TÂM THƯ GỬI CHƠN THÀNH
(Ngày 7 - 2 – 2007)
Kính gửi: Chơn Thành!
Lớp học toàn là người lớn, chứ không phải là trẻ con. Cho nên việc đứng lớp dạy khó lắm con ạ! Khi đứng lớp dạy con mới thấy làm một giảng viên dạy lớp đạo đức không đơn giản chút nào, thân giáo là điểm thứ nhất cần phải có vì đó là làm gương hạnh tất cả cho tu sinh; thứ hai là truyền đạt tư tưởng đạo đức khiến cho tu sinh dễ tiếp thu là một điều khó khi học viên trình độ hiểu biết chênh lệch; thứ ba là cho điểm xấu thì lương tâm đức hiếu sinh cắn rứt mà cho điểm tốt thì không được… chỉ vì trình độ kiến thức văn hóa không đồng đều, nên việc giảng dạy cho điểm phải khéo léo và linh động; khi cho điểm như thế nào để làm sao khích lệ tu sinh để họ tiếp tục tu tập; để họ đừng bỏ học, vì họ bỏ học rất tội nghiệp, dù không tiếp thu được nhiều, nhưng khi học đạo đức cũng đem lại lợi ích cho họ.
Thời xưa người ta theo Phật tu hành, do giữ giới mà chúng Tỳ kheo chứng đạo dễ dàng, còn thời nay Thầy nói khô cả miệng nhưng mọi người cứ phạm giới mãi, trường hợp này biết là sao hơn. Vì muốn trợ duyên cho chúng sinh bớt khổ nên duy trì các lớp tu học để khéo hướng dẫn mọi người vào giới luật đức hạnh, sống một đời không làm khổ mình, khổ người, khổ muôn vật là may lắm rồi. Phải không con?
Thầy xin nhắc nhở con: “Thấy tu sinh nào có ý nói ngoài đề thì nên nói: “Những ý đó rất hay, nhưng xin để hỏi lại ý của Trưởng Lão, chứ đừng trả lời gì cả”.
Vừa rồi có một số tu sinh hỏi về vấn đề cạo tóc và y áo, con dựa vào bản cam đoan mà trả lời thì không sai, đó là nội qui nhập học của tu viện. Nhưng con chưa hiểu biết hết các pháp Yết ma của các Tổ sau này biên soạn, họ chia ra nhiều cấp bậc tu sĩ trong Phật giáo.
Trong thời đức Phật còn tại thế chia ra là bốn giới đệ tử: 1- Tu sĩ nam; 2- Tu sĩ nữ; 3- Cư sĩ nam; 4- Cư sĩ nữ.
Cư sĩ nam gọi là Ưu Bà di và cư sĩ nữ gọi là Ưu Bà Tắt.
Còn tu sĩ nam chia ra làm hai: 1- Sa di tăng; 2- Tỳ kheo tăng.
Còn tu sĩ nữ chia ra làm hai: 1-Sa di ni; 2 - Tỳ kheo ni.
Còn các Tổ chia tu sĩ nam ra làm ba : 1- Tịnh nhân tăng; 2- Sa di tăng 3- Tỳ kheo tăng.
Còn tu sĩ nữ chia ra làm bốn: 1- Tịnh nhân ni; 2- Sa di ni; 3- Thức xoa ni; 4- Tỳ kheo ni.
Khi đọc thư Thầy các con chưa hiểu vững. Thư số 41 là bức thư răn dạy tu sinh cho nên đọc trong lớp cho tu sinh biết để đừng vi phạm, còn nếu vi phạm ba lần khuyên dạy không nghe thì âm thầm ghi vào sổ hạnh kiểm xấu đề ngày tháng vi phạm giới của tu sinh rõ ràng nhưng không cho tất cả tu sinh khác và ngay cả tu sinh phạm giới biết. Chờ đến khi lên lớp, con sẽ mời những tu sinh sai phạm giới gặp riêng rồi báo cho họ biết phải cố gắng tu học có lợi ích cho quý vị và Chơn Thành sẽ không gặp quý vị nữa. Chơn Thành dạy lớp khác và bây giờ Chơn Thành xin xé sổ hạnh kiểm xấu của quý vị. Đối với Chơn Thành chỉ có một lòng yêu thương mọi người không muốn làm cho ai khổ, nhưng làm người đứng lớp dạy phải làm hết bổn phận, phải ghi chép rõ ràng để có lời khuyên sau cùng với học viên của mình.
Còn bức thư số 40 là Thầy trả lời riêng cho cư sĩ Kim Quang, nên nó là thư số 40. Còn thư số 41 là thư răn dạy chung cho tất cả tu sinh nếu tu sinh trong lớp ai có ý kiến tâm sự như Kim Quang thì nên đọc cho họ nghe, còn không thì thôi. Theo thư số 40 xếp lớp cho những tu sinh này để làm bớt sự căn thẳng trong lớp, có lối thoát cho những tu sinh mới làm quen với giới luật. Và những tu sinh nào theo thư số 41 tu tập đúng giới luật thì ghi tên kỹ những tu sinh này để được xếp vào một lớp chuyên tu và ở một khu vực riêng để thực hiện sự rốt ráo của con đường tu.
Một giảng viên rất cực khổ trong giai đoạn đầu của những lớp học Ngũ Giới, vì đây là một lớp học quá mới mẻ, cho nên chưa ai có kinh nghiệm của người đi trước. Con và cô Diêu Quang là những người đầu tiên đứng lớp dạy như người mù cầm gậy dò đường còn Thầy thì ở sau lưng dìu dắt từng bước cho các con. Các con tin rằng Thầy và các con sẽ chiến đấu tận cùng để giành phần thắng lợi thành công về mình, nhất là để chấn chỉnh lại Phật giáo và nguyện đem lại lợi ích cho loài người.
Trách nhiệm của người giảng viên ghi đúng thành tích tu học của học viên để xếp lớp cho học viên được lên lớp hay ở lại là một điều khó, vì học viên nào cũng muốn lên lớp. Được lên lớp tu học đều đều sẽ đi đến chứng đạo, còn xếp lớp sai thì dù có lên lớp cao mà giới hạnh không nghiêm chỉnh thì cũng không chứng đạo. Tu sinh không nghiêm chỉnh giới luật sẽ làm ảnh hưởng xấu cho những tu sinh giới luật nghiêm chỉnh
Con cứ âm thầm ghi ngày tháng phạm giới của những tu sinh vi phạm mãn khoá mời riêng học viên và báo cho họ biết ráng tu học và giữ gìn giới luật tốt hơn. Đó là tình người con ạ! Đức hiếu sinh ở nơi đó.
Vì lớp học quá mới mẻ, trong lớp có điều gì thì giảng viên phải báo cáo cho Thầy hay liền để Thầy hướng dẫn kịp thời. Vì Thầy quá bận nhiều việc biên soạn giáo án để có bài các con học nên không theo giỏi và lưu ý lớp học của các con nhiều được. Vậy các con hãy xem xét mình và các học viên khác có áp dụng những bài học đạo đức vào cuộc sống hay không liền báo cho Thầy biết.
Để trả lời câu hỏi của con:
Người cha có giết con mình không? Câu hỏi này ngoài đề các con có hiểu chưa? Ngoài đề là ở bài học này, chứ câu hỏi cũng có ý nghĩa lắm
Câu hỏi của con phải đặt lại như thế này thì mọi người mới dễ hiểu.
Câu 1: - Một người đàn ông bị mông tinh có phải là người cha giết con không?
Câu 2: - Một người phụ nữ có kinh nguyệt có phải là người mẹ giết con không?
- Không. Vì tinh trùng và noãn châu không phải là con người, nên không thể là giết con, chỉ khi nào tinh trùng và noãn châu kết hợp thành bào thai thì lúc bây giờ nạo móc bỏ thai nhi mới gọi là giết con, còn khi hai chất này chưa kết hợp thành thai nhi thì chưa thể gọi là giết con.
Khi nào các con học đến giới thứ ba tức là các con học đến đức chung thủy thì Thầy sẽ dạy cho các con hiểu. Qua câu hỏi này rõ ràng về đạo đức nhân bản - nhân quả làm người thì các con như người mù rờ voi. Vậy mà không học đạo đức thì quá uổng cho một kiếp làm người. Làm người mà đạo đức của con người không biết thì thật là đáng thương!
Khi người đàn ông ở với người phụ nữ có thai mà truy phong, bỏ người phụ nữ một mình phải chịu nhiều điều đau khổ, để cho người phụ nữ đi đến móc thai là hai người đều có tội giết người, người phụ nữ chịu nhẫn nhục sinh con và nuôi con là người phụ nữ có đức hiếu sinh, còn người đàn ông bỏ con, bỏ người phụ nữ là người đàn ông thiếu đức chung thủy và giết người, còn người đàn ông chấp nhận làm cha và xin cưới cô gái làm vợ là người đàn ông chung thủy, có đức hiếu sinh, còn người phụ nữ chấp nhận móc thai nhi bỏ là người phụ nữ giết người, không có đức chung thủy, không có đức hiếu sinh.
Người thủ dâm chưa phải là người giết con, dù nam hay nữ, vì duyên chưa hợp đủ thì làm sao gọi thành người được mà giết con. Trong Thập nhị nhân duyên dạy rất rõ, phải hợp đủ duyên, một mình người đàn ông chưa đủ duyên làm sao giết người.
Sau khi học lớp thứ III về NGŨ GIỚI thì các con sẽ rõ, còn đây là lớp thứ nhất của NGŨ GIỚI. Nên học ở lớp đức hiếu sinh để áp dụng vào đời sống cho tâm hồn được thanh thản, an lạc và vô sự là lợi ích lớn, còn lớp học này chưa áp dụng đức hiếu sinh mà muốn hiểu mênh mông chẳng ích lợi gì chỉ nói suông chơi mà thôi,
Hành động thủ dâm sẽ dạy các con ở lớp thứ V về NGŨ GIỚI lớp học đạo đức minh mẫn. Dâm dục, thủ dâm, tưởng dâm đều thuộc về loại ghiện ngập như rượu, thuốc lá, thuốc phiện, cà phê v.v...
Làm giảng viên phải thương học viên và học viên phải thương giảng viên vì những ngày tháng gần gũi trao cho nhau những điều lợi ích cho nhau làm sao quên nhau được, khi vui cũng có nhau, khi buồn cũng có nhau phải chia sẻ nhau đừng ôm ấp trong lòng mà khổ đau. Các pháp đều vô thường phải buông xuống đi chỉ có một lòng yêu thương, người nào còn phạm giới, còn sai quấy phải thương nhiều hơn vì con đường giải thoát của họ còn xa lắm. Bởi vậy đức hiếu sinh rất cần thiết cho đời sống tu hành buông xả ly dục ly ác pháp; để tiến đến tâm bất động hoàn toàn, để tiến đến tu tập Tứ Thần Túc. Và như vậy mới làm chủ sinh, già, bệnh, chết không còn khó khăn.
Thăm và chúc con mạnh khỏe sớm đạt được kết quả như ý, nhất là nhớ xả tâm cho rốt ráo, bất động hoàn toàn.
Thầy của con