Tổng hợp các pháp theo kiến giải
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, bây giờ chúng ta dừng câu chuyện tại đây để trả lời bức thư của một người Phật tử gửi đến hỏi chúng tôi cách thức tu hành của vị này có đúng hay không. Chúng tôi xin trả lời và xin mời người chủ của bức thơ chú ý nghe.
Trong thư Phật tử đã nêu năm Pháp môn của kinh sách phát triển, gồm có:
1 - Quán tâm theo kiểu Đại thừa
2 - Mật Tông thần chú
3 - Tịnh Độ
4 - Giới Luật
5 - Hơi thở
Phật tử đã tổng hợp 5 pháp môn này làm thành một pháp môn để tu hành. Tuy nhiên trước mắt Phật tử có một lợi nhỏ, tu lâu về sau không nhập được các chánh định của Phật, phần nhiều nhập vào định tưởng. Cách thức mà Phật tử đã trình trong thơ chúng tôi nghiệm xét thấy:
1 - Quán tâm chẳng ra quán tâm
2 - Mật Tông chẳng ra Mật Tông
3 - Tịnh Độ chẳng ra Tịnh Độ
4 - Giới Luật chẳng ra Giới Luật
5 - Hơi thở chẳng ra hơi thở
Trong thư Phật tử còn cho chúng tôi biết kết quả ưu điểm của sự tu tập này:
“1 - Lúc nào con cũng thấy tâm con vui an lạc. Tối nằm xuống là ngủ liền, không trằn trọc, không chiêm bao mộng mị, không cảm thấy nhớ nhung gia đình, lòng dạ rỗng rang vô tư lự như trẻ con.
2 - Trạng thái thiền định của con cũng tốt, không bao giờ bị tán loạn hôn trầm. Con định tâm cũng dễ, đôi khi hơi thở và câu niệm PHẬT của con chỉ còn mong manh nhu nhuyễn như một sợi chỉ. Con chìm đắm trong một trạng thái tĩnh lặng rất dễ chịu, nhưng con vẫn tỉnh chứ không mê. Lúc đó con hoàn toàn không cần một chút dụng công nào. Con chỉ để cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên và nó tự nhẹ lần, chứ con không tác ý”.
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, Chúng tôi xin trả lời gọn và dễ hiểu để không mất thì giờ. Theo lối tu tập của vị Phật tử này không có kinh nghiệm chuyên môn mà chỉ chạy theo an lạc do xúc tưởng hỷ lạc sinh ra. Lối tu này là của Phật Giáo cổ truyền trong các chùa Tịnh Độ thuộc Phật Giáo cổ Sơn Môn, Lục Hoà Tăng theo nghi thức tụng niệm của họ.
Xin thưa cùng quí vị, người Phật tử này đang đi tìm dục lạc mới hay đi tìm thế giới siêu hình thần thông phép lạ trong các pháp môn này thuộc hệ thống kinh sách phát triển hơn là tìm tu giải thoát. Đó là một pháp môn tổng hợp Thiền, Tịnh, Mật của quốc sư Ngọc Lâm trong thời vua Nhà Thanh Trung Hoa. Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa “người Phật tử này đang đi tìm dục lạc mới hay đi tìm thế giới siêu hình thần thông phép lạ trong các pháp môn tổng hợp”. Tu như vậy không phải là người đi tìm sự giải thoát của đạo Phật. Đây cũng là một thứ bệnh tu hành thời đại cầu mong tìm hỷ lạc dễ chịu để trốn khổ trong cuộc sống, hay đi tìm một thứ cao siêu vượt bực khác của con người.
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, trong những ngày nhập thất chúng tôi đã được biết có một số Tăng Ni và Phật tử đều thuộc giới có học thức thế mà lại tu theo pháp môn của ngoại đạo. Những pháp môn này mạo danh là của đạo Phật. Họ thường sống ẩn dật trong núi non luyện tập bùa chú thiền định xuất hồn, thiền định luyện tinh khí thần, thiền định luân xa, thiền định hiển linh vô vi tạo những điều linh hiển kỳ lạ, biến thế giới tâm tưởng thành thế giới siêu hình đầy dẫy linh hồn người chết, ma quái quỉ, Thần Thánh, Tiên, Phật, Trời... Đối với những Phật tử những tu sĩ này thường phô trương tiên đoán chuyện quá khứ vị lai của mọi người, thường làm thầy thuốc nam, thuốc bắc, hoặc bùa chú, hoặc truyền điển linh luân xa để trị bệnh khiến cho mọi người mê tín lại càng thêm mê tín hơn. Họ nói chuyện toàn là khoe khoang sự xuất hồn đi chu du trong các cõi Tiên, cõi Phật và làm những điều thần thông quái lạ khiến cho mọi người say mê thích thú và phục lăn họ, xem họ như Phật sống, như Thần, Thánh, Tiên đang sống tại thế gian vậy. Đó là những hành động dối gạt, bịp người, làm những điều sai trái phạm vào Giới Luật của Phật. Xưa đức Phật thường cấm các đệ tử không được thể hiện thần thông, không được làm những điều kỳ lạ, vì đức Phật cho những thần thông biến hóa và biết chuyện quá khứ và vị lai là những trò huyễn hóa lừa đảo người. Những tu sĩ này đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín dị đoan, và như vậy là xa lìa mục đích tu hành chân chánh của đạo Phật, khiến cho hàng Phật tử lòng dạ hoang mang chẳng biết Phật pháp như thế nào đúng và như thế nào sai. Giống như người đứng trước ngã ba đường, chẳng biết đi ngõ nào.
Hình ảnh Tế Công Phật sống tức là Tế điên Hòa Thượng và Phật sống Cựu Kim Sơn, đó là những hình ảnh tu sĩ ma quái mượn danh nghĩa Phật giáo luyện thần thông trị bệnh làm những điều mê tín, dị đoan, “Cứu thế độ dân”. Đó là những hành động mê hoặc chúng sanh; đó là những hành động phá hoại Giới Luật đức hạnh giải thoát và những oai nghi tế hạnh của đạo Phật. Xưa đức Phật dạy: “ Này các Tỳ kheo, Các Thầy hãy giữ gìn Giới Luật của ta nghiêm túc thì hàng Phật tử sẽ kính mộ các Thầy, thường quì xuống trải tóc dài trên đường cho quí Thầy đi”.
Đối với những hạng tu sĩ ma quái như Tế Điên Tăng và Phật sống Cựu Kim Sơn, hiện giờ có người vẫn còn tin đó là Phật sống và còn phổ biến kinh sách ca ngợi những hạng người này. Họ đâu biết rằng sự sống chết đau khổ của cuộc đời con người là do nhân quả, không thể có một Tế Điên Phật sống nào mà cứu họ được. Cho dù có một ngàn Tế Công cũng chẳng cứu họ được.
Kính thưa quí vị tu sĩ Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, đạo Phật là Đạo làm chủ thân tâm, chứ không phải là Đạo đi tìm sự an lạc tiêu cực trong cuộc sống hoặc đi tìm thần thông phép lạ. Hầu hết quí Phật tử đến chùa tu tập theo đạo Phật là đi tìm dục lạc mới trong tôn giáo hoặc đi tìm sự an ủi tinh thần trong kinh điển vì cuộc sống ở thế gian quá khổ sở, quá cay nghiệt, quá phiền toái, hoặc đi tìm thế giới siêu hình để thoả mãn lòng mơ tưởng của mình. Chính vì thế vô tình quí Phật tử đã dùng tiền bạc sai quí Thầy phục vụ tinh thần trong đời sống của quí vị. Quí vị cúng dường bố thí trai tăng là luôn luôn đòi hỏi quí Thầy phải thuyết pháp giảng kinh hoặc cúng bái, cầu siêu, cầu an, coi bói xem tướng v.v... chứ không bao giờ quí vị đến cúng dường cho Chư Tăng bằng một tấm lòng cầu mong quí Thầy giữ gìn Giới Luật thanh tịnh để Tam Bảo được trường tồn. Quí vị đến chùa là đến với sự trao đổi, chứ không phải đến với tâm giữ gìn Phật Pháp. Còn riêng quí Thầy, chư Tăng, Ni cũng vì vật chất tiền bạc tình cảm cuộc sống cho nên đã để Phật giáo bị đồng hóa theo phong tục tập quán của con người. Từ đó quí Thầy, quí Cô đã sản xuất ra những loại kinh sách cúng bái, tụng niệm như ca hát giọng cao, giọng thấp cúng vong, tiễn linh theo tiếng trống, tiếng kèn, tiếng mõ nhạc dập dìu du dương ảo não ru lòng người đam mê say thích. Tăng, Ni tụng niệm giống như đào kép hát tuồng, khiến cho tín đồ thích thú và còn bày vẽ ra nhiều điều mê tín lừa đảo tín đồ nữa. Gần hết các tu sĩ này đều phạm giới, phá giới luật của Phật. Rồi cũng từ đó quí thầy biên soạn sản xuất ra những loại kinh sách để an ủi người. Phật tử khi đau ốm bệnh tật, khi sân hận thù oán, khi phiền não tái tê, khi ganh tỵ hơn thua và khi tử biệt phân ly. Những kinh sách này không phải để tu hành làm chủ thân tâm giải thoát sanh tử, nó chỉ là nguồn an ủi tinh thần làm dịu bớt cơn buồn khổ. Nhờ đó mà quý Thầy quí Cô mới tiêu thụ được món nợ trai tăng cúng dường của quí Phật tử. Hay nói cách khác là trao đổi.
Phải nói vì vật chất tiền bạc tình cảm và cuộc sống của quý Thầy, quý Cô mà đã biến quý Thầy, quý cô đã trở thành những người phục dịch cho quí Phật tử từ cái ăn cho đến cái đi chơi và mọi sự của quí Phật tử mà quý Thầy và quý Cô đều phải lo hết. Do đó quí Thầy quý Cô phải thức thâu đêm dịch kinh viết sách cho quí Phật tử đọc, quý Thầy, quý Cô cũng nặng đầu bóp trán suy nghĩ tìm mọi cách tạo ra cây cảnh đẹp đẽ để cho Phật tử du ngoạn thưởng thức. Như vậy còn thì giờ đâu mà quý Thầy quý Cô tu hành. Tu hành không phải là một việc dễ làm, phải thường hằng tập sửa những sự sai lầm nơi mình. Phải thường hằng gìn giữ Giới Luật nghiêm túc cho nên không thể một sớm một chiều mà thành tựu được. Vì thế quý Thầy đã trở thành những công nhân viên chức của quý Phật tử mà không hề hay biết. Kinh sách Phật được bày bán la liệt không có vẻ tôn nghiêm ngoài hè phố, ngoài lề đường và cũng vì thế mà người tu theo Phật giáo thời nay rất là hời hợt. Những Giới Luật của Phật giáo con người thời đại ngày nay đã quên hết, chỉ còn biết làm danh làm lợi trên những đống kinh sách này. Đem hết cuộc đời và công sức của mình, bỏ hết thì giờ quí báu, thay vì để tu tập giải thoát khỏi cảnh đời ô trược này thì quí Thầy quí Cô lại chôn mình trong bùn lầy danh lợi hôi tanh, làm mất giá trị Pháp Bảo của Phật.
Quí Thầy, quí Cô nghiêm khắc mình trong Giới Luật thực hiện thiền định sâu mầu là quí Thầy quí Cô đã phổ biến Pháp Bảo quí báu nhất của Phật đến tận hang cùng ngõ hẻm của con người, chứ không phải việc in kinh viết kinh sách bày bán khắp chợ là phổ biến Pháp Bảo. Đó là quí Thầy quí Cô đã ném Pháp Bảo xuống bùn nhơ hôi thối.