mới tác ý, còn khi không niệm thì kệ nó phải không Thầy. Khi nào mà xả xong hết thì không niệm nữa?
(30:44) Trưởng lão: Đúng rồi, xả tâm, xả niệm. Còn cái câu tác ý của mình nó quan trọng lắm. Con nhiếp tâm vào câu tác ý dẫn nó vào cho nó nhiếp vào trong. Mà cái câu tác ý để xả là tác ý nó để đúng cái đối tượng cái niệm của nó để cho nó xả, vì câu tác ý của mình. Luôn luôn lúc nào chúng ta cũng ôm cho chặt câu tác ý. Câu tác ý là cái phao mấy con vượt biển khổ. Là cái thân mấy con đang đau nhức ở trong thân, đó là cái biển khổ của mấy con. Mấy con ôm câu tác ý là ôm phao vượt biển, mà buông câu tác ý là chìm xuống biển. Thầy nói như vậy mấy con biết là câu tác ý của Phật là cái phao để cứu chúng ta vượt trùng dương, vượt biển nghiệp. Chúng ta đang sống ở trong cái biển nghiệp mà chúng ta có được cái phao là chúng ta sẽ vượt qua khỏi biển nghiệp.
Cho nên câu tác ý rất quan trọng, phải nhớ kỹ những cái điều này. Chứ không khéo mấy con coi thường câu tác ý là mấy con đã bỏ cái pháp vô giá. Không có một cái pháp nào mà đổi được cái pháp Như Lý Tác Ý của Phật dạy. Cái pháp vô giá cứu khổ chúng ta…
Tu sinh 9: Con xin hỏi là khi không có niệm khởi mà ngồi thấy an, muốn ngồi thêm nữa để xả tâm. Vẫn tư thế kiết già nhưng ngồi để xả tâm thì có được không?
Trưởng lão: Không! Hễ là an cũng phải xả trạng thái an ra, để sau này nó bị tưởng an nó rồi, nó kéo dài con, nó bị tưởng mất thì không được. Khi nó an là tới giờ xả là xả luôn cái trạng thái an con, sống một đời sống bình thường.
Tu sinh 9: (…)
(32:24) Trưởng lão: Là nó gợi dục con đó, tham cái an.
Cho nên tất cả những cái trạng thái nào đó thì không bằng trở về cái trạng thái bình thường của một con người. Mà trong cái bình thường nó rất là phi thường, nó không có một cái ác pháp nào mà tác động được tâm nó.
Còn cái trạng thái an đó là tại vì mình nhiếp tâm, mình an trú, thì nó phải an thôi. Nhưng mà khi hết giờ xả nó ra, tâm bình thường. Bây giờ thân mình đau, mình muốn an thì cho nó hết đau. Mà nó hết đau rồi thì mình xả ra chứ, tối ngày cứ ôm an, an đó làm gì đây? Rồi nó cứ nó ở trong đó, rồi nó kẹt trong đó rồi làm sao? Rồi bắt đầu nó cứ an hoài, đi ra ngoài đường người ta thấy nói: "Trời đất ơi! Cái ông này ổng có điên không? Ông không biết xe cộ gì hết, ổng đi ổng lủi vào xe", có phải không? Con mang cái trạng thái an đó nó nguy hiểm lắm. Người ta cho con là điên, chứ đâu phải là cho con Thiền Định gì? Xả sạch ra, đi bình thường như mọi người, thấy xe cộ đều tránh. Chứ không khéo con cứ an an, rồi con cứ lủi vô trong mình người ta. Người ta nói: “Trời đất ơi! Cái ông này bộ ông điên sao, ông lủi vô trong mình tui?”.
Tu sinh 9: (…)
Trưởng lão: Rồi, vậy đi con.
Thôi bây giờ hết giờ rồi mấy con. Nỗ lực tu tập thật đúng pháp, cái gì sai hỏi, xin hỏi riêng Thầy. Thầy sẽ dạy từng người.
Và đồng thời sư Giác Thức, như mấy con Thầy đã nhận mấy con để rồi Thầy sẽ kiểm tra, rồi mấy con sẽ theo Thầy. Mấy con nhớ đừng phóng dật, xả tâm cho rốt ráo là mấy con sẽ theo Thầy hết.
Ở bên đó Thầy được mười lăm cái thất là dành cho mười lăm người đó. Còn nếu mà mấy con nhiều nữa thì chắc chắn là Thầy sẽ cất thêm nữa. Cái phước báu của mấy con có thì Thầy không có mua đất đai gì hết, họ cứ họ cho Thầy. Rồi tiền bạc của Phật tử gửi lên cúng dường thì Thầy xây, chứ Thầy có làm đồng xu, đồng điếu nào đâu. Tại cái phước của mấy con tu, có phải không?
(34:09) Mấy con thấy do cái chỗ tu tập của mấy con mà nó động lòng trời đất, cho nên vì vậy mà phật tử ở đây, người ta cúng dường, chứ Thầy có xin xỏ gì đâu. Người ta thấy Thầy ở đâu là người ta cúng đất cho cất mà thôi. Các con nhìn thấy những khu nhà mà Thầy cất dãy dãy, hàng hàng đó là đất người ta cho. Người ta cho Thầy tức là do cái phước mấy con nỗ lực tu. Các con thấy tu có phước chứ đâu phải không có phước đâu.
Cho nên được mười lăm cái thất rồi, tức là được mười lăm thầy rồi. Mà mấy con tu nữa là nó sẽ dành cho mấy con thêm những cái thất nữa. Mà mấy con tu ít là không có cúng dường đâu, có phải không? Bởi vì phước mình ít mà ai cúng dường? Mình tu nhiều, phước nhiều thì người ta mới cúng chứ, có vậy thôi!
Thôi, đến đây chấm dứt, mấy con về nghỉ ngơi, tối rồi. Chứ mà Thầy nói chuyện biết bao giờ cho hết! Tu hành mà. Càng ngồi gần Thầy, càng nghe càng hăng hái tu nữa. Gặp Thầy là một cái điều rất may mắn, mà gặp Thầy thì về nỗ lực tu, tu để theo Thầy, để làm được như Thầy. Đó là tâm huyết của mấy con đó.
Phải nỗ lực. Thầy luôn luôn lúc nào cũng đưa cánh tay mà lôi mấy con lên dòng sông nghiệp, biển nghiệp để cho mấy con thoát chết. Đó là một vị Thầy của mấy con đó! Cho nên mấy con cố gắng đưa tay lên cho Thầy, đặng có hễ mà hụp xuống là Thầy lôi lên để khỏi uống nước, uống nước biển khổ lắm. Nhớ kỹ, Thầy không bỏ một người nào hết!
Cái sai mấy con sửa lại hết, tu cho đúng lại hết thì con đường tu tập tới giải thoát hoàn toàn, làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi ngay khi chúng ta còn sống. Chúng ta muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống, không phải nói láo đâu, bằng chứng là nói thật sự. Các con đủ khả năng, các con mọi người đều có khả năng làm chủ được thân tâm.
Nghe lời Thầy mấy con sẽ làm chủ. Thôi đến đây xin chấm dứt nha mấy con, Thầy về, tối rồi. Rồi bữa khác Thầy tới nữa. (36:06)
HẾT BĂNG