Người chiến thắng giặc sinh tử
Thầy khép cửa thất lá lại, bắt đầu sống cuộc đời cô đơn và cô độc suốt gần mười năm liền. Người em gái buôn gánh bán bưng chắt mót từng đồng để nuôi mẹ, nuôi anh.
Mẹ Thầy lo nhiệm vụ hộ thất mang cơm xách nước cho Thầy qua khung lỗ nhỏ.
Thời gian lặng lẽ trôi qua mãi, những đĩa rau khoai lang luộc với chén nước tương hoặc nắm muối trắng bên cạnh tô cơm là những gì nuôi nấng chút sức lực còn lại để Thầy âm thầm chiến đấu với giặc sanh tử từ muôn kiếp.
Thầy nhớ văng vẳng bên tai lời của sư phụ (Hòa Thượng THANH TỪ):
“Phật pháp còn hiện hữu ở thế gian bởi vì còn có người tu chứng”.
Đúng vậy, nếu Phật pháp không có người tu chứng thì giáo pháp của ngoại đạo sẽ diệt mất Phật pháp. Bằng chứng cụ thể như hiện giờ Kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Tông của Trung Quốc đã diệt mất Phật pháp ở nước này.
Vì sợ danh dự mà ra đi, nhưng lòng Thầy lúc nào cũng nhớ đến sư phụ: chỉ nguyện dốc hết sức tiến tu đền ơn sư phụ đã chỉ dạy đường lối tu hành quí báu, cũng là để cho Pháp môn Thiền Tông hiện hữu ở mãi thế gian, để cho chúng sinh có nơi nương tựa từ thế hệ này đến thế hệ mai sau và mãi mãi.
Lúc mới dụng công Thầy cũng cố gắng biết vọng không theo, nhưng vọng tưởng chập chùng ngăn che cái biết không hiện tiền, vọng tưởng lừa gạt tuôn chảy mãi. Thầy tự thấy chưa đủ trình độ đi con đường thẳng tắp này nên lui lại áp dụng phương pháp đếm hơi thở. Sau khi đếm hơi thở thuần thục Thầy lại chuyển sang tùy tức, theo dõi hơi thở. Sau một thời gian chuyên chú tăng tiến, sức tỉnh giác đã mạnh Thầy mới trở lại phương pháp biết vọng không theo.
Hồi ở trên CHÂN KHÔNG Sư phụ có đưa một tập sách trong Đại Tạng Kinh chữ Hán bảo THẦY THÔNG LẠC dịch, nhưng Thầy xin được giữ độn công phu, không trọng nghĩa giải.
Bây giờ ở trong thất kín cũng vậy Thầy bỏ hết sách vở, một bề miên mật xoay về nội tâm tỉnh giác. Có những khi Thầy bắt chân lên ngồi liền thấy rõ cảnh vật ở làng xa xa, nhưng không chấp nhận, Thầy xả thiền đi kinh hành. Hôm thầy NHẬT QUANG về thăm quê có ghé thăm thầy THÔNG LẠC. Thầy THÔNG LẠC có hỏi thăm về sự việc này Thầy NHẬT QUANG bảo đó là ngũ ấm ma. Khi Thầy NHẬT QUANG về núi thuật lại cho Sư phụ, Sư phụ có viết một bức thư gửi cho Thầy THÔNG LẠC, nhưng bức thư đó không đến.
Những tháng ngày tiếp nối lặng lẽ trôi qua, cuộc đời bên ngoài biến chuyển rộn ràng, chiến tranh khói lửa ngút ngàn. Đến năm 1975 thì hòa bình lập lại sau cuộc chiến thắng lớn lao của quân đội giải phóng. Cả nước đang nỗ lực góp sức xây dựng lại quê hương sau bao nhiêu năm chinh chiến. Hoàn cảnh lúc này có khó khăn vì mới bước đầu dựng lại nền kinh tế độc lập cho xứ sở và dĩ nhiên sinh hoạt Phật giáo cũng có phần ảnh hưởng.
Tu viện CHÂN KHÔNG chỉ còn vài thầy với Sư phụ, các thầy trẻ tuổi về mở mang canh tác ở THƯỜNG CHIẾU.
Nhưng trong chiếc thất lá đơn sơ này có một bóng người ngồi lặng lẽ, thản nhiên, không bận tâm về các việc khác. Người này đang còn bận phải lập một chiến công oanh liệt nhất là tự chiến thắng mình. Cuộc chiến này chưa ngã ngũ, những tên giặc vọng tưởng vi tế còn lẩn lút đâu đây.
THẦY THÔNG LẠC vẫn kiên trì, không chút lơi lỏng, từng giờ, từng phút, từng giây đều kỹ lưỡng tỉnh giác, không cho sơ hở. Khi ăn, lúc uống, khi đứng, lúc đi, khi ngồi thiền, lúc xả thiền đều miên mật chăm chú.
Một thời gian dài lâu trôi qua như vậy. Một hôm Thầy chợt nghĩ: “Chư Phật thành đạo đều do sức đại hùng, đại lực, bây giờ mình phải khởi phát đại hùng để dứt hẳn vọng tưởng vi tế này”.
Thầy bắt chân lên bồ đoàn ngay thẳng tập trung sức tỉnh giác tột độ, cột trói tâm vào hơi thở, vào mắt, vào tai. Quả nhiên dòng vọng tưởng vi tế bị cột lại cứng ngắt. Thầy dần dần cảm thấy thân thể bị đau đớn quá đỗi, nhưng như con đại tượng đã qua sông không ngó lại Thầy vẫn chịu đựng để mong dứt sạch vọng tưởng cuối cùng.
Khi Thầy thấy dễ chịu và xả thiền thì đã qua mất một đêm không hay, sáng mẹ Thầy mang cơm vào, Thầy nói: “Bây giờ con ngồi thiền nếu mẹ thấy thân con còn ấm thì thôi, còn nếu thấy thân con đã lạnh thì gọi bà con lại chôn con”.
Mẹ Thầy ngỡ ngàng nhìn Thầy rồi lui ra, không tin những điều vừa nghe được. Nhưng những giọt nước mắt của mẹ Thầy rơi xuống, không dấu được Thầy. Thầy thương mẹ lắm, nước mắt của Thầy cũng chảy dài trên má. Thầy tự hứa với lòng mình: phải ráng tu để đền đáp ơn mẹ, ơn nhiều người.
Thầy lại lên bồ đoàn, lại tập trung sức tỉnh giác tột độ như vậy và cảm giác đau đớn lại khởi lên. Vẫn ý chí ngất trời xanh, vẫn tâm nguyện kiên cường như núi đá. Thầy tiếp tục ngồi không lay động. Người mẹ già mỗi ngày mang cơm vào rồi lại mang ra, vì Thầy ngồi mãi không xả. Bà lo sợ, nước mắt lại tuôn rơi, sợ Thầy chết mất, nên đến gần quan sát thì thấy vẫn còn hơi nóng nơi thân của Thầy, nên yên tâm đi ra, nhưng không sao giữ được những giọt nước mắt thương con, Bà thương con lắm, tu hành sao khổ đến thế!
Đến ngày thứ bảy thì Thầy xả thiền, bà mừng rỡ mang cơm vào cho Thầy định hỏi thăm vài điều, nhưng thấy Thầy nhìn bà như nhìn một người xa lạ và không nói câu nào, không bảo đói, không nói khát chỉ ngồi trơ trơ như người từ một thế giới nào lạc vào đây vậy.
Lúc này thầy THÔNG LẠC đang ở trong cái đại tử của nhà thiền, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe nhưng mọi suy nghĩ phân biệt không khởi, có cơm thì ăn, có nước thì uống, chứ không còn thấy đói khát gì cả. Khi ngồi thiền khi xả thiền đều từ thói quen của tay chân tự động, chứ không tác ý. Thời gian đại tử này kéo dài gần hai tháng.
Một hôm Thầy bắt chân ngồi sát bàn Phật mà không biết, đến khi xả thiền kéo chân ra đụng vào góc bàn Phật liền đó tan vỡ. Xem như giai đoạn tu tập Thiền Tông Tối Thượng Thừa đến đây là xong. Nhưng khi trở ra đời sống bình thường, không ở trong trạng thái đại định này thì Thầy thấy tâm mình còn tham, sân, si, mạn, nghi và còn mạnh hơn lúc chưa tu, nhưng tâm rất khôn khéo lý luận che đậy bằng những lời lẽ mà các sư đệ thường gặp trong kinh sách Thiền Tông và Đại Thừa như: “Tự tại vô ngại đói ăn khát uống mệt ngủ liền” hoặc “Vô sở đắc” hoặc “Còn thấy tu chứng là chưa chứng” hoặc“Em là em, Phật là Phật, em không phải là Phật, Phật không phải là em”...
Tu xong rồi tâm vẫn còn phiền não, bệnh đau phải đi bác sĩ, uống thuốc, không biết cách nào làm chủ sự sống chết. Tu hành chỉ có thông suốt tất cả những công án và kinh sách Đại Thừa để làm gì? khi không làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Thầy rất buồn nản, chẳng còn muốn sống, 10 năm tu tập trong thất rất là gian khổ chỉ có một số tưởng giải để lý luận hơn thua, thế là cuộc đời tu hành của Thầy trở thành số không. Nhập vào trạng thái không vọng tưởng thì 18 loại hỷ tưởng xuất hiện, biết chuyện quá khứ vị lai của mình của người rất rõ ràng, nhưng để làm gì đây? Để trở thành thầy bói ư!
Thầy muốn chết đi là xong, muốn vào rừng tự tử cho xong một đời tu hành chẳng ra gì. Tu hành như thế này còn mang nợ của đàn na thí chủ, chẳng ích lợi gì cho ai, chỉ có nói dối lừa người. Ôi! Thật là xót xa vô cùng, phí một đời người chỉ trở thành người nói dối có kinh sách, giới luật thì vi phạm không một giới nào là không vi phạm (phạm giới trong ý). Đúng là chết quách đi cho rồi, nhưng mẹ còn sống mà chết đi là bất hiếu.
Bây giờ Thầy ở trong tình trạng như muốn điên loạn, thầy lấy tập kinh Trung Bộ song ngữ do Hòa Thượng MINH CHÂU dịch ra đọc cho hết thời gian, như khi đọc đến những câu: “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt” hoặc “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô” hoặc “Quán từ bỏ tâm tham…” hoặc “Quán đoạn diệt tâm tham...”. Đọc đến những đoạn kinh này thầy THÔNG LẠC như bừng tỉnh. Thầy áp dụng vào đời sống tu hành của mình ngay liền, Thầy không ngồi kiết già nữa vì ngồi kiết già tâm sẽ nhập vào Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thầy rất sợ 18 loại tưởng xuất hiện, nên chỉ ngồi tựa cửa thất nhìn trời mây cây cỏ mà tác ý: “TÂM NHƯ ĐẤT LY THAM, SÂN, SI CHO THẬT SẠCH”. Nhờ tác ý như vậy tâm Thầy lần lượt quay vào định trên thân, Suốt ngày đêm Thầy không ngủ luôn luôn biết hơi thở ra, vô và cảm giác toàn thân. Chính lúc này tâm Thầy đang quán trên thân tức là Thầy đang tu tập TỨ NIỆM XỨ mà không biết. Tâm định trên thân suốt sáu tháng trời khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống đều biết chỉ có một tâm đó.
Thị Giả Mật Hạnh
Một hôm trên tâm thanh tịnh đó xuất hiện Bốn Thần Túc Thầy liền biết một cách rõ ràng, nhưng cái biết đó không phải là ý thức mà cái biết đó là thức uẩn nên Thầy dùng thần lực đó nhập bốn định Hữu Sắc và thực hiện Tam Minh. Thầy hoàn toàn làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử. Thầy biết rất rõ chỉ còn một đời sống này nữa mà thôi. Tâm Thầy không còn một chút tham, sân, si, mạn, nghi nào cả.
Sau sáu tháng tu tập với câu tác ý đơn giản, mà thành công vĩ đại không ngờ. Sự thành công này mở màn cho nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo ra đời.
Thầy mở cửa thất đi ra làm người chiến thắng vinh quang sau hơn mười năm giam mình trong cô đơn hiu quạnh, Thầy đi đến mẹ mình nói: “Từ nay mẹ khỏi mang cơm vào thất, vì con sẽ ra đây ăn cơm với mẹ! Con đã tu xong rồi”.
Mẹ Thầy vui mừng quá đỗi nói: “Thời gian qua mẹ tưởng con điên mất và nhất là lo sợ con chết”.
Có lẽ lời nguyện hứa từ kiếp nào đã làm tròn, bà cụ ra đi sau đấy ba tháng.
Mẹ ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong nhà chỉ còn lại hai anh em, nên thầy Thông Lạc xin một đứa cháu mới tám tuổi, đặt cho pháp danh là Mật Hạnh, về nuôi, cho đi học và dạy tu hành.
Sau mười năm nhọc nhằn nuôi mẹ, nuôi anh, giờ đây, người em được Thầy giúp đỡ mọi công việc nặng nhọc, đặt cho pháp danh là Diệu Quang và lại dạy tu hành ngồi thiền xả tâm. Đó là hai người đệ tử cư sĩ đầu tiên được quy y với Thầy.