Skip directly to content

II-BI VÔ LƯỢNG

Bi vô lượng là lòng thương vô bờ bến trước nỗi khổ của chúng sanh. Người có lòng bi không đành lòng ngồi yên nhìn sự thống khổ của chúng sanh. Đành rằng sự đau khổ của thế nhân là cái duyên nhân quả, nhưng lòng bi không cho phép chúng ta làm ngơ. Phải dùng lời khuyên bảo, thăm hỏi, có hành động cứu giúp (khi thấy con vật bị gãy chân, ta ôm nó vào lòng, xoa nhẹ trên vết thương). Đừng sợ mất thì giờ trong cuộc đời ta, khi phải lo giúp đỡ cho người và cho vật. Hành động đó, thời gian đó quý báu hơn là vàng bạc, ngai vàng của nhà vua. Làm được việc ấy, thì lòng ta cũng cảm thấy hân hoan. Vàng bạc, của báu không thể đem lại nguồn vui lâu dài bằng niềm vui giúp người, vật bị lâm nạn, đau khổ.

Nên nhớ, khi giúp cho chúng sanh được an vui, hạnh phúc, ta cũng tìm cách giúp cho chúng sanh xa lìa nhân ác để sống vui, chứ không phải chỉ giúp họ khi họ bị khổ. Và khi họ cứ rơi vào đường khổ thì phải dạy cho họ hành động thiện, tập nhân tốt để tránh quả khổ. Lúc còn ở Hòn Sơn, Thầy đã lấy cái que can hai con kiến ra, mà nó vẫn cứ xáp vô đánh nhau hoài. Cuối cùng, Thầy phải can ra và cách ly hai con vật xa thì chúng nó mới hết cơn giận. Con vật mà như vậy, huống hồ là cơn sân hận của con người!

Khi chúng ta trau dồi tâm từ, là ngăn ngừa những điều kiện có thể làm cho chúng sanh đau khổ, còn trau dồi tâm bi là nhắm ngay vào sự đau khổ của chúng sanh để mà xoa dịu, an ủi. Muốn được như vậy thì lúc nào ta cũng trau dồi, nhắc nhở tâm ta: “Hãy thương người đang sân”. Khi nào rảnh rỗi thì phải tự nhắc tâm như thế, chớ không phải đợi đến lúc sân hận nổi lên mới áp dụng. Nếu thường xuyên thực tập, nhắc nhở như thế, thì khi thấy một người đang sân với ta, ta mới có thể thương được.

Hãy thương người đang bị bệnh khổ”. Nhiều lúc ta cứ tưởng là ta thương người, nhưng thật ra ta không thương người bằng ta thương ta. Đó là một trạch pháp mà ta phải thường áp dụng để nhắc nhở tâm mình.

Hãy thương người đang buồn khổ”. Nhắc tâm như thế để ta tìm cách giúp đỡ người, đồng thời cũng gợi được nơi ta lòng thương người đang buồn khổ.

Hãy thương người có tai nạn”. “Hãy thương người trộm cắp”. Đó là những câu trạch pháp mà ta thường áp dụng để nhắc nhở, và tìm mọi cách để chỉ cho họ thấy cái nhân đau khổ để họ không còn tham lam, trộm cắp nữa. Vì thương người, nên khi thấy người đến trộm cắp của ta thì ta không giận mà còn thương hại họ. Nếu ta không thường trau dồi lòng bi thì ta có thể bắt họ bỏ tù.

Hãy thương người đang si mê”. Người đang uống rượu, hút thuốc, cờ bạc, v.v... là người đang si mê. Giả sử có người đến chửi mắng ta, hỉ mũi quẹt cột, khạc nhổ, và còn gọi là “Thầy chùa này, thầy chùa nọ”, liệu ta có chịu đựng nổi không? Lúc ấy ta phải nhắc tâm, ta hiểu là họ đang mê muội thì ta thương hại họ. Nếu tha thứ được cho người thì ta sẽ không khổ.

Hãy thương người đang tị hiềm”. Khi biết có người tị hiềm, tìm cách nói xấu ta mà ta không giận họ, trái lại còn thương hại họ.

Hãy thương người đang cống cao, ngã mạn”. Kẻ nào cho rằng mình hiểu biết tất cả và đã chứng ngộ là người đang si mê, cầu danh, chấp ngã rất nặng. Do đó ta tránh tranh luận với họ, để đem lại sự an ổn cho ta và cho người.

Hãy thương người tàn tật”. Trong khi có sáu căn đầy đủ, hãy thương yêu những người khốn khổ, sáu căn khiếm khuyết; hãy tặng cho họ một món quà nho nhỏ như cục xà bông, kem đánh răng hay cái bàn chải cũng đủ an ủi họ.

Phải thường xuyên trau dồi, nhắc nhở tâm, nếu không nó sẽ quên đi vì nó bận đeo đuổi theo những sinh hoạt của người đời.

Hãy thương người già yếu”, vì một ngày kia ta cũng sẽ như vậy. Kính cho họ lối đi, nhường cho họ chỗ ngồi, đưa họ băng qua đường.

Hãy thương tất cả chúng sanh”, vì tất cả chúng sanh đều đau khổ.

Ta hãy đặt một tình thương rộng lớn (từ vô lượng, bi vô lượng), từ đó tâm ta lúc nào cũng an vui với vạn hữu. Tình thương đầy khắp tất cả, chan hòa nơi nơi, và ta sống thảnh thơi, an lạc trước vạn hữu, và thường xuyên trau dồi tâm bi vô lượng của ta.

✿✿✿