Skip directly to content

TRẢ LỜI THƯ KIM QUANG

(Ngày 30 tháng 01 năm 2008)

KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG BÀI “ĐÁNH CẮP CHÍNH MÌNH”

Hỏi:Bài này cho con thấy rõ nếu sống không đúng đạo đức là người đang đánh cắp chính mình.

Đáp: Đúng vậy, con nghĩ rất đúng. Chính mọi người đang ăn cắp chính mình mà không biết, người sống không đạo đức là người ăn cắp lại chính mình, các con nên nhớ điều này.

Hỏi: Hôm nay con được học được hiểu giá trị cao quý của nền đạo đức nhân bản nhân quả rồi . Vậy thì không vì bất kỳ lý do nào con bỏ nó. Cuộc sống của con sẽ là đạo đức nhân bản nhân quả. Đạo đức nhân bản nhân quả là một vật vô giá. Biết là vô giá thì sao con lại bỏ đi. Không bao giờ, từ đây và đến suốt đời con sẽ sống với nền đạo đức này.

Đáp:  Đúng vậy, trên đời này không có một vật gì vô giá như đạo đức nhân bản – nhân quả, vì thế người có trí không thể xem thường, bỏ qua, chỉ có những người không hiểu biết, đáng thương mới không chấp nhận nền đạo đức nhân bản -  nhân quả vô giá này. Bởi vậy người sống với đạo đức nhân bản – nhân quả là người biết sống với chính mình; là người không ăn cắp chính mình mà bài học đạo đức trên đây đã xác chứng cho mọi người thấy. Vì thế không ai dám phủ nhận nền đạo đức này.

Kính thưa Thầy! Con chỉ là một kẻ phàm phu không có mắt tam minh như Thầy để hiểu được lòng người, thấy đựơc tâm người cho nên trong quá trình đứng lớp, con không biết những việc làm sao đây của con có sai với đường hướng giáo dục của Thầy hay không. Xin Thầy chỉ dạy:

Hỏi1:  Con hay gợi câu hỏi, gợi ý để các tu sinh đi sâu và khai thác mọi vấn đề. Ví dụ: Cùng tìm ra phương pháp chọn chủ đề. Phân đoạn và đáp án.

Con biết là mất thời gian và có thể làm hỏng kt hoạch của Thầy. Nhưng con nghĩ chắc là chỉ trong giai đoạn đầu thôi, vì khi mọi người hiểu rồi thì đâu còn tìm hiểu làm chi nữa.

Đáp: Người giảng viên đứng lớp là trách nhiệm phải truyền đạt cho học viên hiểu đạo đức trong bài học từng câu, từng đoạn, từng chữ, tức là các con phải gợi câu hỏi đạo đức, gợi ý đạo đức, gợi những từ đạo đức để các học viên đi sâu vào và khai thác mọi vấn đề tìm ra phương pháp chọn chủ đề, phân đoạn, đáp án, giải trình án, kết luận và áp dụng vào đời sống.

Dù có mất thời gian nhưng kết quả thật vĩ đại, đem lại sự lợi ích rất lớn cho các tu sinh để có một cuộc sống bình an, yên vui……, đó là đạt được sự mong ước của Thầy. Còn ngược lại học cho nhiều mà kết quả chẳng ra gì thì uổng phí công lao và thời gian tu tập. Cho nên đứng lớp con dạy như vậy là đúng, rất đáng khen. Vừa dạy cho tu sinh học tập cũng chính mình đang học tập đạo đức. Nhưng khi đã xả tâm ly dục ly ác pháp xong rồi thì đâu còn học đạo đức làm gì? Chỉ có những người tâm chưa ly dục ly ác pháp thì mới học đạo đức.

Hỏi 2:Theo như con thấy, nếu cứ sau mỗi bài kiểm tra dành thời gian để thảo luận về việc chọn chủ đề, phân đoạn, đáp án, kết luận và ứng dụng thì cũng mất hai buổi sau đó còn phần giải trình từng đáp án trên lớp thì mất thêm ít nhất hai buổi nữa.  Có khi chưa xong bài này thì Thầy đã gởi bài khác về. Vậy thời gian học giáo án rất ít .

Đáp:Học một bài trong giáo án kỹ lưỡng hiểu rõ từng hành động có đạo đức, và từng hành động thiếu đạo đức để khi ứng dụng vào đời sống đều đạt được kết quả tốt đẹp, thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự, còn học nhiều bài để có số lượng mà chỗ hiểu, chỗ không hiểu thì chẳng có ích lợi gì, chỉ học để nói như con chim học tiếng người mà thôi. Học đạo đức để mình không ăn cắp lại chính mình; để mình không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Như trên đã nói học đạo đức là vì tâm chưa ly dục ly ác pháp, chứ tâm đã ly dục ly ác pháp thì học đạo đức chỉ bằng thừa. Có đúng như vậy không các con?

Hỏi: Con phân tích trên thì con thấy việc làm trên không đúng như ý của Thầy. Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ đối với các bài kiểm tra gởi về các con phải làm gì? Trình độ ra sao? Và giáo án Thầy gởi về con phải làm gì để đi đúng hướng của Thầy kính xin Thầy chỉ dạy .

Đáp:Con đã không hiểu ý Thầy, từ xưa Thầy đã dạy các con: Thà tu tập một hơi thở có chất lượng còn hơn tu tập nhiều hơi thở mà không chất lượng. Tu tập nhiều hơi thở mà không đạt được kết quả thì chẳng có ích lợi gì, phí thì giờ, mất công tu tập vô ích.

Học một bài, hiểu rõ một bài, ứng dụng một bài, có lợi ích một bài, sống đạo đức một bài, còn hơn học nhiều mà chẳng hiểu, chẳng có lợi ích gì thì rất uổng công học tập. Đừng sợ mất thì giờ học tập, mà chỉ sợ học tập không hiểu, không thấm nhuần và không ứng dụng được đạo đức vào đời sống.

Bài vỡ Thầy gửi về, khi nào học viên làm xong bài cũ, có thông suốt thấm nhuần, ý hành, thân hành, khẩu hành đạo đức thì mới cho làm bài mới, còn không thì thôi. Nếu chưa học xong; chưa làm bài xong; chưa ứng dụng được đạo đức thì giảng viên không cho làm bài mới, mà ôn lại bài cũ. Nhất là cho học viên phải hiểu rõ từng đáp án, phải thấm nhuần mỗi đề án bằng cách giảng viên hay học viên đưa ra những mẩu chuyện nói về đạo đức để  học viên và giảng viên trao đổi giao lưu những sự hiểu biết về đạo đức khiến cho những học viên càng lúc càng thấm nhuần hơn. Sau khi học viên thấm nhuần đạo đức trong bài cũ thì giảng viên cho làm bài mới. Dù Thầy có gửi bài về rất nhiều, nhưng không phải cho học viên làm một lần mà chia ra cho học viên làm nhiều. Có tài liệu sẵn lần lược giảng viên cho làm từng bài, trong khi Thầy bận làm việc khác.

Hỏi 3: Nếu gọi là bài kiểm tra thì dĩ nhiên dùng để kiểm tra sự hiểu biết của sinh tu .. Vậy thì cách làm ở câu hai và không đúng với nghĩa kiểm tra hay là bài thi. Phải không thưa Thầy.

Đáp:  Dĩ nhiên bài kiểm tra là kiểm tra sự hiểu biết của học viên, nhưng ở đây, không phải là bài kiểm tra theo kiến thức văn hóa, mà kiểm tra bài làm của của học viên là để biết kiến thức đạo đức trong bài làm của học viên có nói lên sự ứng dụng đạo đức vào thân tâm hay không?

Thầy phân đoạn, đáp án là để trợ giúp đầu đề cho học viên, còn giải trình, kết luận và áp dụng là để học viên tự làm, đó là giúp cho học viên triển khai tri kiến đạo đức. Cho nên bài kiểm tra không có nghĩa là kiểm tra kiến thức văn hóa mà kiểm tra bài làm có ứng dụng theo bài học trong sách RÈN NHÂN CÁCH để nâng cao trình độ hiểu biết và thấm nhuần đạo đức. Bài làm này tương tự giống như bài luận văn của giáo viên cho học sinh làm, nhưng có khác hơn là kiểm tra để được biết đức hạnh của học viên có hay không. Thứ nhất là để biết đức tinh cần siêng năng của học viên; thứ hai là để biết đức tin vào sự tu học giới luật đức hạnh. Và cũng từ những bài học đạo đức kiểm tra này sẽ nhận ra được người học viên nào có áp dụng hay không áp dụng. Cho nên gọi là bài thi hay bài kiểm tra là vậy, chứ nó chỉ là bài luận văn ứng dụng trong bài học mà thôi.

Hỏi 4: Chính vì trong bài Tâm Hồn Cao Thượng có câu: “ Các con hãy cùng làm bài Thầy sẽ chấm cho” cho nên con mới tự ý viết thư nói là các giải trình của các bài thi sẽ gởi cho Thầy. Bây giờ con nghĩ lại chắc là chỉ có bài “Tâm Hồn Cao Thượng” thôi. Vì những bài sau này con thấy trong phần giải trình án có câu: “Các con tự làm lấy” Vậy thì khi thấy trong bài nào, có câu nào thì nên hiểu chỉ áp dụng cho bài đó thôi, phải không thưa Thầy ?

Đáp:  Sợ các con phân đoạn và đáp án sai, thì giải trình án sẽ không đúng, nên Thầy phân đoạn và đáp án làm bài mẩu để giúp các con xem xét và sửa lại bài làm của mình cho đúng. Còn giải trình án Thầy không làm bài mẩu mà để các con tự làm lấy là muốn cho các con triển khai tri kiến đa dạng tài năng của mình không theo khuôn mẩu, nhằm để giúp các con  phát triển pháp quán để thấm nhuần môn học đạo đức. Cho nên mới có câu: “Các con tự làm lấy”.

Còn tất cả những bài thi hay bài kiểm tra đều do Thầy chấm để xét về đạo đức giới luật của các con mới cho lên lớp hay ở lại. Vì thế trong bài Tâm Hồn Cao Thượng có câu: “Các con hãy làm bài Thầy sẽ chấm cho”. Thầy chấm cho tất cả bài thi chứ không riêng bài Tâm Hồn Cao Thượng. Mục đích chấm bài là chọn các con lên tu tập lớp Thiền định, ngoài Thầy ra thì không có ai làm thay cho Thầy được.

Hỏi 5:  Gọi là bài thi hay bài kiểm tra. Vậy thì ai là người kiểm tra thưa Thầy?

Lúc xưa con nghĩ rằng, lúc đầu Thầy chỉ gởi đề tài về để kiểm tra. Kiểm tra xong thì nộp đưa cho cô Út, mang qua cho thầy sau đó Thầy gởi đáp án bài làm đúng về để cho tu sinh đối chiếu với bài mình làm và làm lại.

Nhưng hôm nay con thấy cũng không phải vì mỗi lần côÚt có đề thi thì có luôn bài làm.

Do vậy ý của con cũng muốn hỏi giống như câu hai là mục đích của bài kiểm tra hay bài thi là để làm gì thưa Thầy? Và trình tự ra sao?

Vài dòng thăm thầy con kính mong sự chỉ dạy của Thầy, con kính mong sự chỉ dạy của Thầy.

Đáp:  Như trên Thầy đã nói: “Thầy là người kiểm tra bài làm của các học viên để cho lên lớp hay ở lại”.

 Trước kia bài kiểm tra gửi riêng, còn hôm nay bài kiểm tra có kèm luôn bài làm. Như vậy giảng viên phải hiểu và cho học viên chỉ chép bài kiểm tra về làm, khi nào học viên làm bài xong mới đưa bài làm của Thầy ra đối chiếu. Làm như vậy tiết kiệm được thời gian của Thầy, khi pho to máy sẽ pho to hai mặt mà Thầy đỡ mất thời gian lật qua trở lại và cũng tiết kiệm được giấy khỏi phải bỏ giấy trống quá nhiều. Chỉ người giảng viên chịu khó một chút mà tiết kiệm được nhiều công sức của Thầy và đàn na thí chủ. Thầy xin cảm ơn người giảng viên, chỉ chịu khó giúp Thầy một chút mà Thầy giữ được đức hạnh tiết kiệm trọn vẹn.

Hỏi 6: Con là một kẻ đã từng phạm nhiều sai lầm và tội lỗi trong quá khứ khi nhận trách nhiệm lớn. Cho con biết con chưa hiểu biết con, chưa thấy hết được cái sai của con .

Hôm nay được Thầy giao cho làm người đứng lớp con hơi hoang mang và không biết sẽ phạm những lỗi lầm nào đây?

Con nhận ra rằng tính cách năm xưa bắt đầu xuất hiện tại trong các biểu học gần đây. Và có khi con sợ sẽ làm một điều gì, nhất là nói một lời nào xúc phạm đến Thầy, đến các tu sinh hay là một cái gì đó nghiêm trọng.

Như hôm nay con có phân tích rằng nếu một tu sinh với khối lượng bài học nhiều, dồn dập như thế, mà không áp dụng được thì việc học là vô ích, thay vì chỉ cần nắm rõ một đức mà thông hiểu rõ, áp dụng được vào đời sống thì còn có giá trị hơn.

Câu nói này theo con biết được nhiều người hiểu rằng tất cả những gì Thầy lo cho chúng con như gởi bài về học đều là vô bổ.

Con không dám có ý như vậy. Mà nếu đã có người hiểu như vậy thì con xin sám hối với Thầy, con sẽ cẩn thận hơn với lời nói của mình.

Đáp:Dù những bài học của Thầy gửi về cho các con học tập là “vô bổ” (theo suy nghĩ của các con), nhưng Thầy cảm thấy mình làm hết bổn phận của một vị thầy đối với học trò và tự tin rằng những bài học này sẽ mang nhiều lợi ích cho loài người sau khi Thầy tịch.

Các con đã bỏ hết cuộc đời theo Thầy tu hành, chỉ một lòng mong cầu giải thoát. Thầy là người đã thông suốt con đường giải thoát ấy mà không hướng dẫn các con thì còn trông cậy vào ai nữa. Phải không các con? Nhưng các con đã biết: “Các pháp đều vô thường” vì thế thời gian sẽ không chờ đợi một ai. Thầy sẽ làm hết bổn phận dẫn dắt, chỉ đường của mình cho học viên, còn đi hay không đi là quyền ở các  học viên, chứ Thầy nào có quyền bắt ép ai. Vì Thầy biết các con còn phải tu học nhiều hơn nữa, đối với những bài học đức hạnh giới luật của Thầy gửi về so với số còn lại thì quá ít các con ạ! Các con còn phải trải qua nhiều sự rèn luyện tu tập thân và tâm để vượt qua chặng đường quanh co, gian nan đầy thử thách mới đạt được cứu cánh giải thoát. Nói như vậy không có nghĩa làm cho các học viên nản chí mà thúc dục các học viên học tập thì phải cho ra học tập, còn tu tập thì phải cho ra tu tập chứ không đứng lớp này trông lớp khác khi khả năng của mình chỉ ở lớp thấp mà muốn tu học ở lớp cao. Kết quả sẽ là số “không” các con ạ!

Hỏi7:Con chỉ ghi đơn giản rằng khi đứng lớp thì phải cố gắng làm sao giúp cho người học viên nắm rõ các đức hạnh để mà có thể áp dụng vào đời sống, do vậy con hay hỏi tại sao ? Và đề nghị các tu sinh giải thích rõ tại sao phân đoạn như vậy ? Tại sao lại chọn câu đáp án như vậy ?

Có một lần con có nghe nói muốn hỏi lịch sự thì đừng bao giờ hỏi chữ “tại sao” con không biết là có đúng không thưa Thầy ? Con chưa hình dung được tai hại của nó . Con sẽ cố gắng hỏi lại cách hỏi này?

Có tu sinh đứng lên phát biểu. Con không hiểu được ý sư muốn nói gì nữa. Mặc dù lời nói rất văn hoa. Con thấy con còn yếu nhiều mọi mặc lắm thưa Thầy. Lúc đó con như người ngu vậy đó.

Đáp: Không phải là một giảng viên đứng lớp mà đặt câu hỏi “tại sao” với mọi người thì hai chữ “tại sao” có vẻ ngã mạn thiếu đức lễ khiêm hạ, còn đối với học viên trong lớp thì đó là một câu hỏi thẳng thắn, mạnh mẽ để gợi ý cho học viên tập trung vào đề bài, để triển khai tri kiến sáng tạo của học viên, chứ không theo lối học tứ chương.

Như các con đã biết: Giảng viên là người chủ đạo, khơi dậy kiến thức cho học viên sáng tạo. Riêng giảng viên phải bảo vệ quan điểm của giảng viên, nhưng áp dụng phương pháp giảng dạy rất dân chủ, không áp đặt. Làm được điều này sẽ khắc trong sâu thẳm tâm hồn của học viên, người giảng viên là người chỉ đường, người dìu dắt đường đến thành công vinh quang.

Người đứng lớp phải làm được ba điều:

- Thứ nhất, trước một vấn đề phải gợi cho học viên nói lên được sự suy nghĩ của mình và người giảng viên cũng phải bày tỏ quan điểm suy nghĩ của mình, rồi đưa ra quan điểm của sách giáo khoa, nếu ba quan điểm giống nhau thì tuyệt vời.

- Thứ hai, nếu quan điểm của học viên khác giảng viên thì giảng viên chỉ hướng, chỉ cách cho học viên tìm hiểu. Sự trưởng thành và kết quả nhận thức của học viên là câu trả lời và phương pháp của thầy. Nhờ đó học viên cảm thấy giảng viên tuyệt vời.

- Thứ ba, trong trường hợp nào đó giảng viên sai thì xin lỗi học viên một cách thiện chí và bình đẳng.

 Trên đây là ba điều kiện cần thiết cho giàng viên đứng lớp truyền đạt đạo đức cho học viên, nếu giảng viên thiếu ba điều kiện này thì rất khó truyền đạt tư tưởng đạo đức,  và trong việc giảng dạy giảng viên càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Hỏi8:  Con thấy các sư buổi sáng khi đứng lớp thường hay đứng lên nói. Con biết đó là đức khiêm hạ nhưng đối với con khi ngồi ở vị trí người đứng lớp, ngồi nói thì tự nhiên hơn. Do vậy xin Thầy cho con ngồi nói có phải là người mất đạo đức hay không có đạo đức không thưa Thầy ? Trong lòng con vẫn tôn trọng các tu sinh chứ con đâu có dám không tôn trọng. Kính xin Thầy chỉ dạy - Cám ơn Thầy-Kim Quang.

Đáp:  Về đức lễ người giảng viên đứng giảng hay ngồi Thầy đã trả lời trong bức thư cho Thiện Tâm. Đức lễ tôn trọng và cung kính người phải bằng hai cách: một là tâm cung kính; hai là hành động cung kính, trong hai hành động này nếu thiếu một hành động nào thì sẽ không thành đức lễ. Như con trình bày trong câu hỏi tâm cung kính nhưng thiếu hành động cung kính, như vậy chưa trọn đức lễ. Thiếu hành động cung kính thì không thể chứng minh được đức lễ, vì chính điều đó chứng tỏ con chưa hiểu rõ đức lễ.

Cho nên đức lễ phải thực hiện bằng tâm và bằng hành động thân tôn trọng và cung kính thì mới trọn vẹn.

Thăm và chúc các con học tập đạo đức xả tâm càng ngày càng tốt hơn.

Thầy của các con