Skip directly to content

Chuyển đổi Nhân Quả

Kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ cho rằng độ hết chúng sanh hoặc chẳng nghĩ thiện nghĩ ác thì thành Phật. Vậy thành Phật rồi còn phải tu nữa hay không?

Khi độ hết chúng sanh rồi có làm chủ được thân tâm hay không? Và có chấm dứt tái sanh luân hồi chưa? Cách thức làm chủ bằng cách nào?

Đây chúng tôi xin nhường lời lại cho Tổ Bách Trượng trả lời quí vị, Tổ Bách Trượng dạy: “Chẳng muội nhân quả”. Ở đây quí vị phải hiểu câu nói này, đau là phải chịu đau, chết là phải chịu chết, chứ không thể nào làm chủ được nó. Chỉ chẳng mê muội trước nó là đủ, vì mê muội trước nó là sợ hãi, là buồn khổ, rên la, kêu khóc v.v... Ý của Tổ nói đứng trước các pháp ác tâm không hề dao động là đủ (chẳng mê muội).

Chúng tôi xin lập lại câu nói này để cho quí vị dễ hiểu hơn. Nghĩa là quí vị chẳng sợ hãi trước cơn đau bệnh; trước cái chết; trước cái tai nạn khổ sở là đủ, nghĩa là đừng sợ hãi các ác pháp. Vì quí vị thấy nó là huyễn giả, không thật, là không. Mọi sự vật, mọi hoàn cảnh xảy ra đều là huyễn giả không thật có. Do hiểu biết như vậy quí vị sẽ không sợ hãi. Vì thế Nhị Tổ Pháp Loa bệnh đau rên hừ hừ mà không làm chủ được cái đau, nên khi Tổ Huyền Quang hỏi, Ông trả lời theo kiểu Tổ Bá Trượng: “Gió thổi qua khe trúc”. Tổ Bách Trượng mượn thuyết định mệnh để chứng minh Thiền Tông không làm chủ nhân quả. Câu chuyện Bách Trượng giả hồ, chúng tôi xin lưu ý quí vị, Tổ Bách Trượng mượn thuyết định mệnh chứ không phải là thuyết nhân quả. Còn đạo Phật thì chuyển nhân quả và làm chủ nhân quả nên nó không là số mệnh, định mệnh được. Ví dụ: cùng hai đứa bé nhức răng ôm khóc, một đứa con nhà giàu, một đứa con nhà nghèo. Đứa bé con nhà giàu được cha mẹ đưa đến nha sĩ chữa trị hoặc nhổ chiếc răng hư, đứa này không còn đau nhức chạy chơi vui cười. Còn đứa bé con nhà nghèo, không có tiền đi nha sĩ nên phải chịu đau nhức khóc mãi suốt ngày này sang ngày khác.

Kính thưa quí vị, người giàu có là do phước báo hữu lậu, biết bố thí, cúng dường đúng chánh pháp nên chuyển nghiệp nhân quả được, huống là chúng ta tu pháp môn giải thoát vô lậu thì phước báo vô lậu không thể nghĩ lường như muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống không có luật định mệnh hay luật nhân quả nào cấm cản được sự làm chủ sống chết của chúng ta được nữa.

Kính thưa quí vị, xin quí vị lưu ý chỗ này, lúc nãy Tổ Bách Trượng dùng thuyết định mệnh còn qua câu chuyện chúng tôi vừa kể về hai đứa bé là thuyết nhân quả, mà thuyết nhân quả thì làm chủ được vì nó di chuyển và thay đổi được. Còn thuyết định mệnh thì không thay đổi được vì nó cố định. Cho nên dù có làm Phật thì cũng không làm chủ được cái nhân quả. Như vậy thì quí vị đã phân biệt được luật nhân quả và luật định mệnh phải không? Hai thuyết này khác nhau chứ không giống nhau, nhưng nó chỉ giống nhau ở hành động nhân quả thiện ác mà thôi, còn có sự cố định đó là thuyết định mệnh, còn có sự thay đổi đó là thuyết nhân quả. Ví dụ: Đức Phật, ông Xá Lợi Phất, ông La Hầu La tự tại nhập Niết bàn v.v... Bởi vậy người tu theo đạo Phật đến Tứ Thiền xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì không còn nghiệp đau, nghiệp chết, tác dụng được vì thọ đã bị triệt tiêu trong định Tứ Thiền, như vậy mới gọi là làm chủ sanh tử. Làm chủ sanh tử là làm chủ nghiệp, làm chủ nghiệp là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh là xả thọ, xả thọ tức là đoạn ái, đoạn ái tức là chấm dứt sự đau khổ, còn chấm dứt sự tái sanh luân hồi thì phải thực hiện lậu tận trí. Như trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên Phật dạy: “Vì có thọ mới có ái”, cho nên khi thọ diệt thì ái phải đoạn tận. Ở đây quí vị đã hiểu rõ.

Kính thưa quí vị, đến đây quí vị biết Tứ Thiền là một pháp môn rất quan trọng của đạo Phật trong sự làm chủ sống chết. Phật dạy 37 phẩm trợ đạo đều giúp cho pháp môn này để cho quí vị thành tựu giải thoát cá nhân của quí vị ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ và còn ra khỏi thân đau khổ này. Chúng tôi xin quí vị lưu ý chỗ này thêm, thọ là then chốt của nghiệp ái. Chúng ta tự hỏi nghiệp để làm gì? Nghiệp để cho ai? Xin trả lời nghiệp để cho thọ. Ái để làm gì? Ái để cho ai? Xin trả lời ái để cho thọ. Vậy chúng ta tu hành dùng Tứ Thiền xả thọ thì nghiệp và ái còn tác dụng vào đâu cho nên gọi là diệt nghiệp đoạn ái. Diệt nghiệp là làm chủ thân tâm; đoạn ái là chấm dứt tái sanh luân hồi. Con đường của đạo Phật dạy chúng ta tu hành quá rõ ràng không giống như Thiền Đông độ và kinh sách phát triển. Vả lại chúng ta đã biết: muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở. Hơi thở là mạng sống của con người khi nhập định Tứ Thiền tịnh chỉ được hơi thở tức là làm chủ được mạng sống của mình, một loại thiền định làm chủ sự sống chết rất rõ ràng và cụ thể mà trong thế gian này chúng ta không ngờ lại có một pháp môn mầu nhiệm như vậy.