TÂM THƯ GỬI KIM QUANG
(Trả lời những câu hỏi ngày 6 - 2 – 2007)
Kính gửi: Kim Quang
Vì con khi biết Phật pháp, ít có đi các chùa, do đó cách thức ăn mặc quần áo của người cư sĩ và tu sĩ, con chưa nắm rõ lắm. Con kính mong Thầy giải thích cho con rõ và có thể nhân dịp này làm một qui ước chung cho chúng con luôn?
Ví dụ: khi con biết Phật pháp con quyết định cạo tóc ngắn để xả bỏ coi cái thân này là đẹp và để tránh các duyên đời (vì con còn trẻ). Cho nên có lẻ hai ba năm nay con luôn để tóc như các Thầy. Lần này về tu viện tham gia học con mới biết là trong bản cam kết có qui định cư sĩ không được giả làm tu sĩ. Vậy thì con sẽ để tóc mọc bình thường lại.
Hỏi 1:Con muốn hỏi Thầy rằng các vị tu sĩ để tóc dài đến bao nhiêu thì phải cạo để con biết con sẽ cắt ngắn tới đó, không cắt ngắn hơn mà phạm nội qui của tu viện.
Đáp 1:Tu sĩ Phật giáo mỗi tháng có 2 lần cạo tóc vào ngày 30 và ngày 14; còn cư sĩ cạo tóc cũng vào những ngày đó không có phạm lỗi, vì các cư sĩ cạo tóc là tịnh nhân, người mới tập sự xuất gia, những người ấy xin thế phát chứ chưa thọ giới.
Cư sĩ cạo tóc đều không sao cả chỉ tập sự làm tu sĩ cho nên có nhiều người gọi thầy. Trong Phật giáo danh xưng thầy có nhiều: Thầy Tịnh nhân (Người mới cạo tóc chưa thọ giới), thầy Sa Di (Người thọ 10 giới) thầy Tỳ Kheo (Người thọ 250 giới), thầy giáo: người dạy học văn hóa, thầy cúng: người chuyên cúng bái tụng niệm, thầy đồ: người dạy chữ Nho, Thầy thuốc: người trị bệnh theo phương pháp đông y, thầy bùa: người vẽ bùa trị bệnh v.v...Cho nên tiếng thầy rất thông dụng và có sự tôn trọng, cung kính cũng giống như danh từ xưng hô tôn trọng bằng chú, bác, cô, dì vậy thôi. Danh xưng gọi thầy là một từ xưng hô tốt không có gì đáng ngại con ạ!
Câu hỏi 2: Nếu con sống ngoài đời thì có được cạo ngắn như người tu sĩ hay không? Hay là vẫn giữ đúng nội qui của người cư sĩ ?
Đáp 2:Người cư sĩ vẫn cạo tóc như tu sĩ Phật giáo đều không có tội gì cả.
Câu hỏi 3:Về việc giả làm tu sĩ còn có chiếc áo, hiện con đang mặc áo dài màu nâu (là chiếc áo cô Út cho con) và có 2 bộ ngắn cũng màu nâu. con để ý khi con mặc chiếc áo dài nâu cộng với cái đầu tóc ngắn khi đi đâu ai cũng gọi con là thầy con nghĩ chắc con phải kiếm cái áo dài màu lam mặc để mọi người không bị lầm nữa.
Đáp 3:Y áo của Phật tử có ba màu: Lam, nâu và vàng
Hiện giờ Bắc Tông cư sĩ và tu sĩ đều mặc y áo màu nâu và màu lam, còn màu vàng thì chỉ dành riêng cho tu sĩ thọ cụ túc giới mặc mà thôi, nhưng ngược lại bên hệ phái khất sĩ Sa Di vẫn mặc y áo màu vàng, nhưng y thượng chỉ có hai miếng vải lớn ghép lại. Cho nên hiện giờ con mặc y áo màu lam, màu nâu đều không có lỗi
Câu hỏi 4:Con có hai bộ quần áo nâu ngắn thì có được không Thầy? Hay là phải đổi thành màu lam hết đối với cư sĩ, màu nâu của quần áo chỉ dành cho tu sĩ thôi phải không Thầy?
Đáp 4:Con hai bộ quần áo nâu ngắn thì cứ mặc có sao đâu, Tất cả y áo ăn mặc của cư sĩ và tu sĩ đều do Giáo Hội chỉ định, chứ chúng ta không có quyền.
Câu hỏi 5: Nếu con ăn mặc sai không đúng quy định về việc mặc quần áo đối với cư sĩ thì có cần phải sửa đổi liền hay không?
Đáp 5: Con cứ ăn mặc bình thường vì tất cả tu sĩ và cư sĩ Phật giáo Bắc tông hiện giờ đều ăn mặc như vậy cả.
Câu hỏi 6: Ý con muốn nói là về Sài Gòn mua hay may quần áo màu lam cho đúng rồi mới quay trở lại tu viện học tiếp? Hay là học xong khóa học này rồi sửa cũng được ?
Đáp 6: Có y áo nào mặc cũng được đừng nên may làm chi cho bận tâm tốn hao, chiếc áo không làm nên người tu.
Câu hỏi 7: Khi sống ở nhà con có được mặc quần áo của người cư sĩ không? hoặc chỉ mặc quần hoặc áo thôi? Và màu sắc có quan trọng hay không? Ví dụ hiện nay ở nhà con thường mặc quần nâu. Vậy có sao không Thầy?
Đáp 7: Ở nhà hay đến lớp học đều mặc đồ nâu hay đồ lam ngắn đều được cả, nhưng khi đến lớp học chỉ mặc thêm chiếc áo tràng dài màu nâu hay màu lam.
Câu hỏi 8: Vì lòng từ bi mà mình đến cốc của một tu sinh bị bệnh hỏi thăm. Theo nguyên tắc là phá hạnh độc cư, nhưng vì mình muốn áp dụng đức hiếu sinh vào cuộc sống nên phải phá hạnh độc cư vậy người này phải xử lý ra sao?
Còn điều gì khác con chưa rõ, xin Thầy giảng dạy cho con luôn. Cám ơn Thầy.
Kim Quang.
Đáp 8:Đây là lớp học đạo đức NGŨ GIỚI, chứ không phải lớp CHÁNH NIỆM TỨ NIỆM XỨ nên sự đến thất thăm một người bệnh là một điều tốt, đó là thực hiện đức hiếu sinh.
Các con phải biết phân biệt hạnh độc cư của lớp NGŨ GIỚI không giống với hạnh độc cư cuả Lớp CHÁNH NIỆM, Lớp Chánh Niệm áp dụng độc cư 100% còn lớp Ngũ Giới chỉ áp dụng 50%. Lớp Ngũ Giới là lớp học giới luật đức hạnh thuộc về định Vô lậu, còn lớp Chánh Niệm là lớp học tỉnh thức thuộc về TỨ NIỆM XỨ.
Sau khi năm lớp NGŨ GIỚI được thành hình có nghĩa là: lớp I Đức Hiếu Sinh; lớp II Đức Ly Tham từ bỏ lấy của không cho; lớpIII Đức Chung Thủy; lớp IV Đức Thành Thật; lớp V Đức Minh Mẫn từ bỏ rượu, thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện, xì ke, ma tuý, cờ bạc, cá cược v.v… Các lớp này được thành hình đầy đủ thì vấn đề ăn mặc mới được sắp xếp. Cư sĩ mặc màu gì? Tịnh nhân mặc màu gì? Sa di mặc màu gì? Tỳ kheo mặc màu gì?
Còn bây giờ con mặc như vậy không ai bắt lỗi con được vì đó là lối ăn mặc của người cư sĩ và tu sĩ Phật giáo Đại thừa đã trở thành lối ăn mặc chung của bốn giới đệ tử Phật không ai dám bảo con ăn mặc sai được và cho con giả danh tu sĩ được.
Thăm và chúc con mạnh khoẻ tu tập rèn nhân cách xả tâm tốt.
Thầy của con