NIỆM GIỚI
Niệm Giới như thế nào? Các nhà Đại thừa dạy niệm Giới bằng cách mỗi nửa tháng một kỳ, ngày 14 hoặc ngày 30, họ tập trung nhau lại tụng Giới. Đó là cách thức của họ niệm Giới. Niệm Giới như vậy dù một triệu kiếp tu hành, giới luật cũng không nghiêm trì thanh tịnh được. Họ đâu biết rằng giới luật là hành động sống đạo đức của một vị Thánh tăng, Thánh ni. Nếu họ tụng giới luật suông như vậy thì không có ý nghĩa và lợi ích gì cả. Đó chỉ là hình thức che đậy sự phá giới của họ.
Cho nên hầu hết các thầy Đại thừa niệm Giới như vậy đều sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới.
Các nhà Đại thừa hiểu không đúng pháp Tứ Bất Hoại Tịnh, nên thực hành sai; do thực hành sai mà thân tâm ô nhiễm không thanh tịnh, cuối cùng tu Tứ Bất Hoại Tịnh mà thành Tứ Hoại Tịnh, không có giải thoát chút nào. Vậy, niệm Giới như thế nào cho đúng?
Muốn niệm Giới cho đúng, thì phải học giới luật cho thông suốt; khi giới luật đã học thông suốt, thì chúng ta quán xét và tư duy những đức hạnh nào của giới dạy về đạo đức làm Người, và những giới luật nào dạy về giới đức làm Thánh. Chúng ta đã hiểu rõ các đức hạnh của giới xong, thì từ đó hằng ngày chúng ta quyết tâm phải sống cho đúng những đạo đức làm Người và làm Thánh. Nhờ có quán sát và tư duy như vậy, nên sống đúng giới luật nghiêm túc; do sống đúng giới luật nghiêm túc, nên thân tâm thanh tịnh ly dục, ly ác pháp.
Người tư duy quán sát và sống đúng giới luật như vậy, nên gọi là NIỆM GIỚI BẤT HOẠI TỊNH. Niệm như vậy mới gọi là niệm Giới, chứ không phải niệm Giới theo kiểu các nhà Đại thừa tụng một bài Giới là xong. Niệm Giới như vậy gọi là Niệm Giới Đại Thừa, chứ không phải Niệm Giới Bất Hoại Tịnh.
Đây, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy niệm Giới: “Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm các giới của mình: “Giới không bị bẻ vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán; không bị chấp thủ, đưa đến thiền định”.
Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Giới. Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến giới pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh.
Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản; với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Giới”. (Tăng Chi Bộ III, chương VI - Sáu Pháp, phẩm Đáng Được Cung Kính)
Đây là một trong những bài kinh để xác chứng lời đức Phật dạy. Như vậy mà các Tổ dám cả gan thay đổi, khiến cho người đời sau tu tập sai lạc. Đó là các Tổ dạy sai pháp của đức Phật. Còn những pháp các Tổ bịa đặt ra cũng đều gán cho là đức Phật thuyết. Bởi vậy, từ 25 thế kỷ nay, người ta mang tiếng tu theo đạo Phật, chứ kỳ thật là người ta tu theo đạo của các Tổ. Cho nên hằng triệu vạn người tu hành mà chẳng có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Quý phật tử nên nhớ, nếu chúng ta quyết tâm tu hành tìm cầu sự giải thoát của đạo Phật, thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh là cũng đã thành tựu viên mãn con đường tu tập; có nghĩa là chúng ta sẽ làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, thì cần gì còn phải tu các pháp môn khác.
Còn nói quý phật tử tu Tứ Bất Hoại Tịnh câu hữu với Định Vô Lậu, là nhắc quý vị tư duy, quán xét, suy ngẫm về Phật, Pháp, Tăng và Giới, để chúng ta thực hiện sống cho đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh tăng và như Giới luật đã dạy; để không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Đó là cách thức quét sạch lậu hoặc trong chúng ta, nên mới gọi là câu hữu với Định Vô Lậu. Chứ kỳ thực, chúng ta không có tu Định Vô Lậu, mà tu Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tóm lại, một người quyết tâm tu hành để tìm cầu sự giải thoát thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh là cũng đủ sự giải thoát rồi, đâu cần gì phải tu nhiều pháp môn.
Ví dụ, chúng ta quyết sống như Phật thì khi gặp chướng ngại pháp trong tâm, chúng ta nhất định không sân, không phiền não, không đau khổ. Sống và làm y như Phật thì ngay đó thân tâm thanh tịnh, hay nói cách khác là tâm bất động trước các ác pháp. Tu hành chỉ có như vậy mà thôi, thế mà chẳng ai làm được cả!
Pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn hay tuyệt vời; nếu một người quyết tử tu tập thì sẽ có kết quả ngay liền, không còn phải chờ đợi kéo dài từ năm này đến tháng kia hoặc năm nọ.
Nhưng muốn tu tập pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh, thì chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ các cuốn sách: “THỌ TAM QUY, NGŨ GIỚI”, “GIÁO ÁN RÈN NHÂN CÁCH...” (LỚP TAM QUY, LỚP NGŨ GIỚI... tập I, II, III...). Đó là các cuốn sách dạy đức hạnh sống của đức Phật, của chúng Thánh tăng trong thời đức Phật còn tại thế.
✿✿✿