Skip directly to content

NHỮNG CÂU HỎI CỦA PHẬT TỬ

1- Chúng con xin hỏi, mong Thầy hoan hỷ trả lời để chúng con biết niệm Phật như thế nào là đúng như lời Phật dạy, như thế nào là các tổ kiến tưởng giải ra dạy; và tu tập niệm Phật như vậy có ích lợi gì? Kết quả có được Phật Di Đà rước về cõi Cực Lạc hay không?

Như trong kinh Di Đà dạy, niệm Phật bảy ngày đêm tâm không loạn thì thấy được Phật Di Đà và Thánh chúng; đến ngày lâm chung sẽ được đức Phật Di Đà và Thánh chúng đến rước về cõi Cực Lạc Tây Phương. Như vậy có đúng không? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con. Chúng con xin trích ra một đoạn trong kinh Di Đà đã dạy: “Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...”. Lời dạy này có phải là của đức Phật Thích Ca Mâu Ni không?

2- Kính bạch Thầy, gần đây chúng con có đọc một tập sách của sư Hộ Pháp, một danh tăng của hệ phái Phật giáo Nam tông tại Việt Nam, biên soạn theo kiến tưởng giải của một nhà sư Miến Điện; tập sách được lấy tên “Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Phật”.

Trong sách “TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM PHẬT”, có đoạn sư Hộ Pháp viết, con xin trích ra đây: “Thuở bần sư ở xứ Myanmar, một hôm, đọc một tờ đặc san Phật giáo gặp một bài pháp dạy về phương pháp niệm ÂN ĐỨC PHẬT bằng phương tiện xâu chuỗi 108 hột, do một ngài Đại Trưởng Lão (không nhớ rõ pháp danh) đã phát hiện ra 9 ân đức Phật gồm có 108 âm và xâu chuỗi có 108 hột. Ngài dạy phương pháp niệm mỗi âm, đồng thời lần theo mỗi hột. Khi niệm đủ 9 Ân Đức Phật gồm có 108 âm, đồng thời lần theo chuỗi đủ 108 hột... giúp cho hành giả kiểm soát được tâm mình. Còn như các đề mục thiền định khác thì không có tính ưu việt này”. Đây là một phương pháp tu tập ức chế tâm tương tự như các trường phái Thiền, Mật, Tịnh được hướng dẫn trong kinh sách phát triển. Trong cuốn sách này còn có đoạn sư Hộ Pháp nói kết quả tu tập niệm 9 công đức Phật mà con xin trích dưới đây:

Đây là những kết quả của niệm 9 Ân Đức Phật, gồm có:

1. Được phần đông chúng sinh kính trọng.

2. Thiện tâm trong sạch thanh tịnh.

3. Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt không mê muội. Sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người cao quý hoặc chư thiên cao quý.

4. Tái sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng sinh cao quý.

5. Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.

6. Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng yêu quý.

7. Thân có hương thơm.

8. Miệng có mùi hương thơm tỏa ra.

9. Có trí tuệ nhiều.

10. Có trí tuệ sâu sắc.

11. Có trí tuệ sắc bén.

12. Có trí tuệ nhanh nhẹn.

13. Có trí tuệ phong phú.

14. Có trí tuệ phi thường.

15. Nói lời hay có lợi ích...

16. Kiếp vị lai có duyên lành gặp đức Phật, lắng nghe chánh pháp dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh đạo - Thánh quả và Niết bàn”.

Vậy, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con được rõ: đây có phải là pháp môn Phật dạy không?

 

TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI

Trả lời câu hỏi 1: Đọc những đoạn kinh này và so sánh với kinh nguyên thủy của Phật dạy, thì quý phật tử sẽ thấy kinh sách này niệm Phật không tương ưng với lời dạy niệm Phật trong kinh sách nguyên thủy. Lời dạy trong kinh Di Đà không phải Phật thuyết mà của các Tổ thuyết.

Nếu đem lời Phật dạy niệm Phật trong kinh nguyên thủy so sánh với kinh Di Đà dạy niệm Phật thì không tương ưng; mà không tương ưng là kinh sách của ngoại đạo, và như vậy quý phật tử không nên tin theo; không nên tu tập theo.

Trong các kinh Tịnh độ hay dẫn chứng huyền thoại khi người niệm Phật thường hay biết ngày, biết giờ chết. Đó là một loại thiền tưởng do ức chế vọng tưởng mà sinh ra những giao cảm tưởng biết ngày nào chết, mà pháp môn Tịnh độ cho là hay tuyệt. Đối với Phật giáo nguyên thủy thì đó là một phương pháp tỉnh thức trong kinh sách nguyên thủy dạy, rất dễ dàng tu tập không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Tu niệm Phật chỉ mới có tỉnh thức ở giai đoạn đầu: biết ngày giờ chết, đó là một việc thường trong Phật giáo nguyên thủy, còn ba giai đoạn tỉnh thức nữa mà kinh sách phát triển không biết. Người tu theo Phật giáo nguyên thủy là người tu tập làm chủ sinh tử luân hồi, muốn chết hồi nào là chết, muốn sống hồi nào là sống; quyền chết, sống trong bàn tay của họ; chứ đâu phải chỉ có tu tập biết ngày giờ chết là đủ.

Người tu Tịnh độ là tu theo tha lực cầu cúng, chứ không biết cách thức tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Cho nên, mới có những bài sám kệ của những nhà sư Tịnh độ dạy cầu khấn:

Cầu cho tôi chết biết ngày,

Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh.

Cầu cho bệnh khổ khỏi mình,

Lòng không trìu mến chuyện tình thế gian.

Cầu cho thần thức nhẹ nhàng,

Y như thiền định họ Bàng thuở xưa”

Đọc qua bài sám này, thì chúng ta biết pháp môn Tịnh độ là của Bà La Môn chứ không phải của Phật giáo. Vì Phật giáo là một tôn giáo tự lực cứu mình, chứ không cầu khấn ai cả; lấy con người làm chúa tể, tự con người phải cứu lấy con người, chứ không có thần thánh, quỷ ma nào cứu con người được. Cho nên, đức Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo mà thôi”. Đó là điều xác định rõ ràng: những gì trong kinh sách Tịnh độ dạy không phải là Phật Thích Ca dạy. Xin quý phật tử lưu ý để tự chọn lấy con đường tu cho đúng.

✿✿✿

Trả lời câu hỏi 2: Pháp môn niệm Phật trong cuốn sách “TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM PHẬT” của sư Hộ Pháp biên soạn thật công phu, Ngài giải thích từng đức hạnh rất rõ ràng, nên khi mới đọc cứ nghĩ tưởng rằng Ngài dạy niệm Phật là dạy sống đúng 9 đức hạnh của Phật. Nào ngờ không phải vậy. Khi đọc xong sách, mới biết Ngài chịu ảnh hưởng của một nhà sư Miến Điện dạy niệm 108 âm trong 9 đức hạnh của Phật, chứ không phải sống 9 đức hạnh như Phật, như lời Phật dạy trong kinh nguyên thủy.

Ngài dạy niệm công đức Phật cũng giống như các tổ Đại thừa dạy niệm hồng danh Phật. Những phương pháp tu hành đó là những phương pháp ức chế tâm khiến cho tâm hết vọng niệm. Nhưng khi tâm không còn vọng niệm thì hành giả rơi vào một trạng thái tưởng giống như người đang ở trong giấc mộng. Nếu người tu niệm Phật với tâm tham cầu được vãng sinh Cực Lạc, thì thấy Phật Di Đà và Thánh chúng qua hình ảnh của các họa sĩ vẽ trong kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà, kinh Quy Ngươn và kinh Tây Quy Trực Chỉ. Còn tu theo các sư niệm 108 âm trong 9 công đức của Phật, thì khi không còn vọng niệm sẽ rơi vào xúc tưởng hỷ lạc, và lần lượt xuất hiện các loại pháp tưởng giống như thiền sư A-chan-cha của Thái Lan.

Tóm lại, những pháp môn tu hành như vậy có lợi ích gì cho bản thân mình và cho mọi người? Vậy mà các Ngài phải ra công tu tập quá vất vả, khổ sở.

Theo đạo Phật, tu đâu là có kết quả ngay liền đó; tu ít có kết quả ít, tu nhiều có kết quả nhiều. Do tu tập đức hạnh giới luật nên kết quả như vậy. Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy...”.

Kết quả của Phật giáo là lòng yêu thương sự sống của muôn loài; là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

 

HẾT