NIỆM PHẬT
Niệm Phật như thế nào? Các kinh sách Đại thừa và các nhà học giả Phật giáo dạy Niệm Phật là niệm danh hiệu Phật như:
“Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni”, hay: “Nam Mô Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
Niệm Pháp như thế nào?
Kinh sách Đại thừa dạy Niệm Pháp là tụng kinh, tụng chú, v.v...
Niệm Tăng như thế nào?
Kinh sách Đại thừa dạy Niệm Tăng là cúng dường trai tăng, y áo, thực phẩm, tiền bạc và tứ sự.
Niệm Giới như thế nào?
Kinh sách Đại thừa dạy Niệm Giới là mỗi tháng tụng giới hai ngày vào ngày 14 và ngày 30.
Cho nên hiện giờ, trong các chùa theo tưởng giải của các nhà học giả, tổ sư của Phật giáo Đại thừa dạy tăng, ni và các cư sĩ Niệm Phật rất ồn náo, niệm tất cả các danh hiệu của chư Phật mà các nhà học giả tưởng tượng ra; cho nên có vô số tên Phật. Thậm chí như bộ Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân tưởng tượng ra viết theo kiểu tiểu thuyết; bốn thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh Đông Độ là những nhân vật giả tưởng, không có thật; thế mà bộ kinh Hồng Danh Sám Hối lại ghi những nhân vật đó vào để chư tăng, những ngày 14 và 30 mỗi tháng đều niệm và lạy hồng danh chư Phật đó để xin sám hối cho tiêu tội. Trong kinh sám hối Hồng Danh có cái tên Đấu Chiến Thắng Phật; Đấu Chiến Thắng Phật tức là Tôn Hành Giả; Tôn Hành Giả còn có tên là Tề Thiên Đại Thánh; Tề Thiên Đại Thánh là một con khỉ đột nhà tiểu thuyết tưởng tượng ra, chứ không có thật; thế mà các tổ sư Đại thừa xem đó là có thật, nên biên soạn kinh Sám Hối Hồng Danh ghi tên thầy trò Đường Tăng vào để bắt tăng, ni và nam nữ cư sĩ niệm hồng danh các vị ấy và lạy mòn đầu gối. Thật là buồn cười cho quý tăng, ni và cư sĩ u mê ngu si, bị lừa đảo mà không hay biết bị lừa đảo.
Niệm Phật như kiểu này, dù có niệm muôn ngàn kiếp thì thân tâm cũng không bao giờ thanh tịnh. Một bằng chứng hiển nhiên mà ai cũng thấy, quý thầy và quý phật tử trong các chùa quanh năm suốt tháng không có ngày nào mà không tụng kinh, niệm Phật; nhưng chúng ta xét lại xem số tu sĩ và cư sĩ hiện giờ tụng kinh, niệm Phật thân tâm có thanh tịnh hay không? Hay tâm còn tham, sân, si như các người khác? Như vậy gọi là niệm Phật thân tâm được thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh chỗ nào? Đó là tưởng giải của các nhà học giả, tổ sư Đại thừa dạy sai ý Phật nên người đời sau tu mà không có kết quả; biến cảnh chùa, nơi tu hành thanh tịnh thành chỗ cúng tế, niệm danh hiệu Phật. Khi tụng kinh, niệm Phật thì chuông, trống, mõ làm in ỏi ồn náo; tụng kinh như ca hát ý ê, ý à... giọng cao, giọng thấp trầm bổng nghe như hát bộ. Kinh sách Đại thừa biến dần Tứ Bất Hoại Tịnh thành pháp môn tụng niệm; nói cách khác là biến thành ca nhạc Phật giáo để ru hồn tín đồ vào thế giới siêu hình mê tín; gây tinh thần tiêu cực tựa nương vào thế giới tưởng, khiến cho Phật giáo mất hết ý nghĩa tự lực giải thoát. Cho nên, tín đồ hiện giờ nghe vị thầy nào tụng niệm ê a giọng cao, giọng thấp thì rất thích; nghe như nghe âm nhạc thế gian; và còn thích hơn vì thỏa mãn được tình cảm thân thương của mình đối với những người thân đã khuất.
Từ cái hiểu sai như vậy, dẫn đến sự tu sai, khiến cho Phật giáo suy thoái, không còn người tu chứng đạo; chỉ còn là vọng ngữ huyền thoại nói láo chuyền nhau.
“Niệm”, người ta hiểu nghĩa của nó là lặp đi, lặp lại một câu kinh, một danh hiệu Phật bằng ý không lời hoặc phát ra lời nói. Họ còn hiểu sai hơn nữa là nhờ câu niệm Phật để ức chế tâm không vọng tưởng như trong kinh Di Đà dạy: “...Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền”; có nghĩa là niệm Phật A Di Đà từ một ngày cho đến bảy ngày tâm không loạn, tức là không có vọng tưởng, thì thấy Phật Di Đà và Thánh chúng hiện ra trước mặt, báo cho biết trước khi lâm chung đức Phật và Thánh chúng sẽ phóng hào quang rước về cõi Cực Lạc Tây Phương. Hiểu như vậy, nên thầy tổ nào cũng có một xâu chuỗi, lúc nào cũng lần chuỗi niệm Phật.
Từ chỗ hiểu sai Tứ Bất Hoại Tịnh, các nhà học giả Đại thừa và Thiền Đông Độ đã biến thành một pháp môn ức chế tâm. Pháp môn ức chế tâm chẳng giúp cho người tu giải quyết được gì cả, mà còn thêm bệnh.
Niệm Phật trong Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là tư duy, quán xét, suy ngẫm về thân, thọ, tâm và pháp của đức Phật sống như thế nào, mà tâm hồn thanh thản, an lạc giải thoát. Cho nên “niệm”, có nghĩa là tâm tâm niệm niệm về đời sống của đức Phật: Ngài sống như thế nào mà tâm không phóng dật? Ngài sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người?
Khi mà tâm niệm của chúng ta như vậy, khiến cho tâm chúng ta đặt lòng tin trọn vẹn ở đức Phật, do đó, đức Phật sống như thế nào thì chúng ta sẽ cố gắng sống như thế nấy; đức Phật làm như thế nào thì chúng ta sẽ cố gắng làm như thế nấy. Sống và làm đúng như Phật thì tâm chúng ta thanh tịnh, không còn phóng dật; tức là tâm ly dục, ly ác pháp. Tâm ly dục, ly ác pháp tức là tâm giải thoát; hay nói một cách khác hơn là làm chủ cuộc sống, tâm bất động trước các pháp. Như vậy mới gọi là NIỆM PHẬT THÂN TÂM BẤT HOẠI TỊNH.
Đây là một bài kinh dạy cách thức chúng ta Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng và Niệm Giới rõ ràng. Chỉ vì các nhà Đại thừa chẳng chịu nghiên cứu kinh sách nguyên thủy, tự kiến giải rồi dạy Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng và Niệm Giới theo tưởng giải, khiến cho người tu tập ức chế tâm thành bệnh. Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc đâu không thấy, mà chỉ thấy bệnh đau quá hiểm nghèo. Hòa thượng Thiền Tâm là người xương minh pháp môn Tịnh Độ chuyên ròng niệm Phật. Không biết Ngài niệm Phật ức chế tâm như thế nào, mà trước khi chết Ngài đã ói ra máu. Chúng tôi có một người đệ tử cũng tu ức chế tâm để tịnh chỉ hơi thở cũng khạc ra máu đống.
Muốn niệm Phật cho đúng, thì chúng ta nên lắng nghe đức Phật dạy niệm Phật: “Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai”. (Tăng Chi Bộ III, chương VI - Sáu Pháp, phẩm Đáng Được Cung Kính)
Đoạn kinh trên đây đức Phật đã xác định cách thức niệm Phật rất rõ ràng: “Tuỳ niệm Như Lai”. Có nghĩa là tâm Như Lai không tham, không sân, không si thì người sống (niệm Phật) như Phật không nên để tham, sân, si chi phối. Khi tâm không bị tham, sân, si chi phối thì tâm được chánh trực. Danh từ “chánh trực” ở đây chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Chánh trực có nghĩa là tâm ngay thẳng; tâm ngay thẳng tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự; tức là tâm không phóng dật.
Chúng ta hãy lắng tai nghe đức Phật dạy tiếp: “Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, liền được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người ấy có hân hoan nên, hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.
Đoạn kinh trên đây đã xác định cho chúng ta thấy kết quả cách thức sống như Phật sẽ hiện ra những trạng thái gì.
Khi sống như Phật, tâm được thanh thản, an lạc và vô sự thì liền có một niềm tin nơi Phật hiện ra trong ta, khởi lên trong ta; vì thế kinh xác định trạng thái bằng những danh từ ngắn gọn: “liền được nghĩa tín thọ”, nhưng rất đầy đủ ý nghĩa cho những ai thực hiện đúng lời dạy; còn những người sống không đúng như Phật thì chẳng hưởng được những kết quả này. Vì thế, Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”.
Khi trong ta có trạng thái lòng tin Phật khởi lên, nếu ai có thực hiện được mới biết trạng thái này, một trạng thái tuyệt vời của người có lòng tin như thật. Còn bây giờ chúng ta chưa có trạng thái này, nói tin Phật chứ chúng ta chưa có tin như thật. Khi nhận được cảm thọ lòng tin này thì ngay đó tâm hân hoan thích thú pháp Niệm Phật.
Vậy hân hoan thích thú pháp Niệm Phật là gì? Nghĩa là chúng ta luôn luôn thích sống như Phật, có nghĩa là tâm chúng ta không còn ham muốn một vật gì hết; tâm cũng không còn ham muốn ăn uống gì cả. Tâm sân cũng vậy, không còn một pháp ác nào tác động vào thân tâm làm ta nổi sân được. Và si cũng vậy, lúc bây giờ không còn ham thích lười biếng, ưa ngủ nghỉ. Có nghĩa là trong trạng thái tín thọ không còn có hôn trầm, thùy miên, vô ký nữa; mà rất siêng năng sống như Phật. Cho nên đoạn kinh dạy: “Được hân hoan liên hệ đến pháp”. Cụm danh từ này có nghĩa là vui mừng thích thú sống như Phật.
Khi trong tâm có trạng thái thích sống như Phật thì một trạng thái khác hiện lên, đó là trạng thái niềm vui mừng khởi lên trong ta như kinh dạy: “Người ấy có hân hoan, nên hỷ sanh”. Niềm vui mừng hiện rõ trong ta thì cơ thể ta an lạc và nhẹ nhàng như không còn trọng lượng, bước đi rất thoải mái, thân không còn đau nhức hay mệt mỏi gì cả, một trạng thái của thân an lạc vô cùng, nên kinh dạy: “Người có hỷ, nên thân được khinh an”. Đúng vậy, người có niềm vui thì thân được nhẹ nhàng an lạc. Khi thân được nhẹ nhàng an lạc thì toàn bộ thân tâm có một cảm giác thọ lạc một cách kỳ lạ mà không thể nói ra được, vì không có danh từ nào để diễn tả, chỉ có người tu tập đến những trạng thái đó mới cảm nhận được, như người uống nước nóng lạnh tự biết, người ngoài cuộc không thể biết được. Đoạn kinh đã xác định rõ ràng: “Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ”. Trong trạng thái lạc thọ này, hành giả mới xác định được tâm định tỉnh. Từ lâu, mọi người ai cũng nói tâm định tỉnh, nhưng chưa ai biết được trạng thái tâm định tỉnh như thế nào. Phải trải qua bao nhiêu trạng thái như vậy mới thấy được tâm định tỉnh.
Với tâm định tỉnh này, các bạn sẽ nhập thiền định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức. Tu tập được tâm định tỉnh không phải dễ đâu các bạn ạ!
Sống như Phật, cuối cùng chúng ta mới có được trạng thái tâm định tỉnh như trong kinh dạy: “Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”. Nếu tâm bạn chưa có lạc thọ thì không bao giờ bạn có được tâm định tỉnh.
Sau khi được tâm định tỉnh, thì các bạn mới có một cuộc sống bình thản trước mọi ác pháp và mọi cảm thọ; chừng đó chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh như thật; chừng đó tâm chúng ta mới bất động thật sự trước các ác pháp và các cảm thọ. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản; với mọi người não hại, vị ấy không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập Niệm Phật là vậy”. (Tăng Chi Bộ III, chương VI - Sáu Pháp, phẩm Đáng Được Cung Kính)
Đến đây, các bạn đã thấy rõ, phương pháp niệm Phật của Phật giáo nguyên thuỷ không giống phương pháp niệm Phật của kinh sách Đại thừa. Niệm Phật của kinh sách Đại thừa là phương pháp niệm Phật ức chế tâm nhằm chế ngự vọng tưởng: “Thất nhựt nhất tâm bất loạn...”. Đó là một phương pháp niệm Phật của ngoại đạo. Chúng ta tu theo Phật hãy ném bỏ nó, vì đó là phương pháp tu tập sai. Xin các bạn cần lưu ý để tránh sự lừa đảo của ngoại đạo.
Trên đây là một trong những bài kinh đã xác định đức Phật dạy niệm Phật rõ ràng “dựa vào Như Lai”, có nghĩa là sống giống như Như Lai thì đó là NIỆM PHẬT đúng nghĩa.
✿✿✿