IV-XẢ VÔ LƯỢNG
Xả là xả bỏ, không dùng nữa, không chấp, dẹp qua luôn. Xả vô lượng là bỏ hết tất cả những pháp ở thế gian (như thầy tu thì chỉ có ba y một bát), không còn một vật gì, hay một chướng ngại nào ở trong tâm. Vậy các pháp ở thế gian là pháp gì? - Các pháp thế gian là pháp trói buộc như mạng lưới mà ta khó thoát ra. Các pháp ấy là: sắc dục, tài sản thế gian, vật chất lớn, vật chất nhỏ, nhà cửa, ruộng vườn, danh thơm, tiếng tốt, tiếng khen, tiếng chê, thức ăn ngon dở, ngủ nghỉ, anh em, bè bạn gần xa, chùa to, tháp lớn, miễu đình, tế tự, cúng bái, tụng niệm, ca ngâm, tủ giường, bàn ghế, ly chén, xoong nồi, ti-vi, radio, tủ lạnh, kinh sách, kiến thức học tập thiên văn, địa lý, toán, khoa học, kinh tế, chính trị học, dịch số, bói toán, và các nghề thợ mộc, thợ may, thầy thông, thầy ký, thầy bùa, thầy cúng... Nói chung toàn bộ các nghề trên thế gian, đụng vào đâu nó cũng dính với ta, đổi nghề nó cũng dính với ta. Từ cái ly cái chén trong nhà cho đến kiến thức, học thuật, tâm ta cứ chấp cái này cho đến cái kia (kiến chấp), làm cho chúng ta không giải thoát. Nếu không xả hết thì nó sẽ làm ta bận tâm (so sánh, chống đối). Ta phải xả hết mọi tri kiến trong đầu của chúng ta, kể cả những kinh sách mà ta học được bấy lâu. Chỉ còn một điều duy nhất trong đầu là xả tâm cho hoàn toàn trong sạch. Được như vậy mới là giải thoát. Nếu trong đầu còn nhớ Phật đã nói như thế này, Thầy đã nói như thế kia là chưa xả. Bởi vậy Phật đã bảo: “Chánh pháp của ta còn phải bỏ, huống hồ là pháp thế gian”. Phải xả vô lượng tâm, vì tâm đụng đâu là dính đó.
Đạo Phật là đạo siêu xuất, và mục đích của đạo Phật là xả, xả vô lượng. Xả cũng là một chi phần của Thất Giác Chi. Xả tối đa được phần nào là tốt phần ấy. Nghĩa là trong giai đoạn I của người cư sĩ, ta phải xả thật sạch, trắng như vỏ ốc mới có thể bước sang lộ trình thứ hai của đạo giải thoát: xuất gia. Nếu người cư sĩ không chuẩn bị xả sạch ở giai đoạn tứ vô lượng tâm, thì khi xuất gia khó mà tu hạnh tỳ kheo. Vì đến đây ta phải tu tập các hạnh khác với người cư sĩ; ta không còn nghĩ đến việc xả cái bàn, cái ly, hay giã từ vợ con, mà phải tập luyện Tứ Niệm Xứ, Tứ Thiền, Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế. Nếu xả kỹ thì khi dụng công miên mật, ta chỉ cần một tuần cho đến hai, hay ba tuần là có thể chứng ngộ (đạt Sơ Thiền). Không xả được thì ta bị trói buộc hoài, bị trói buộc thì làm sao giải thoát? Có những người xuất gia 5 năm, 10 năm, 20 năm mà cũng không xả sạch hoàn toàn (vẫn còn vướng mắc). Do đó, Thầy phải làm gương “ẩn bóng” để xả cho sạch, và để làm gương cho mọi người thấy là xả bỏ tất cả, giã từ tu viện, xa rời đệ tử, không có một chút tài sản nào cả. Nếu muốn làm lợi ích cho chúng sanh thì ở đâu mà không làm lợi ích cho chúng sanh? Cần gì phải ở chùa, làm trụ trì mới độ được chúng sanh. Ở đâu có người tu thì ta đến đó độ họ, xong rồi thì mình đi đến chỗ khác. Cho nên đời sống du tăng, khất sĩ là đời sống tuyệt vời, xả sạch. Đây là nét đặc trưng của đạo Phật; người nào không thực hiện được như thế không phải là tu sĩ đệ tử Phật.
Cần phân biệt người tu chân (xả thật) và người tu giả, không dám xả hết, chỉ xả nửa chừng, hoặc không xả gì cả. Xả dục lạc thế gian thì thầy tu có thể xả được, nhưng chùa miễu thì nhiều người không xả được. Tóm lại, muốn chấm dứt sanh tử luân hồi thì dứt khoát phải buông xả tất cả. Phải nhớ, được thân người rất là khó, nếu không nỗ lực tu hành thì mãi mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
1) TU TẬP XẢ CÁI GÌ?
A- XẢ BỎ NĂM THỨ DỤC LẠC: sắc dục, tiền bạc, danh tiếng, ăn, ngủ.
1- Tránh xa sắc dục, đừng gần gũi người khác phái.
2- Không cất giữ tiền bạc, châu báu. Nó là con rắn độc, khiến cho ta phải nô lệ nó suốt đời. Bởi vậy trong giới luật, Phật cấm các tỳ kheo cất giữ tiền bạc, mà những người mới xuất gia thọ giới sa di cũng không được cất giữ tiền bạc.
3- Tránh xa danh lợi. Nếu ai khen mình tụng kinh hay, mà mình tụng, thâu băng đem phổ biến thì đó là cầu danh. Nếu ai khen thuyết pháp giỏi, mà mình ra sức thuyết pháp hoài thì cũng là danh, là dục lạc.
4- Ăn mỗi ngày một bữa. Phải quán thức ăn là bất tịnh, như thuốc trị ghẻ đói cho ta.
5- Ngủ phải luôn luôn tỉnh thức, không có sợ thiếu ngủ, thèm ngủ. Nằm suốt đêm không ngủ là xả ngủ.
Năm thứ dục lạc này mà ta không xả được thì không bao giờ ta xả được những thứ khác. Nếu ai khen mà ta mừng, gặp gái đẹp mà nhìn, v.v... thì đến khi xả sáu thứ dục lạc thế gian (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) làm sao xả nổi? Nó còn khó hơn ngũ dục lạc rất nhiều. Đây là đối tượng của tâm, nó luôn luôn cám dỗ ta để trở lại phục vụ năm thứ dục lạc ở trên.
✿✿✿
B- XẢ BỎ SÁU THỨ DỤC LẠC: Đó là đối tượng của sáu giác quan: sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp.
1- Sắc: sắc là đối tượng của mắt. Sắc trong ngũ dục lạc là sắc dục, còn sắc trong sáu trần là hình ảnh, sắc tướng của các pháp, như cassette, ti-vi, tủ lạnh, bàn, ghế, ly, tách, nhà, xe, người, vật... những hình ảnh có sức cám dỗ ta, làm tâm ta thích thú, khả ái, khả lạc, khả hỷ.
2- Thanh: âm thanh của người, vật, nhạc cụ làm cho tâm ta thấy khả ái, khả lạc, khả hỷ. Thí dụ thích thú khi nhảy đầm theo điệu Rumba, Twist, Lambada, v.v...
3- Hương: mùi thơm của các pháp có sức hấp dẫn khiến cho ta thấy khả ái, khả lạc, khả hỷ.
4- Vị: mùi vị ngon ngọt, cay, đắng... có sức cám dỗ làm cho ta dễ chịu, ưa thích, khả ái, khả lạc, khả hỷ. Đứa con ăn cái bánh ngon cả tháng mà vẫn còn nhớ, còn thèm, và cứ nhắc hoài: “Chừng nào ba đi chợ, nhớ mua cho con cái bánh hiệu...”.
5- Xúc: Sự va chạm của các pháp sinh ra cảm giác mát, êm, nóng, lạnh, đau nhức, nhẹ nhàng, lâng lâng, say say; cảm giác khoái lạc, cảm giác khó chịu, cảm giác sung sướng, mừng vui, buồn khổ... Người tu thiền mà có trạng thái thích thú say mê là đi vào hang quỉ. Nên nhớ là tu thiền để làm chủ sanh tử, tức là làm cho các hành ngưng hoạt động; sau đó thì ta cho phục hồi sinh hoạt, trở về hơi thở bình thường. Tu thiền không phải là đi vào đó để thọ dụng cái lạc thú của thiền định, mà là để lấy lại sức cho ngày hôm sau tiếp tục làm việc.
6- Pháp: pháp ở đây không có nghĩa là bàn ghế, nhà cửa, mà là sự hiểu biết của cổ kim, nhân loại. Nó bao gồm cả khoa học, toán học, văn học, sử học, thiên văn học, các kinh sách của các tôn giáo lớn trên thế giới và giáo lý của đức Phật. Đó là kiến chấp của người thế gian. Nó lôi cuốn và làm cho tâm ta ưa thích, xem đó là chánh pháp, là đúng pháp, ôm chặt khư khư, cho đó là khuôn vàng thước ngọc. Tu hành như thế khiến cho ta thấy khả ái, khả lạc, khả hỷ, rồi dính mắc không buông bỏ được. Vì thế cho nên mới có tranh luận hơn thua, chia ra pháp này, pháp nọ, không có gì giải thoát. Thí dụ cúng kiếng vào các ngày giỗ, kỵ (ở nhà), hoặc là giỗ tổ (ở chùa), nếu ta không làm thì bị mọi người than phiền, chỉ trích; mà làm tức là bị các pháp trói buộc ta làm nô lệ cho phong tục, tập quán; cho nên phải cương quyết bứt bỏ, mặc cho ai công kích, phản đối. Ta phải nói: “Tôi là thầy tu, tôi không thể làm chuyện mê tín như thế”.
Tóm lại, các pháp thế gian là pháp cám dỗ, lôi cuốn con người đi đến chỗ làm ác, tạo bao cảnh khổ cho nhau. Người ta sát phạt nhau bằng lưỡi gươm, miệng kiếm. Có người chấp vào pháp tu của mình và nói xấu các thầy khác.
✿✿✿
2) CÁCH THỨC TU TẬP XẢ TÂM
Muốn trau dồi tâm xả các pháp thì ta phải làm sao? - Hãy tìm một nơi thanh vắng, tịch mịch như trong rừng, gốc cây, hang đá, khe núi, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, bóng mát, trong chòi lá để tập xả các pháp. Ở ngay trung tâm thành phố thì khó mà xả được, nhất là đối với người sơ cơ.
Sau khi ăn cơm độ hai tiếng đồng hồ, khi thức ăn đã tiêu hóa, lúc không thấy no, ta mới bắt đầu tu tập: ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú, đặt niệm trước mặt, quán sát:
A- SẮC DỤC: Con người ta sinh ra từ sắc dục; nó là con đường sanh tử luân hồi, cho nên, ta phải lấy nó làm đối tượng quán chiếu. Nó là con đường đưa đến đau khổ cho ta và cho người: thương yêu, cưới nhau rồi sinh con đẻ cái, lo nuôi nấng cho con lớn khôn, rồi dựng vợ, gả chồng cho nó. Cả một đời đau khổ! Vậy mà người ta cứ chạy theo sắc dục. Quả là vô minh! Quả là ngu si! Ta phải như lý tác ý:
“Sắc dục là con đường sanh tử của muôn loài, con đường đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Ta phải xả bỏ, từ khước, thoát ly ra khỏi; từ giã, không nên để tâm vướng mắc nó nữa”.
Ngồi yên lặng một lúc thì ta lại tác ý xả nữa, xả hoài cho đến khi nào ta thấy tâm ta hoàn toàn sạch hết thì sự tu tập mới viên mãn.
Đức Phật dạy như thế mà thôi, riêng Thầy, rút ra từ kinh nghiệm bản thân, Thầy dạy cho các con để tu tập rốt ráo, để thấy con đường giác ngộ thênh thang. Nếu không đặt niệm trước mặt, không dùng pháp hướng như lý tác ý thì khó mà xả được tâm này. Nó chờ cơ hội để bùng lên như lửa. Ta phải tu tập hoài để cho nó thấm nhuần tận xương tủy mới thôi, chớ có tưởng ngồi im lặng một lúc thấy khinh an, hỷ lạc mà hài lòng. Hàng ngày các con phải siêng năng trau dồi, tu tập câu này để đoạn tuyệt, dứt tận tâm ái dục. Bản thân chúng ta sinh ra từ cha mẹ ta cũng là do tâm này, cho nên ta cũng không dễ gì mà dứt được nó.
Nếu câu này mà chưa đạt được kết quả (hãy còn dục), thì ta hướng tâm như lý tác ý:
“Sắc dục là bất tịnh, là uế trược, nhớt nhao, hôi thúi, khó chịu vô cùng, tạo muôn ngàn tật bệnh, tai ương, và truyền nối nhau nhân quả luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ dứt; một người để lại muôn người khổ, nối tiếp nhau vô cùng vô tận. Ta phải xả bỏ, xa lìa, viễn ly vĩnh viễn; xem nó như rắn độc, ung nhọt; cho nó là hiểm nguy nhất, là tai họa, là ác độc, là bệnh truyền nhiễm, nan y khó chữa. Dứt khoát từ bỏ!”
Câu sau mạnh hơn, như truyền lệnh thì may ra ta mới có thể xa lìa. Cuộc đời tu hành là cả một sự rèn luyện, trau dồi, chứ không thể nói suông được. Nhắc xong là ta ngồi đó để lặng tâm, giữ tâm thanh thản. Một lúc sau ta lại nhắc nữa, nhắc hoài như đập những nhát búa để cho tâm dần dần thấm nhuần, trau dồi tâm, xả sạch sắc dục; thấy sắc dục là ta hoảng sợ, không dám nghĩ tới. Nếu không thì nó sẽ ngủ ngầm, tạm thời nằm yên, nhưng có dịp là nó len lén ngắm nhìn (người nữ). Tu tập được thì thấy nó như rắn độc, là bệnh tật, là khổ đau, không còn cảm giác thích thú nữa.
Trong kinh Tứ Niệm Xứ có dạy trên thân quán thân, nhưng đây là dạy chung chung, người tu tập chưa nắm vững. Thí dụ Phật dạy trên thân quán thân để khắc phục tham ưu của mình, mà mình không biết lúc nào khắc phục tham ưu, lúc nào khắc phục bất tịnh. Ở đây ta xả cái tâm sắc dục, tâm ái bằng cách đặt niệm trước mặt, tức là trên thân của ta quán thân, quán thân mình và quán các pháp bất tịnh. Sau này có dịp Thầy sẽ giảng rõ hơn, dùng câu pháp hướng nào để phá vỡ cái nào mà ta đang bị vướng mắc. Người đọc kinh sách Phật, không hiểu mà tu tập nay pháp này, mai pháp khác, không có kết quả cụ thể; càng tu càng chán nản, lầm đường, lạc vào pháp tu của ngoại đạo mà cứ tưởng là pháp Phật.
Tóm lại, muốn xả tâm vô lượng ly sắc dục thế gian thì ta phải siêng năng trau dồi tâm xả của ta hằng ngày, không được biếng trễ thì mới xả ly được. Hãy tinh tấn, chớ có phóng dật theo nó; nghĩa là luôn luôn tinh tấn ngăn chặn, nhất là đối với nữ sắc. Đó là điều tiên quyết quan trọng. Đừng có nhìn gương mặt người nữ, đừng có nhìn tướng tá, làn da người nữ, mắt, môi của người nữ. Phật dạy: “Ta không thấy có một pháp nào, lôi cuốn người nam bằng nụ cười, ánh mắt, làn da, hương thơm của người nữ”. Vậy, muốn tập xả tâm này thì ta không được phóng tâm theo nó. Đừng chạy theo nó. Ráng tập luyện xa lìa nó như vậy độ ba tháng sau quý vị sẽ thấy kết quả rất tuyệt diệu. Nếu quý thầy tu tập mà hôm sau gặp các bà, các cô rồi nói chuyện huyên thuyên, thì thà rằng trở về nhà cưới vợ cho xong, ngồi tu cho có hình thức làm gì, vô ích!
✿✿✿
B- XẢ TÂM VÔ LƯỢNG CỦA BÁU, VÀNG BẠC,CỦA CẢI THẾ GIAN: Xả tâm vô lượng là xả tất cả (vô lượng) các pháp. Mà tiền bạc, châu báu là thứ khó xả nhất, bởi vậy, phải tu tập nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Ta nghe chuyện ông Bàng Long Uẩn đem hết của cải, vàng bạc đổ hết xuống sông, nhưng có mấy ai làm được? Có người cho rằng ông ta ngu quá, tại sao không cho người khác. Đó là suy nghĩ không đúng. Ta đã biết nó là tai họa, ta cố chừa bỏ mà ta lại mang cái khổ, cái họa cho người khác hay sao? Ông Bàng Long Uẩn thấu rõ điều ấy, nên ông vứt bỏ không nuối tiếc.
Ta phải ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, dùng pháp như lý tác ý câu này: “Tiền bạc, của cải, châu báu là những thứ vật chất lôi cuốn ta rất mạnh, làm cho tâm ta ưa thích, say mê mà chạy theo, tạo ra biết bao điều tội ác. Người nông dân khó nhọc mới có hạt gạo cho ta ăn; lưỡi cày đã cắt đứt biết bao nhiêu côn trùng, rồi thuốc trừ sâu, diệt cỏ... Đó là cái nghề lương thiện mà còn mang nghiệp sát, huống hồ là những nghề không lương thiện, lường gạt, hãm hại nhau; vì từng đồng bạc mà xâu xé, giết hại nhau”. Nên lấy câu trạch pháp này mà trau dồi nhiều lần để tâm ta thấm nhuần.
“Tiền bạc, của cải, châu báu thế gian là tên chủ độc tài, sai bảo ta làm bất cứ cái gì ta cũng mờ ám vâng theo, tạo ra rất nhiều tội lỗi. Vậy ta phải từ giã, xa lìa ông chủ này để thoát kiếp nô lệ”. Chính nó bắt ta hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, tạo nhiều điều tội lỗi.
Những kẻ xa lìa tiền bạc, của cải, danh lợi mới là bậc chân tu. Khi họ cất chùa to là họ bị đồng tiền sai sử. Ta phải ghi nhớ điều này: người tu sĩ không nô lệ cho ông chủ tiền bạc. Nếu các tu sĩ mà còn cất giữ tiền bạc, tiếp nhận của cải vật chất thế gian càng nhiều thì càng ăn ngủ không yên (sợ vua tịch thu, chính phủ nghi ngờ, kẻ gian vào trộm cướp hãm hại), mạng sống như chỉ mành treo chuông. Vì vậy ta phải xa lìa, dứt bỏ chúng. Phải ghi nhớ mãi câu pháp hướng, như lý tác ý để ta vĩnh viễn xa lìa vật chất chế gian, trau dồi tâm xả vô lượng.
Đó là xa lìa của cải, tài sản lớn. Người tu thì không ham tài sản, của cải lớn, nhưng có người lại kẹt vào tài sản, của cải nhỏ như cái y, cái bát; cố cất giữ cho riêng mình.
Tùy theo đặc tướng của mỗi người mà lựa chọn một trong hai pháp hướng kể trên. Hoặc có thể dùng câu pháp hướng sau đây:
“Tài sản, của cải, vật chất chế gian là rắn độc, ung nhọt, truyền nhiễm. Có ngày ta sẽ bị rắn độc cắn, hoặc bị bệnh truyền nhiễm. Ta hãy xa lánh nó như bị bệnh cùi; đừng cất giữ, đừng tích trữ”.
Tóm lại, cần trau dồi, tu tập tâm này cho đến khi thấm nhuần mới mong viễn ly được tâm đắm nhiễm tiền bạc, châu báu thế gian.
✿✿✿
C- XẢ VÔ LƯỢNG TÂM DANH: Danh là tiếng khen, tiếng ca ngợi, tán thán, tốt đẹp, chứng ngộ, chứng đạo, được trao truyền quan chức, trao truyền tâm ấn, cấp bằng này, cấp bằng nọ, Đại đức, Sư bà, Sư trưởng, Hòa thượng, Thượng tọa, Giám đốc, Phó Giám đốc, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Viện chủ, Pháp chủ, thiền đức, cao tăng, giới đức, Thánh hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ai mà không muốn làm Trụ trì? Ai mà không mong làm Pháp chủ, Viện trưởng? Khi được danh thì người ta thích thú, nên bị thu hút chạy theo danh. Có người quá cuồng loạn rồi thất vọng, tự tử. Có người công danh không thành, tình yêu bị phụ rẫy nên vào chùa đi tu. Có kẻ mơ được cái danh nhỏ như làm thầy thông, thầy ký, thầy giáo, cô giáo (còn hơn là làm đầy tớ bị người ta xem thường). Có người làm Phó Đội trưởng mơ làm lên Đội trưởng; khi làm Đại tá thì mặt cứ ngẩng lên trời, nghênh ngang chẳng coi ai ra gì. Thật ra, những người có quyền có chức cũng là con người như ta. Họ cũng có niềm vui, nỗi buồn, bệnh hoạn, khổ sở như bao nhiêu người khác. Vậy thì tại sao lại phải khúm núm trước kẻ quyền uy? Việc gì mà ta phải sợ hãi?
Có người đi làm từ thiện, kêu gọi người ta đóng góp, rồi cầm tờ giấy khen để khoe thiên hạ là mình đã cúng chùa bao nhiêu tiền, giúp cho bao nhiêu viện mồ côi, đã bao nhiêu lần tạc tượng, đúc chuông, v.v... Nhưng thử hỏi tâm họ có thật từ thiện không? Hay là mở miệng ra thì mắng chửi người như tát nước? Vậy thì ta thương người ở chỗ nào? Chạm tự ái họ là họ muốn giết ta. Có người thì đến đâu cũng có tiền hô hậu ủng, có năm, mười chiếc xe chạy theo hộ tống...
Tóm lại, danh là thứ dục nuôi lớn bản ngã con người. Bản ngã lớn lên theo cái danh vọng, địa vị của người ta. Hôm qua còn làm đầy tớ, ngày nay làm quan thì cái mặt cứ vênh váo. Như người đánh xe ngựa cho Thừa tướng Yến Anh, anh ta cứ tưởng mình là Thừa tướng, nên đi đâu cũng quát tháo, đánh đuổi người ta. May mà anh có bà vợ biết điều, đã sửa đổi tâm tánh anh. Bởi vậy ta phải thường xuyên như lý tác ý. Tâm con người ai mà không háo danh; phải đánh cho nó gục xuống, đừng bao giờ để cho nó có cơ hội vùng lên. Đến phần thực hành, chúng ta cần phải lưu ý, tâm chuyên nhất cảnh. Ta phải chọn một nơi thanh vắng như bãi tha ma, sơn lâm, đống rơm, chòi lá, gò mả, đồng trống, gốc cây, gộp đá. Sau khi ăn cơm xong, nghỉ ngơi độ hai giờ, ta ngồi thẳng lưng, như lý tác ý. Thí dụ:
“Danh là một dục lạc ảo giác, nuôi lớn ngã mạn, khiến tâm ta thường đau khổ, hay tranh cãi, lý luận, phiền nã; ta hãy xả bỏ, từ bỏ, chỉ biết có tu hành thanh tịnh tâm để ra khỏi sanh tử luân hồi mà thôi”.
“Danh là tên giặc hão huyền không có thật. Nó thường lôi cuốn tâm ta tỏ ra những hạnh xấu: hiu hiu, tự đắc, tự cao, tự đại, cống cao, ngã mạn. Ta hãy xem như không có thật. Ta chỉ là một con người như bao nhiêu người khác, một con người rất tầm thường mà thôi”.
“Danh là một thứ dục lạc vô hình, thu hút, cám dỗ ta rất mạnh, khiến cho ta thêm ngã mạn, cống cao, do đó sanh ra ngũ triền cái (tham, sân, si, mạn, nghi). Danh khiến cho ta triền miên đau khổ. Vậy ta phải cương quyết từ bỏ, viễn ly, xa lánh cái danh”.
“Danh là một dục lạc có một ma lực vô hình, cám dỗ, lôi cuốn con người vào trong sanh tử luân hồi. Vậy ta từ phải bỏ, viễn ly, xa lánh cái danh dù bất cứ trường hợp nào”.
Người tu sĩ lãnh đạo tăng đoàn mà lãnh cái danh vào chùa là lãnh rắn độc; rắn sẽ cắn chết chúng tăng. Vậy người tu sĩ phải xa lánh cái danh, cái lợi để cứu lấy chúng tăng và cứu lấy Phật giáo.
Hàng ngày ta phải đặt niệm trước mặt, hướng tâm như thế. Không khéo thì bản ngã ta nó đồ sộ thêm lên theo cái danh ấy. Người tu sĩ phải ghi nhớ là trong năm pháp dục lạc thì danh là hơn cả, khó trị vô cùng. Phải đập bẹp nó, trừ khử nó; đừng để cho nó vùng lên và điều khiển ta.
✿✿✿
D- XẢ TÂM VÔ LƯỢNG TÂM ĂN: Làm người ai mà không thích ăn ngon. Xả cái ăn không có nghĩa là ta ăn muối, mà chính là xả cái tâm tham ăn. Nó là một dục lạc lớn trong đời ta. Nên nhớ: “Ăn để mà sống, chớ không phải sống để mà ăn”. Hãy quán cái ăn như uống thuốc, như trị bệnh ghẻ lở.
Ăn mà thấy ớn, thấy ngán, là bị dục lạc cám dỗ. Ăn mà thấy ưa thích cũng bị dục lạc cám dỗ. Chừng nào không ưa thích ăn ngon, không chê thức ăn dở, không ngán, không ớn là không bị dục lạc ăn cám dỗ.
Tóm lại, ăn là thứ dục lạc ghê gớm (do thức ăn tiếp xúc với vị giác), tạo nên sự ưa thích, cám dỗ khó cưỡng lại. Phàm phu không học thánh pháp và tùy pháp nên thường bị ngã gục trong mặt trận cám dỗ ăn uống này. Chỉ có bậc tu hành, giữ đúng giới hạnh mới thoát ra được. Thí dụ lâu ngày không ăn đường thèm quá, thấy ai mời một ly sữa là phóng tới lấy ngay. Thèm chua, nghe người ta tả trái me chua cũng đủ chảy nước miếng, huống hồ là nghe người ta ăn, nhai nhóp nhép.
Muốn không thèm ăn thì phải thường như lý tác ý để cho thành tựu. Bị cám dỗ bởi cái kẹo, ly nước chanh, hay một viên sinh tố (vitamin) C, hoặc viên thuốc có dạng kẹo (kẹo ho) còn mang tội ăn phi thời, huống hồ là ăn các thức ăn khác. Người tu hành phải diệt trừ cái tâm tham ăn, làm chủ cái ăn, không ăn phi thời. Tu thiền mà ăn một ngày ba bữa thì chừng nào mới làm chủ được sống chết? Người nào còn chạy theo dục lạc ăn, ăn phi thời là phi phạm hạnh, là ngạ quỉ, quỉ sa tăng. Phần đông các tu sĩ ngày nay, từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc đều bị quỷ dục lạc ăn cám dỗ và lôi cuốn xuống địa ngục. Không khắc phục được ma dục ăn thì làm gì tu được chánh thiền, chánh định. Tu sai một hào ly là cách xa đạo giải thoát một ngàn dặm. Đi tìm đạo giải thoát mà tự trói mình trong ăn uống thì giải thoát ở chỗ nào? Người ở thế gian bị lôi cuốn vào cái ăn đã đành, người tu sĩ không giải thoát được cái ăn không thấy xấu hổ sao? Như vậy thì làm sao giải thoát sinh tử? Có người nhập thiền định không ăn uống từ bảy ngày cho đến một tháng mà không chết (sau đó phục hồi dần cơ thể, sinh hoạt lại bình thường). Nhập thiền định một ngày là làm chủ sống chết một ngày, nhập được một tháng là làm chủ sống chết được một tháng.
Người tu làm chủ sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, sầu khổ là chỗ nào? Đó là chỗ lìa được ba cái dục danh, sắc, lợi đã nói ở trên. Ở đây, lìa cái ăn tức là lìa sống chết. Người tu sĩ phải từ bỏ tài sản nhỏ, tài sản lớn, bà con quyến thuộc nhỏ, bà con quyến thuộc lớn, từ bỏ danh lợi thế gian, quyền tước lớn, nhỏ, để sống thiểu dục, tri túc (ba y một bát). Đó là sống như lời Phật dạy: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành”, thì mới giải thoát được sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, sầu khổ, chấm dứt luân hồi.
✿✿✿
E- XẢ VÔ LƯỢNG TÂM NGỦ: ngủ là một trong năm thứ “ngũ dục lạc” khiến cho ta thích thú, ham ngủ. Ngủ cũng là trạng thái ngu si, mê muội, bần thần, giã rượi, lười biếng. Cho nên, người lười biếng là người ham ngủ. Ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, thức khuya, làm việc quá nhiều cũng sanh ra buồn ngủ.
Trong việc tu tập thiền định thì ngủ có nhiều cấp độ:
1- Hôn trầm: ngồi một lúc là gục xuống, rồi lại ngẩng lên.
2- Thùy miên: cúi đầu xuống, quẹo cổ qua một bên và ngủ thiếp đi.
3- Hôn tịch: lúc mê, lúc tỉnh, mơ mơ, màng màng. Thí dụ, ý tu tập đếm hơi thở mà lúc nhớ, lúc quên.
4- Vô ký: chợt quên. Khi quên thì tâm không còn tĩnh giác, vọng niệm liền khởi.
5- Ngoan không: vô ký kéo dài là ngoan không, còn gọi là không ngơ.
Ngoan không là nguyên nhân phát sinh ra trí tuệ Tưởng giải.
Phật dạy người mới tu phải tu Chánh Niệm Tỉnh Thức, kinh hành nhiều (làm cho sức tỉnh thật mạnh), trên thân quán thân theo hành tướng ngoại để sức quán cho vững, và không rơi vào hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký. Không lo tu tập tỉnh thức mà lo ngồi kiết già quán hơi thở, đặt đề mục, ngồi quá lâu cơ thể mỏi mệt, thì hành giả sẽ thiếp dần trong trạng thái mỏi mệt, mất khả năng suy tư, làm cho ngu si, tu hành lạc nẻo mà không hay biết. Cho nên, tất cả những loại ngủ này đều gọi chung là si thiền, si định. Người tu theo tà thiền, định tưởng thường rơi vài năm loại ngủ này, không sao tránh khỏi.
✿✿✿
3) NGUYÊN NHÂN CỦA CHỨNG BUỒN NGỦ
Người tu hành muốn vượt qua năm thứ si thiền này, thì phải hết sức tận dụng khả năng để xả bỏ nó; nếu thấy mỏi mệt mà lo đi ngủ ngay là sai. Nếu ngồi thiền mà rơi vào trạng thái ngoan không là tu sai pháp; phải phá nó đi, đừng cho nó nhập vào thân ta. Vì ngủ cũng có vô lượng hình thức và trạng thái ngủ khác nhau, nên cũng phải có vô lượng pháp để xả ngủ.
- Đi tàu, đi xe bị say sóng, gió, cảm thấy ngây ngây như ngủ.
- Bị cảm gió, thân lừ đừ, nóng, lạnh, v.v... và tất cả những bệnh khác đều có thể làm cho cơ thể uể oải khó chịu.
- Cơ thể lờ đờ, tu sai cũng buồn ngủ. Thí dụ khả năng ta tu tập quán sổ tức chỉ có thể đếm độ 1000 hơi, mà bây giờ ta ráng lên đến 1500 hay 2000 hơi, quá sức của nó thì làm sao không buồn ngủ?
- Khi trụ tâm không đúng chỗ cũng buồn ngủ.
- Làm việc quá sức, mệt mỏi cũng buồn ngủ.
- Sống cô độc, cờ bạc, rượu chè sanh ra buồn ngủ.
- Trai gái dục lạc quá độ cũng sanh ra buồn ngủ.
Vậy, muốn xả vô lượng tâm ngủ thì phải làm sao?
Muốn xả vô lượng tâm ngủ phải tùy theo tình trạng cơ thể mà tu tập hoặc chữa trị. Phải hết sức thận trọng trong việc trau dồi tâm này:
1. Phải biết buồn ngủ trong thân là loại nào.
2. Tùy theo bệnh trạng buồn ngủ mà dùng thuốc thang để trị.
3. Cương quyết, mạnh mẽ dứt bỏ những thói quen xấu, những trò chơi không lành mạnh, có hại cho cơ thể (cờ bạc, rượu chè, vui chơi thâu đêm, sáng hôm sau mệt mỏi ngủ gà, ngủ gật).
4. Phải rèn luyện nghị lực, chiến thắng những trạng thái lười biếng.
5. Lấy nước súc miệng, rửa mặt, hoặc tắm nước lạnh. Phải có biện pháp mạnh để đối trị chứng lười biếng, ham ngủ. (Lười biếng phải lấy roi mà quất cho đau, lấy dao mà rạch, lấy muối mà xát vào vết thương).
6. Ngồi chỗ nguy hiểm để cho tâm sợ chết mà không dám buồn ngủ (ngồi trên chảng ba cây cao, ngồi trên tảng đá cheo leo, sơ sẩy là rớt xuống vực sâu).
7. Đọc kinh sách, tìm hiểu nghĩa lý trong kinh cũng là một cách dứt phá buồn ngủ.
8. Ngồi quán xét, tìm xem chứng buồn ngủ từ đâu mà đến, khiến tay chân ta bần thần, lười biếng như thế này. Quán xét một lúc thì cơn buồn ngủ tan đi.
9. Xem sao trên trời (nếu người thích thiên văn), tìm lý do diễn biến của vũ trụ.
10. Đem một số truyện hình ra xem.
11. Đi kinh hành cho nhiều sẽ không buồn ngủ (tu tập Tỉnh Thức).
12. Tu vô lậu, quán xét vô thường, khổ, không, vô ngã trong thân ta (tu tập Định Vô Lậu, Chánh Niệm Tỉnh Thức).
13. Đi kinh hành trau dồi lòng từ tâm của mình dưới bước chân đi, tránh giẫm đạp chúng sanh. Thí dụ ban đêm đi kinh hành ta không nhìn thấy chúng sanh, khó mà tránh được. Vậy ta phải nhắc: “Ban đêm tôi đi kinh hành, không thấy chúng sanh; xin tránh cho tôi đi!”. Hoặc là câu: “Tất cả các chúng sanh ở dưới chân tôi, hãy tránh cho tôi đi!”. Và “cảm ứng đạo giao nan tư nghì”, khi chúng ta đi đến đâu thì các chúng sanh sẽ tránh cho chúng ta đi. Như vậy ta vừa trau dồi tâm từ, vừa đối trị chứng buồn ngủ lúc đêm khuya thanh vắng.
14. Dùng như lý tác ý: “Cái ngủ này vốn không có trong thân tứ đại này, chỉ do ngu si, mê muội, lười biếng, thiếu tinh tấn nên mới thọ sanh”.
Ngồi kiết già lưng thẳng, quán chiếu để thấy cái ngủ này do đâu mà có. Khi tác ý thì phải như truyền lệnh, dùng hết tâm lực của tinh thần, mạnh dạn làm cho cơn ngủ mau lui bước. Khi đối trị với buồn ngủ thì phải sáng suốt thông minh, nếu không thì chứng buồn ngủ càng tăng, và ta càng vất vả hơn khi chống trả lại nó.
Tu hành theo đạo Phật là phải siêng năng, bền chí, kinh hành nhiều (đức Phật ngày xưa đã kinh hành rất nhiều về đêm, và Ngài ngủ rất ít).
Luôn trau dồi xả tâm ngủ dưới chân mình bằng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Buồn ngủ phải lui đi! Lười biếng phải lui đi!”
Đó là những câu ám thị ngắn mà ta áp dụng khi buồn ngủ và ta đi kinh hành thì sẽ rất tỉnh táo. “Cơn mơ mơ, say say hãy lui đi! Thân tâm phải tỉnh táo!”. Nhắc nhiều lần như vậy trong khi đi, giống như ra lệnh, một lúc sau thì ta hết hôn trầm, thùy miên.
Bấy lâu nay chúng ta khổ sở vì chứng hôn trầm mà không có cách, không có người hướng dẫn để tu tập. Trong giáo án này, Thầy đưa kinh nghiệm của bản thân Thầy để giúp cho quý thầy và các phật tử nương vào đó làm pháp mà tu tập. Nếu tu không có kết quả là tu tập sai, dùng pháp hướng sai; còn nếu theo đúng pháp hành của nó quý vị sẽ thấy hiệu quả tức thì: tất cả hôn trầm, thùy miên đều lui dần; tâm của quý vị sẽ được thanh thản, an lạc, rất tỉnh táo.
Sau đây, chúng ta thử xét xem chứng hôn trầm do đâu mà có, và làm thế nào để phá hôn trầm.
✿✿✿
4) NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN HÔN TRẦM
Người tu thiền thường rơi vào hôn trầm vì nhiều nguyên nhân khác nhau:
1. Lao động chân tay nhiều, hoặc thức khuya mệt mỏi sanh ra hôn trầm; đi xe, đi tàu say sóng, say gió, cảm thấy ngây ngây như ngủ.
2. Tu tập quá nhiều, hoặc tu sai pháp cũng sanh ra hôn trầm.
3. Tu tập quá ít sanh ra lười biếng nên bị hôn trầm.
4. Sống độc cư sanh ra hôn trầm.
5. Uống thuốc chỉ thống sanh ra hôn trầm.
6. Khi tâm bị bệnh, hoặc trụ tâm không đúng chỗ cũng sanh ra hôn trầm.
7. Bị ma chướng hôn trầm.
✿✿✿
5) CÁCH ĐỐI TRỊ HÔN TRẦM
Muốn phá hôn trầm, phải tùy theo mỗi thứ mà phá:
1. Lao động chân tay nhiều sanh ra hôn trầm: người tu tập không nên lao động nhiều và lao động quá sức. Nên nhớ là lao động để mà tu, chớ không phải lao động để hết công việc. Tu tập là sự lao động rất lớn về trí, nếu lao động cơ thể quá nhiều, không thể nào tránh khỏi hôn trầm. Người cư sĩ phải biết giữ gìn sức khỏe, không nên phí phạm sức khỏe trong các cuộc vui chơi trác táng, thức khuya, trà, rượu, thuốc hút, v.v...
2. Tu tập là một sự lao động về tinh thần, nếu tu tập nhiều, tinh thần mỏi mệt dễ đưa đến hôn trầm. Nếu hôn trầm do sự tu tập, thì nên đặt lại thời khóa tu tập cho hợp với sức của mình thì sẽ hết hôn trầm, và càng tu càng thấy thích thú hơn.
3. Tu ít (có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi) sinh ra lười biếng, dễ bị hôn trầm tấn công: nên tu đúng theo thời khóa thì hết hôn trầm.
4. Người mới sống độc cư, cô đơn, không nên ngồi thiền nhiều; đừng nên ở không, phải lao động vừa sức, nhẹ nhàng thì hết hôn trầm.
5. Uống thuốc chỉ thống sanh ra buồn ngủ: nên đi ngủ, khi thuốc tan hết thì hết buồn ngủ.
6. Thân bệnh sanh ra hôn trầm: nên tịnh dưỡng trị bệnh, tu ít lại, xả nghỉ thì hôn trầm sẽ hết.
7. Bị ma chướng hôn trầm thì đi kinh hành, dùng pháp hướng và đem hết nghị lực chiến đấu bằng cách liên tục động thân, hoặc rửa mặt, đi tắm, hoặc làm tất cả những hành động khác; mục đích là giữ đúng giờ, không đi ngủ trước.
8. Còn một cách nữa là trèo lên bồ đoàn, ngồi kiết già, lưng thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, tập trung tâm tại nhân trung, biết hơi thở ra vô tại đó, đồng thời hít vô chậm chậm cho hết sức. Hít vô xong rồi, thì cũng chậm chậm thở ra cho hết. Tiếp tục thở như vậy cho đúng 10 hơi thở thì sẽ hết hôn trầm.
9. Nếu không hết thì còn có một phương cách cuối cùng, là làm cho hơi thở phát ra tiếng kêu, nghĩa là thở mạnh có âm thanh, thở đến khi nào không còn bị hôn trầm mới thôi. (Trích Đường Về Xứ Phật VIII, trang 207-209)
Tóm lại, người tu sĩ đạo Phật bằng mọi cách phải xa lìa năm thứ dục lạc kể trên, để chấm dứt sanh tử luân hồi. Mục đích tu hành theo đạo Phật là làm chủ năm thứ dục lạc, là xả ngũ dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy). Nếu quý vị không xả được năm thứ “ngũ dục lạc” ấy, thì dù cho tu thiền một ngàn năm cũng là ma thiền, tà thiền.
Có nhiều đạo sĩ tu khổ hạnh nhiều năm trên núi, ăn toàn lá cây rừng mà sống được, người ta đem chôn xuống đất mà không chết, dìm xuống nước, đi trên lửa, mặc áo mỏng đi ngoài trời rét dưới -37oC vẫn không hề hấn gì, vậy mà đem thi triển, biểu diễn từ nước này sang nước khác cho mọi người và báo chí xem (còn háo danh!). Người tu chân chính có ai làm như vậy bao giờ?
Đức Phật dạy ta tháo gỡ những khó khăn của kiếp sống để được an vui, giải thoát. Người nào tu tập tứ vô lượng tâm mà còn vướng mắc trong ngũ dục lạc, thì dù cho người ấy có lý luận như thế nào thiên hạ cũng biết; dù có thần thông bay như chim, lặn xuống nước, độn thổ, tàng hình, có bùa chú thần linh kêu mây, hú gió, người ta vẫn biết là ông ta chưa chứng đạo.
Đời sống của một tu sĩ mà ở chùa to, tháp lớn, ăn ngày ba bữa, vật dụng không thiếu thứ gì là đời sống của thế gian pháp. Phàm phu tục tử bị năm thứ dục lạc trói buộc là đời sống phi giải thoát. Tu sĩ mà sống như thế là đời sống phi phạm hạnh, không phải là đời sống xuất thế gian của thầy tu đạo Phật.
Chỉ cần nhìn vào đời sống của tu sĩ thì ta biết ngay là Phật giáo hưng thịnh hay không. Xã hội còn có thầy tu khất sĩ là Phật giáo còn hưng thịnh; nếu có nhiều chùa to, tháp lớn là Phật giáo suy đồi. Khi người tu sĩ Phật giáo mà không lấy ba thánh pháp (Giới, Định, Tuệ) làm chỗ nương tựa vững chắc thì dễ phạm lỗi lầm, không biết xấu hổ trước những lỗi nhỏ nhặt thì chánh pháp phải suy đồi. Khi nào còn các thầy tu xa lìa ngũ dục, sống thiểu dục tri túc, ba y một bát, không nhà không cửa, không có gia đình, tài sản nhỏ, tài sản lớn, là còn những bậc chân tu, giới đức, thiền đức thật sự giải thoát khỏi những dục lạc thế gian, là điềm lành cho Phật giáo; còn đi biểu diễn những trò kỳ đặc chỉ là hình thức mua danh, bán lợi mà thôi.
Để kết thúc bài Tứ Vô lượng Tâm này, chúng tôi xin nhắc lại các điểm sau đây để quý vị lưu ý và tu tập đúng cách để đạt kết quả:
1- Nếu pháp hướng là Ý THỨC thì phải có đối tượng (nghĩa là cụ thể) mới có kết quả; nếu pháp hướng mà trừu tượng thì tu tập nhiều năm cũng không có kết quả. Thí dụ như ta ngồi quán thây ma, bộ xương trắng, thì thực tế không có thây ma và bộ xương trắng trước mặt, chỉ do tâm ta tưởng ra, vậy đề mục đó là trừu tượng; nhưng ta dùng pháp hướng để nhắc tâm là ta áp dụng pháp tưởng đúng cách. Còn tưởng trước mặt có hơi thở ra vô là ý thức chứ không phải là tưởng thức. Quý vị hãy cẩn thận khi áp dụng trong trường hợp này, kẻo dùng tưởng mà cứ cho là ý thức. Dùng lẫn lộn ý thức và trừu tượng thì không có kết quả và đưa đến thiền sai.
2- Khi tu tập thì nội tâm phải an trú trong CHÁNH NIỆM (giữ tâm mình trong chánh niệm). Thí dụ khi trau dồi tâm từ thì luôn luôn phải ở trong lòng thương yêu (trong Tứ Vô Lượng Tâm) mà đặt chánh niệm, không phải trong cái tâm dao động, nhớ cái này, nghĩ cái kia; đặt niệm chân chánh ở ngay trong sự trau dồi. Nếu dùng chánh niệm quán thân bất tịnh mà tu tâm từ là tu sai.
Nên nhớ phải thường xuyên như lý tác ý, không được xao lãng; phải tỉnh thức cao độ, không để cho thất niệm. Phật dạy: “Bị thất niệm là bị ma dẫn. Dù có chánh niệm mà không đúng đối tượng ta đang trau dồi thì vẫn không có kết quả, vẫn bị ma dẫn”. Nếu sức tỉnh thức chưa cao độ thì phải tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định.
3- Khéo léo giữ tâm vững trú trong THIỆN PHÁP, luôn luôn lúc nào cũng thực hiện pháp Phật, vững trú trong thiện pháp; không cho ác pháp chiếm tâm hay đặt chân vào tâm, luôn luôn đề cao cảnh giác.
4- Pháp TỪ VÔ LƯỢNG phải được trau dồi thường xuyên cho được sung mãn, làm cho thành cỗ xe (để rải đi tất cả), làm thành cứ điểm (vững chắc), làm cho được kiên trì (vững bền, không thay đổi), tích lũy (càng nhiều càng tốt). Phải khéo tinh cần, siêng năng thực hành theo lời chỉ dạy, phương pháp hành trì của Thầy, của Phật, thì pháp an lạc sẽ đến với quý vị thật rõ ràng (có kết quả giải thoát).
Phải tu tập rất nhiều, và nhiều cái khác nữa chớ không phải chỉ có bấy nhiêu đó mà đủ sức tỉnh thức, đủ an lạc, giải thoát và thành tựu được tâm vô lượng này.
5- BI VÔ LƯỢNG GIẢI THOÁT cũng tu tập như vậy, làm cho thành cỗ xe, làm cho kiên trì, tích lũy. HỶ TÂM VÔ LƯỢNG GIẢI THOÁT cũng tu tập như vậy, và XẢ TÂM VÔ LƯỢNG GIẢI THOÁT cũng tu tập như vậy. Nhờ đó mà thành tựu được sự giải thoát các pháp trên thế gian này.
Cứ y chỉ theo lời dạy của Thầy, đặt trọn vẹn niềm tin ở Giới, Định, Tuệ và tất cả các pháp môn của đức Phật, mà hôm nay Thầy vạch ra con đường có Lý pháp và Hành pháp rõ ràng, cụ thể. Thầy đã vén sạch màn mây của kiến thức tưởng giải cổ nhân đang phủ trùm trên ba Thánh pháp của Phật (Giới, Định, Tuệ). Ngày nay pháp này không còn ai thực hiện được, chỉ là danh từ suông. Hầu như toàn bộ tu sĩ Phật giáo sống ngược lại và không thực hành đúng pháp này.
6- Nếu quý vị sống đúng và hành đúng theo lời dạy của Thầy, thì lòng thương yêu rộng lớn của quý vị phủ trùm cả không gian và thời gian. Chừng đó thế gian này là Thiên Đàng, và quý thầy sẽ là du tăng, khất sĩ rày đây, mai đó; không có chùa to, tháp lớn. Quý thầy đã phủi sạch sợi dây triền phược, vật chất thế gian. Đời sống của quý thầy rộng bước thênh thang; tâm hồn của quý thầy thương yêu chúng sanh như không gian phủ trùm vạn hữu. Bấy giờ, quý Thầy không phải là Phật, Tổ, A La Hán hay Bồ Tát, mà là một con người như bao nhiêu người khác. Tâm hồn của quý thầy đã hòa cùng với cuộc sống của nhân thế, và mãi mãi bên nhau không xa lìa. Quý thầy là con người giải thoát với lòng thương yêu vô tận. Pháp Tứ Vô Lượng Tâm tuyệt vời như vậy! Một cao tăng thời đức Phật đã thực hiện được Tứ Vô Lượng Tâm, đắc quả A La Hán và được Phật ca ngợi.
Các phật tử cũng như các tu sĩ phải thường hành trì Tứ Vô Lượng Tâm để đạt kết quả tốt. Tứ Vô Lượng Tâm là bước đầu chuẩn bị cho người tu hành tiến đến đạo quả giải thoát rốt ráo. Người đệ tử Phật chân chánh mà tu tập, dù tu theo pháp môn nào cũng phải đi qua chặng đường của Tứ Vô Lượng Tâm và Tứ Chánh Cần (ngăn ác, diệt ác pháp; sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp), nếu không thì chỉ là tu theo ngoại đạo, tu mất gốc hoặc lạc vào thiền tưởng, uổng phí một đời tu mà thôi.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
HẾT